Giáo dục của chúng ta đang đi sau các nước hàng chục năm

03:51 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Mười Một, 2003

Giáo dục đang giậm chân tại chỗ

Được mấy năm các trường áp dụng giáo trình đại cương hai năm rồi sau đó lại bỏ và trở lại như cũ. Nhìn sâu hơn một chút vào các trường như ĐHSP, trong khi các trường phổ thông đang tiến hành CCGD, thì các trường này vẫn không có đổi mới gì, vẫn là giáo trình từ mấy chục năm trước, vẫn là những quan niệm về giáo dục cũ kỹ. Một giáo sư người Việt là Nguyễn Công Thành ở Trường đại học công nghệ Queensland Ôxtrâylia đã nhận xét: “ Những tài liệu giảng dạy bổ trợ ĐH thiếu thốn đã làm cho kiến thức hầu như không thay đổi gì trong nhiều năm. Nhìn lại các bộ đề thi do Bộ ĐH ra qua 20 năm hầu như không có gì thay đổi. Giáo trình giảng dạy của nhiều giảng viên hầu như không thay đổi và không cập nhật kiến thức mới ”. Nhiều thiết bị phòng thí nghiệm vẫn đang ở tình trạng nguyên như những năm 60. Ở vài trường trọng điểm có được hiện đại hóa thiết bị, nhưng do nhiều nguyên nhân trong việc cung cấp mua sắm, nên lại không đồng bộ, mua về để đấy, chỉ 2, 3 năm sau đã trở nên lạc hậu rồi. Có trường hợp do cơ chế tổ chức, do tư tưởng bản vị, coi là của riêng bộ môn nên công suất sử dụng không hết, trong khi các bộ môn khác không có để thí nghiệm. Ở các trường ĐH các tỉnh thì tình trạng trang thiết bị, thí nghiệm còn thiếu thốn và lạc hậu thảm hại hơn nhiều lần, gần như học chạy. Về tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đối với các trường ĐH vẫn như là một thứ xa lạ. Đã có trường ĐH nào 100% cán bộ giảng dạy và sinh viên biết và được sử dụng mạng để truy nhập bổ sung kiến thức miễn phí? Phương pháp học tập thì vẫn là thuyết trình nhồi nhét, thụ động, chưa tăng cường đối thoại trao đổi, chưa dạy cho sinh viên cách tự học, tự tìm kiến thức trong sách vở đọc thêm, trên mạng Internet Về phương pháp giảng dạy thì nhiều khi vẫn còn là việc đọc chép như ở phổ thông. Trong nhiều trường ĐH, luận văn tốt nghiệp của sinh viên lặp lại, thậm chí có sinh viên đi mua, thuê người làm hộ.

Thiếu thầy và thiếu thầy giỏi

Nguy cơ lớn nhất của tất cả các trường ĐH hiện nay là thiếu thầy và chất lượng cán bộ giảng dạy chưa cao, có trường tỉ lệ thầy trên sinh viên đã lên tới 1/100 (!). Gần đây trong hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học ở ĐH và CĐ ngày 7 và 8 tháng 3 tại Vĩnh Phúc đã nêu lên tỉ lệ cán bộ giảng dạy so với sinh viên trong nhóm trường kinh tế - luật là 1/71 sinh viên, trong nhóm trường xã hội là 1/51 sinh viên. Tại nhiều trường ĐH, cán bộ giảng dạy phải dạy đến 18 tiết/tuần không khác gì ở phổ thông. Tại trường ĐH Vinh để dạy 2000 sinh viên về môn Sinh vật, chỉ có 20 thầy; ở trường ĐH Đà Lạt hay Quảng Ngãi cũng vậy, như thế còn đâu thời giờ để nghiên cứu, nâng cao chất lượng. Thiếu thầy và nhất là thầy giỏi, nhiều giáo sư giỏi đã đến tuổi về hưu, đội ngũ kế cận trong vòng hơn 20 năm qua không có chiến lược đào tạo để bổ sung. Trong những năm gần đây số sinh viên giỏi ở các trường không chịu ở lại để giảng dạy, xin việc ở các công ty liên doanh nơi có lương cao, còn ở lại trường do nhiều nguyên nhân, nên trình độ không đáp ứng yêu cầu của người cán bộ giảng dạy ĐH. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 1999 thì tỉ lệ cán bộ giảng dạy ĐH là tiến sĩ khoảng 3%, phó tiến sĩ khoảng 30%, thạc sĩ khoảng 15%. Có thể nói sau 40 năm phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ lại trở lại như tình trạng ban đầu vào những năm 60, là trình độ thầy chỉ nhỉnh hơn trò có một chút, không đồng đều, như vậy thì nói gì đến chất lượng được nâng cao. Tuy mỗi năm có nhiều chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngoài nước, nhưng ít người muốn đi học vì nhiều lý do hoặc do ngoại ngữ quá kém không thi được. Còn tình trạng đào tạo thạc sĩ ở các trường thì cũng không khác gì như cử nhân, nhiều chuyên đề giáo trình không có, thầy giảng và đọc cho nghiên cứu sinh chép.

Rõ ràng là trong hơn hai mươi năm qua, việc CCGD ở các trường ĐH chưa được chú trọng đúng với tầm quan trọng của bậc học này nên đã dẫn đến tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực khoảng 30 đến 40 năm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: