Internet trong trường đại học - quá lãng phí
Trao đổi với ông Quách Tuấn Ngọc
Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GD&ĐT
- Xin ông cho biết hiện trạng sử dụng Internet trong trường ĐH, CĐ hiện nay?
- Đúng ra, việc nối mạng trong trường ĐH, CĐ là chuyện đương nhiên, không phải hô hào như ở cấp phổ thông. Tuy nhiên hiện nay số trường ĐH nối mạng, hiểu theo đúng nghĩa là kết nối băng thông rộng, thì rất ít, chủ yếu là băng thông hẹp 126Kbps, 256Kbps. Số trường có tên miền riêng, bảng web riêng cũng rất ít. Còn khu vực các trường CĐ gần như "trắng", chủ yếu chỉ kết nối qua đường điện thoại.
Tương tự như vậy, tình trạng SV sử dụng Internet trong trường học tưởng là đương nhiên nhưng thực tế lại rất khó khăn: Số phòng máy ít, số lượng máy ít, đường truyền quá hẹp, nên SV ít được truy cập.
- Nguyên nhân của tình trạng "có mà như không" này là gì, thưa ông?
- Nối Internet ở trường ĐH, CĐ cần phải hiểu là nối băng rộng mới đạt yêu cầu. Trước đây kinh phí thuê đường dùng riêng rất cao, nhưng nay chi phí cho việc kết nối đã rẻ hơn khá nhiều. Từ tháng 7.2003, ngành bưu điện cung cấp kết nối Internet qua đường ADSL băng rộng giá tối đa dùng khoán là 1 triệu/tháng, khá phù hợp và rẻ cho một trường vì dùng cho nhiều người. Tuy nhiên sau một thời gian dùng thử, nay đường ADSL lại trở lại trạng thái chậm, có lúc cũng rất chậm, có thể do nhiều người dùng. Đó là về mặt kinh phí và công nghệ.
Về phía ngành giáo dục, quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo nhà trường: Có muốn thực sự cho SV của mình được dùng Internet hay không? Cho SV dùng tất nhiên không tránh khỏi "lỗ" vì phải chi phí thêm, nhưng có những thứ "lãi" vô hình, lãi rất lớn, không thể đo đếm được: Sự tăng trưởng về tri thức khi tiếp cận Internet, uy tín của trường về đào tạo... Ngoài ra, nhiều thủ trưởng còn chưa biết sử dụng email, chưa có khái niệm về web... thì SV khó mà được nhờ.
- Các trường ĐH, CĐ có thể trông đợi vào những dự án đầu tư không, thưa ông? Dự án mạng EduNet có đem lại cơ hội cho SV được sử dụng Internet một cách rộng rãi hơn trong nhà trường?
- Hiện tại chưa có dự án nào trực tiếp đầu tư vào Internet trong trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, từ nhiều nguồn kinh phí, các trường đã có những dự án đầu tư cho việc thiết lập mạng trong khuôn viên trường ĐH, đặc biệt là mạng thông tin và thư viện điện tử. Đó là sự năng động tự chủ của các trường, không ỷ lại ngồi chờ.
Sắp tới có những trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia đầu tư từ dự án đại học đến vài triệu USD cho mạng khuôn viên của nhà trường. Khi bắt đầu khởi động, EduNet sẽ thúc đẩy các trường tăng tốc, làm thay đổi nhận thức của các trường về vai trò của Internet. Còn kinh phí có thể nói là chưa có kinh phí riêng, các đơn vị trường, sở đều chủ động khai thác các nguồn kinh phí đã được phân cấp, kinh phí từ các dự án khác.
- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Điều lệ trường ĐH, trong đó quy định bắt buộc mỗi trường phải có website. Ông đánh giá như thế nào về yêu cầu này?
- Đây là bước khởi đầu, là sự chuẩn bị để tiến tới phải có quy hoạch về thông tin, có biện pháp "cưỡng bức" các trường đưa thông tin lên mạng phục vụ cho sinh viên và xã hội. Nội dung bảng web của các trường phải thường xuyên được cập nhật và thiết thực với SV, như việc đưa điểm tuyển sinh và đáp án, thang điểm lên mạng là một ví dụ.
Song song với việc lập website phải xét đến vế thứ hai của Internet trong trường ĐH, CĐ, đó là cung cấp dịch vụ Internet cho SV, tiến tới mỗi trường phải được kết nối với Internet với tốc độ hàng trăm Mbps, có như thế mới xứng đáng gọi là nối Internet vào trường ĐH.
- Tương lai nào cho Internet vào trường ĐH, CĐ, thưa ông?
- Về hạ tầng cơ sở, nếu các trường được nối cáp quang với băng thông rộng có thể lên đến ít nhất là 155 Mbps thì quả là lý tưởng và khi đó mạng EduNet có ý nghĩa cả ở góc độ kết nối vật lý. Chúng tôi hi vọng, một số trường ĐH lớn sẽ có cổng kết nối Internet qua vệ tinh trực tiếp như khu phần mềm TPHCM đã làm.
Nhưng tôi muốn nhắc lại, sau xây dựng hạ tầng mạng Internet, việc cung cấp thông tin, nội dung phải thường xuyên và bổ ích, và là cung cấp miễn phí cho SV. Mỗi SV phải có một địa chỉ e-mail. Bản thân SV sẽ là người chủ lực tự đưa nội dung lên Internet.
Với hệ thống cáp quang, chúng ta hoàn toàn hi vọng đến một ngày không xa, các trường sẽ cung cấp giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, khóa học điện tử (E-Learning), thậm chí cung cấp công khai cả luận văn, luận án để SV các trường trao đổi với nhau. Như vậy, SV được tham khảo các luận văn hay, cách viết luận văn hay, có phương pháp làm việc và học tập một cách tích cực, giao lưu với cả thế giới và rèn luyện thêm tiếng Anh. Có thể nói dù hiện tại không được lạc quan lắm, nhưng tương lai Internet trong trường học là sáng sủa.
Xin cảm ơn ông.
Chưa phát huy hết công năng
Thạc sĩ Võ Như Tiến
Chánh văn phòng Đại học Đà Nẵng
Hiện nay, hầu hết các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng đều có thư viện điện tử, các phòng nghiên cứu, thí nghiệm. Trung bình, mỗi trường có 25-30 máy tính có kết nối Internet phục vụ cho việc học tập, tra cứu, và giải trí cho sinh viên. ĐH Đà Nẵng còn có trung tâm thông tin tư liệu và thư viện riêng biệt. Đây là thư viện điện tử hiện đại đầu tiên ở VN, có diện tích sử dụng 2.400m2, với sức chứa trên 600 chỗ ngồi.
Tất cả sinh viên VN Đà Nẵng được mượn tư liệu, sách báo, truy cập Internet miễn phí. Tại đây ngoài phòng Internet có khả năng truy cập tại chỗ các thông tin trên mạng 100 máy tính cùng một lúc, với đường truyền băng thông riêng 128KB, còn có 1 phòng hướng dẫn sinh viên cách truy cập Internet với 25 máy tính. Thư viện này còn trang bị một số cơ sở dữ liệu truyền qua mạng như hơn 500 luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, hàng trăm đĩa mềm, CD giáo trình, giáo án, tư liệu, sách, báo...
Đại học Đà Nẵng cũng đang triển khai dự án nối mạng cáp quang riêng đi đến các trường thành viên để phục vụ công tác quản lý, dạy, học, tra cứu cho cán bộ, giáo viên và sinh viên. Tuy nhiên, các thư viện điện tử, các trung tâm ứng dụng tin học, cung cấp dịch vụ Internet thuộc ĐH Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết công năng. Sinh viên cũng không tận dụng cơ sở này để khai thác, phục vụ cho việc học tập. Nhiều trường hợp không sử dụng Internet được do "trở ngại" về ngoại ngữ, chưa biết sử dụng máy tính, nhưng cũng có các trường hợp xem Internet là phương tiện, công cụ để giải trí, tán gẫu chứ chưa thực sự coi đây là phương tiện học tập khoa học, hiện đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuProtagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi