Hai bất cập trong quản lý Internet

04:07 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười Hai, 2004

Trong năm qua viễn thông và Internet ở VN tiếp tục có bước phát triển nhanh. Tính đến nay, số thuê bao điện thoại di động đạt hơn 4 triệu, với khoảng 6 triệu thuê bao cố định đã đưa tổng số thuê bao điện thoại lên khoảng 10 triệu, đạt mật độ 12,2 máy trên 100 dân. Số thuê bao Internet cũng đạt gần 1,7 triệu. Số các nhà cung cấp dịch vụ ngoài VNPT cũng tăng lên, không còn cảnh một mình một chợ. Dấu hiệu đáng mừng nữa là cả Viettel lẫn VPT đã được phép xây dựng và cung cấp cả dịch vụ cơ bản (đường trục), và Chính phủ đã lập quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Minh Mão, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì chỉ số xã hội thông tin (ISI) của ta ở vị trí 53/53 nước được xếp hạng; chỉ số truy cập đứng thứ 122/178; chỉ số chính phủ điện tử đứng thứ 97/173, nếu so với các nước trong khu vực thì chỉ trên Myanmar, Lào và Campuchia. Nói cách khác chúng ta tiến khá nhanh, song khu vực và thế giới (hay chính xác hơn các nước cạnh tranh với chúng ta) lại tiến nhanh hơn chúng ta nhiều. Vì sao? Có rất nhiều nguyên nhân song theo tôi chính sách là một trong các nguyên nhân chính. Xét riêng lĩnh vực Internet có thể cho ta một phần của câu trả lời.

Internet VN chưa phát triển vì một
số chính sách không còn phù hợp

VN chính thức có chính sách quản lý, kiểm soát và phát triển Internet từ 1997. Hiện nay, các chính sách quản lý Internet bao gồm: Nghị định số 55/2001-NĐ-CP (thay Nghị định 21-CP); Thông tư số 04/2001/TT-TCBĐ của Tổng cục Bưu điện về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, và dịch vụ kết nối; Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT Bộ Văn hoá Thông tin về quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet; Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA (A11) về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, sử dụng Internet tại VN.

Vài năm trở lại đây trong các văn bản quản lý viễn thông nói chung và Internet nói riêng đã có thay đổi về nhận thức, lấy phục vụ người dùng làm trung tâm, và điều này thể hiện ở cách nói "quản lý phải theo kịp sự phát triển". Tuy vậy vẫn còn những bất cập.

Không khả thi
Ví dụ, Điều 8 của Quyết định số 71 BCA về trách nhiệm của đại lý Internet có ghi: "Đại lý Internet có trách nhiệm: ... 2. Thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ phải được lưu giữ lại tại máy chủ của đại lý trong thời gian 30 ngày,... 3. Có sổ đăng ký sử dụng dịch vụ thống kê đầy đủ chi tiết thông tin về khách hàng gồm: Họ tên, địa chỉ, số CMND hoặc hộ chiếu, thời gian sử dụng dịch vụ. Phải có giải pháp ngăn chặn việc truy cập đến các trang web có nội dung xấu trên Internet và cài đặt chương trình phần mềm để quản lý tức thời nội dung thông tin của khách hàng".

Theo tôi, các quy định như vậy là hoàn toàn bất khả thi và cản trở hoạt động kinh doanh và cũng không giúp được gì cho cơ quan quản lý. Do bất khả thi nên chẳng ai thực hiện và cơ quan quản lý đành phải nhắm mắt làm ngơ. Tuy vậy chúng lại biến rất nhiều người lương thiện thành kẻ phạm pháp mà không bị trừng trị (nhưng có thể bị bất cứ lúc nào nếu cơ quan quản lý muốn và như thế có thể tạo điều kiện cho lạm quyền và tham nhũng); tạo tâm lý coi thường pháp luật trong dân chúng. Lưu ý là tôi không phản đối việc kiểm soát, nhiều khi kiểm soát là tốt như chống phát tán thư rác, v.v..., song tôi cho rằng cách kiểm soát như nêu trên là không có hiệu quả.

Lập trang web
Vì sao Internet ở VN phát triển chậm? Có nhiều nguyên nhân, tôi chỉ muốn nói một khía cạnh quan trọng: Khoảng 90% nội dung trên Internet là bằng tiếng Anh. Trong khi đó các quy định cụ thể lại không khuyến khích, thậm chí còn cản trở việc phát triển nội dung. Theo Quyết định 27 của Bộ Văn hoá Thông tin (không bàn đến các mục khác và các tờ báo trực tuyến, chỉ nói đến các trang web): Cá nhân không được lập trang web. Chỉ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mới được lập trang web (Điều 3) và thủ tục cấp phép rất rườm rà (Điều 6, Điều 7, Điều 8).

Phải chăng chính các quy định như vậy giải thích vì sao nội dung tiếng Việt trên Internet lại nghèo nàn, đó là chưa nói đến sự cản trở và tác hại của nó đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở thương mại điện tử. Điều này giải thích một phần vì sao ở VN ước tính chỉ có khoảng 1.000 website (bằng khoảng 1/15 của Thái Lan).

Theo tôi sửa điều này không khó. Chỉ cần nêu thêm một điều đơn giản vào quyết định, đó là phạm vi điều chỉnh của nó chỉ cho các đơn vị làm báo điện tử. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ nội dung hay ứng dụng khác thì phải chịu các quy định của các ngành đó, còn các website không có mục đích kinh doanh thông tin như của cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức ngoại giao, v.v... không bị điều chỉnh.


Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác