Làm chủ...

02:17 CH @ Thứ Bảy - 23 Tháng Bảy, 2005

Làm chủ là khái niệm từng được nhắc đến như cơm. Nhưng có lẽ không ít dịp ta cũng đã nghe ai đó nói “chán” giống như là chán cơm! Thật may đó chỉ là vấn đề kỹ thuật, do tiếp cận lối mòn, hô hào suông hoặc áp đặt đơn điệu. Cách truyền tụng giáo điều sẽ hạn chế sự cảm thụ về ý niệm làm chủ và ý tưởng chuyển tải đơn điệu có thể gây méo mó cho từng bối cảnh mà khái niệm này muốn truyền đạt. Làm chủ không còn lạ nhưng chưa quen, đã cũ nhưng còn mới, biết rồi nhưng chưa hiểu hết... Vậy làm chủ thế nào?

1. Làm chủ trước tiên nghĩa là “không làm khách”. Khái niệm này dẫn tới hướng tư duy “là người nhà”. Làm chủ với tư cách là người nhà thì dễ có cảm nhận cơ quan hay xí nghiệp là nhà. Người Nhật đã làm vậy!

Tình cảm người nhà làm cho ta không ngại hòa nhập, yêu và gắn bó nơi làm việc hơn. Nhờ đó mà các khoảng cách cũng sẽ được thu hẹp. Vì tôi là một thành viên đang sống, chia sẻ và được chia sẻ với “nhà” đó, tôi tự thấy mình có trách nhiệm với nơi tôi làm việc.

Một khi ý thức vai trò làm chủ của tôi hình thành như vậy thì tôi sẽ thực hành vai trò đó một cách tự nhiên. Không ồn ào cường điệu, nhưng lúc nào tinh thần làm chủ ấy cũng mới như “cơm nóng”.
Nếu được nuôi dưỡng tốt, tinh thần làm chủ này sẽ tự sinh sôi nảy nở, không cần o ép. Bằng ngược lại dễ là vòng luẩn quẩn.

Ví dụ, vì lo ngại nhân viên không làm chủ mà ta cứ hâm đi nấu lại khẩu hiệu làm chủ một cách vô hồn sẽ là sáo rỗng. Hoặc, muốn có “người nhà” mà ta lại xử sự theo kiểu bề trên phán xuống sẽ đẩy họ về phía “khách”. Cũng sẽ khó hiện thực một tinh thần làm chủ tập thể nếu từng người làm chủ không thấy mình trong đó. Không là người nhà thì nhân viên sẽ kém thích thú, còn doanh nghiệp sẽ khó đến gần với cái nhất thể. Làm chủ rất gần gũi chứ không trừu tượng...

Làm chủ cơ quan xí nghiệp là một trình tự đẹp đẽ cần được gieo hạt, mọc mầm. Tư thế làm chủ của nhân viên có được từ quá trình “sinh học” như vậy sẽ cho lòng tự trọng, niềm tự hào, giúp phát triển ý thức gìn giữ, xây dựng các giá trị chung cho tập thể đang dung nạp họ. Đó là một tinh thần làm chủ tập thể đích thực! Các giá trị đặc trưng của tổ chức nhờ đó mà tích tụ, giúp hình thành văn hóa tổ chức hay văn hóa doanh nghiệp.

2.Về phương diện sự nghiệp, khái niệm làm chủ gợi ra và khuyến khích một tư duy chuyên nghiệp. Làm chủ là nắm vững và quán xuyến công việc hay nghề nghiệp. Cụ thể, chẳng hạn khi người ta nhắc đến ý niệm làm chủ thiết bị hay công nghệ là muốn có các chuyên gia cho một đơn vị hay một ngành kinh tế. Thuật ngữ tiếng Anh gọi khái niệm này là mastering. Tinh thần làm chủ ở đây là động lực vươn tới hoàn thiện, giúp từng cá nhân tiến bộ, tổ chức hiển đạt, xã hội phát triển.

Khái niệm làm chủ này đòi hỏi mỗi người trong tổ chức phải luôn rèn luyện, tự trau dồi, tìm tòi, nghiên cứu... để đáp ứng yêu cầu công việc hay vị trí hành sự, nhất là để không lạc hậu hay bị đào thải. Xem vậy, việc làm chủ về tay nghề hay kiến thức này sẽ bổ sung thiết thực cho tinh thần làm chủ theo khái niệm “là người nhà”.

Nhưng khái niệm làm chủ này không chỉ dừng lại ở việc nắm vững hay quán xuyến, mà xa hơn còn hàm ý làm tròn, là sự sắm vai tốt hay chu toàn. Khi đạt được khả năng làm chủ như vậy ta đồng thời có thể kiểm soát được hành vi. Các cá nhân sẽ hành động tự tin hơn, uy tín tổ chức nhờ đó được nâng cao.

Dù cho luôn được khuyến khích, khái niệm làm chủ này cũng thường có từ ý thức chứ không phải do sự o ép ngoại lai. Đã là ý thức thì cũng cần phải gieo và dưỡng. Nhưng không đơn giản như khái niệm làm chủ trước, ở đây cần được tạo điều kiện thực tế hơn và có thể phải chăm sóc nhiều. Sự tương tác trong nỗ lực vươn lên và quá trình làm chủ công việc hay nghề nghiệp trong một tổ chức, có thể sẽ tạo ra sự cạnh tranh hay sàng lọc. Nhưng điều này không có gì xấu và đáng lo ngại cả, vì nó giúp các đơn vị, một cộng đồng hay xã hội mạnh hơn, lành mạnh hơn.

3. Bước qua phạm trù kinh tế, khái niệm làm chủ sẽ chính là “chủ sở hữu”. Đây là khái niệm cơ bản nhất, lại rất thực tế do có tính cơm gạo. Tuy vậy, giá trị làm chủ này đã từng có quá trình nhìn nhận chẳng đơn giản, không suôn sẻ... Nhưng nhờ có sự trăn trở của xã hội, cuối cùng con đường làm chủ này cũng đã được mở ra. Ngày nay quyền sở hữu đã được xác định, xác lập rõ qua các khung luật (giao dịch dân sự, kinh tế thương mại, doanh nghiệp), điển hình như Luật doanh nghiệp. Việc nhìn nhận chủ sở hữu đã được minh định.

Ví dụ, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước, chủ sở hữu công ty cổ phần là các cổ đông... Khả năng định đoạt này tưởng chẳng còn cần giải thích, vì hầu như ai đi làm thì ắt cũng hiểu, nhưng không chắc ai cũng có thể thấu hiểu. Là bởi do nền kinh tế tập trung bao cấp kéo dài, khái niệm làm chủ này đã bị lẫn qua lộn lại quá lâu giữa nghĩa vụ xã hội và động cơ kinh tế.

Từ cách hiểu đơn giản (không tách bạch), khái niệm làm chủ “là người nhà” (làm chủ tập thể) có vẻ như đã bị trộn chung với khái niệm “chủ sở hữu” về tài sản. Tình trạng này có thể đưa đẩy đến các hành động hay nhìn nhận tiêu cực: một mặt, có sự “cố ý lạm dụng” tài sản nhà nước (sở hữu); mặt khác, thờ ơ hay o ép “tinh thần làm chủ” chứ không theo đạo lý người nhà.

Nhìn chung, nhờ bối cảnh vận động tích cực và được phân định, ngày nay cả ba khái niệm làm chủ trên đã có thể tồn tại đồng thời trong một doanh nghiệp. Các chủ sở hữu luôn tạo điều kiện để có một doanh nghiệp dung nạp tất cả nhân viên là người nhà. Đội ngũ người nhà này tự nỗ lực và được tạo điều kiện vươn lên làm chủ tay nghề và kiến thức để cùng phát triển.

Đối với các công ty cổ phần, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, người lao động còn có thể vừa là cổ đông, được ưu đãi mua hay tặng cổ phần... Sự đan quyện này cho phép ta nghĩ đến một bối cảnh công ty tốt đẹp và vững mạnh.

Tuy nhiên, đây lại là một bối cảnh giao thời khác nữa cần được nhận dạng rõ và hiểu đúng để có hành xử đúng. Là vì, thực tế không ít người nay vẫn chưa hiểu hay không phân biệt được việc họ thực hiện các vai trò làm chủ của mình thế nào.

Làm chủ cách nào thì vẫn rất cần và gần gụi như cơm. Câu chuyện còn đó sự nóng hổi...

LinkedInPinterestCập nhật lúc: