Không phải quá lo về Thượng Hải

11:07 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Chín, 2013
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA - Program for International Student Assessment) là một kỳ thi quốc tế dành cho học sinh 15 tuổi. Chương trình do Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) tổ chức cho các nước trong khối OECD và mở rộng ra một số nước khác. Hàng năm có khoảng từ 4.500 đến 10.000 học sinh tham gia kỳ thi này ở mỗi nước.

Hiện nay, người Mỹ đang phải đối mặt với nỗi lo về thành tích giáo dục. Xếp hạng điểm thi PISA trên toàn cầu của học sinh nước này đang thấp, đồng nghĩa với việc các vấn đề về cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức thế giới sẽ nảy sinh. Kết quả này không chỉ phản ánh sự suy giảm năng lực của hệ thống giáo dục phổ thông Mỹ, mà còn cho thấy sự tiến bộ của các nước khác. Đây là điều người Mỹ cần suy nghĩ.

Trong kỳ thi vừa diễn ra năm 2010, học sinh Thượng Hải- Trung Quốc đang đứng đầu trong bảng xếp hạng điểm thi của PISA. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan đã gọi kết quả này là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho người Mỹ. Hiển nhiên xếp hạng điểm thi của PISA không phản ánh đúng xếp hạng năng lực thật của học sinh Mỹ so với các nước khác. Tuy nhiên, xem xét những gì xảy ra ở Thượng Hải, chúng ta có thể rút ra bài học từ những điểm tích cực và cả hạn chế trong cách làm của họ.

Học hành là con đường duy nhất

Có nhiều nhân tố khiến người Trung Quốc luôn đặt việc học lên hàng đầu.

Trong một thời gian dài, học hành là con đường chủ yếu để thành danh và có vị thế cao trong xã hội. Hệ thống khoa cử trong chế độ phong kiến đã ăn sâu vào văn hóa và kinh tế- chính trị Trung Hoa trong gần hai ngàn năm, cho đến khi xuất hiện hình thức thi vượt rào vào trung học và đại học hồi đầu thế kỷ 20. Thời điểm đó, sự mất ổn định chính trị và tiếp theo là sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến cho học hành trở thành con đường chắc chắn duy nhất để thành công.
 Thêm vào đó, chế độ một con của Trung Quốc cũng khiến các bậc phụ huynh tăng cường đầu tư và khuyến khích trẻ em học tập. Tuy nhiên, khi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng do kết quả của cải cách kinh tế, không phải ai cũng có điều kiện đầu tư như nhau. Ngoài ra các gia đình Trung Quốc còn phải chịu những sức ép khác như lương hưu và bảo hiểm y tế thấp trong khi chi phí cho nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế lại quá cao. Dễ hiểu rằng để đối phó với những sức ép xã hội ấy, trẻ em buộc phải học giỏi để thành công trong cuộc sống.

Ngoài ra, hầu hết trẻ em thành thị ở Trung Quốc là con một, nghĩa là chúng cần phải kiếm một công việc đủ tốt để lo cho gia đình riêng và cả cha mẹ già. Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít những người có bằng cấp tốt mới có khả năng tiếp cận những công việc này. Cần phải biết rằng cánh cửa vào trung học và đại học ở Trung Quốc là rất hẹp. Theo số liệu thống kê năm 2008 của Unesco, chỉ 76% thiếu niên lứa tuổi học trung học được đến trường, và chỉ 23% thanh niên được vào đại học, cao đẳng.

Nếu trẻ bị thua trong cuộc chiến học hành, cha mẹ chúng sẽ không còn chỗ dựa nào khác. Bản thân trẻ cũng sẽ chẳng có anh chị em để giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Do đó, cuộc chiến khốc liệt trong học tập là dễ hiểu khi mọi đứa trẻ đều muốn trở thành người chiến thắng. Nếu không, chúng không có cơ hội nào khác.

Một lý do nữa là, các trường trung học và đại học xét tuyển dựa vào kết quả của một kỳ thi chứ không phải là điểm trong quá trình học hoặc thành tích hoạt động ngoại khóa. Hệ quả là, học sinh chỉ tập trung chủ yếu vào luyện các kỹ năng tư duy phê phán, khả năng tập trung và ghi nhớ - đặc trưng của PISA và những kỳ thi tương tự. Từ lớp một trở đi, học sinh ở trường cả ngày, luyện thi và làm các bài thi thử. Trẻ cũng bị sức ép từ cha mẹ và giáo viên để phải thi đạt điểm càng cao càng tốt. Buổi tối, cuối tuần và ngày nghỉ lễ được dành cho bài tập về nhà, gia sư và các trường luyện thi. Ở Mỹ, giáo viên là người quyết định khả năng vào đại học của học sinh thông qua việc chấm điểm học tập hàng ngày. Tuy nhiên, nhiệm vụ của giáo viên Trung Quốc  chủ yếu lại là hướng dẫn, luyện thi và làm tất cả mọi thứ có thể để giúp học sinh đạt được điểm cao trong các kỳ thi vượt rào. Những giáo viên đào tạo được học sinh thành công không chỉ được hưởng thù lao cho kết quả công việc tốt, mà còn có được uy tín, sự thăng tiến, tiền thưởng, việc làm ở các trường tốt hơn, tiền công làm gia sư cao hơn, và mối quan hệ lâu dài với những học sinh thành đạt đã chịu ơn họ.

Bối cảnh Thượng Hải

Những nhân tố khiến trẻ em Trung Quốc vùi đầu vào học đặc biệt mạnh ở Thượng Hải, nơi có cuộc sống đắt đỏ nhất, phân hóa về kinh tế- xã hội cao nhất, nhiều người có bằng cấp nhất, và thực hiện triệt để nhất chính sách một con ở Trung Quốc. Theo điều tra của Ủy ban Giáo dục Thành phố Thượng Hải năm 2006, hầu hết trẻ em ở đây đều được đi học (từ mầm non đến hết lớp 12); 55% học sinh lứa tuổi trung học vào các trường dự bị đại học; và 82% học sinh tốt nghiệp từ các trường này vào đại học. Thượng Hải là trung tâm thương mại và là thành phố giàu có nhất Trung Quốc, với khoảng 20 triệu dân. Đây là nơi tập trung những người mong muốn tìm kiếm sự thăng tiến và thành công, bao gồm cả những giáo viên hàng đầu trên khắp Trung Quốc. Các bậc phụ huynh ở Thượng Hải gửi con vào các trường mầm non dạy cả Tiếng Anh, Toán, Tiếng Trung và những kỹ năng khác từ khi trẻ 4- 5 tuổi. Họ đầu tư thời gian và tiền bạc nhiều đến mức có thể để con họ được nhận vào các trường mầm non tốt nhất, tiểu học tốt nhất, trung học tốt nhất, và cuối cùng là đại học tốt nhất.

Ngược lại, các trường ở nông thôn miền trung và tây Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giáo viên có chất lượng. Trẻ em ở các làng nghèo, hẻo lánh ở đây dành phần lớn thời gian làm việc đồng áng và việc vặt trong nhà. Người dân thường không thể trang trải tiền sách, học phí hoặc tiền học  thêm và luyện thi như ở thành phố. Trẻ em có xu hướng nghỉ học để đi kiếm tiền ở những đô thị như Thượng Hải. Do đó, sự bất bình đẳng trong giáo dục lớn nhất ở Trung Quốc không phải là giữa các nhóm cư dân thành thị- như chúng ta cũng thấy ở Hoa Kỳ- mà hơn thế, là giữa thành phố và vùng nông thôn. Nên nhớ, 53% dân số nước này hiện đang sống ở nông thôn- nơi thậm chí còn thiếu cả điện và nước máy- số liệu năm 2009 tại Trung tâm thông tin dân số Trung Quốc

.


Tầm quan trọng của kỳ thi

Thời điểm kỳ thi PISA được tổ chức đặc biệt thuận lợi cho học sinh Thượng Hải. Kỳ thi diễn ra vào cuối năm lớp 9 khi hầu hết học sinh 15 tuổi. Do đó, điểm số của kỳ thi này được sử dụng như một thước đo có tính chất quyết định với học sinh trong việc được vào trường trung học nào. Nhìn chung, kỳ thi vào trung học là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời một công dân Trung Quốc. Các em hầu như chỉ có duy nhất một cơ hội ở kỳ thi này, bởi nó chỉ được tổ chức một lần mỗi năm. Nếu thi lại, phụ huynh sợ rằng trẻ vào trung học muộn hơn một vài năm so với các bạn cùng lứa có thể sẽ phải đối mặt với những lời dèm pha và dư luận xã hội.

Tại Thượng Hải, cũng như ở phần lớn đất nước Trung Quốc, tất cả các trường trung học đều được xếp hạng theo hình tháp. Điểm thi vượt rào quyết định trường mà học sinh có thể theo học. Những trường dự bị đại học tốt nhất nhận được ngân sách cao nhất, thu hút những giáo viên và học sinh giỏi nhất, và học sinh được chuẩn bị để vào được những trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc và nước ngoài. Những học sinh vào các trường dự bị đại học có xếp hạng thấp hơn hiếm có khả năng được nhận vào các trường tốt nhất, mặc dù hầu hết đều có thể vào được những trường bình thường. Các trường trung học dạy nghề dành phần lớn thời gian chuẩn bị cho học sinh có thể làm các công việc dịch vụ thu nhập thấp và lao động đơn giản trong tương lai, thay vì thi đại học. Một số học sinh thậm chí không học những kỹ năng đủ để vào các trường đại học tại chức phù hợp.

Kết luận

Dĩ nhiên, có nhiều bài học bổ ích được rút ra từ mô hình của Trung Quốc, ví dụ như sự tận tâm tận lực của toàn xã hội cho việc học, cũng như đầu tư thời gian cho nó sẽ mang lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, bản thân chính người Trung Quốc cũng đang bắt đầu tự hỏi rằng liệu kết quả cao trong các kỳ thi có phải là điều quan trọng nhất mà họ cần nhắm tới. Các nhà giáo dục và xã hội đang bắt đầu nói về tư duy phản biện, giáo dục toàn diện, và những giá trị giáo dục khác.

Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm của Thượng Hải, nhưng cũng nên nhớ rằng, những gì tốt cho xã hội này có thể sẽ không hiệu quả trong xã hội khác.
Không thể phủ định rằng, sự đầu tư lớn cho giáo dục từ phía phụ huynh, xã hội và cả bản thân học sinh Thượng Hải đã tạo nên thành tích vượt trội các kỳ thi. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy hệ thống giáo dục này - về một mặt nào đó- quá tin vào thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin về trí tuệ (người giỏi nhất sẽ tồn tại). Một số người quan sát ở Trung Quốc đã nhận ra rằng nền giáo dục cứng nhắc, định hướng thi cử có thể không tạo ra cho giới trẻ sự thích nghi cần có với tính phức tạp của nền kinh tế tri thức mới.

Thêm vào đó, giáo dục khai phóng (liberal) đang được bổ sung vào chương trình ở một số trường đại học, và lối học để thi đang bị chỉ trích. Vậy, chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu Hoa Kỳ thực sự muốn học theo nền giáo dục khoa cử truyền thống ở Trung Hoa?           

(Ngô Bích Hằng dịch)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử

    25/05/2016Trần Ngọc VươngNền kinh tế tri thức ở quy mô toàn xã hội tự nhiên đòi hỏi mọi thành viên của xã hội ấy đồng thời là những người năng sản bằng trí tuệ. Kiến tạo một xã hội học tập, không nghi ngờ gì nữa, là một con đường tất yếu mà Việt Nam phải khẩn trương hướng tới. Bài viết này xuất phát từ một góc nhìn cụ thể, là góc nhìn về logic - lịch sử sự vận động...
  • Khuyến học: tự nhận thức để thành công

    11/05/2009Phạm Hữu Lợi dịch, tác giả Fukuzawa YukichiKhuyến học giúp độc giả không chỉ thấy thông tin không chỉ thấy thông tin hay hiểu về việc vì sao Nhật Bản đạt được những kỳ tích như ngày nay, mà thậm chí xa hơn có thể rèn luyện suy nghĩ, có được nhân sinh quan mới, phương pháp tư duy và hành động mới, khoa học hơn, quyết liệt để thành công trong cuộc sống.
  • Làm rõ thêm về khái niệm Xã hội học tập

    20/11/2003Để làm rõ thêm về khái niệm này, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Như Ất – nguyên giảng viên trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, chuyên gia nghiên cứu về GD - ĐT...
  • Để xây dựng một xã hội học tập

    18/11/2003Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003...