Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
Cuốn hồi ký vừa được ra mắt độc giả sau 45 năm không chỉ kể về một chặng đường làm báo của tác giả mà còn là một góc lịch sử làng báo Việt Nam những năm đầu thế kỷ...
Cuốn hồi ký với tựa đề 41 năm làm báocủa nhà báo Hồ Hữu Tường vốn được xuất bản tại Sài Gòn cách đây 45 năm. Sau gần nửa thế kỷ, cuốn sách vẫn chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử thú vị về nghề báo trong giai đoạn đầy biến động của đất nước.
Từ nhà toán học làm báo
Năm 1926, sau khi bị đuổi khỏi trường Trung học Cần Thơ do tham gia viết bài ủng hộ nhà ái quốc Phan Bội Châu, ông Hồ Hữu Tường sang Pháp thi đỗ tú tài và xin học Toán tại Đại học Marseille. Trong thời gian du học tại Pháp, ông quen biết và cộng tác với các nhà cách mạng người Việt như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh…
Cũng chính khoảng thời gian này, năm 1930, Hồ Hữu Tường được giao làm chủ nhiệm tờ báo bí mật tên là Tiền Quân – cơ quan tuyên truyền cho những người Việt theo Đệ tứ Quốc tế. Đến tháng 11/1932, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt vì phụ trách tạp chí lý luận chính trị bí mật Tháng Mười (theo xu hướng Trotsky) và bị xử án treo ba năm. Sau đó, ông được mời gia nhập ban biên tập của nhật báo Công luận và tuần báo Đồng Nai.
Một số tác phẩm của Hồ Hữu Tường được in tại Sài Gòn trước đây.
Năm 1936, Hồ Hữu Tường xuất bản tạp chí Thường trực Cách mạng, tạp chí bí mật duy nhất trong nước được in bằng chữ in. Cũng trong thời gian này ông bỏ nhóm La Luttevà cho xuất bản một tuần báo tiếng Pháp tên là Le Militant (Chiến sĩ), công khai công kích chủ nghĩa Stalin. Cùng với Đào Hưng Long ông cho ra tờ Thày Thợ cổ xúy đường lối của Đệ tứ Quốc tế.
Quan niệm về báo chí của Hồ Hữu Tường cũng chính như việc ông ca ngợi các sử gia Pháp Ph. Devillers và J.Lacouture làm việc tận tâm, chuyên nghiệp khi tìm hỏi ông kỹ càng về sự hợp tác giữa ông và ông Nguyễn Văn Tạo tại tờ La Lutte: “Đối với người ta, chơn lý tự nó là chơn lý rồi chớ không phải mặc áo nầy áo kia mới được nhận là chân lý”.
Cuốn hồi ký cũng chứa đựng nhiều chi tiết lịch sử đắt giá, như Hồ Hữu Tường “hiến kế” cho Cựu hoàng Bảo Đại đổi lấy 5 triệu quan (5 phút hiến kế), cho thấy một khía cạnh khác của vị cựu hoàng, quý tộc và cũng rất sòng phẳng. Số tiền này được ông sử dụng trong việc tuyên truyền chính sách “trung lập chế” của ông bên lề Hội nghị Geneve về Đông Dương năm 1954 (cho đến cả trước 1975).
Năm 1965, Tuần báo Hòa Đồng do Hồ Hữu Tường chủ trương cũng là “loa phát thanh” tuyên truyền cho lập trường “trung lập chế” của ông. Trong cuốn sách, ông cũng thuật lại bút danh chung của Ngũ Long Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành, từ Nguyễn Ố Pháp (chàng Nguyễn ghét Pháp) tới Nguyễn Ái Quốc (Chàng Nguyễn yêu nước).
Cuốn hồi ký 41 năm làm báo của ký giả Hồ Hữu Tường vừa ra mắt độc giả.
Đến chính trị gia
Năm 1939, chính phủ thuộc địa mở chiến dịch tổng đàn áp, bắt hết những đảng phái đối lập. Đến cuối năm 1940, Hồ Hữu Tường bị đày ra Côn Đảo cùng với các nhà cách mạng chống Pháp khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu... Năm 1944, ông được trả tự do.
Trong thời gian ở tù, Hồ Hữu Tường đã hình thành một hệ thống tư tưởng mới: chủ nghĩa dân tộc. Tháng 8/1945, ông cùng với các nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển cùng ký tên vào bức điện gửi cho Hoàng đế Bảo Đại yêu cầu thoái vị. Năm 1946, Hồ Hữu Tường được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam đang điều đình với Pháp. Sau đó, ông tham gia soạn chương trình sách giáo khoa bằng tiếng Việt cho bậc trung học cho Bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Năm 1947, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt trong lúc tản cư về Hải Dương. Sau đó ông trở về Sài Gòn viết văn, làm báo. Năm 1948, Hồ Hữu Tường hợp tác với báo Sài Gòn Mới và bắt đầu viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tầu.
Tháng 3/1955, Hồ Hữu Tường bị bắt vì làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia (gồm các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên) chống lại chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Vì việc này, năm 1957, Hồ Hữu Tường bị chính quyền Ngô Đình Diệm kết án tử hình. Nhờ Albert Camus và những trí thức khác như thủ tướng Ấn Độ Nehru viết thư can thiệp nên ông chỉ bị đày ra Côn Đảo.
Năm 1965, ông làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và vào ban biên tập tuần báo Hòa đồng Tôn giáo. Năm 1967, Hồ Hữu Tường trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Thời gian này ông tham gia viết bài cho các tờ báo: Tiếng Nói Dân tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Sài gòn Mới, Điện Tín...
Năm 1972, khi tác giả còn sống, NXB Trí Đăng (Sài Gòn) đã xuất bản cuốn hồi ký 41 năm làm báocủa Hồ Hữu Tường. Tới năm 1984, NXB Đông Nam Á tái bản cuốn sách tại Paris, Pháp. Việc cuốn hồi ký của ký giả và chính trị gia sống và tranh đấu vào thời gian 1926-1975 vừa được xuất bản đã cung cấp thêm cho bạn đọc những sử liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử báo chí và lịch sử Việt Nam ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Ký giả Hồ Hữu Tường (1916-1980)
Chính trị gia, ký giả Hồ Hữu Tường sinh tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Năm 1962, ông sang Pháp học tại trường Đại học Marseille và nộp luận san thi cao học ngành Toán tại Đại học Lyon. Tại Pháp, ông kết bạn và tham gia hoạt động chính trị với những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... và ra nhập Đệ tứ Quốc tế. Ông mất năm 1980 tại Sài Gòn. Giáo sư sử học Đại học Havard Hồ Tài Huệ Tâm là con gái ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015