Học gì từ lộ trình đi đến phồn vinh của người Trung Quốc ?
Bốn điều lưu tâm
* Ngay trong thời khắc này, khi chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam vừa tới Bắc Kinh, anh cũng vừa về lại Hà Nội sau khi được chứng kiến chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, anh nghĩ đến điều gì nhiều nhất?
- Hợp tác, học hỏi, và thi đua với Trung Quốc trong công cuộc phát triển kinh tế.
* Vậy ta nên học Trung Quốc điều gì?
- Có bốn điều chúng ta cần đặc biệt lưu tâm học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc:
1) Trung Quốc có một lộ trình rõ ràng để trở thành một cường quốc vào năm 2050. Công thức phát triển của Trung Quốc là cứ khoảng 10-12 năm lại tăng gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người: từ mức 250 USD/người năm 1980 tăng lên 500 USD năm 1990, 1000 USD năm 2000, 2000 USD năm 2010, 4000 USD năm 2020, 6.000 USD năm 2030, 12.000 USD năm 2040, và 20.000 USD năm 2050. Cho đến nay, sau gần ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã và đang thực hiện xuất sắc lộ trình phát triển này.
2) Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt khuyến khích và lắng nghe các góp ý thẳng thắn, những phán xét và kiến nghị khoa học của giới trí thức nhằm thực hiện khát vọng dân tộc và lộ trình đã vạch ra nhằm đưa đất nước trở thành cường quốc vào năm 2050. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, quyết sách phát triển có thể mang ít nhiều hàm lượng chính trị để phù hợp với từng giai đoạn phát triển; nhưng thông tin đầu vào cho quyết sách phải thực sự khoa học, thẳng thắn, và có tầm nhìn thời đại .
3) Trung Quốc rất giỏi trong phát hiện, thu hút, và sử dụng tài năng. Thủ tướng Chu Dung Cơ, một nhà cải cách kinh tế kỳ vĩ của Trung Quốc được thế giới rất kính nể, được ông Đặng Tiểu Bình phát hiện khi làm chức phó phòng ở tuổi đã gần 50. Ông Đặng Tiểu Bình nói rõ: “trách nhiệm lớn nhất của các đồng chí Cách mạng lão thành là phát hiện được cán bộ trẻ tài năng”.
4) Không ngừng hoàn thiện cơ chế thị trường. Mọi quyết sách cải cách và phát triển đều tối kị việc làm méo mó hay làm chậm lại tiến trình hoàn thiện của cơ chế thị trường. Nhiều dự án quốc gia của chúng ta, chẳng hạn như đánh cá xa bờ, mía-đường, vì đi ngược cơ chế thị trường nên đã phải trả giá rất đắt. Trái lại, Luật Doanh nghiệp là một nỗ lực quan trọng trong hoàn thiện cơ chế thị trường nên đã đem lại những kết quả đặc sắc.
* Theo TS, Việt Nam ta nên có mục tiêu và lộ trình phát triển như thế nào để đưa đất nước đến phồn vinh?
- Trong suốt hai thập kỷ qua, mức tăng trưởng của nền kinh tế nước ta thường xuyên thấp hơn Trung quốc gần 2%; Trong khi đó, các nhà kinh tế chuyên sâu về Trung Quốc và Việt Nam, trong đó có Tiến sĩ David Dapice của đại học Harvard, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng bằng, thậm chí nhanh hơn Trung Quốc. Nếu trong những thập kỷ tới, chúng ta đạt mức tăng trưởng bình quân đầu người của Trung Quốc, nghĩa là cứ khoảng 10 năm thì tăng gấp đôi (600 USD năm 2005, 1.200 USD năm 2015, 2.400 USD năm 2025, 5.000 USD năm 2035, và 9.000-10.000 USD năm 2045 , thì chúng ta có thể gia nhập khối các nước phát triển (OECD) vào năm 2045, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà.
Thuyết phục?
* Sự thành công của Đặng Tiểu Bình - nhà cải cách vĩ đại của Trung Quốc không chỉ ở việc quan sát và hiểu biết ngoài mà quan trọng hơn là việc thuyết phục bên trong. Vậy ta còn thiếu điều gì?
- Ông Đặng Tiểu Bình luôn truyền cho các cán bộ lãnh đạo cảm xúc xót xa, tủi nhục của một dân tộc khi ở tình trạng hèn kém mê muội, đặc biệt khi họ họp bàn đánh giá và tìm kiếm tài năng và lãnh đạo kế cận. Ý chí sục sôi rửa nhục nghèo hèn và đưa đất nước trở thành một quốc gia phồn vinh, quả thực đã giúp lãnh đạo Trung Quốc đi tiên phong trong cải cách và lựa chọn những cán bộ kế cận có tài năng và phẩm chất được thế giới kính nể. Cũng cần nói thêm về cách tư duy trọng hiền tài của ông Đặng Tiểu Bình.
Thông thường, các vị lãnh đạo quốc gia muốn phát triển quê hương mình bằng việc rót tiền cho các dự án hạ tầng cơ sở và phát triển công nghiệp. Ông Đặng Tiểu Bình không làm vậy. Ông chỉ yêu cầu Trung ương giúp tìm được 5 cán bộ trẻ, thật tài năng về lãnh đạo quê hương ông. Và chính những người trẻ tài năng này, không chỉ làm đổi thay bộ mặt quê hương ông mà còn tạo nên sự tin tưởng và gắn bó của người dân với chính quyền.
Trung Quốc rất coi trọng duy trì ổn định đại cục trên cơ sở cải cách mạnh mẽ và chấp nhận xáo động ở mức tiểu cục. Việc thay thế cán bộ lãnh đạo, thuyên chuyển và đào tạo lại công chức được mạnh dạn thực hiện trên qui mô lớn. Các nhà máy, công ty được tổ chức lại một cách quyết liệt để tăng thực lực cạnh tranh quốc tế.
Chúng ta cũng có kinh nghiệm này khi đất nước khởi đầu công cuộc đổi mới vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Khi đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa; mọi người nỗ lực tìm giải pháp đột phá, tạo nên cục diện phát triển ổn định cho nhiều năm sau này. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta dường như lại quá coi trọng ổn định tiểu cục, trong khi thiếu tầm cải cách chiến lược để đảm bảo sự ổn định đại cục cho tương lai lâu dài. Các ngành, các đơn vị chỉ lo cho thành tích hơn là bức xúc cho cải cách và phát triển.
Đặc khu kinh tế - cán bộ ưu tú là điều kiện "cần" đầu tiên
* Thưa TS, đâu là bí quyết thành công của các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc so với các khu kinh tế của ta?
- Ở Trung Quốc, đặc khu kinh tế được thành lập từ ý chí và tầm nhìn đặc biệt của lãnh đạo tối cao chứ không phải do các địa phương chạy vạy và thuyết phục như ở ta.Với họ, các dự án đều thể hiện tính tinh hoa, từ chọn vị trí thật đắc địa đến chọn cán bộ quản lý đặc biệt ưu tú và cơ chế chính sách có tính đột phá. Còn ta vẫn mang tính "cục bộ địa phương", tỉnh nào muốn giữ riêng dự án cho tỉnh đó, để cán bộ địa phương mình quản lý. Cơ chế chính sách rất đơn điệu, chủ yếu là giảm thuế và xin tiền đầu tư hạ tầng.
Đảng và Nhà nước nên cho đấu thầu về tuyên truyền!
* Có một người bạn tranh luận với tôi là: đừng có cái gì cũng học "Tây" vì mỗi nước có một đặc thù riêng. Trung Quốc là một nước XHCN nhưng đã từng đóng cửa nhiều tờ báo không sinh lợi của nhiều đoàn thể. Theo anh, với đặc thù của ta, có nên "nuôi" mỗi tỉnh (có nơi là một huyện) mỗi Đài truyền hình, và nhiều tờ báo của Bộ, ngành, đoàn thể dù lượng phát hành thấp đến đâu vẫn được bao cấp?
- Theo tôi, truyền thông vẫn phải mang trách nhiệm tuyên truyền. Nhưng mọi thứ phải hiệu quả, có thước đo, và chịu sự phán xét của người tiếp nhận thông tin.Nên chăng, Đảng và Chính phủ cho định kỳ đánh giá sát sao xem tờ bào nào, đài truyền hình nào giúp người dân nâng cao hiểu biết nhiều hơn, thấu hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ tốt hơn. Trên cơ sở đó có chính sách đấu thầu đơn đặt hàng của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục công chúng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900