Không thể có sự đổi mới phương pháp trên nền tảng một nội dung lạc hậu
Vừa qua Bộ GD-ĐT và Công đoàn GDVN có tổ chức một cuộc hội thảo bổ ích về đổi mới phương pháp dạy và học ở đại học. Tôi có được tham gia phát biểu một số ý kiến như sau với hội thảo, tuy bàn trực tiếp về đại học nhưng cũng có nhiều phần chung cho cả các cấp học.
1. Đề nâng cấp chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước,vấn đề cấp bách là phải đổi mới việc dạy và học.
Nói đúng hơn phải cải cách cả nền giáo dục, xem xét lại mục tiêu từng cấp học cho phù hợp tình hình mới và trên cơ sở đổi mới từ nội dung, phương pháp cho đến tổ chức,quản lý. Chưa xác định đúng đắn những yêu cầu nhân lực, nhân tài, dân trí như thế nào để phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước trong thời gian tới, thì cũng khó hình dung phương pháp giáo dục cần thay đổi ra sao. Chẳng hạn, nếu sứ mạng của đại học ngày nay còn được nhìn nhận một cách tĩnh tại như vài ba năm trước, thậm chí như nửa thế kỷ trước, thì làm sao thấy rõ cần đổi mới dạy học như thế nào để thực hiện tốt sứ mạng ấy. Vấn đề này quan trọng, vì tuy mấy năm qua chúng ta đã có nhiều cuộc thảo luận về đại học, và tuy đối với nhiều người hình như mục tiêu đại học đã hiển nhiên, nhưng theo tôi có lẽ chỉ mới là hiển nhiên theo lối nhìn cách đây quá lâu rồi, khi đại chỉ có sứ mạng đào tạo chuyên gia và trí thức cao cấp cho xã hội công nghiệp hay hướng tới công nghiệp hoá, vào thời mà làn sóng công nghệ mới và văn minh tri thức hãy còn xa. Quy mô, chất lượng đại học vẫn được nhiều người nhìn nhận theo quan niệm xưa cổ những năm 60-70-80 của thế kỷ trước, tuy có tính đến một số yếu tố mới do cuộc cách mạng công nghệ thông tin mang lại, nhưng chưa thật sự phù hợp yêu cầu của đất nước trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay.
2. Vì lẽ đó, tôi xin tạm đứng ở góc nhìn mới, theo quan niệm hiện nay ở các nước phát triển hơn chúng ta, để góp vài ý kiến về đổi mới dạy học ở đại học.
Trước hết hãy xét xem ý tưởng chủ đạo của trào lưu đổi mới giáo dục hiện đang diễn ra khắp thế giới là gì?
Nhiều người nói đến cuộc đổi mới này thường nghĩ ngay đến việc vận dụng những tiến bộ công nghệ công nghệ thông tin, truyền thông vào giảng dạy, truyền thụ kiến thức, việc sử dụng rộng rãi Internet, máy tính, công nghệ đa phương tiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Đúng là cuộc cách mạng thông tin và truyền thông hiện nay là yếu tố cơ bản, nguyên nhân sâu xa thúc đẩy đổi mới giáo dục, và cũng đúng là mục tiêu đổi mới giáo dục là cốt giúp cho thế hệ mới thích ứng tốt nhất với chế độ xã hội mới dựa trên phát triển công nghệ,và góp phần tích cực nhất vào sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ. Song nhìn sâu hơn một chút sẽ thấy rằng tuy việc dùng cộng nghệ mới để cải cách giáo dục là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng dẫu sao đó cũng là một mặt của vấn đề - mặt kỹ thuật - và vẫn chưa phải là nền tảng, cốt lõi việc đổi mới việc dạy học thời văn minh kỹ thuật số. Nếu làm những việc đó mà không dựa trên một tư duy chủ đạo đúng đắn và rõ ràng thì cũng chưa hẳn nâng cao được chất lượng đào tạo đúng hướng, mà vẫn có nguy cơ sa vào hình thức, máy móc, chú trọng giải quyết bề nổi mà chưa quan tâm đầy đủ đến bề sâu. Đã có kinh nghiệm một số nước tiêu tốn nhiều tiền để đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào giáo dục nhưng không đạt kết quả tương xứng chính vì quan niệm không đúng.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở đại học là chống lối dạy theo kiểu truyền thụ một chiều "thầy đọc, trò ghi", chống lối dạy theo phương pháp thuyết trình truyền thống. Bởi vì hàng nghìn năm trước cha ông ta chỉ biết một cách học là nghe thầy giảng và học thuộc lòng, nên hễ nói đến sự lạc hậu của giáo dục là trăm tội đổ cho lối độc thoại một chiều. Nhưng cũng nên nghĩ xa hơn: đã đành phương pháp dạy học chỉ lấy việc truyền thụ một chiều làm chính, nhất là thầy chỉ đọc chứ không giảng, còn trò chỉ ghi máy móc và học thuộc lòng những gì ghi được mà không cần hiểu đã đành lối dạy đó lạc hậu tệ hại cần phải lên án, song có phải vì thế mà khâu giảng bài trên lớp là trung tâm vấn đề phương pháp dạy học ở đại học, và chỉ cần làm sao giảng trên lớp cho tốt bằng cách tăng cường gợi mở, đối thoại, trao đổi hai chiều với học sinh, sinh viên nhằm phát huy tính tích cực chủ động của họ, thế đã là đủ để nói rằng phương pháp dạy học đã đổi mới? Trong mấy chục năm tồn tại, nền giáo dục cách mạng của chúng ta đâu có thiếu những kinh nghiệm giảng bài độc thoại nhưng dễ hiểu, sinh động, gây hứng thú cho học sinh, sinh viên, khêu gợi cho họ những tình cảm thiết tha ưu ái, nhen nhóm trong họ nhiệt tình sôi nổi, khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ và để lại trong tâm trí họ những kỷ niệm khó quên về những gìơ bị cuốn hút bởi một bài giảng tuyệt vời. Vậy đâu có phải chỉ lỗi ở lối giảng độc thoại. Cái đáng lên án là cái tinh thần giảng dạy, cung cách giáo dục, thi cử cổ lỗ buộc học sinh không còn cách học nào khác là học vẹt theo lối tụng kinh. Đương nhiên cũng cần nói thêm là không chỉ trong giáo dục mà cả trong toàn xã hội cái xu hướng triệt tiêu tính chủ động sáng tạo, khuôn mọi thành viên theo một cách nghĩ nào đó được xem là chính thống, vãn còn mạnh, và một khi trong xã hội mà như vậy thì nhà trường nếu không chú ý vai trò tiên phong của mình cũng khó tránh bị ảnh hưởng. Nói gì xa, chỉ nguyên việc thi cử, sở dĩ ở nước ta cứ triền miên là nỗi nhức nhối của xã hôị, điều đó có nguyên nhân một phần là do trong toàn xã hội thi cử theo kiểu trả bài thuộc lòng đã thành một hội chứng tai hại (thi công chức chẳng hạn có khác gì thi ở trường phổ thông). Còn tiếp tụcthi theo kiểu này thì còn dạy và học theo cách đối phó, kết quả chỉ có hình thức mà không có thực chất. Đây đúng là căn bệnh trầm trọng của cả nền học của chúng ta mà cón lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi rất đúng tên là một nền hư học.
Cho nên đổi mới giáo dục đúng là khắc phục thói hư học. Nhưng khắc phục như thế nào?
Đâu phải chỉ bây giờ, đến đầu thế kỷ XXI này, mới có chuyện hư học? Ngay từ thế kỷ trước , Nguyễn Trường Tộ và nhiều bậc sĩ phu cấp tiến đã chẳng cảnh báo mạnh mẽ nguy hại của lối học từ chương, khoa cử là gì?. Sự thể đến bây giờ, đã bước sang thế kỷ XXI rồi mà trên đất nước này thói hư học hãy còn phổ biến, đó là sự lạc hậu đáng hổ thẹn, tất nhiên không thể chấp nhận được. Song lại cũng phải thấy rằng hư học thời nay khác hư học cách đây một vài thế kỷ, thậm chí cách đây vài chục năm. Trái với hư học là thực học, và thực học thời hiện đại có những yếu tố mà thời trước chưa có hay chưa thể nhìn rõ được. Nếu không nhận thức rõ những yếu tố mới đó thì cái thực học mà ta nhằm tới để xây dựng thay cho cái hư học hiện nay cũng có thể vẫn còn xa các yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn sắp tới, và rốt cuộc có thể vẫn chỉ là một thé hư học mới, hư học thời kỹ thuật số.
Nói tóm lại, để hiện đại hoá giáo dục, cần làm sáng tỏ tinh thần cơ bản, tư tưởng chủ đạo của xu thế giáo dục thời nay. Mấu chốt, theo tôi nghĩ, là cần xét xem điều gì là chủ bài trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế ngày nay? Điều gì quyết định bước tiến nhanh hay chậm của các dân tộc? Cái gì là lực đẩy mạnh nhẩt trong thế giới ngày nay? Đã đành khoa học, công nghệ, sự hiểu biết, có vai trò then chốt, nhưng xét cho cùng, lực đẩy chủ yếu của tất cả những thứ đó là sức sáng tạo của con người, là ý chí và khả năng tư duy uyển chuyển, đầu óc tìm tòi, luôn hướng tới trước, trí tưởng tượng sinh động, năng lực để xuất và tổ chức thực hiên những ý tưởng mới. Những đức tính này muôn thuở đều quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng ở thời đại văn minh trí tuệ, khi sự giàu có tài nguyên và dồi dào phương tiện vật chất không còn la yếu tố quyết định sự phát triển như tất cả chúng ta đều nghe nói và cảm nhận ngày càng rõ rệt.
Chính vì thế, trong khoảng mươi năm nay, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều nhấn mạnh phát triển sức sáng tạo như là mục tiêu mọi sự đổi mới về nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học. Người ta thường nhắc tới lời khuyên của Einstein: tri thức quan trọng, nhưng trí tưởng tượng còn quan trọng hơn, vì có tri thức mà kém tưởng tượng thì không thể có ý tưởng mới, không thể có sáng tạo, mà kém ý tưởng, kém sáng tạo tức là đứng lại, và thời nay đứng lại hay đi chậm đều đồng nghĩa với thụt lùi, tụt hậu.
Nhà trường thời nay, nhất là đại học, không phải chỉ có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, dù là truyền thụ bằng phương tiện công nghệ cao hiện đại, mà phải tiến xa hơn: phair rèn luyện những đức tính trí tuệ cần thiết để phát triển sưc sáng tạo. Đổi mới giáo dục, đào tạo, là đổi mới theo tinh thần đó, theo hướng chủ đạo đó. Chỉ đổi mới cách giảng bài, cách lên lớp, cái mà ta thường gọi là phương pháp sư phạm, là hoàn toàn chưa đủ, tuy đối với chúng ta hiện nay có thể la yêu cầu rất cấp bách. Phải tiến lên đổi mới toàn bộ nọi dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đổi mới cả các hình thức học tập, rèn luyện, kiểm tra, thi cử,v.v...
Từ mẫu giáo đến đại học,phương pháp bao giờ cũng gắn chặt với nội dung và ở đại học càng hơn mọi cấp khác, không thể có sự đổi mới phương pháp trên nền tảng một nội dung lạc hậu. Thậm chí, điều đáng lo nhất chưa phải là phương pháp sư phạm yếu kém ma là chất lượng nội dung các tri thức được truyền đạt qúa thấp kém. Do đó, muốn đổi mới việc dạy học cần không ngừng nâng cao trình độ khoa học của thầy, tạo điều kiện cho bản thân thầy thường xuyên đổi mới tri thức. Đồng thời phải cấu trúc lại các hình thức và tổ chức giảng dạy, tăng cường các hoạt động xêmina, dành cho sinh viên nhiều cơ hội hỏi han, trao đổi trực tiếp với nhau, với thầy dạy và các nhà khoa học khác, hướng dẫn, tổ chức cho họ nghiên cứu, thảo luận, làm việc theo nhóm, làm những bài tập dài hơn, tham gia các dự án từ nhỏ đến lớn dần, viết tiểu luận, khóa luận, trình bày các vấn đề trước cử toạ, và ngay từ cuối phổ thông và những năm đầu đại học, tâp tra cứu, tham khảo tài liệu ở thư viện, trên internet,v.v... Các loại hình thức dạy và học như vậy ở đại học ta còn quá nghèo nàn mà không được chú ý, phần vì thiếu trầm trọng phương tiện vật chất (sách báo, thiết bị...), phần vì sau thời gian bị buông lơi, chút ít những nề nếp tốt trước đây không còn, mà nền nếp mới thì chưa xây dựng được bao nhiêu.
3. Càng lên cấp trên thì biện pháp tốt nhất để rèn luyện khả năng sáng tạo là thông qua nghiên cứu khoa học, cho nên đổi mới dạy học ở đại học có nghĩa là phải tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và phải đào tạo sinh viên thông qua các hoạt động đó.
Không phải chỉ những ai sau này làm nghề nghiên cứu khoa học mới cần học cách nghiên cứu, làm quen với các phương pháp nghiên cứu, mà mọi người đều cần được đào tạo thông quan nghiên cứu, vì trong xã hội mới muốn làm tốt bất cứ nghành nghề gì cũng cần biết phân tích, tổng hợp, so sánh, tìm tòi, biên khảo,v.v... và phải có đâu óc phê phán, trí tưởng tượng, để nghĩ ra ý tưởng mới trong công việc của mình. Chính vì lẽ ấy mà các doanh nghiệp ở nhiều nước phát triển ngày càng đòi hỏi nhân viên điều hành phải có bằng tiến sĩ (dù không phải trong chuyên nghành của họ). Dĩ nhiên đó là một yêu cầu cao, nhưng muốn cạnh tranh thắng lợi thì không thể không chú ý để từng bước vươn tới. Có điều là trong việc này cũng như trong mọi việc khác, phải chú ý thực chất, làm được tới đâu thì cố gắng làm, nhưng cần tránh hình thức máy móc, tránh lối hư học mới như trên đã nói.
Vô luận thế nào, đại học mà không nghiên cứu khoa học thì chưa phải là đại học theo đúng nghĩa. Rất tiếc, hiện nay nhiều người chưa nhận thức hết tầm qua trọng của nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, cả chục năm nay rồi, ai cũng biết, ai cũng kêu ca cán bộ giảng dạy đang lão hoá nhanh, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy cũ kỹ, nhưng chúng ta vẫn bình thản để kéo dài tình trạng ấy năm này qua năm khác, mà hầu như chưa có mấy biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học ở các đại học.
Tôi sực nhớ cách đây không lâu có lần tôi được gặp ở nước ngoài một bác đồng hương đã rời đất nước đi tha phương cầu thực hơn nửa thế kỷ. Khi nói chuyện, bác dùng những từ rất cổ trong nước không còn ai dùng, như đại sứ thì gọi là sứ thần, nghe thật lạ tai và buồn cười. Tiếc thay, hiện nay vì ít nghiên cứu khoa học, không theo kịp bước tiến của khoa học, nên nhiều giáo trình ở đại học của ta quá cổ, không phải chỉ cổ về nội dung, mà cả về ngôn ngữ diễn đạt, hình thức trình bày, chẳng khác nào gọi đại sứ là sứ thần như bác người Việt xa xứ kia.Nhưng muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thì cũng cần hiểu cho đúng thế nào là nghiên cứu khoa học. Hiện nay có xu hướng hạ thấp mọi chuẩn mực, nhiều cái gọi là công trình khoa học, đem báo cáo trong các đề tài cấp này cấp nọ, kể cả đề tài cấp nhà nước, mà nếu theo đúng chuẩn mực quốc tế thì khó có lẽ khó có thể chấp nhận được và gọi tên là nghiên cứu khoa học. Có lần trên báo để minh chứng cho việc các đại học của ta còn ít nghiên cứu khoa học, người ta đưa ra con số chỉ có 50% cán bộ giảng dạy đại học làm nghiên cứu khoa học. Nếu đúng chuẩn mực quốc tế thì tỷ lệ 50% cán bộ giảng dạy hoạt động nghiên cứu khoa học đâu phải là thấp, nhưng sở dĩ có con số lạc quan đó vì ta hiểu công trình khoa học quá dễ dàng. Vì vậy mới có chuyện cử nhân , tiến sĩ giấy, kỹ sư, bác sĩ dỏm, chẳng những không giúp ích gì mà còn gây cho xã hội những ảo tưởng nguy hiểm, ảnh hưởng tai hại đến tương lai giáo dục và khoa học, trở ngại cho cuộc cạnh tranh và hội nhập quốc tế đầy thử thách mà dù muốn hay không đất nước chúng ta cũng phải vượt qua thắng lợi.
Theo Văn Nghệ 5/4/2003
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi