Gửi người đàn bà đốt chồng và những suy ngẫm về sự suy đồi của đức hạnh

04:50 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Ba, 2011

Gửi bà Liễu! Khó có thể dùng từ nào để miêu tả tội ác cả bà. Tại sao bà có thể tàn nhẫn như vậy!? Cùng một lúc bà đã giết chết một con người, phá tan một gia đình và bôi bẩn đức hạnh của người phụ nữ!

Nghe nói rằng, bà từng sinh ra trong một gia đình nghèo, số phận đã mỉm cười khi ban tặng cho bà một người chồng tử tế như nhà báo Hoàng Hùng. Theo như bạn bè anh Hùng kể lại thì bà là người vợ được nuông chiều. Thế nhưng cái gì đã biến bà trở thành một con quỷ? Có phải tiền bạc và dục vọng bẩn thỉu đã lột sạch sự đức hạnh vốn có của người phụ nữ?

Để lý giải điều này, hãy bắt đầu từ câu: "Nhàn cư vi bất thiện". Bà bắt đầu an nhàn và rảnh rỗi khi chồng bà - nhà báo Hoàng Hùng cặp cụi làm việc để kiếm ra tiền. Mọi rắc rối bắt đầu từ đó. Nếu bà có suy nghĩ như những người phụ nữ hiền lành chất phác khác, hẳn bà phải thật hạnh phúc, thật yên bình với tổ ấm tuyệt vời và với người chồng tử tế của mình. Nhưng chính những đồng tiền đã làm đức hạnh của bà thay đổi. Bà muốn trở nên giàu có, hoặc mơ thành một quý bà lộng lẫy với biệt thự, xe hơi...? Và bà bắt đầu lao theo những dục vọng bẩn thỉu của mình.

Đàn bà nghiện cờ bạc sẽ trở nên nguy hiểm vô cùng. Sự ngu muội cộng với lòng tham càng khiến bà trở nên lú lẫn và tàn ác. Hàng ngày bà mê muội với những ván đỏ đen và quên rằng chức phận của một người vợ, người mẹ, người phụ nữ là không được - nhất định không được bước vào những nơi sặc sụa mùi sát phạt như thế. Bà đã đánh đổi đồng tiền hiện có để tìm tới đồng tiền hy vọng - sự hy vọng điên rồ và cực kỳ ngu ngốc!

Nhưng thưa bà Liễu! Có một quy luật hết sức tất yếu rằng, cờ bạc chỉ là địa ngục, chỉ là nơi kích thích lòng tham vô đáy của con người. Không chỉ riêng bà, mà tất cả những ai dù tinh ranh đến đâu cũng gục ngã trước nó. Chỉ có điều bà là kẻ không biết quay đầu lại. Trong cơn ngu muội và sự dốt nát ấy bà đã mải mê theo đuổi những đồng tiền không bao giờ có thực. Trong khi ấy, chồng bà - nhà báo Hoàng Hùng phải vật lộn với những trang viết, những vấn đề nhức nhối của xã hội để kiếm ra những đồng tiền đầy mồ hôi và nước mắt. Chồng bà làm những việc như vậy cũng chỉ vì cái tốt, cái đẹp và để vun đắp cái gia đình đang ngày càng tan vỡ vì sự suy đồi của bà.

Người ta nói rằng, bà đã nợ nần quá nhiều - nợ đến nỗi phải bán nhà mới có thể trả nổi. Cũng có người nói rằng, bà đang phản bội chồng - nghe theo những lời đường mật để mơ trở thành quý bà. Từ xưa đến nay có rất nhiều người đàn bà vì ngu muội, vì dốt nát đã hại chết chồng mình, tàn phá gia phong, làm bẩn đức hạnh. Nhưng chưa một người đàn bà nào lại độc ác đến độ nghĩ ra cái cách đốt chồng kỳ dị như bà.

Hơn nữa những người đàn bà có tội với luật pháp thường sống trong hoàn cảnh bi đát, hoặc về vật chất, hoặc về tinh thần. Có những người đàn bà cả cuộc đời lầm lũi như con trâu, con ngựa hầu hạ chồng con. Ngày nào họ cũng bị chồng đánh, bị coi như một thứ vứt đi, đôi lúc còn đem ra đổi trác như một món đồ không hơn không kém. Thế rồi đến một ngày, sự uất ức bị dồn nén quá lâu bỗng nhiên bùng phát và họ phạm tội. Có thể là giết chồng, giết con hoặc ghê rợn hơn nữa. Còn bà, ai đã làm gì? Cuộc đời này đã cho bà một gia đình yên ấm, hai đứa con ngoan ngoãn khỏe mạnh và một người chồng hết sức tử tế.

Rõ ràng bà chẳng chịu bất cứ sự ức chế nào về tinh thần cũng như thể xác. Nhưng bà chưa hề sống với những gì đang có. Sự "giải phóng" thái quá về tinh thần cũng như thể xác lại mang một hiệu ứng “ngược đời” đối với tâm hồn ngu muội của bà. Với một tâm hồn nông cạn, và một cái đầu ít học bà nghĩ mình sẽ trở thành quý bà được sao? Cái hình ảnh những "quý bà" miệng phì phèo thuốc lá, ngồi kiêu hãnh trong những sòng bạc đẳng cấp chỉ là thứ tưởng tượng của những kẻ kinh doanh cờ bạc. Họ đã ảo thuật để những người ngu ngốc như bà nuôi ảo tưởng cắm đầu chạy theo. Bên cạnh đó, lòng tốt cũng như sự nuông chiều của chồng bà càng khiến bà tưởng rằng mình sẽ có tất cả.

Thưa bà Liễu, làm người ai cũng có lòng tham. Cái lòng tham ấy đôi khi trở thành động lực để người ta lao động, nhưng đa phần nó sui khiến con người làm những điều ngu ngốc và tàn ác. Bà là người tham lam! Tôi chắc chắn như vậy! Hơn nữa bà là người vị kỉ! Tôi càng chắc chắn như thế. Chỉ cần hai bản tính xấu xa đó đã khiến bà trở thành một người suy đồi về đức hạnh. Không người phụ nữ nào sinh ra đã mang sẵn sự suy đồi đức hạnh. Đó là điều chắc chắn. Phụ nữ luôn có một con tim nồng nàn, ở đó chứa đựng tất cả những gì mềm mại nhất, kiên trì nhất… chính những phẩm tính ấy theo thời gian sẽ trở thành đức hạnh đặc trưng của mình.

Tôi tin bà cũng đã từng có những phẩm tính ấy, đơn giản vì bà là phụ nữ. Chỉ có điều những phẩm tính ấy bị hủy diệt bởi chính cái lý trí vị kỷ của bà. Nếu chồng bà - nhà báo Hoàng Hùng là người đàn ông vô trách nhiệm, thô tục hoặc chỉ là kẻ lười nhác thì bà còn một cái cớ gì đó để biện minh cho sự tồi tệ của mình. Nhưng chồng bà lại là người đàn ông đàng hoàng và quá tử tế. Vì thế tất cả những gì bà đang lý giải với cơ quan chức năng đều trở nên vô nghĩa, nó càng chỉ rõ bản chất suy đồi đến thảm hại của bà. Nếu chỉ vì nợ nần thì cái đầu đầy toan tính của bà cũng biết rõ rằng, chẳng cần phải giết chồng. Nếu vì sự thất bại của tình yêu thì cũng không cần thiết phải dùng xăng đốt chồng như thế. Và nếu vì một giấc mơ ngu muội nào đó thì cái đầu vốn ngốc nghếch của bà cũng không thể nghĩ ra cách giết chồng tàn ác như vậy.

Dư luận đang nghi ngờ có một ai đó đứng đằng sau hành vi man rợ này. "…cả việc cắt cổ con gà nó còn không dám thì làm sao giết chồng một mình được?" - bà Nga chị gái của bà đã nói như vậy với báo chí. Tất nhiên, đây chỉ là suy luận của những người ruột thịt của bà. Nhưng nó hoàn toàn có lý bởi cái hiện trường vụng về của bà tạo ra đang hé mở nhiều điều bí ẩn. Nếu sự tham lam, ngu ngốc, lòng vị kỷ, tính lười nhác… xóa sạch sự đức hạnh của bà thì vì cái gì đi nữa bà cũng không thể giết chồng một cách tàn ác như vậy. Nếu bà giết chồng vì tình thì tội ác này là sự suy đồi về đạo đức, nếu bà giết chồng vì tiền thì tội ác là của lòng tham, và nếu bà giết chồng vì cả hai thì rõ ràng bà đã suy đồi về đức hạnh.

Thế nhưng còn một điều ghê rợn hơn nữa. Ấy là tình mẫu tử. Với bất cứ người mẹ nào dù xấu xa đến đâu cũng còn một chỗ nhân ái: những đứa con của mình. Bà biết rằng, nếu giết chồng cũng có nghĩa là giết chết cha của hai đứa con của bà. Chúng chẳng có tội tình gì, cũng không hề liên quan đến lòng tham và sự suy đồi của bà. Vậy tại sao trong cái giây phút quỷ giữ ấy bà không nghĩ đến chúng? Chỉ cần nghĩ đến những đứa con mọi chuyện sẽ khác. Nhưng lòng vị kỷ - sự cá nhân đến tuyệt đối của bà đã làm lu mờ hình ảnh và tương lai của hai đứa trẻ. Bây giờ bà sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật, cũng có nghĩa hai đứa con thơ của bà phải bơ vơ. Ngay cả chồng bà - nhà báo Hoàng Hùng, trong cơn hấp hối vẫn quyết không nói ra thủ phạm dù anh biết đó chính là bà. Người tử tế như anh Hùng biết rõ rằng, nếu bà bị pháp luật trừng trị thì hai đứa con của mình đồng nghĩa với sự bơ vơ. Ôi! Tại sao khi sống gần một người tốt như vậy mà bà không ngộ ra chút nào của lòng nhân ái!?

Tôi đã từng tiếp xúc với một người đàn bà giết chồng. Cái cách giết chồng của người đàn bà ấy cũng hết sức vụng dại: bỏ bả chuột vào thức ăn của chồng! Lý do của hành động man rợ ấy là sự phản bội của người chồng. Trong cơn uất hận, không thể kiểm soát người phụ nữ ấy đã nghĩ ra quỷ kế ấy, nhưng ngay sau đó chị ta cũng uống một liều để chết theo, cũng may người nhà phát hiện nên cứu được chị ta.

Sau này khi đã ngồi tù chị nói rằng, thật tâm lúc ấy chị chỉ muốn chết và bây giờ chị đang làm tất cả để trở về với các con. Đó là hành động của sự thiếu lý trí, nó không chứa đựng những toan tính của sự suy đồi đức hạnh. Còn bà ngay sau khi chồng chết, đã quanh co chối cãi, đôi lúc còn tỏ ra oan ức. Chắc chắn rằng, cái ý đồ loại chồng ra khỏi cuộc sống đã được bà suy tính từ lâu, bà đã từng thử đốt xăng như một cuộc thí nhiệm, hơn nữa sự nghi vấn về kẻ đứng đằng sau chứng minh rõ rằng bà đã toan tính cho tội ác của mình…

Dù sao đi nữa bà đã nhận tội. Và dù sao đi nữa thì tội ác của bà hết sức man rợ! Cái công thức cơ bản trong tội ác này chỉ là: lòng tham, vị kỷ, dốt nát, lười biếng... và đi đến sự suy đồi đức hạnh. Pháp luật sẽ nghiêm trị và bà hoàn toàn "xứng đáng" nhận hình phạt ấy.

Đà Lạt, ngày 1 tháng 3 năm 2011

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: Suy đồi, Nghi ngờ - Hại nhau, Cách chống tiêu cực

    12/11/2019Vương Trí Nhàn...tại sao ta lại không biết dằn lòng mà theo nhau, không biết đem lòng thành thật mà đối đãi với nhau, lại cứ nghi ngờ ghét bỏ nhau, thật là ngu quá không thể hiểu được...
  • Thiếu phản biện sẽ dẫn đến suy đồi

    08/07/2019Nguyễn Vĩnh Nguyên (Chân dung Hội họa Hoàng Tường)Nhân vật trang Giá trị sống kỳ này không xa lạ với những ai quan tâm đến nghiên cứu, phê bình văn học và văn bản học báo chí nửa đầu thế kỷ 20. Cuộc trao đổi này diễn ra đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 2010, và, câu chuyện mà nhân vật bài viết tỏ ra hứng thú để hàn huyên cũng là báo chí với học thuật, tiếng nói trí thức…
  • Phong hoá suy đồi!

    12/04/2019Nguyễn Bỉnh QuânNày tôi nói cô nghe: Cứ giở báo ra là đập ngay vào mắt những tít lớn: Kinh hoàng (thực phẩm…), Tử thần (giao thông, xe khách…), Khủng khiếp (đồ chơi, games…), Ghê rợn (án tình, cướp của, bạo hành gia đình và trẻ em… ), Bức tử (sông, rừng…), Thê thảm (vùng lũ, vùng lở đất…), Thảm hoạ rình rập (khai thác tài nguyên, thuỷ điện…).
  • Tổng quan về đức hạnh

    30/11/2006Những đức tính chính là can đảm, hay dũng cảm, điều độ, công bằng, và thận trọng. Đây là những đức tính cấu tạo nên tính cách đạo đức của một người tốt. Dĩ nhiên, còn có nhiều đặc điểm tính cách đáng khao khát khác, như thân thiện, hòa nhã, khiêm tốn, và trung thực. Nhưng nếu một con người có những đức tính căn bản, anh ta có những nguồn gốc để từ đó tất cả những đức tính khác phát xuất....