Kornai bàn về ổn định kinh tế vĩ mô

12:16 CH @ Thứ Tư - 30 Tháng Tư, 2008

Vài tháng đầu năm nay dư luận nói nhiều về ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát ở nước ta đã ở mức cao trong mấy năm gần đây và vượt qua mức hai con số năm 2007, hai tháng đầu năm nay chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 6%.

Thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại ở mức cao trong nhiều năm. Hiệu quả đầu tư, nhất là hiệu quả của các khoản đầu tư công, rất thấp thể hiện ở chỉ số ICOR khá cao. Nhà nước đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô được thể hiện trong văn bản số 319 ngày 3-3-2008 của Chính phủ.

Kornai János là nhà kinh tế học Hungary nổi tiếng thế giới. Sự nghiệp của ông gắn liền với việc nghiên cứu nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ông tập trung tìm hiểu, lý giải cơ chế hoạt động của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, so sánh đối chiếu với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ông cũng đưa ra chiến lược chuyển đổi kinh tế cho các nước Đông Âu mà thực tế đã chứng minh sự đúng đắn.

Ngày 15.3.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố "nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô". Cùng khoảng thời gian đó Nhà xuất bản Tri Thức cho ra mắt cuốn "Lịch sử với những bài học" gồm 6 tiểu luận của Kornai János, nhà kinh tế học Hungary nổi tiếng thế giới, Giáo sư Đại học Harvard và Collegium Budapest, bàn về những bài học chuyển đổi kinh tế xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia ở Đông Âu.

Một trong những bài học quan trọng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà kinh nghiệm đau đớn của Hungary được ông phân tích thấu đáo trong hai tiểu luận cuối cùng của cuốn sách (tr. 150-250). Chúng ta có thể học được nhiều bài học quý giá từ những kinh nghiệm này.

Học những bài học thành công và thất bại của người khác không phải để sao chép mà để rút kinh nghiệm, để xem xét kỹ lưỡng tình hình của chính chúng ta và đưa ra các chính sách phù hợp. Ông hiểu rõ điều đó, và câu đầu tiên trong bài trình bày của mình cách đây đúng 7 năm ở Hà Nội, Kornai viết, ông "không có ý định khuyên các nhà kinh tế học Việt Nam".

Ông chỉ muốn đưa ra "một số bài học từ những kinh nghiệm" tốt và xấu của Đông Âu và Hungary. "Những kết luận thực tiễn nào nên được rút ra từ chúng là vấn đề để dành cho các nhà kinh tế học Việt Nam quyết định". Tuy vậy "bất chấp những khác biệt về lịch sử, địa lý và văn hoá, những bài học kinh nghiệm chuyển đổi ở Đông Âu rất có ích cho Việt Nam vì trong quá khứ chúng ta đã có cùng chung ý thức hệ, cách tổ chức xã hội và nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung".

Thực ra về cải cách và ổn định kinh tế vĩ mô đã được ông nói khá nhiều trong cuốn "Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do" (tái bản lần 3, NXB Tri thức 2007, tr. 95-168; 237-243) ngoài những thứ khác liên quan đến quá trình chuyển đổi như cải cách sở hữu. Ông bàn kỹ về việc phải chặn đứng lạm phát, phục hồi cân bằng ngân sách, về chính sách tỉ giá v.v...

Hai tiểu luận phân tích về gói các chính sách ổn định vĩ mô được chính phủ Hungary đưa ra năm 1995 và 2006. Chương trình điều chỉnh năm 1995 chủ yếu nhằm loại trừ những rối loạn nghiêm trọng trong cân đối cán cân thanh toán vãng lai và cân đối ngân sách, để tránh khủng hoảng nợ nước ngoài và trong nước chứ không phải là các biện pháp quyết liệt để giảm lạm phát như thường thấy ở một chương trình như vậy.

Gói các chính sách này gồm: phá giá mạnh đồng nội tệ; tạm thời tăng thuế quan; giảm lương thực tế; chính sách tín dụng hướng có lợi cho các khu vực tăng tính sinh lợi, tăng năng suất; chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng tạo điều kiện mở rộng cho các doanh nghiệp thành công; đẩy nhanh tư nhân hóa.

Ông cũng so sánh tình hình Hungary với tình hình của các nước Mỹ Latin. Kinh tế Hungary đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng lạm phát tăng cao trong ngắn hạn và đã có tăng trưởng khá cho đến 2001. Nhưng rồi nền kinh tế Hungary lại trệch khỏi quỹ đạo tăng trưởng cân đối: thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai quá cao; lương thực tế tăng nhanh hơn tăng năng suất lao động một cách đáng kể. Gói chính sách năm 2006 nhằm chặn sự tăng nguy hiểm của thâm hụt ngân sách; cản trở sự tăng nhanh không cân xứng của tiêu dùng của các hộ gia đình.

Ông cũng phân tích về liều lượng, thời điểm của các biện pháp, những thế lưỡng nan chính trị của những quyết định không được lòng dân.

Có thể thấy ngay tình hình của Hungary khác nhau vào các năm 1995 và 2006, các biện pháp chính sách đối phó cũng khác nhau. Và hiển nhiên tình hình đó cũng khác xa tình hình của chúng ta hiện nay (nợ nần nước ngoài của họ cao, của chúng ta vẫn ở mức vừa phải, v.v...) song vẫn có thể học được nhiều bài học, nhất là cách tiếp cận và xác định chiều hướng của sự điều chỉnh, cách giải quyết, cách trình bày để cho các chuyên gia, các doanh nghiệp và các hộ gia đình hiểu, để cho sự chống đối không cản trở những biện pháp đúng hướng nhưng mất lòng người, có thể học kinh nghiệm về tạo dựng lòng tin về lòng quyết tâm và sự nhất quán của các chính sách, về những thành công và thất bại.

Ông viết về những vấn đề kinh tế khô khan trên một nhật báo bằng ngôn ngữ dễ hiểu cho quảng đại quần chúng. Xem xét các bài học chuyển đổi của Đông Âu nói chung, và bài các học về ổn định kinh tế vĩ mô, cũng phải trên tinh thần phê phán thì mới có ích. Hy vọng đọc 2 cuốn sách này của Kornai sẽ giúp cho chúng ta rút ra những bài học hữu ích.

Giới thiệu sách Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (Kornai János)

Con Đường Dẫn Tới Nền Kinh Tế Tự Do là một tác phẩm độc nhất vô nhị trên trường quốc tế, nó đưa ra một giải pháp tổng thể cho việc chuyển đổi nền kinh tế XHCN.

Cuốn sách đề cập đến nền kinh tế Hungary, rất phù hợp với hoàn cảnh của Hungary và độc giả Hungary. Tuy nhiên, với 16 bản dịch ra tiếng nước ngoài đã chứng tỏ nội dung của nó có tính phổ quát, có thể áp dụng cho các nước XHCN. Điều này được tác giả nhấn mạnh với lưu ý rằng, mỗi nước có hoàn cảnh của riêng mình, phải áp dụng phù hợp và thích ứng với điều kiện thực tế, không rập khuôn máy móc.

Việt Nam trong 10 đổi mới đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nhưng vài năm trở lại đây, tình hình không còn được như những năm 1990. Có lẽ những cải cách trong quá trình đổi mới đã phát huy hết nội lực. Muốn có tiến bộ mới, cần phải có những cải tổ mới, cơ bản hơn, sâu sắc hơn...

Kornai viết "Con đường" năm 1989, khi ở Đông Âu chưa xảy ra những biến động lịch sử nên con đường của ông chưa có người đi. "Con đường" của Kornai từ bỏ ý tưởng của "chủ nghĩa xã hội thị trường" là phải giữ ưu thế của sở hữu nhà nước, mà gắn với sự điều tiết của thị trường. Trong số những độc giả của Kornai János ở các nước XHCN lúc đó có Balcerowicz (Ba Lan), Vaclav Klaus (Czech), Yegor Gaidar và Anatoly Chubais (Nga)- họ là những người sau đó ít lâu phải chịu trách nhiệm chèo lái nền kinh tế đất nước họ trên con đường dẫn tới nền kinh tế tự do.

10 năm sau "Con đường", nhìn lại những cuộc cải cách KT ở các nước Đông Âu và Nga, Kornai János có dịp đánh giá lại tác phẩm của mình dưới hình thức 1 bản báo cáo tại cuộc hội thảo thường niên ABCDE (Annual Bank Conference on Development Economics) do WB tổ chức. János khẳng định ở thời điểm 1999, một số cuộc cải cách KT đã thành công vì nó cơ bản đã đi theo "con đường" của ông, những cuộc cải cách ở một số nơi khác đã thất bại vì nó đi theo con đường khác-tư nhân hóa tăng tốc. Bản báo cáo này đã được Nguyễn Quang A dịch ra tiếng Việt như phần phụ lục bổ sung cho tác phẩm chính "Con đường dẫn tới nền KT tự do" in ở NXB Tri Thức, thuộc Tủ sách S.O.S, tái bản lần thứ 1 vào năm nay.

Cavenui lược trích phần đề cập đến 2 con đường khác nhau áp dụng ở một số nước XHCN cũ.


Chiến lược A- chiến lược phát triển hữu cơ, có 5 đặc trưng chính:

1. Nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo điều kiện cho sự phát triển từ dưới lên (bottom-up) của khu vực tư nhân. Lực thúc đẩy chính cho sự phát triển của khu vực tư nhân là sự tham gia mới hàng loạt của các doanh nghiệp. Phải trợ giúp sự phát triển này bằng nhiều công cụ và biện pháp:

- Các rào cản đối với sự tham gia tự do phải được phá bỏ

- Sở hữu tư nhân phải được đảm bảo an toàn. Phải thiết lập các thể chế để thực thi sự thực hiện các hợp đồng tư nhân.

- "Hành động tán đồng" được áp dụng với sự cẩn trọng là cần thiết cho xúc tiến phát triển của khu vực tư nhân, thí dụ trong chính sách thuế và tín dụng.

2. Phần lớn các công ty thuộc sở hữu nhà nước phải được tư nhân hóa. Kỹ thuật cơ bản để thực hiện tư nhân hóa là bán. Các tài sản nhà nước phải được bán chủ yếu cho người ngoài, ưu tiên bán cho những người không chỉ trả giá xứng đáng, mà còn cam kết đầu tư vào công ty. Nếu người mua là người nội bộ thì vẫn phải trả giá thật. Tư nhân hóa bằng cách bán cho người nội bộ không được phép thoái hóa thành dạng cho không trá hình.

3. Hệ quả của đặc trưng số 2 là bất kể dạng chia chác cho không nào của tài sản nhà nước đều phải bị loại bỏ.

4. Phải ưu tiên cho các sơ đồ bán nào tạo ra cơ cấu sở hữu với các đặc tính sau:

Công ty có một chủ mang tính trội. Người chủ chính này có thể là 1 doanh nhân hay 1 nhóm chủ sở hữu, hoặc 1 công ty tư nhân đã có lịch sử sở hữu tư nhân- có thể là sở hữu của người trong nước hay nước ngoài. Đặc biệt mong muốn loại chủ là nhà đầu tư chiến lược, người sẵn sàng đỡ công ty bằng cách bơm đáng kể vốn mới vào.

Khi dạng công ty cổ phần công cộng được chọn, không cần loại bỏ tình trạng là sẽ có một số cổ phần tản mác. Tuy vậy điều mong muốn là mỗi công ty có 1 chủ chính theo nghĩa vừa nói ở trên.

5. Ràng buộc ngân sách với các công ty phải được thắt chặt để đảm bảo kỷ luật tài chính thiết yếu cho hoạt động của nền KT thị trường. Một tập hợp các luật phải được thông qua, trong đó có luật phá sản, luật kế toán, luật ngân hàng. Tiếp theo giai đoạn lập pháp, mọi luật phải được thực thi một cách nhất quán. "Bộ ba" tư nhân hóa, tự do hóa và ổn định hóa sẽ chưa đủ để cho quá độ thành công. Thắt chặt ràng buộc ngân sách cũng có vai trò quan trọng cùng với các điều này.

Các công ty quốc doanh thua lỗ kinh niên không cần phải được tư nhân hóa bằng mọi giá hoặc duy trì sự sống nhân tạo quá lâu. Khi ràng buộc ngân sách được thắt chặt, nó sẽ thực hiện quá trình chọn lọc tự nhiên giữa các công ty này. Các công ty trở nên có lãi có thể bán được không sớm thì muộn. Còn các công ty không thể bán được, do nó có giá trị bằng 0 hay âm, phải thực hiện quá trình phá sản với chúng, chứ không được cho không chúng. Tư nhân hóa thông qua phá sản và thanh lý là 1 trong những kỹ thuật chính để chuyển đổi sở hữu.

Tỷ lệ tổng sản lượng của khu vực tư nhân sẽ tăng, 1 mặt do xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân mới, mặt khác do khu vực quốc doanh co hẹp lại (co hẹp bằng 2 cách: bán cho tư nhân, hoặc bị phá sản và rút khỏi).


Chiến lược B- chiến lược tư nhân hóa tăng tốc có thể được mô tả với 3 đặc trưng.

1. Nhiệm vụ quan trọng nhất là loại bỏ sở hữu nhà nước càng nhanh càng tốt.

2. Kỹ thuật tư nhân hóa chính là hình thức cho không nào đấy, thí dụ sơ đồ phiếu chứng chỉ (voucher) tư nhân hóa, theo đó quyền sở hữu trong các công ty quốc doanh cần tư nhân hóa được phát không, chia đều cho mọi công dân của đất nước. Cách tiếp cận này có thể gắn với việc chấp nhận thậm chí khuyến khích lãnh đạo xí nghiệp mua lại. Trong nhiều trường hợp, hóa ra hầu như là BLĐ mua lại hết với giá trả rất thấp, điều đó tựa như nhận được quyền sở hữu trong công ty mà không phải trả tiền.

3. Không cần phải chứng tỏ bất kể sự không ưu tiên nào với sự tản mác của sở hữu. Điều cần nhấn mạnh là tất cả mọi công dân đều được chia quyền sở hữu của các xí nghiệp trước đó thuộc sở hữu nhà nước, và như thế "chủ nghĩa tư bản nhân dân" phát triển.


Những người ủng hộ chiến lược B cũng tán thành phát triển XN tư nhân từ dưới lên, nhưng họ không nhấn mạnh trong các khuyến nghị của mình, trong đó những người ủng hộ chiến lược A nêu vấn đề này lên hàng đầu của cuộc cải cách sở hữu.

Nếu được hỏi, những người ủng hộ chiến lược B cũng tán thành thắt chặt ràng buộc ngân sách về nguyên tắc. Họ không nhấn mạnh điều này vì hy vọng rằng tư nhân hóa sẽ tự động thắt chặt ràng buộc ngân sách.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa 2 chiến lược là đặc trưng nào được lưu tâm nhất. Trọng tâm của chiến lược A là thúc đẩy sự phát triển của 1 khu vực tư nhân mới, trong khi chiến lược B lấy việc thanh lý nhanh chóng khu vực quốc doanh làm trọng tâm.

Con đường và các bài viết khác của tôi gần thời gian đó đã phác họa chiến lược A. Nhưng chỉ có một thiểu số nhỏ các nhà kinh tế hàn lâm phương Tây ủng hộ chiến lược này. Tuyệt đại bộ phận các nhà chuyên môn truyền bá chiến lược tư nhân hóa nhanh chóng; nhiều khi sử dụng các luận điệu hằn học rất thô bạo.

Sau 10 năm, tôi hoàn toàn an tâm rằng chiến lược A khuyến khích sự tăng trưởng hữu cơ của khu vực tư nhân là chiến lược đúng đắn. Chiến lược B tư nhân hóa tăng tốc cưỡng bức may nhất cũng chỉ là chiến lược kém cỏi và tồi nhất thì thực sự thất bại.

Hungary đã theo đuổi chiến lược A. Theo cả 5 đặc trưng đã trình bày ở trước thì quá độ ở Hungary theo sát nhất con đường phát triển hữu cơ của khu vực tư nhân.

Mặc dù không nên lý tưởng hóa con đường Hungary (vì chắc chắn đã xảy ra nhiều sự lạm dụng, kể cả trong tư nhân hóa theo kiểu bán, tuy không có vụ xì căng đan tham nhũng lớn nào) nhưng rõ ràng thành quả kinh tế là đầy ấn tượng. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ mới đã xuất hiện. Việc thắt chặt ràng buộc ngân sách đầu các năm 90 đã tạo cho quá trình chọn lọc tự nhiên quét dọn lĩnh vực doanh nghiệp. Điều này trùng hợp với sự tăng cường kỷ luật tài chính. Chuỗi xích nợ nần lẫn nhau giữa các công ty bị phá vỡ và tình trạng thực thi hợp đồng tư nhân được cải thiện. Đã có sự khởi đầu trong củng cố lĩnh vực ngân hàng. Tất cả sự phát triển này tạo ra sức thu hút mạnh vốn nước ngoài. Dòng vốn chảy vào mạnh đã là 1 trong những nhân tố chính lý giải năng suất lao động và thành tích xuất khẩu của Hungary.

Tại Ba Lan, đôi khi xuất hiện những phát biểu ve vãn các ý tưởng của chiến lược B, nhưng những chính sách KT thực tiễn lại luôn gần với chiến lược A. Phần đông các nhà kinh tế Ba Lan hiện nay công nhận rằng những lý giải chính cho thành công ở Ba Lan, ngoài thành công của ổn định hóa vĩ mô thì còn bao gồm sự tham gia mới hàng loạt, sự phát triển từ dưới lên mãnh liệt của khu vực tư nhân và dòng chảy vào của vốn nước ngoài.

Đầu những năm 1990, lãnh đạo CH Czech muốn áp dụng chiến lược B. Vaclav Klaus, nhà kinh tế- thủ tướng Czech là người đi tiên phong của cơ chế phiếu tư nhân hóa (voucher scheme).

Chương trình được áp dụng một cách kiên quyết, nhưng nó không mang lại kết quả như những người khởi xướng mong đợi. Giai đoạn đầu, tài sản được phân chia tản mạn cho hàng triệu chủ phiếu, rồi được tập trung lại sau đó vào tay của cái gọi là các quỹ đầu tư. Các quỹ lại thiếu lực về vốn để phát triển các công ty lạc hậu hoặc để đầu tư thật sự. Chúng lại được cấu kết với các ngân hàng thương mại lớn mà ở đó nhà nước là người chủ chính yếu hay duy nhất. Cơ cấu sở hữu như vậy đã bất lực trong việc xây dựng sự quản trị doanh nghiệp mạnh mẽ. Tái cơ cấu kéo lê thê. Bất chấp những hùng biện về tự do kinh doanh theo kiểu Chicago, ràng buộc ngân sách trên thực tế vẫn mềm. Nếu tư nhân hóa bằng cách bán tạo ra và nuôi dưỡng sự chọn lọc tự nhiên thì chuyển quyền sở hữu theo kiểu ban phát cho không lại bảo tồn cấu trúc hiện tại.

Điển hình đáng buồn nhất cho sự thất bại của chiến lược B là trường hợp nước Nga. Tại đây mọi đặc trưng của chiến lược xuất hiện ở dạng cực đoan: sơ đồ phiếu được áp đặt cho cả nước, gắn với sự chuyển nhượng quyền tài sản được thao túng ở mức hàng loạt chuyển vào tay giới quản lý và các quan chức hưởng đặc quyền. Trong môi trường như vậy một cuộc "cải cách sở hữu" chưa từng có trong lịch sử đã xảy ra, trong đó sở hữu của các tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là của dầu và khí, đã bị bọn cường quyền-oligarch chiếm đoạt.

Tất cả các biến cố này gắn chặt với tàn dư của triệu chứng ràng buộc mềm về ngân sách, ở dạng mà nó xâm nhập, gặm sâu vào và tạo ra những tác hại lớn.

Nga trở thành 1 "xã hội không chi trả" (non-payment society). Các công ty không chi trả các nhà cung cấp của họ, cũng như người sử dụng lao động không trả người lao động, con nợ không trả ngân hàng. Tất cả điều này lại được giới điều hành và tòa án cam chịu chấp nhận. Thực ra, nhà nước đã nêu gương xấu do thường xuyên dây dưa nợ lương, tiền hưu trí và đóng góp bảo hiểm đối với viên chức nhà nước.

...

Hãy trở lại với các lý lẽ nghe được trong cuộc tranh luận.

1. Những người ủng hộ chiến lược B đã hăm hở viện chứng những quan tâm về đạo đức. Mỗi công dân phải được cấp một phần bằng nhau của tài sản trước đây của nhà nước vì lý do công bằng. Thực tiễn đã chứng minh dứt khoát rằng đây là 1 lý lẽ ngụy biện. Sự phân bổ ban đầu chỉ tồn tại trong một giai đoạn rất ngắn, trước khi nó dọn đường cho sự tập trung cao độ sở hữu của các tài sản trước đây của nhà nước. Trong trường hợp Nga, nó đã dẫn tới 1 hình thức phát triển TBCN độc đoán, phi lý, quái ác và hết sức bất công.

Bán các tài sản nhà nước đúng giá, sẽ không thay đổi sự phân phối của cải hay thu nhập. Của cải của nhà nước không hề bị giảm đi, nó chỉ thay đổi hình thức. Thu nhập từ bán tài sản trong tư nhân hóa phải được đầu tư hữu ích, chứ không phải để tiêu dùng. Hungary đã sử dụng nguồn thu này để trả nợ nước ngoài, trong giai đoạn tư nhân hóa mạnh mẽ, khi mà phần lớn khu vực năng lượng và viễn thông được mang bán. Kết quả giảm chi trả lãi và sự cải thiện đáng kể khả năng chi trả của đất nước đã mang lại lợi ích thực sự cho mỗi công dân.

2. Sự nhấn mạnh thích đáng được đặt ra về phương diện xã hội học trong dòng lập luận của những người ủng hộ chiến lược A. Quá trình tư sản hóa xã hội, với sự phát triển của tầng lớp có tài sản, là thiết yếu cho sự củng cố của CNTB.

3. Lý lẽ hấp dẫn nhất liên quan đến tính hiệu quả kinh tế. Lĩnh vực này đã chứng tỏ sự ưu việt của chiến lược A. Các công ty tư nhân mới thường hiệu quả hơn các công ty thuộc sở hữu nhà nước hay các công ty trước thuộc sở hữu nhà nước đã được tư nhân hóa trong quá trình quá độ. Kinh nghiệm cũng chứng minh sự tản mác của sở hữu và sự duy trì ràng buộc về ngân sách mềm làm chậm trễ sự tăng trưởng của năng suất. Tinh thần doanh nghiệp của Schumpeter, sự quét bỏ các công ty kém hiệu quả, các chủ thực và mới kiên trì thiết lập thứ bậc, vốn nước ngoài hài lòng tiến hành đầu tư lớn và hiện đại- những thứ đó cùng nhau đẩy sự gia tăng năng suất và nâng cao thành tích xuất khẩu.

4. Cuối cùng, có các lý lẽ chính trị. Chính chương trình phiếu chứng chỉ tư nhân và sự trì hoãn tiến hành tái cơ cấu đau đớn là nhân tố quyết định cho thắng lợi của đảng cầm quyền trong lần bầu cử tự do thứ 2 của CH Czech. Đây là trường hợp duy nhất ở khu vực Đông Âu trong thập niên qua, CP trụ được cho cả 2 nhiệm kỳ. Ngược lại, các liên minh cầm quyền trong chu kỳ QH đầu tiên ở Hungary và Ba Lan đã thất bại trong lần bầu cử thứ 2. Các liên minh đối lập lên cầm quyền về cơ bản vẫn tiếp tục chiến lược A như liên minh cầm quyền trước. 4 năm sau, sau khi tránh dùng phương thức tư nhân hóa ban phát như 1 vũ khí tranh cử, đến lượt họ lại bị thất bại trong bầu cử. Như vậy chiến lược B rõ ràng có lợi hơn theo tiêu chuẩn giữ quyền lực của Machiavell.

Những người chủ trương chiến lược B, đặc biệt là ở Nga, luôn lập luận rằng nếu có 1 cơ hội hé ra để tư nhân hóa thì phải nắm lấy ngay và tiến hành tư nhân hóa nhanh chóng. Phải tranh thủ tiến hành mau trong một bộ máy nhà nước quan liêu còn đang ở trong trạng thái mơ hồ, yếu và không thể chống trả được. Lý lẽ này không thể khẳng định hay chối bỏ bằng suy luận logic thuần túy. Tuy nhìn lại thì rõ ràng nền dân chủ Czech không hề bị đe dọa bởi sự phục hồi CS hay sự xuất hiện của xe tăng xô viết, nhưng cũng phải thừa nhận là điều này không được rõ ràng lắm ở thời điểm năm 1991.

Đánh giá lại tình hình Nga sẽ đặc biệt nan giải nhìn từ khía cạnh này. Giọng điệu sau luôn được nhắc đi nhắc lại: tư nhân hóa hàng loạt phải được tiến hành mau lẹ trước khi đảng CS thắng cử, không có loại tư nhân hóa nào có thể được thông qua ở Duma khi mà đảng CS trở thành đảng có tiếng nói chính ở đó.

Tôi nghĩ rằng có một sự lý giải nhân quả sai lầm, lộn đầu đuôi ở lập luận này. Giá như tư nhân hóa đã được tiến hành theo cách khác, không kéo theo biết bao nhiêu sự lạm dụng trắng trợn và những thiệt hại xã hội vô ích thì chắc chẳng có sự hoài tưởng mạnh mẽ như thế ở Nga về hệ thống CS. Nhát đâm cải cách sở hữu vào xã hội có gây ra sự không thể đảo ngược được. Tuy vậy 1 nền tảng vững chắc cho sự tăng tiến không thể đảo ngược được của CNTB sẽ được tôn tạo nếu tư sản được phát triển rộng rãi, quyền sở hữu và hợp đồng tư nhân được áp dụng một cách nhất quán, dân chủ được thể chế hóa và KT thị trường nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri.

Giới thiệu sách Lịch sử và những bài học (Kornai János)

Lịch sử với những bài học là tuyển tập 6 tiểu luận của Kornai, do GS Nguyễn Quang A tuyển dịch, gồm:

1. Những bài học chuyển đổi ở Đông Âu
(10 bài học; dàn bài thuyết trình tại Hà Nội khi ông thăm Việt Nam lần đầu tiên tháng 3-2001)

2. Tính trung thực và niềm tin dưới ánh sáng của chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa
(giới thiệu kết quả của dự án nghiên cứu quốc tế về “Tính trung thực và niềm tin” được tiến hành tại Collegium Budapest đầu những năm 2000)

3. Sự thay đổi hệ thống từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản có nghĩa là gì và không có nghĩa là gì?
(bài báo công bố năm 2000, dựa trên một cuốn sách nhỏ của ông in năm 1998 tại Anh)

4. Sư biến đổi vĩ đại của Trung Đông Âu: Thành công và thất vọng
(bài phát biểu của ông với tư cách Chủ tịch Hội Kinh tế Thế giới, đọc tại Đại hội năm 2005 ở Maroc)

5. Cân bằng, tăng trưởng và cải cách
(bàn về những cải cách điều chỉnh do chính phủ Hungary đưa ra tháng 6-2006)

6. Điều chỉnh mà không có suy thoái
(bài viết năm 1996 đánh giá những biện pháp điều chỉnh lớn của Hungary đưa ra hơn một năm trước đó)

Tuy tác giả nghiên cứu trên cơ sở Hungary và các nước Đông Âu, nhưng do cùng chung ý thức hệ, thể chế... nên những bài học kinh nghiệm ông nêu ra rất có ích cho Việt Nam chúng ta trong giai đoạn hiện nay, cả đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu kinh tế lẫn bạn đọc quan tâm đến kinh tế xã hội.


Những trích dẫn đặc biệt về sách:
Trích "Những bài học của chuyển đổi ở Đông Âu":

Mặc dù tôi coi số phận của các doanh nghiệp quốc doanh cũ là thứ yếu đối với sự phát triển của khu vực tư nhân mới, tất nhiên không phải là vấn đề không quan trọng.

Nhiều người có quan điểm sau: Các tài sản do nhà nước sở hữu trước kia phải chuyển thành sở hữu tư nhân càng nhanh càng tốt. Cách nhanh nhất để đạt được điều này đã là đem chia các quyền tài sản cho các chủ sở hữu tư nhân một cách miễn phí. Ý định này đã được theo đuổi bằng hai cách.

Một đã là cái gọi là chương trình phiếu voucher. Mỗi công dân nhận được một phiếu voucher thể hiện một quyền được hưởng đối một phần nhất định của các tài sản thương mại của nhà nước. Các voucher như vậy có thể được dùng để mua tài sản nhà nước, như cổ phần của các công ti. Thủ tục này đã được áp dụng ở Tiệp và muộn hơn ở Nga. Tuy nhiên, ngày nay thấy rő ràng là nó đã không tạo ra những kết quả mà những người ủng họ nó mong đợi. Trong khi lí lẽ của họ đã có chứa những lí lẽ đạo đức — hãy để mọi người nhận được phần bằng nhau trong của cải trước đây của nhà nước— chương trình đã thất bại trong tạo ra sự phân chia đều hơn về thu nhập hay thịnh vượng. Với quyền sở hữu tản mác giữa hàng triệu công dân, đa số họ cuối cùng đã bán voucher của mình một cách rẻ mạt, thí dụ cho các quỹ đầu tư. Quyền sở hữu bị chắp vá rời rạc, bị phi cá nhân hóa không cải thiện hiệu quả của quản lí kinh doanh.

Tiến trình khác đã là chuyển tài sản vào tay những người quản lí nó. Trong hầu hết trường hợp, điều này che giấu sự thực rằng họ nhận được các tài sản hầu như không phải trả tiền, tuy có thể phải trả một giá bèo nào đấy. Thủ tục này đạt hình thức tột bực của nó ở các quốc gia kế vị Liên Xô, nhưng không nước Đông Âu nào đã tránh hoàn toàn được sự bất thường này.

Mục đích kinh tế chủ yếu của cải cách sở hữu là tạo khuyến khích mạnh hơn cho hiệu quả. Một trong những vấn đề của sở hữu nhà nước kiểu cũ đã là tính phi cá nhân của nó. Chẳng ai cảm thấy lợi ích sở hữu trực tiếp, cái mang lại hiệu quả cao nhất. Bő công thiết lập một cơ cấu sở hữu mới, trong đó lợi ích cá nhân này về hiệu quả thể hiện rő rành rành hơn.

Đòi hỏi đầu tiên này để chuyển các quyền sở hữu chỉ nếu trả giá đứng đắn cho chúng. Giá hợp lí cho các tài sản phải được xác lập bằng bỏ thầu hay bán đấu giá.

Một khi một tài sản thuộc sở hữu nhà nước được bán với giá hợp lí, khoản thu được từ nó không được phép dành cho tiêu dùng cá nhân hay công cộng hiện tại. Nó phải được giữ trong tài khoản vốn của hệ thống tài chính quốc gia. Hungary đã dùng phần lớn khoản thu tư nhân hóa để hoàn trả phần nặng nề nhất của nợ nước ngoài của mình. Tuy nhiên, những khoản tiền như vậy cũng có thể được dùng như vốn cho cải cách hưu bổng, như các quỹ dự phòng, hay cho đầu tư. Chừng nào khoản thu [tư nhân hóa] không dùng cho tiêu dùng, thì các tài sản của nhà nước không giảm. Chúng đơn giản được chuyển từ dạng doanh nghiệp nhà nước sang các dạng tài sản khác.

Kinh nghiệm ở các nước đã phát triển, và mới đây ở Đông Âu, cho thấy có hiệu quả lớn hơn nếu có các chủ sở hữu bên ngoài đứng đối lập với ban quản lí nội bộ, đặc biệt trong trường hợp các công ti lớn hơn. Các chủ sở hữu bên ngoài hẳn đòi hỏi một thành tích cao hơn từ ban quản lí và giám sát hoạt động của nó.

Bài học số 5: Nhà nước phải kiềm chế việc phân phát các tài sản của mình miễn phí hay để cho các cán bộ quản lí chiếm đoạt. Tài sản do nhà nước sở hữu chỉ được chuyển sang cho tư nhân nếu họ trả một giá tử tế cho tài sản đó. Có lợi để có sở hữu bên ngoài xuất hiện trong càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Luận bàn về quản lý: Nhà nước, mô hình tập đoàn và cổ phần hóa

    27/04/2008Sau một năm gia nhập WTO, bên cạnh những thành tựu thu được, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có xuất phát điểm từ điều hành quản lý kinh tế. Giới doanh nghiệp, người dân tiếp tục trông đợi sự chèo lái của Nhà nước nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn ở phía trước. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế khẳng định, để đáp ứng sự trông đợi đó, đã đến lúc cần một sự đổi mới về quản lý Nhà nước...
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Tư bản xã hội

    22/01/2008TS. Nguyễn Sĩ DũngBa nguồn lực cơ bản nhất để phát triển là vốn tài chính, vốn tri thức và vốn xã hội. Chuyện phải đầu tư bằng tiền ai cũng hiểu. Chuyện phải đầu tư bằng tri thức rất nhiều người hiểu. Thế nhưng, chuyện phải đầu tư bằng tư bản xã hội thì số lượng những người như vậy chưa phải là nhiều...
  • Người đàn ông gồ ghề trong "thế giới phẳng"

    19/06/2006Lưu Quang ĐịnhThế giới phẳng là tên cuốn sách thứ 13 trong tủ sách SOS2 mà TS.Nguyễn Quang A vừa dịch xong, sắp xuất bản. Tác giả sách là Thomas Friedman, một nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times. Sách nói về toàn cầu hoá và công nghệ thông tin, về cuộc tấn công của "bầy thú điện tử" - những tập đoàn đa quốc gia - cùng cơ hội và thách thức của mỗi con người, doanh nghiệp, quốc gia trước cuộc tấn công đó...