Giáo dục và Ngũ hành

08:29 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Bảy, 2008

GS VS Nguyễn Cảnh Toàn có bài trên báo Văn nghệ số 23 ngày 7/6/08 mang tựa đề “Tuyển sinh đại học hay tuyển sinh phổ thông cấp bốn”. Nội dung chính của bài là GS đã so sánh trường đại học như một doanh nghiệp, rồi xét các quan hệ đại học theo mô hình quan hệ trong doanh nghiệp, cuối cùng GS rút ra kết luận phải đổi mới cách tuyển sinh, sao cho phù hợp với công tác đào tạo nghề cao cấp, trong đó Bộ GD ĐT phải tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các Đại học. Đó là một phép so sánh mô hình rất hay.

Nhưng từ phương diện tổng thể xã hội, chúng ta còn có thể so sánh đại học với một số mô hình khác, chẳng hạn theo mô hình Ngũ hành.

Trong Đông y, người ta ví phổi là Kim, thận là Thủy, gan là Mộc, tim là Hỏa,…. Các vận động của cơ thể, các triệu chứng bệnh, hơn nữa cả mầu sắc và nhịp đập cũng được gán với Ngũ hành nữa. Nhiều thấy thuốc đông y giỏi có thể chẩn đoán đúng bệnh qua nhịp đập, rồi kê đơn thuốc và cách trị bệnh vô cùng chính xác cho bệnh nhân. Do vậy trước khi xây dựng mô hình so sánh đại học với bộ phận nào đó của cơ thể, chúng ta dành ít dòng để thảo luận về Ngũ hành.

Sở dĩ trong Đông y, người ta gán hành Kim cho phổi vì căn cứ theo chức năng của phổi, chứ không phải phổi được cấu tạo bằng “kim loại”. Chức năng của phổi là thu vào, tích vào, để chuẩn bị tản ra. Cho nên hành Kim là tích vào. Tích vào mãi thì phải tản ra. Hành Thủy là tản ra. Tản ra là cung cấp vật chất và năng lượng cho sự sáng tạo. Cho nên sau Thủy đến Mộc. Mộc là sinh mới. Sinh mới thì dần dần trưởng thành. Cho nên sau hành Mộc đến hành Hỏa, là hành mô tả sự phát triển đến trình độ cao bằng cách hoàn thiện, bằng cách nhân rộng, như ta muốn có đám cháy lớn chỉ việc thêm củi, không phải nhóm lửa một cách khó khăn giữa ba bốn bề gió thổi nữa. Cuối cùng là hành Thổ. Đó là hành biểu hiện sự tàn lụi của một quá trình, một phong trào, là giai đoạn cuối của sự phát triển, khi mà cái mô hình Mộc đã hết hiệu lực. Sau Thổ sẽ lại là Kim, là sự tích tụ cho một quá trình phát triển mới. Vậy một vòng Ngũ hành sẽ là: Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ , rồi lại tiếp Kim,…. Các vòng Ngũ hành sẽ luân chuyển mãi mãi, Trong một vòng lại có các vòng con. Hiểu theo cách này, thì Ngũ hành không phải là năm nguyên tố như trong triết học cổ đại, cũng không phải là năm đối tượng, mà là năm hành trình của một chu trình phát triển. Nếu coi Ngũ hành là năm bước vận động để đi từ âm sang dương, đi từ mặt đối lập này sang mặt đối lập kia, thì chúng ta đã có một công cụ biện chứng để suy tư về rất nhiều vấn đề, từ nhỏ là điều chỉnh hơi thở tập dưỡng sinh, đến lớn là cải tổ nền giáo dục nước nhà [1].

Thực vậy, theo Ngũ hành ta có thể gán cho nền giáo dục nước nhà là hành Kim, giống như Đông y đã gán cho phổi thuộc hành Kim. Mỗi trường học là một lá phổi của vùng. Khí để cung cấp cho “phổi giáo dục” là tri thức. Hoạt động của trường là tích tụ kiến thức rồi truyền cho sinh viên. Trọng tâm hoạt động của sinh viên trong trường cũng là tích lũy kiến thức, hay còn gọi là tích Kim. Sinh viên khi ra trường sẽ là các tác nhân mang kiến thức đến các bộ phận khác nhau của cơ thể đất nước, giúp cho các bộ phận nhỏ của cơ thể ấy thêm máu, thêm khí để thêm tươi tốt. Người sinh viên ra trường mang tri thức ra thực hành chính là hành Thủy. Khi anh ta đóng góp sức mình để tạo sản phẩm mới chính là Mộc.

Nếu coi trường là Kim, trò cũng là Kim, thì ta cần lập kế hoạch để tích Kim cho hiệu quả. Khi nào trong một thời gian ngắn, với chi phí thấp mà lượng tích Kim cao thì lúc đó lá phổi giáo dục đang hoạt động tốt. Hơn nữa, tích Kim (tri thức và nhân cách) là việc làm suốt đời của một con người, như ta phải thở mới sống được, cho nên nhà trường còn phải là nơi dạy cho trò phương pháp tích Kim hiệu quả, tức là phương pháp và niềm say mê tự học. Tóm lại, thay vì so sánh nhà trường với doanh nghiệp như GS Nguyễn Cảnh Toàn, trong bài này chúng ta so sánh nhà trường như lá phổi, như hành Kim trong Ngũ hành. Do so sánh như vậy, chúng ta cần nêu rõ các điều kiện để tích Kim hiệu quả. Các điều kiện ấy như sau:

-Trường là nơi bảo đảm những điều kiện cơ bản để tích Kim, tức là nơi có tri thức, có thể sản sinh tri thức (nghiên cứu KHCN để sinh tri thức mới), đủ yên ổn để trò tích Kim mà ít bị các điều kiện bên ngoài tác động,

-Thầy, thư viện, internet, vốn văn hóa là nguồn tri thức, tức nguồn khí để “phổi giáo dục” thở, để các sinh viên (phế nang) hấp thụ,

-Trò là đối tượng tích Kim tri thức, nhưng chưa biết cách tích phù hợp, chưa biết tự lựa chọn tri thức gì cần tích cho chính bản thân mình,

-Thời gian tích Kim của từng cá thể phụ thuộc vào chính hiệu quả tích Kim của cá thể đó chứ không bị cản trở bởi thời lượng lên lớp và số năm học.

-Bằng cấp như hiện nay không thể hiện khả năng tích Kim (tự học), chỉ thể hiện phần nào khối lượng Kim (tri thức) đã tích, do vậy phải thay đổi triệt để cách cấp bằng và cách sử dụng bằng.

Đó là năm điều kiện cơ bản để đổi mới giáo dục. Với các điều kiện ấy chúng ta có thể đề xuất các biện pháp cải cách giáo dục như sau:

(a).Quan niệm lại về triết lý giáo dục: Giáo dục là dạy người ta biết tích tri thức (hành Kim= học), lại biết tản tri thức (hành Thủy = hành), để sinh ra cái mới (hành Mộc = Thổ). Mọi chính sách, chế độ, cơ cấu, tổ chức của Bộ GD ĐT phải lấy triết lý này làm cơ sở.

(b).Bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng có thể mở trường, miễn tuân thủ một số điều kiện tối thiểu của luật pháp. Tổ chức nhỏ, có khả thấp thì mở trường nhỏ. Tổ chức lớn thì có thể mở trường lớn, tùy theo sức mình. Học phí thì chỉ cần qui định mức trần, còn cụ thể thì để cơ chế thị trường vận hành. Làm như vậy sẽ phát huy toàn bộ sinh lực của xã hội cho việc tích Kim tri thức của học sinh.

(c).Phát triển mạnh mẽ hệ thống internet để cả thầy và trò đều có thể tích Kim tri thức. Thời gian học không bắt buộc là 12 năm với hệ phổ thông và 4 hay 5 năm với hệ đại học, để tạo sự tiết kiệm tối đa thời gian cho sinh viên. Ai có khả năng thì tích Kim mạnh mẽ, thì hoàn thành chương trình học trong vài năm cũng được. Do đó, Bộ GD ĐT chỉ cần soạn và quản lý chương trình tín chỉ là đủ, không phải quản lý từng trường. Như vậy sẽ giải phóng được năng lượng tự thân của học sinh, đồng thời cởi bỏ luôn các hệ lũy của hệ thống hiện hành.

(d).Bỏ hệ thống bằng cấp quốc gia thay vào đó là bằng cấp của trường. Từ bằng phổ thống lớp 12 cho đến bằng Đại học hay Tiến sỹ cũng do hiệu trưởng quyết định. Dần dần cơ chế thị trường sẽ đào thải các trường kém, chỉ còn lại các trường tốt. Do đó cũng bỏ luôn qui chuẩn Giáo sư quốc gia chỉ còn Giáo sư cấp trường. Và như vậy việc tuyển sinh vào trường cũng do chính nhà trường đảm nhiệm, Bộ chỉ cần ra qui định chung. Như vậy chỉ có ai thực tài mới có thể tồn tại song hành với bằng cấp của mình. Trường nào thực sự mạnh mới có thể tồn tại theo sự vận hành của thị trường.

Nhưng như thế thì Bộ GD ĐT sẽ làm gì? Bộ có một nhiệm vụ sống còn mà nếu làm tốt thì sẽ đưa cả nước ta vào quĩ đạo của nền kinh tế tri thức. Đó là Bộ làm nhiệm vụ tích Kim ở qui mô quốc gia. Việc ấy là đạo tạo các nhà trí thức hàng đầu, ‘những con người lao động sáng tạo, biết hợp tác và thương yêu con người”.

Những người đó được đào tạo trong một Đại học quốc gia đẳng cấp cao nhất. Đại học đó phải là một cơ sở công nghệ mạnh, vừa nghiên cứu khoa học và công nghệ, vừa giáo dục và đào tạo, để sau 10 năm nữa chúng ta có một đội ngũ những nhà sáng tạo có thể khởi tạo các vòng Ngũ hành. Trong cơ sở ấy, cá nhân phải rèn luyện ý chí và năng lực. Nhiệm vụ của họ là học tập để trở thành các tổng công trình sư, thành các nhà khởi tạo. Bài tập của họ là khởi tạo doanh nghiệp. Ý chí của họ là gánh việc nước bằng năng lực công nghệ.

Lịch sử chỉ ra rằng chỉ cần một cá nhân khởi tạo như Nguyễn Công Trứ thì dân mấy vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã được nhờ nhiều lắm rồi. Nếu cơ sở đào luyện các nhà khởi tạo “hành Kim” đó thuộc về quốc gia, thì cái lò quốc gia đào tạo nhân tài ấy xứng đáng được gọi là một “Đại học đẳng cấp quốc tế” theo kiểu Việt nam. Hay nói theo các cụ, đại học đẳng cấp quốc tế kiểu Việt nam trong thời đại mới chính là Quốc tử giám hiện đại. Nếu chúng ta lập được một cơ sở như vậy thì đó chính là món quà lớn cho Thăng Long Hà Nội ngàn năm tuổi.

Các nét chính của đại học đó như sau:

-Thầy phải là các nhà quân tử thứ thiệt về tâm đức và tài năng,

-Trò phải được tuyển là những tinh hoa ưu tú nhất trong thanh niên,

-Người tốt nghiệp phải nói thông ít nhất một hai ngoại ngữ,

-Các môn học về nhân cách trước hết phải có là lịch sử, triết học, địa lý, văn chương,... Những môn này bồi đắp Kim nhân cách. Người học có thể không bắt buộc phải theo lớp các môn này, nhưng phải làm tiểu luận về chúng, để tiết kiệm thời gian học. Đó là các môn bắt buộc, nhằm tạo lập cơ sở nhân cách cá nhân và ý chí mạnh mẽ. Các môn này phải được các bậc cao minh nhất giảng bằng tiếng Việt.

-Các môn về công nghệ phải bao gồm cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, đông dược học, điện tử học, điện lực, vật liệu học... Đó là các môn nền tảng công nghệ bắt buộc. Đó là các môn tạo cơ sở căn bản cho sáng tạo công nghệ và tích Kim công nghệ về sau. Các môn này có thể được dạy bằng tiếng nước ngoài, bởi giáo sư Việt hoặc giáo sư nước ngoài.

-Các chuyên đề: sau khi học cơ bản, người học có thể tự mình đề xuất các đề tài nghiên cứu, ngay từ năm đầu hoặc năm thứ hai. Tuỳ mức độ hòan thành chuyên đề có thể tốt nghiệp sớm. Mức độ hoàn thành chuyên đề thể hiện mức độ sáng tạo.

-Trường Đại học này phải thực sự là cơ quan nghiên cứu, dạy để nghiên cứu, mà học cũng để nghiên cứu nữa. Cả thầy và trò đều phải trực tiếp nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu ưu tiên nhất phải thuộc về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt nam. Mọi sinh viên chỉ được tốt nghiệp khi hoàn thành đề tài nghiên cứu thực tế. Họ phải có khả năng phát hiện đề tài, phải sáng tạo cách giải quyết. Đó chính là tích Kim công nghệ. Họ phải thâm nhập sâu vào thực tế đời sống để tìm kiếm đề tài nghiên cứu.

-Những năm đầu chỉ cần tuyển khoảng 100-200 sinh viên. Họ phải là những sinh viên tốt nhất nước. Sau này, khi trường đã lớn mạnh thì tăng lượng tuyển.

-Về cơ sở vật chất, chính phủ có thể dùng vốn ngân sách để khởi tạo Kim cho Đại học này. Trong quá trình phát triển, nó phải dần dần đảm đương các nhiệm vụ lớn lao hơn, thực hiện các đề tài nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế. Lúc đó nó có thể tự chủ kinh phí một phần.

-Triết lý của Đại học này là dạy và học các phương pháp để khởi tạo các vòng Ngũ Hành. Nó không dạy học thuần tuý mà nó dạy người ta nghiên cứu, vì chỉ có thể sáng tạo trong nghiên cứu. Còn dạy chay như các Đại học hiện nay gọi là đọc bài giảng, ghi bài giảng và nhớ bài giảng. Không phải là đào tạo những nhà sáng tạo.

Việc lập trường Đại học đẳng cấp quốc tế theo kiểu trên chính là công tác tích Kim qui mô lớn quan trọng nhất, cấp thiết nhất hiện nay. Công việc này thuộc về Chính phủ.
Trường này nên được mang tên Đại học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nguyen Binh Khiem University) . Vì chỉ nhờ một câu của Ngài khuyên Nguyễn Hoàng mà nước Nam ta ngày nay đã được mở rộng từ Đèo Ngang đến tận mũi Cà mâu. Ngài chính là một nhà sáng tạo bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt nam.[2]


Tài liệu tham khảo

[1].Thu San Nguyễn thế Hùng, NXB Văn hóa Thông tin, 2007,“Ngũ hành và Khoa học”.

[2].Nguyễn Thế Hùng, http://www.dunglac.org/, Tư tưởng trong văn hóa Viêt, “Tại sao bàn tay con người có năm ngón”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngũ hành và khoa học

    09/11/2015PhD. Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ Hành có vài ngàn năm tuổi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Nhưng Học thuyết ấy rất huyền bí, bị khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững"...
  • Luận thêm về thuyết Ngũ hành

    19/06/2008PhD. Nguyễn Thế HùngMột cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
  • Thuyết âm dương - ngũ hành trong “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác

    11/05/2007Đoàn Quang ThọThuyết âm dương - Ngũ hành sau khi vào Việt Nam đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tích cực tiếp nhận và vận dụng hết sức sáng tạo trong thực tiễn. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự vận dụng sáng tạo thuyết âm dương - ngũ hành vào việc phát triển nền y học nước ta là đại danh y, nhà lý luận y học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tác phẩm y học đồ sộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,gồm 28 tập, 66 quyển.
  • Sự hình thành và phát triển học thuyết âm dương ngũ hành trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc

    26/06/2006Trần Thị HuyềnHọc thuyết âm dương ngũ hành không những được nhiều trường phái triết học tìm hiểu lý giải, khai thác mà còn được nhiều ngành khoa học khác quan tầm vận dụng. Có thể nói, ít có học thuyết triết học nào lại thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của tri thức và được vận dụng để lý giải nhiều vấn đề của tự nhiên, xã hội như học thuyết này...