Hội Ánh sáng – một hình thức nhân đạo, xã hội chủ nghĩa

02:39 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Bảy, 2011

Tự lực văn đoàn có một ý tưởng tốt, mang tính nhân đạo. Đó là chủ trương xoá bỏ nhà ổ chuột, mang đến cho con người những ánh sáng văn minh.

Sống trong một xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến, cuộc sống người dân quê cam chịu tối tăm giữa bùn lầy, nước đọng bởi còn một lý do nữa là do thất học và nghèo đói mà phải vậy.

Phát hiện ra điều đó cùng với việc châm biếm đả kích thói hư tật xấu, những cảnh bóc lột hà hiếp dân lành của bọn phong kiến thực dân. Tự lực văn đoàn đã có phát kiến là thành lập Hội ánh sáng để cải thiện nhận thức của người dân. Đây không chỉ là lý thuyết mà là việc làm thực tế.

Trên số 38 ra ngày Chủ nhật, 13 tháng 12 năm 1936 cách đây trên 70 năm, báo Ngày Nay đã tấu lên khúc nhạc dạo đầu về sự kiện này bằng bài khá dài, choán từ trang một đến trang ba, với hàng tít khá ấn tượng như là một khẩu hiệu hành động: Đểđi tới việc thành lập Hội bài trừ những hang tối, tạm gọi là Hội ánh sáng đem đến cho dân nghèo khắp nơi những căn nhà sáng sủa, sạch sẽ đẹp đẽ, thay vào những nhà hang chuột, tối tăm, bẩn thỉu không đáng để người ở.

Bài viết ký tên Tự Lực, có đoạn: “Câu chuyện nhà cửa ở nước ta: thật là câu chuyện buồn nếu không phải là câu chuyện... bùn. Ở các nước thái tây, câu chuyện nhà cửa là câu chuyện những phòng sáng sủa, cao ráo, câu chuyện của cái lò sưởi những đêm đông lạnh lẽo, lách tách ngọn lửa hồng ấm áp reo. Còn ở bên ta, thì trời ơi câu chuyện là câu chuyện tối tăm ẩ ẩm thấp, lụp sụp lè tè. Cái nhà của dân ta là cái gì nếu không phủi là đống bùn đem trộn với rơm rác... ai đi qua cũng phải ghê sợ, và những bẩn thỉu dơ ráy bọc lấy căn nhà.

Cái thảm trạng đó có thể kéo dài mãi nếu ta không tìm cách trừ tiệt đi... Dân đã nghèo, lại có cái quan niệm sai lầm về sự sống. Họ nghèo, ta phải giúp họ, họ không biết ta phải soi sáng họ, phải thực hành và đem những cảnh đời mới đến đổi khác các đời tối tăm, thảm hại của họ đi”.

Từ đó trở đi, mỗi số báo Ngày Nay đều để riêng một trang đăng tải ý kiến của những ai có hằng tâm, bàn về vấn đề nhà ở, về lập Hội bài trừ những nhà hang tối, tạm gọi là Hội ánh sáng. Châm ngôn của Hội là Xã hội – Nhân đạo - Cải cách.

Tiếp theo số 39 có bài “Nhà rẻ tiền để dân nghèo và thợ thuyền ở”, ký tên Hội bài trừ những nhà hang tối với một vi nhét hình tròn mô tả một nắm đấm đè bẹp mái nhà tranh tre, dột nát, như thể xoá bỏ, tiêu diệt nó đi. Nửa trên của vòng tròn là một ngôi nhà cao ráo vững chắc trong ánh sáng bình minh…

Tờ báo còn cho in một số mô hình nhà ánh sáng được triển lãm và kêu gọi mọi người gửi những ảnh mẫu nhà hang tối hoặc căn nhà đẹp, có nhiều cái lạ cái hay về kiến trúc tới toà soạn làm tài liệu đăng báo.

Hưởng ứng khúc dạo đầu, trên báo Ngày Nay từ số 40 trở đi liên tiếp đăng hàng loạt ý kiến của bạn đọc trong cả nước. Mở đầu ông nghị Phạm Tá nức nở khen là chủ trương của Tự lực văn đoàn gãi đúng chỗ ngứa, hả lắm. Ông xin các nhà thơ nhà văn, nhạc sĩ hãy về tận làng quê mà biểu diễn, thu tiền hoặc tặng sách cho dân làm quỹ. Ông Phạm Tá còn hăng hái yêu cầu làm nhà mẫu để ở, công khai đề giá từng loại nhà để cho dân chúng biết.

Sau Phạm Tá, Nguyễn Hữu Thăng, Dân Thợ... là tác giả Thanh Thủy ở Cần Thơ, Hữu Phước Thái Nguyên góp ý rất nhiệt tình. Số báo 42 có đăng lời phát biểu của Đỗ Quyên (Hải Phòng). Ông Quyên đề nghị làm ngay mỗi phủ một làng theo kiến trúc mới, rồi tổ chức tham quan, tuyên truyền cho các nơi. Ai có công quyên được nhiều tiền thì khi chết được lập đài kỉ niệm, khắc tên v.v… Rồi ít làn sóng góp ý trên báo Ngày Naymà các tác giả phần đóng ở Hà Nội với muôn hình muôn vẻ. Lại thấy những địa chỉ khác như: Vũ Văn Điểm (Phố Bình Gia), Nguyễn Ngọc Chủng (Quy Nhơn), Hồ Văn Khuê (Huế), Hồ Mẫu Đơn ở Khánh Hoà, Nguyễn Hữu Liên (Nam Định), và bạn đọc ở Vĩnh Yên, Phúc Yên,... liên tiếp phát triển tham gia ý kiến. Những ý kiến vô cùng phong phú, nhiều khía cạnh góc nhìn: khi thì góp ý về tổ chức, khi thì nói về công tác quản lý điều hành, cũng có khi là một sự chia sẻ, biểu dương người nêu ra ý tưởng. Các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, nói về ý tưởng và giá trị nghệ thuật kiến trúc thực hành. Hoàng Như Tiếp có bài Kiến trúc ánh sáng, ông nói rằng Hội ánh sáng đối với ta là một sự mới mẻ. Nhưng con đường mà chúng ta mới bắt đầu, còn nước ngoài đã đi xa. Đặc biệt Vũ Trọng Can trên số báo 49 thì nêu ra ý kiến ban trị sự ánh sáng cần 12 người, có cả chức sắc địa phương chánh phó hội, kế toán, thủ quỹ, kiểm soát, được ăn lương tháng của quỹ hội mà chuyên tâm làm việc cho hội. Những ý kiến sâu sắc của hàng trăm bạn đọc viết trong cả nước, được đăng tải kéo dài đến tận số báo 70, giống như một bản giao hưởng có đủ tiết tấu, giai điệu... làm cho không khí hừng hực sức sống trong thời bấy giờ.

Đến số 71 báo đăng ý kiến hưởng ứng và ủng hộ Hội ánh sáng của anh em thợ thuyền ở Vinh, làm cho phong trào có thêm sức nóng. Ông AiLen, chủ hãng G.M.R cho đăng báo xin nhận anh em lao động trong xóm thợ thuyền vào làm việc của hãng ông. Ông còn tổ chức bán hàng từ thiện, một ngày trích ra 10% số tiền thu được giúp dân bị lũ lụt tỉnh Bắc Ninh. Đoàn ca Vũ May Blossom cũng biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội lấy tiền giúp Hội Ánh sáng.

Tự lực văn đoàncó nhiều hoạt động để gây quỹ vì người nghèo, lôi cuốn người Việt ở nước ngoài như Công Pông Thom (Cao Miên) gửi tiền về cứu tế. Tự lực văn đoàn quảng cáo, cổ vũ người đi xem bóng đá thực đông, đi xem đấu võ kịchh liệt tại Nhà hát lớn để lấy tiền giúp dân bị lụt và Hội Ánh sáng.

Ví dụ cuộc đấu bóng đá ở Stade Mangin, thu được 208 đồng, chi các khoản 74 đồng còn lại 134 đồng. Thống sứ Yves Châtel quyên 5 đồng cũng được đưa lên báo. Rồi những bài ca về Hội Ánh sángra đời, nhằm cổ suý, khích lệ. Trần Duy Hưng và Thế Lữ soạn lời ca bài hát được quần chúng hát vang thời bấy giờ.

Trích đoạn một bài hát theo điệu La Badge:

Nào! Đem ánh sáng soi tới
Vừng tối tăm cho người cùng loài
Nào! Đem ánh sáng soi tới
Đời tối tăm bao người.

Anh em! Thấy chăng trong đời
Còn bao nhiêu nỗi đớn đau
Dân ta biết bao nhiêu người
Lầm than nheo nhóc bấy lâu
Trong xó vách nát lều tranh
Chen chúc sống dưới trời xanh…

Điệp khúc.

Đây là lời bài hát theo điệu “Ngũ điểm mai” do Thế Lữ soạn:

Bước vào mấy lớp nhà tranh
Thấy cao rộng thênh thênh lạ thường
Vì chưng “ánh sáng” xuyên ngang
Gió đưa lại ánh dương nhẹ nhàng.
Hết thời chui rúc lầm than
Thấy chăng vẻ phong quang hiện về
Bài ca “ánh sáng” lan đi
Sáng soi cả thôn quê thị thành.

Phong trào Hội ánh sángphát triển rất mạnh đã thu hút được giới thanh niên, phụ nữ tham gia, đặc biệt cuốn hút anh em hướng đạo - một lực lượng vừa đông đảo vừa nhiệt huyết tham gia, tạo thêm sức cuốn hút.

Cho đến số bán 75 ra ngày 5 tháng 9 năm 1937 ông Phạm Văn Bính, thư ký Uỷ ban tạm thời Hội ánh sáng, cho đăng bài diễn văn tại buổi họp đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đấy chính là mục đích và chương trình Hội ánh sáng được công khai chính thức, với bốn việc sau:

  1. Bài trừ những nhà tối tăm, có hại cho vệ sinh con người.
  2. Khuyến khích làm ngôi nhà đẹp sạch sẽ, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Bảo cách cho dân quê đắp đường đi, đào giếng nước, xẻ thùng rãnh hôi hám có lối thoát.
  3. Cổ động, truyền bá cho mọi người, nhất là đàn bà trông nom việc gia đình, cho các chủ nhà ăn ở ngăn nắp sạch sẽ, vệ sinh.
  4. Bằng nhiều cách để giúp đỡ các gia đình nghèo có nhà sáng sủa...

Ảnh hưởng ban đầu của Hội Ánh sáng là đã điều đình với Công sứ Haelewyn tỉnh Bắc Ninh vào chủ nhật ngày 3 tháng 10 mang hơn ba tấn gạo đến huyện Lang Tài giúp dân. Văn Bính đã có bài tường thuật cuộc phát chẩn ấy như sau: “Trong vài giờ đồng hồ. đoàn viên ánh sáng chia làm bốn bọn, phát cho bốn làng. Cả thảy 2450 nạn dân. mỗi người được lkg gạo. Khái Hưng giữ việc chớp ảnh. Mới 9 giờ lưỡi công việc đã xong xuôi Công sứ Haeleyn, Tổng đốc Nguyễn Bá Tiệp, Tri huyện Nghiêm Xuân Khải thay mặt nạn dân cảm ơn Đoàn Ánh sáng đã có công khó nhọc về tận nơi phát chẩn”.

Bằng nhiều việc làm như trên, đến ngày 14 tháng 10 năm 1937 tại Nghị định số 4851 -A, Hội ánh sáng mới được Thống sứ Yves Châtel cho phép thành lập, đăng trên báo Ngày Naysố 82.

Bắt đầu từ đó, Đoàn ánh sáng thu tiền của hội viên.

Báo Ngày Nay, số 83 nói kỹ về việc này:

Mấy nghìn hội viên đã ký giấy vào đoàn xin đóng tiền ngay cho. Các bạn ở tỉnh xa mua mandat đề cho Đoàn Ánh sáng, Ha Noi. Bằng số tiền của mấy ngàn hội viên ấy. Đoàn có tiền ngay để dựng một thôn Ánh sáng. Thôn Ánh sáng đầu tiên sẽ dựng lên toàn bằng tiền của Hội viên đầu tiên. Tiền

của các bạn sẽ biến ngay thành nhà cửa Ánh sáng... Sức mạnh của của Đoàn Ánh sáng là số đông. Các bạn vào thật đông. Mỗi người chỉ đóng có đóng một năm, không là bao. Nhưng nhiều người thì số tiền sẽ rất lớn, thôn Ánh sáng sẽ rất nhiều. Hiện giờ biên tên tại số 5 Hàng Bún sau sẽ đặt nhiều nơi trong thành phố.

Điều lệ vào Hội:

Tán trợ hội viên Biếu Đoàn một số tiền, ít nhất 100$.

Tặng hảo hội viên: biếu Đoàn một số tiền, ít nhất là 50 đồng.

Chủ trì hội viên: đóng mỗi năm 1 đồng và ít nhất phải 21 tuổi.

Khuyến khích hội viên: đóng mỗi năm 0$20 (dành cho thợ thuyền, học sinh và dân quê)

Chủ trì hội viên và khuyến khích hội viên, khi đã đóng cho đoàn 15 năm liên tiếp hay là đóng luôn một lúc 10 năm, sẽ được miễn lệ đóng tiền và được gọi là “vĩnh viễn hội viên”.

Phong trào ánh sáng đã đi xa hơn, Hoàng Đạo viết bài kêu gọi giới thợ thuyền để dành riêng một ngày chủ nhật đi làm lấy tiền giúp nạn dân. Và đó là ngày chủ nhật của nạn dân. Phong trào được giới thợ thuyền hưởng ứng. Khắp nơi gửi tiền quyên góp về địa chỉ của hội. Trên báo Ngày Nay thường xuyên in bài đưa tin: Ánh sáng sẽ tổ chức những tuần lễ liên tiếp. Ánh sáng vĩ đại chưa từng thấy trong nước Nam những cuộc lớn vào những tối thứ Bảy và suốt ngày đêm Chủ nhật, những cảnh khác nhau: rừng núi, bể, đồng bằng, và bồng lai ở những nơi khác (giấu kín chưa thể nói ra được) để lấy tiền dựng một làng Ánh sáng ở vùng bị lụt, một thôn Ánh sáng gần Hà Nội.

Nhà cầm quyền cũng đã cho phép tổ chức Ngày Ánh sáng vào ngày 12 tháng 12 năm 1937 ở Hà Nội. Toàn quyền Jules Brévié nhận lời làm danh dự hội trưởng và đỡ đầu Đoàn Ánh sángvới bức thư có nội dung:

Hanoi le 14 Décembre 1937.

Cùng ông Hội trưởng Đoàn Ánh sáng Hanoi

Ông Hội trưởng.

Tôi lấy làm hân hạnh báo tin ông biết tôi rất vui lòng nhận chức đó. Tôi chúc đoàn Ánh Sáng chóng đạt được mục đích nhân đạo, xã hội của đoàn và ngày càng bành trướng thêm ra...

Kính chúc

Jules Brévié

Thế là một số uỷ ban hành động ánh sáng được thành lập ban đầu có ba ban:

  • Ban tổ chức, khánh tiết:
    • Trưởng ban: Bà Trịnh Thị Thục Oanh, Đốc học các trường học nữ Hà Nội.
    • Thư ký: các ông Nguyễn Trọng Thạc, Hoàng Nhật Tiến.
    • Uỷ viên: các bà: Trần Khánh Giư, Hoàng Cơ Thuỵ, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Tiết, Tôn Thất Bình, Vũ Đình Đa, Phạm Hoàng Tín, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, và Hà Sĩ Cát.
  • Ban chuyên môn:
    • Trưởng ban: ông Bùi Tường Chiểu.
    • Thư ký: ông Võ Đức Diễn, Nguyễn Gia Trí.
    • Uỷ viên: Các ông Nguyễn Xuân Tùng. Trần Văn Cẩn, Nguyên Đỗ Cung, Hoàng Như Tiếp, Lưu Văn Gìn, Nguyễn ) Cát Tường, Võ An Ninh, Thẩm Hoàng Tín. Nguyễn Gia Đức, Lương Xuân Nhị, bà Cát Tường.
  • Ban tuyên truyền:
    • Trưởng ban: ông Đoàn Phú Tứ.
    • Thư ký: ông Hà Sĩ Cát, Vũ Đình Hoè.
    • Uỷ viên: Các bà Trịnh Thục Oanh, Nguyễn Cát Tường, Các ông Vũ Nam, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Đình Liên, Dương Minh Châu, Trần Hữu phụng. Ngoài ra còn các cô Lê Thị Lý, Nguyễn Thị Hảo v.v…

Cùng danh sách trên, còn nhiều người giúp việc. Đoàn viết thư gửi tới hiệu trưởng các trường công, tư ở Hà Nội cho phép các nữ sinh giúp Ngày Ánh sáng.

Có thể nói, họ đã chuẩn bị chu đáo cho buổi tổ chức Ngày Ánh sáng tưng bừng như ngày hội. Các thành viên của Đoàn chia nhau thành từng tốp đi đến các cửa hàng, các tổ chức vận động người dân tham gia vào Đoàn nhưng không phải đến đâu cũng thông đồng bén giọt. Nhiều khi nghe giải thích, người dân đồng tình ngay, nhưng lại không có tiền nộp, có khi một bà mẹ quan huyện tiếp đoàn rất vui vẻ, nhưng thu tiền thì bà ta lại bảo về hỏi con trai. Có khi đến cửa hàng xin gặp chủ, nhưng họ không tiếp, chỉ cho người ở, hoặc người bán hàng ra chối khéo là chủ hàng đi vắng. Nhưng phần đông người Hà Nội tham gia hào hứng. Có nhiều người ghi tên, đóng tiền ngay cả năm… Một Ngày Ánh sáng ở Hà Nội đã có thêm 2352 người, với tiền thu được 1221 đồng.

Anh em thợ thuyền ở khu hàng Đông Dương tại đấu xảo quốc tế Paris do bà Đào Văn Minh chuyển tới quỹ hội 812 frans. Một người ẩn danh đã nhờ sư cụ chùa Quán Sứ gửi 25 đồng cho quỹÁnh sáng. Số tiền này đáng lẽ làm chay cho cha mẹ, nhưng nay được giác ngộ, đã chuyển làm từ thiện cho quỹ người nghèo. Nhiều tổ chức cá nhân đã gửi tiền nhờ Đoàn Ánh sáng đong gạo phát cho nạn dân bị thiên tai lũ lụt. Lúc ấy có cả thư của nạn dân các làng Lương Xá, Bình Địa. huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương mong Đoàn mang gạo về giúp dân.

Nhất Linh (lãnh tụ nhóm Tự Lực Văn Đoàn, 1906-1963) qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Là chủ suý của văn phái, trước phong trào rầm rộ, Nhất Linh đã bị cuốn vào ngọn gió cải cách. Ông không chỉ là người khởi xướng, cổ suý, mà còn hăng hái tham gia trực tiếp. Ngày 13 tháng giêng năm 1938 ông đã đọc diễn văn tại Nhà hát lớn Hải Phòng, với lòng nhiệt huyết. Sau khi nói ý nghĩa, mục tiêu và hành động của Đoàn Ánh Sáng, kết thúc ông nhấn mạnh: Ta không nên nói việc sắp làm là một việc tri ân cho các bạn nghèo. Chúng ta phải tự cho rằng hững hờ với họ là một sự không công bằng, là một tội lỗi nữa. Và ngay từ bây giờ đây, ta phải cố sức để chuộc cái lỗi đó với các bạn nghèo kém trong xã hội (đăng trên số 94- báo Ngày Nay năm 1938).

Phong trào Ánh sáng đã có tác dụng thiết thực trong đời sống dân quê. Hoàng Đạo có bài ghi chép chân thực về một cuộc đi thăm Trại Ánh sáng, đăng trên báo Ngày Nay số 49, năm 1937:

“Tôi cùng vài người bạn đến thăm Trại Ánh sáng ở ngoại ô Hà Nội... Vui vẻ chúng tôi lần theo giậu găng thấp và xén đều đến một cái cổng lớn, kiểu giản dị, trên đề mấy chữ: Trại Ánh sáng. Một lũ trẻ đương nô đùa thấy chúng tôi bỗng dừng lại và ngạc nhiên nhìn. Mặt mũi sáng sủa, chúng ăn bận lại sạch sẽ tinh tươm, nên trông dễ yêu lắm..Đứa nào cũng hồng hào khỏe mạnh, lộ ra vẻ vui tươi, sung sướng.

Một bà cụ ôm đứa trẻ vào lòng nói với tôi: “Mời các ông vào chơi. Kìa cháu cống hỉ các ông đi!” Chúng tôi nhìn dãy nhà lá sáng sủa của trại, thầm khen vẻ đẹp đơn giản của những mái rạ phẳng phiu, của những bức tường không cao, của những mái hiên rộng… Bà cụ nói: “Đời tôi bây giờ đơn giản lắm. Thày cháu và u cháu đi làm còn tôi ở nhà trông nom các cháu. Nhờ Trời Phật phù hộ, từ khi về ở trại này chúng nó được khoẻ mạnh, cả tôi cũng ít sinh chứng nữa. Có lẽ vì đất ở đây lành”.

Phong trào ánh sáng đã có tác dụng thiết thực trong đời sống dân quê làm cho nhiều trí giả cũng thấy mình không thể đứng ngoài cuộc. Bà Vũ Ngọc Phan cất tiếng cổ suý bằng một bài thợ Khuyên người vào Hội Ánh sáng đăng trên báo Ngày Nay số 106/ năm 1938, có những đoạn sau:

Chốn thôn ổ bấy lâu tăm tối
Nghĩ dân quê lắm nỗi lầm than
Miếng ăn đã khổ muôn vàn
Lại còn chốn ở tồi tàn khá thương
Nay được chốn ra vào thư thả
Buổi hoàng hôn vất vả trở về
Vợ con khoẻ mạnh đề huề
Tuy nghèo lòng cũng hả hê muôn phần
Kết quả ấy là công Ánh sáng
Vậy hỡi ai là bạn đồng tâm
Rủ nhau vào Hội cho đông
v.v…

Đám tang Nhất Linh tại Sài Gòn ngày 13/7/1963

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách mạng tháng 8 và người trí thức

    02/09/2016Mai ThụcKỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành...
  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Sơ lược về đời làm báo của Phan Khôi

    09/10/2014Lại Nguyên ÂnPhan Khôi (1887-1959) can dự văn chương không hiếm khi với tư cách người sáng tác (làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài) nhưng thường khi với tư cách người bình luận, người nghiên cứu, hoặc với tư cách dịch giả. Hoạt động của ngòi bút ông gắn với báo chí đến mức di sản của ngòi bút ông có cơ mất hút trong mắt các lớp hậu thế nếu họ chỉ đi tìm ông theo cái kênh dễ soi là sách xuất bản thời trước và do vậy chỉ thấy được một ít văn phẩm (Chương Dân thi thoại, Việt ngữ nghiên cứu, …) dường như chưa xứng tầm cỡ tác giả!
  • Vũ Ngọc Phan với các giá trị văn chương-học thuật dân tộc

    09/10/2009GS Phong LêVũ Ngọc Phan mất giữa năm 1987, tức là ông vẫn chưa được hưởng một chút thư thái, an nhàn nào trong sinh hoạt vật chất vốn rất khó khăn đối với cả dân tộc chúng ta hồi ấy. Ông cũng chưa được hưởng một sự cởi mở trong sinh hoạt tinh thần để thấy giá trị nguyên vẹn về mặt khoa học của số lớn những gì ông đã viết trong Nhà văn hiện đại.
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Báo Nhân văn (5 số)

    28/05/2009Trong thời gian 1956-1957, Phan Khôi cùng Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phan Khôi, Thụy An, Trương Tửu... thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ. Báo Nhân Văn ra được 5 số thì bị đình bản. Phan Khôi sau đó bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.

  • Tính chuyên nghiệp của Nhà văn Việt Nam: Có hay không?

    04/12/2008Hoài NamMột cách hết sức sòng phẳng, chúng ta liệu có thể khẳng định được rằng văn chương Việt Nam đương đại có bao nhiêu tác phẩm được thế giới biết đến bởi chính giá trị tự thân của chúng?
  • Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    11/08/2006Võ Minh TâmXã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một xã hội đầy biến động. Từ chỗ là quốc gia phong kiến tự chủ, Việt Nam lúc này trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • xem toàn bộ