'Hệ thống quản lý giáo dục còn khập khiễng'

03:51 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Mười, 2003

Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đỗ Nguyên Phương khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí về chất lượng giáo dục tại hành lang Quốc hội chiều nay. Ông nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng trong ngành, phải đi từ khâu đột phá là đội ngũ thày giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Các đại biểu quốc hội đang rất bức xúc về những bất cập của ngành giáo dục hiện nay. Vậy theo ông, biện pháp nào có thể gỡ rối hiệu quả nhất?

- Ban Khoa giáo Trung ương đang chuẩn bị một loạt tư liệu để nêu lên giải pháp cho vấn đề này. Tinh thần chủ đạo là phải chống bệnh thành tích, hình thức và sự không trung thực trong thi cử cũng như trong đánh giá chất lượng giáo dục. Để chống bệnh thành tích phải nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trình độ quản lý ở các cấp hiện đều thấp và khập khiễng. Đồng thời, phải quan tâm một cách toàn diện tới cả hệ thống giáo dục từ mầm non, tiểu học cho đến trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn còn bất hợp lý. Theo tôi, chỉ một số (chứ không phải tất cả) sẽ lên trung học phổ thông, một số học nghề, phần khác vào trung học chuyên nghiệp. Tất cả các nhánh đó đều đi đến đích cuối cùng là đạt được phổ cập bậc trung học vào năm 2010.

- Để đảm bảo chất lượng, liệu có phải hạn chế phát triển trường dân lập?

- Chúng ta không hề có chủ trương này. Thực ra vẫn có thể mở rộng toàn bộ cả công lập lẫn dân lập, thậm chí ngày càng phát triển dân lập. Không thể bỏ hệ thống trường này vì đó là nhu cầu của xã hội. Vấn đề cốt yếu ở cả trường bán công, dân lập cũng như công lập vẫn là chất lượng của đội ngũ thày giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Có ý kiến cho rằng, tăng học phí là một biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo?

- Đấy không phải là biện pháp duy nhất. Tất nhiên, khi tăng học phí, toàn bộ số tiền thu được sẽ phải nộp cho nhà nước, sau đó được phân phối lại cho các lĩnh vực khác nhau với mục đích phát triển giáo dục. Số tiền đó có thể dành để bồi dưỡng thêm cho thày, chi cho thư viện, cho phòng thí nghiệm. Từ đó có thể giúp tăng chất lượng giáo dục.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có đề án tăng học phí từ đầu năm tới. Vậy quan điểm của ông thế nào?

- Đây là việc tế nhị, phải tiến hành thận trọng và có một lộ trình, phương án cụ thể. Hơn nữa, phải lấy ý kiến của toàn dân. Khi làm Bộ trưởng Y tế cũng vậy, tôi rất thận trọng trong tăng viện phí. Học phí còn đụng đến nhiều người hơn là viện phí, vì vậy càng nên thận trọng và phải biết phân chia các đối tượng, người nghèo, người giàu, người nông thôn, thành thị...

Xét một cách khách quan, mặt bằng học phí ở nước ta rẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng có rất nhiều bất hợp lý. Xã hội hoá công tác giáo dục là phải làm cho giáo dục thâm nhập vào đời sống xã hội. Qua đó, khuyến khích dân tự học tập, tự hiểu biết và truyền bá cho nhau thông qua hội khuyến học, chứ không phải chỉ sự đóng góp bằng tiền của dân thì mới coi là xã hội hoá.

Nguồn:VnExpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc: