Giáo dục - Lực bất tòng tâm?

03:51 CH @ Thứ Bảy - 23 Tháng Tám, 2003

Nhiều điều xã hội kêu ca về chuyện học thường được nghe thanh minh tại lực bất tòng tâm. Rồi ai cũng hiểu ta thừa tâm, chỉ thiếu lực. Lực là tiền, là cơ sở vật chất để thực hiện cái tâm. Còn cái tâm là gì?

Nôm na ai cũng hiểu cái tâm là tấm lòng. Còn gì nữa? Vì sao trẻ em đi học lại gọi bằng khai tâm? Vậy là nội dung của cái tâm còn là sự hiểu biết. Để cho đầy đủ hơn, cũng nên thấy cái tâm gồm những hai phần, sự hiểu biết và tấm lòng.

Hiểu biết về giáo dục bắt đầu từ hiểu biết người học. Ta đã hiểu đầy đủ trẻ em chưa? Có thể thấy câu trả lời trong chuyện làm đồ dùng dạy. Có những nhà giáo dục làm và bán đồ dùng dạy học bằng tư duy cũ. Theo thói quen, người ta làm và bán những bộ chữ A B C và con số 1 2 3. Chưa mấy ai chịu nghĩ xem vào thời công nghiệp hoá và hiện đại hoá này con em cần những đồ dùng gì khác nữa? Các em thiếu quá nhiều hiểu biết thế nào là ông đầu rau, là cái kiềng, là chiếc khăn mỏ quạ, là cái mõ, là cái giỏ cua, là đồng tiền Vạn Lịch, là vô số tài liệu nơi gửi thân của văn hoá tinh thần đang biến mất dần trong cuộc sống. Vậy thì nên chăng chấm dứt dùng nhựa đùn ra những chữ A, B, C và những con số 1, 2, 3 để làm những gì giúp các em nhìn thấy và sống được cùng Tấm Cám và người xưa?

Còn điều này nữa cũng đáng nói. Lâu nay vắng bóng dần cung cách thầy cô và học sinh cùng vui chơi văn nghệ. Các trường bây giờ hình như rủng rỉnh tiền, nên có xu thế thuê ca sĩ và dàn nhạc biểu diễn. Xin mách nhỏ chuyện này: các trường quốc tế ở thủ đô mỗi khi vui chơi văn nghệ thì vẫn chỉ cây nhà lá vườn, mà cực kỳ vui. Các nhà sư phạm am hiểu tâm lý trẻ em đó không chịu để một em học sinh nào rơi vào mặc cảm mình bị gạt ra rìa và kém bạn. Họ được dạy từ trường sư phạm để biết cách làm cây nhà lá vườn.

Thế mà Quyết định 2493-GD-ĐT ngày 25.7.1995 và Quyết định 3049-GD-ĐT ngày 1.9.1995 ban hành mục tiêu, kế hoạch, chương trình sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và các tài liệu ban hành kèm lại quy định: "Trang bị một cách có hệ thống và rộng cho giáo sinh" những "khái quát nghệ thuật âm nhạc thế giới"; "giới thiệu và nghe tác phẩm một số nhạc sĩ tiêu biểu như J.S.Bach, Mozart, Beethoven, Shubert, Chopin, Tchaikovxki"..., học các "khuynh hướng âm nhạc hiện đại (jazz, pop, rock)", và cả "nhạc phi điệu tính" nữa! Còn về mỹ thuật, chương trình đào tạo sư phạm dự kiến dạy "Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và thế giới"; "đi sâu vào giới thiệu danh hoạ và tác phẩm tiêu biểu của một số khuynh hướng nghệ thuật"; "phân tích tác phẩm hội hoạ và điêu khắc"...

Thử hình dung cách đào tạo sư phạm như thế có giúp thầy cô đủ sức tổ chức cho học sinh mình đuổi kịp và hội nhập, tiến lên hàng đầu không. Liệu với những dẫn chứng tạm như vậy, có ai còn thích đổ tội cho lực bất tòng tâm chăng?

LinkedInPinterestCập nhật lúc: