Hoang vắng như nhau

11:02 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Ba, 2009

Làng tôi chỉ có hai, ba ngàn nhân khẩu nhưng có một cái đình to thuộc loại to nhất xứ Đoài, to đẹp hơn bất kỳ nhà văn hóa huyện, tỉnh nào bây giờ. Nó được dựng vào đầu những năm 1840. Và dĩ nhiên, niềm tự hào lớn nhất của dân bất cứ làng nào cũng là cái đình làng mình.

Dân làng đôi khi trách cụ Huyện Trực Ninh Nguyễn Bá Kiến đặt hướng đình thế nào mà đường hoạn lộ của con cháu trong làng không được hanh thông. To nhất chỉ tới chức thiếu tướng. Nhưng ai cũng tự hào vì vị tướng đó là ông Trần Đăng Ninh. Cũng có người cho rằng điều đó chẳng mấy quan trọng. Đánh nhau loạn lạc bao giờ cũng là cái “hạn”: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Văn hóa, văn hiến mới quan trọng! Và đương nhiên, niềm tự hào lớn nhất lại quay về với cái đình làng mình.

Đình là tòa kiến trúc đồ sộ nhất, mang đậm tính dân tộc nhất, là ngôi nhà đa chức năng của một cộng đồng bền chặt nhất, tự nhiên nhất của người Việt đó là cái làng. Ngôi đình là cái icon ( biểu tượng) của làng, mái đình rợp mát mọi tâm hồn dân quê. Nó là nơi thờ cúng ông thần riêng của làng, là nhà hành chính và nhà văn hóa của làng. Nó là hiện thân của nền dân chủ làng xã, vốn là một truyền thống tốt đẹp nhất của văn minh Việt Nam. Hàng năm có cả chục lễ hội lớn, mỗi tháng có vài ba sự kiện văn hóa diễn ra ở đình. Đấu vật hay kéo co, thi nấu cơm và đánh cờ người, hát giao duyên, hát đúm, tuồng chèo và cải lương, múa hát và đàn nhạc cùng mọi nghi thức cầu cúng và các trò chơi lễ hội. Xét về cả lượng và chất đời sống văn hóa của người dân quê xưa đều hơn xa bây giờ. Giống như ngôi nhà thờ Gô – tic thời trung cổ Châu Âu, cái đình là tập đại thành của di sản vật thể và là mẹ đẻ của các môn nghệ thuật khác – những di sản phi vật thể! Văn hóa nông thôn xưa là văn hóa làng. Ở làng còn có chùa, đền, miếu lo đời sống tâm linh phong phú, các nghề thủ công tạo nên các đỉnh cao của công nghệ và các “ bến nước” huyết mạch của thương mại quốc gia.

Lối vào làng cổ Đường Lâm

Có thể nói 80% văn hóa được sản sinh ra và được hưởng thụ ở nông thôn, trong hàng vạn ngôi làng. Dân làng nhờ thế mà trở nên văn hiến, làm cho nước ta thành một nước văn hiến. Chỉ rà soát một cách máy móc hành chính các di sản, các di tích văn hóa được xếp hạng, ta cũng thấy điều hiển nhiên đó. Nghèo đói và chiến tranh có thể làm văn hóa nông thôn lúc suy, lúc thịnh nhưng cơ cấu hạ tầng, nền tảng của nó vẫn còn đó.

Ấy vậy mà chỉ qua hai thập niên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, một sáng thức dậy ta bỗng thấy nền văn hóa huy hoàng kia đã bị quét sạch. Cái cây cổ thụ từng đứng vững mấy trăm năm bị bật tung gốc rễ. Di sản vật thể thì mục ruỗng, hoang phế, bị dỡ bỏ. Di sản phi vật thể thì có nguy cơ tiệt chủng đáng được đưa vào Sách Đỏ! Sự trù phú của đời sống tinh thần biến mất. Thay vào đó là một sa mạc trống trơn và khô cằn. Cơn bão công nghiệp, đô thị hóa như một cơn ác mộng, “sạch sành sanh quét” những cái tốt cái hay, cái đẹp và dồn về nông thôn dòng sông đen những gì đô thị thải ra! Nhiều người vẽ ra bức tranh quá đen về văn hóa nông thôn ngày nay. Tiếc thay, tôi lại thấy đó là một bức tranh hiện thực.

Bốn lần kế hoạch 5 năm không có một quốc sách nào về văn hóa nông thôn. Các dự báo như báo bão, báo lụt bị làm ngơ, làm thinh. Không có một nghị quyết hay dư luận nào về văn hóa nông thôn được bàn thảo và quyết nghị. Chỉ có khẩu hiệu thuộc lòng: “Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Nếu điều tra xem người ở nông thôn ngày nay còn sáng tạo ra bao nhiêu phần trăm các giá trị văn hóa và người nông thôn ngày nay chỉ hưởng thụ bao nhiêu phần trăm các giá trị văn hóa cổ truyền và đương đại, họ chi bao nhiêu phần trăm thu nhập cho đời sông văn hóa của mình, đời sống văn hóa của người dân làng gồm những cái gì ngoài cái TV…thì sẽ thấy sự sa mạc văn hóa nông thôn là sự tàn bạo chưa thể ngăn cản nếu không có quốc sách “quyết liệt”.

Ngõ nhỏ - nét đặc trưng của làng gốm Thổ Hà

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa cực kỳ đa dạng của một dân tộc đa sắc tộc, một non sông “ không rộng mà dài” nhiều đặc sắc vùng miền với các nền văn hóa đan xen từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc. Văn hóa sông Hồng, văn hóa Phú Xuân, Văn hóa Đồng Nai, Văn hóa Cửu Long…như những con sông phù sa chảy về biển cả làm nên sự màu mỡ hiếm có trong văn hóa thế giới. Càng hội nhập những đặc sắc vùng miền và sự đa dạng đó càng quý giá. Chính bản sắc và sự đa dạng hóa nông thôn là một lợi thế, một sức mạnh cần được phát huy cho công nghiệp hóa và hội nhập nhưng chúng lại đang có nguy cơ bị cào bằng, bị xóa bỏ với các hình mẫu nông thôn và đô thị giống nhau, đơn điệu và cùng hoang vắng như nhau.

Ước mong trong nắng ấm những ngày xuân đầu tiên sau khi Nghị quyết về Nông thôn, Nông nghiệp, Nông dân là các quyết sách Tam nông đừng lại một lần nữa bỏ quên văn hóa nông thôn.

Ước mong rằng khái niệm phát triển bền vững bao gồm cả nội dung cụ thể (có tiền, có các quyền, có nhân lực và thời biểu…) cho sự bền vững về văn hóa, của các miền quê.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về kiến trúc nông thôn

    16/01/2009KTS Phạm Thanh TùngChuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.
  • Người nông dân và sự tiêu dùng nghệ thuật

    18/11/2008Phan Cẩm ThượngCuối thế kỷ 19, những họa sỹ trường họa lưu động Nga đã cho tranh lên xe ngựa chở đến các vùng hẻo lánh cho nông dân xem. Ở ta, từ Cách mạng 1945, nghệ thuật được xác định là lấy đời sống của nhân dân lao động làm đối tượng phản ánh và phục vụ, rất nhiều họa sỹ đã xuống địa phương "ba cùng" với quần chúng.
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Góp đôi lời bàn về tam nông hiện nay

    02/07/2008Vũ Ngọc TiếnVấn đề tam nông đến thời điểm này, khi mà công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường 22 năm ta mới đặt ra cấp thiết, theo tôi là quá muộn. Song dù muộn vẫn còn hơn không...
  • Mắc nợ nông thôn

    22/04/2008Nguyễn Mạnh QuânMình còn mắc nợ nông thôn những gì và phải làm gì để bù đắp cho những mất mát của làng quê Việt Nam trước những đổi thay của thời cuộc...
  • Giữ gìn và khai thác di sản văn hóa dân tộc

    13/03/2007GS, TS Phạm Đức Dương“Văn hóa là cái còn lại sau khi đã quên hết - ta cố giữ lấy những cái gì còn lại đó”.
  • Sự biến đổi tâm lý của người nông dân trong quá trình CNH - HĐH ở nước ta hiện nay

    07/12/2005Ngọc LanCông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là cuộc cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để về mọi mặt, nhất là trong đời sống tâm lý của người nông dân. Bài viết này góp phần tìm hiểu sự biến đổi tâm lý của người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • xem toàn bộ