Hết mù nhưng chưa khỏi "bệnh mù"

Tổng giám đốc Tâm Việt Group
11:09 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Mười, 2008

Sau năm năm chạy chữa, đôi mắt mù lòa của Anh đã chữa được. Với đôi mắt sáng, Anh có thể nhìn ngắm mọi vật trên thế giới này. Anh sung sướng, Anh cho rằng vậy là Anh đã nhìn thấy tất cả rồi, những gì hiện ra trước mắt anh là cả thế giới. Cũng từ đó, ai nói với anh rằng, anh cần phải nhìn sâu hơn nữa vào sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh anh, đừng “Nhìn mặt mà bắt hình dong như thế” thì anh đều gặt phắt đi. Anh cho rằng sáng mắt là có thể nhìn thấy mọi thứ trên thế giới này. Người ta nói rằng: “Anh đã hết mù nhưng chưa hết “bệnh mù”.

Cũng như nhận định về cuộc sống của một vị sư khi tỉnh dậy trong rừng trúc đó là: “Tôi đã tỉnh giấc nhưng nhìn xuống thì thấy thế gian mở mắt nhưng vẫn say giấc nồng.” Sống mà không có định hướng, sống mà thiếu phương hướng là sống như một kẻ mù lòa. Có tai không có nghĩa là biết lắng nghe, có mắt không có nghĩa là biết nhìn nhận cuộc sống. Mắt ta sáng nhưng có thể ta vẫn mắc “bệnh mù”.

“Hắn khư khư ôm chặt cái xe đạp mới, cái xe đạp công ty vừa mua giao cho hắn đi. Suốt ngày hắn trau chuốt, lau chùi, nâng niu bằng mọi khả năng của mình, không bào giờ hắn rời cái xe nửa bước. Mỗi lần có việc phải rời cái xe đạp là hắn lại hồn vía lên mây, chỉ lo cái xe đạp sẽ hỏng, sẽ bị sử dụng sai mục đích. Hắn chỉ muốn hắn là người duy nhất sử dụng cái xe đạp ấy, hắn sẽ hết mình để cái xe đạp ấy tốt nhất cho công ty.” Xe đạp là của công ty. Nhưng “Hắn” không thấy được điều đó, “Hắn” chỉ thấy chiếc xe đó là sở hữu của “Hắn” mà thôi. Hắn không bị mù sao vẫn không thấy được.

“Bệnh mù” là khi ta không còn thấy rõ chính mình cũng như những gì đang diễn ra xung quanh mình. Giống việc ta đặt quyển sách vào sát mắt của mình thì không thể nhìn thấy gì trên đó. Càng dính chặt vào sự vật, ta càng không thấy được nó. Bạn dính chặt vào chiếc ghế bạn đang ngồi, và bạn cố di chuyển nó, việc đó gần như không thể và rất khó khăn. Khi ta mắc phải “bệnh mù”, ta sẽ có những hành động vô phương hướng, loạng choạng và sai lệch. Như câu chuyện về chiếc xe đạp ở trên vậy, có xe đạp ta sẽ ôm khư khư lấy chiếc xe đạp mà không biết rằng đằng sau là một chiếc xe máy rất to. Ta sẽ ôm khư khư mối tình vừa tan vỡ của mình và đau khổ mà không biết bên cạnh tình yêu còn công việc, gia đình, bạn bè…. Ta sẽ ôm khư khư những tật xấu của bạn, của mình mà không thấy rằng bạn và bản thân mình còn rất nhiều điểm tốt khác,… Việc đó không khác việc ta chỉ thấy điểm đen mà không thấy được đó là điểm đen trên một tờ giấy trắng. Càng dính chặt vào vấn đề, bạn càng không thể thấy rõ vấn đề của mình.

Không chỉ “mù” trước cuộc sống mà ta còn “mù” với chính ta. Ta không thấy được điểm mạnh của ta, không thấy được điểm yếu của ta, không thấy được năng khiếu, không thấy được lỗi lầm của ta, không thấy được tâm can ta, không thấy được tầm vóc tư duy của ta. Vì vậy, có người tự tin thái quá về mình, có người quá tự ti. Có người làm việc vì bên ngoài lôi kéo mà không đúng sở trường của mình. Có người đến chết mới nhận ra đáng lẽ mình không nên làm những gì mình đã làm. Tài năng bị thui chột, nhân tài không được trọng dụng bởi chính những nhân tài, bởi chính những người đang có tài năng. Đôi khi ta không nhận biết nổi ta đang nghĩ gì, đang cảm thấy điều gì và thực sự mong muốn điều gì trên cuộc đời này. Ta đang mù trước chính bản thân ta.

Để vượt qua “bệnh mù” của chính mình, ta cần học cách tách mình quan sát. Luôn kiểm điểm và nhìn lại những sự kiện ta đã đi qua, những hành động ta đã thực hiện để thấy rõ mình và sự kiện đó hơn. Cũng giống mặt nước hồ khi phẳng lặng mới có thể thấy được dưới đáy hồ. Bản thân mỗi chúng ta cũng vậy, để thấy được mình, thấy được rõ ràng những gì đang diễn ra xung quanh mình và vượt qua vùng mù tốt nhất, hãy tập theo một số cách thức sau đây:

vNguyên tắc S.O.S:

S tand back: Dừng lại

O bserver : Quan sát

S teer : Chỉnh hướng

Cũng giống như việc bản thân chúng ta, khi không thích một kênh truyền hình nào đó đang xem thì chúng ta sẽ làm gì? Sẽ chuyển sang kênh khác hoặc là tắt đi. Khi trên đường gặp một vụ kẹt xe? Chúng ta sẽ dừng lại, quan sát xem chuyện gì đang xảy ra, nếu có thể qua được thì chúng ta sẽ tiếp tục đi về phía trước, nếu không thì quay lại hay tìm một con đường khác. Hãy xử lý tương tự như thế với STRESS, khó khăn hay vấn đề của chính mình. Luôn ghi nhớ rằng bạn luôn có ít nhất một chọn lựa khác. Hãy dừng lại, tạm thời tách mình ra khỏi mớ rối rắm đó, quan sát trên tầm rộng hơn, thoáng hơn, khách quan và lạc quan hơn. Cuối cùng là chọn lựa, hành động và sẵn sàng chịu trách nhiệm với sự chọn lựa đó.

vTập Yoga và thiền định:

Ngoài ra cũng xin mách nhỏ với các bạn một phương pháp để tăng sức mạnh nội tâm để có thể “chiến đấu tốt” với áp lực bên ngoài đó là luyện tập yoga và thiền định. Những bài tập Yoga sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cân bằng tâm lý, tự tin và yêu đời hơn. Thiền định là một bước cao hơn, khi bạn tập Yoga đến mức thuần thục thì Thiền định là một bước tiến cuối cùng mà các Yoga không thể bỏ qua. Thiền định sẽ giúp bạn tự chủ hơn, mở rộng cánh cửa yêu thương trong tâm hồn và tiến gần đến chân lý sống.

vNguyên tắc S.O.D.A:

S top : Dừng lại

O ptions : Lựa chọn

D ecision : Quyết định

A ction : Hành động

Khi gặp bất kỳ một sự kiện nào, chúng ta đừng vội hành động, hãy dừng lại, sau đó sẽ cân nhắc những lựa chọn có thể cho trường hợp này. Hãy nghĩ rộng và nghĩ lớn rồi sẽ cân nhắc thật kỹ những phương án hành động và lựa chọn cho một một phương án tối ưu nhất và cuối cùng mới là hành động. Trong thời gian đầu bạn sẽ cảm thấy khó khăn với các bước trên nhưng khi đã rèn cho mình thành thói quen các bước trên sẽ trở thành phản xạ của bạn trước tất cả các vấn đề dù khó khăn hay thuận lợi. Hành động bạn đưa ra sẽ chuẩn xác và mang lại hiệu quả ngày càng cao cho chính bản thân bạn.

vNguyên tắc D.O

D etach : Tách rời

O bserver : Quan sát

“Do” có nghĩa là làm, muốn làm tốt và mang lại hiệu quả cho công việc của mình cần tách rời khỏi vấn đề đó bằng các câu hỏi: “Đây có phải vấn đề của mình không? Mình có nhất thiết phải giải quyết nó không? Có những giải pháp gì cho vấn đề này nhỉ?...” Sau đó là quan sát vấn đề của mình thật kỹ, xem xét nó dưới nhiều góc nhìn khác nhau bằng việc đặt mình vào các vị thế khác nhau, vai trò khác nhau và tham khảo ý kiến của các thành viên khác, những thành viên ở vị trí cao hơn, ngang bằng và thấp hơn mình. Đó sẽ là cơ sở để bạn có những quyết định tối ưu cho vấn đề mình gặp phải.

Như vậy, ai cũng có thể mắc phải “Bệnh mù” bất kì lúc nào, có những người luôn cố gắng quan sát mình, cuộc sống của mình và chữa lành “Bệnh mù” bằng tinh thần học hỏi, sự hi sinh và cống hiến hết mình. Nhưng bên cạnh đó có những người ngày càng “Mù” thêm bởi chính thói quen phê phán, nhận xét, đánh giá phân tích đúng sai mà không mở rộng tầm mắt để đón nhận những điều mới mẻ và tốt đẹp từ cuộc sống. Càng tách rời con người với sự vật hiện tượng càng thấy rõ mối liên hệ giữa ta và sự vật hiện tượng đó, càng dễ điều chỉnh và thích nghi.

Bị “bệnh mù” không xấu, để mình mãi mắc phải căn bệnh đó sẽ khiến bản thân ta thui chột dần đi. Thường xuyên tách mình để nhìn nhận mọi việc xung quanh ta cũng như trong chính bản thân ta một cách tốt nhất, đó là sáng suốt.