Hốt rác và xả rác

09:06 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Chín, 2005

Bài này viết nhân kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Tháng Tám. Tựa bài lấy từ ý của một trong những người lãnh đạo cuộc cách mạng lừng lẫy của dân tộc ta - anh Phạm Văn Xô, vừa mới vĩnh biệt chúng ta.

Chuyện như thế này: sau ngày 30.4.1975, theo chế độ chính sách của Nhà nước, anh Hai Xô được phân cho một khoảnh đất trên bán đảo Thanh Đa, anh xây một căn nhà gỗ tạm ở được, đào ao thả cá, cùng chị Hai Xô chăm sóc vài con heo. Anh cũng trồng một ít rau cải, hằng ngày đi nhặt phân bò về bón cho rau. Tóm lại, anh không kinh doanh mà chỉ cốt xoay xở cho bữa ăn đạm bạc, vào lúc mới giải phóng, kinh tế thành phố còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, anh vẫn băn khoăn và thường nói với tôi: "Mảnh đất quá rộng, ở một vị trí tốt, nếu Nhà nước dùng cho việc khác thì ngân sách chung có lợi hơn nhiều là dành cho một gia đình".

Anh đề nghị Thành ủy đổi chỗ ở và anh chọn một căn phố hẹp song lại nằm ở vùng buôn bán ồn ào, không thích hợp với tuổi tác của anh chị. Thế là, nhân con của anh được cấp mấy phòng trong một cư xá, anh về ở với con. Đó là nơi anh ở lâu nhất cho đến khi chị và anh qua đời. Ái ngại về chỗ ở quá hẹp của anh, một đồng chí lãnh đạo của thành phố chọn cho anh một ngôi biệt thự nho nhỏ nhưng khang trang. Anh thậm chí không đi xem ngôi biệt thự mà từ chối dứt khoát. Anh nói: "Xã hội còn quá nhiều rác, cán bộ ham nhà cửa khiến danh tiếng của Đảng bị hoen ố. Vì tuổi đã cao nên không thể hốt rác được, nhưng tôi quyết không xả rác...".

Đạo đức cộng sản sống sâu và mạnh trong con người anh. Có lần tôi khen "đạo đức cộng sản" ấy của anh, anh không tán thành: "Cái gì mà kêu là "đạo đức cộng sản"? Và anh nói rõ: "Tôi làm việc đó y như một người dân bình thường". Có người thuật cho anh nghe chuyện một số cán bộ xây nhà quá đồ sộ, anh bực bội ra mặt: "Người dân thường vẫn bằng lòng với cái chòi của mình và từ cái chòi đó sẽ nâng lên đẹp hơn. Không ai không muốn có một ngôi nhà tươm tất, nhưng phải là ngôi nhà tương xứng với đóng góp của mình, phải biết xấu hổ khi ngó chung quanh, mà công lao thì không ai cân đo nặng nhẹ so với nhau đâu. Kẻ cả đời vào tù ra khám, gia đình hết hy sinh lớp này đến lớp khác, lý lịch không có cột nào ghi "sơ, trung, cao", hay từng làm ông này, bà nọ, những người đó chưa hẳn ít công trạng, họ chỉ mong có chỗ tránh nắng, tránh mưa là chuyện không dễ trong lúc đất nước còn nghèo. Tự cho mình những cương vị này, cương vị khác thì có quyền có nhà cao cửa rộng, lối suy nghĩ ấy chẳng những lạc hậu mà còn là mầm mống gây bất trắc cho chế độ...".

Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới, cái cốt lõi của thời đại mới đó là con người sống có đạo đức - đạo đức do Đảng dạy dỗ, do Bác Hồ nêu gương, do hàng triệu đảng viên và người yêu nước theo đuổi cho tới tận hôm nay, đeo đuổi thanh thản.

Chúng ta kỷ niệm lần thứ 60 Quốc khánh nước Việt Nam mới. Xã hội đang nỗ lực để tạo ra một mặt bằng thu nhập của người dân cao hơn trước và nhất là đồng đều hơn trước, đất nước đã làm được chiều rộng điều này mà ai cũng thấy, cũng hưởng. Song, số cơ cực vẫn không phải là con số nhỏ - thiểu số, đúng rồi, song thiểu số lên đến triệu người, luôn cật vấn chúng ta. Vụ điện kế điện tử giả ở TP.HCM "nuốt", theo ước tính của cơ quan tài chính, đến 200 tỉ. Giá số tiền ấy dùng xây nhà tình nghĩa, ta sẽ thấy liền hạnh phúc của người không nhà. Đương nhiên, bình quân chủ nghĩa không nằm trong chính sách của Nhà nước, mặc dù trong cuộc sống, có người giỏi, người kém, nên chênh lệch một cách tương đối về thu nhập, cũng là điều bình thường. Song cái mà ngày Quốc khánh cảnh báo một bộ phận xã hội là không được dùng quyền thế, cương vị và mánh khóe để "ăn trên ngồi trước".

Nhân ngày trọng đại này, tôi nhớ anh Hai Xô và nhớ câu nói của bậc lão thành: "Không còn sức để hốt rác thì đừng xả rác!”...

Nguồn:Thanh Niên
LinkedInPinterestCập nhật lúc: