Làm phong phú và trong sáng tiếng Việt
Trả lời: Có lẽ nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam đặt ra vấn đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đấy dường như là nhà chính trị duy nhất đặt ra vấn đề này, tuy nhiên cũng chưa đầy đủ, bởi xung quanh tiếng Việt có nhiều vấn đề chứ không chỉ là vấn đề sự trong sáng của nó. Tôi đã viết một quyển sách nói về các cuộc cải cách cần thiết ở Việt Nam, trong đó có cải cách văn hoá. Tôi nghĩ rằng cải cách văn hoá là một cuộc cải cách rất quan trọng, nó làm cho nền văn hoá của chúng ta trở nên cởi mở để có thể tiếp nhận, hấp thụ những yếu tố từ bên ngoài. Đấy là một trong những diễn biến có chất lượng bản chất của đời sống toàn cầu. Tôi cho rằng không có tiếng nước nào làm hỏng tiếng Việt cả, nó chỉ làm phong phú tiếng Việt mà thôi. Ví dụ, việc dịch các tác phẩm vĩ đại của nhân loại chính là một trong những cách thức làm phong phú tiếng Việt. Bởi vì các dịch giả phải tìm ra, phải tập hợp vốn từ ngữ và cách diễn đạt để có thể chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Không chỉ trên lĩnh vực văn học mà còn nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ anh Bùi Văn Nam Sơn đã dịch bộ ba tác phẩm triết học quan trọng nhất của Kant ra tiếng Việt. Phải nói rằng công việc đó làm cho mỗi một từ tiếng Việt đơn giản ban đầu chứa đựng thêm những nội hàm mới. Tức là nó không chỉ làm phong phú vốn từ tiếng Việt mà còn làm phong phú nội hàm của mỗi từ. Cho nên, có thể khẳng định rằng các yếu tố bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam không có lỗi làm hỏng tiếng Việt, không có động cơ để làm hỏng tiếng Việt, và trên thực tế nó không làm hỏng tiếng Việt. Tiếng Việt nếu có hỏng thì sự hỏng ấy là do chúng ta.
Hỏi: Anh có theo dõi ngôn ngữ trên mạng hiện nay của các bạn trẻ không? Anh thấy ngôn ngữ như vậy làm cho tiếng Việt biến hoá đi như thế nào?
Trả lời: Nếu nghiên cứu một cách có hệ thống thì các anh chị sẽ thấy rằng tất cả những người làm từ điển tiếng Việt, từ giáo sư Đào Duy Anh, giáo sư Lê Khả Kế rồi giáo sư Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Đạm đều bắt đầu sự nghiệp của mình ở độ tuổi khá lớn. Vào cái tuổi ấy, họ bắt đầu tổng kết sự xâm nhập hay sự xuất hiện của một từ mới hoặc một trạng thái ngôn ngữ mới mà nói cho cùng là biểu hiện bên ngoài của một trạng thái văn hoá mới. Tôi không trách gì các bạn trẻ khi họ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách thô sơ, một cách chưa chín chắn trên mạng, bởi vì không ai nói về sự chín chắn của một cái mầm. Nếu không có mầm thì sẽ không có cây, vì thế chúng ta phải chấp nhận trạng thái mầm và trạng thái đào thải các mầm không có triển vọng. Tôi không lên án, phê phán mà tôi chờ đợi sự xuất hiện những yếu tố tốt đẹp của tiếng Việt được gieo bởi thế hệ trẻ trên các phương tiện truyền thông. Đấy là thái độ văn hoá của tôi đối với sự xuất hiện của những yếu tố ngôn ngữ của các bạn trẻ.
Hỏi: Khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thì những chỗ nào thiếu chúng ta phải bổ sung và dần dần Việt hoá. Nhưng trong nhiều trường hợp, có rất nhiều từ tiếng Việt đã có, dùng rất hay rất tốt, nhưng chúng ta vẫn đưa tiếng nước ngoài vào. Ví dụ, tại sao chúng ta cứ phải nói MC này, MC kia trong khi chúng ta có từ "người dẫn chương trình"? Tại sao chúng ta phải dùng từ "Live show"? Trước đây, có thời xem một trận bóng đá thì chúng ta nghe thấy người ta dùng toàn từ chuyên môn bằng tiếng Pháp, sau này những năm 1954-1956 chúng ta đã chuyển hoá được thành tiếng Việt. Nhưng rất lạ là bây giờ chúng ta không thích dùng những từ đó mà lại đưa những từ tiếng Anh vào. Như vậy là một cách làm nghèo tiếng Việt đi. Hoặc trên sàn biểu diễn thời trang thì người ta dùng chữ "catwalk". Bây giờ chúng ta có 70% thanh niên nông thôn, tất cả các trò du hí đó phục vụ cho ai, dùng những thứ từ ngữ đó giải quyết vấn đề gì? Có lẽ chúng ta phải có một chủ trương rõ rệt để giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt, và chúng ta làm phong phú tiếng Việt bằng cách dùng những gì chúng ta có, những gì chưa có thì bổ sung. Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Trả lời: Chúng ta muốn làm trong sáng tiếng Việt bằng cách chỉ đạo, uốn nắn có chủ trương, nhưng tôi nghĩ tất cả những biện pháp như vậy sẽ làm cho tình thế trở nên xấu hơn. Anh vừa phản ánh một thực tế là chúng ta cũng dùng những từ tiếng Pháp trong bóng đá rồi sau đấy chúng ta bỏ. Khi nào người ta chán tất cả những trò ngoại lai như vậy thì người ta sẽ quay về một cách rất hồn nhiên với tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ của nước nào cũng là thứ tiếng để quay về đối với những người tiên tiến trong xã hội ấy. Nếu anh không đi ra bên ngoài, không bắt chước, không tiếp cận người ta, không thử dùng ngôn ngữ của người ta thì anh sẽ không thấy cái hay của tiếng Việt. Nếu chúng ta bắt người Việt chỉ dùng một loại tiếng Việt không thôi thì tôi nghĩ đấy không phải là cách tiếp cận tốt nhất. Tôi nghĩ rằng cái có thể làm là trên các phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước, trong các bài viết chính thống, các tác phẩm chính thống thì chúng ta phải có một kỷ luật bắt buộc về ngôn ngữ, nhà nước và các cơ sở của nó phải gương mẫu về phương diện ấy. Nếu làm như vậy thì tôi đồng ý, nhưng nếu muốn bắt ép tất cả xã hội bằng định hướng thì rồi anh thấy người ta sẽ còn bắt ép nhiều thứ nữa kèm theo.
Cái cần bây giờ là sự phong phú của tiếng Việt chứ không đơn thuần là sự trong sáng của tiếng Việt. Vì nói cho cùng, tiếng Việt của chúng ta chỉ mới đủ để nói những chuyện hàng ngày, chúng ta chưa có tiếng Việt hàn lâm. Trước đây các nhà văn không được nói chuyện tình dục, không được nói những chuyện tục, cho nên bây giờ nhiều người xem việc chọc thủng những cái lỗ để cho tất cả những thứ ấy chảy ra là tự do. Khi người ta chưa tự do thì người ta không thấy cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở. Trong một lần trả lời phỏng vấn tôi có nói rằng: "Nếu chúng ta muốn biết chúng ta có đặc trưng hay phong cách thế nào thì trước hết chúng ta phải nhảy cái điệu nhạc mà thiên hạ nhảy đã. Chúng ta chưa nhảy cùng một điệu nhạc với thiên hạ thì chúng ta chưa biết phong cách hay đặc trưng của chúng ta được." Cái đặc trưng của một người chỉ được thể hiện trong sự tham gia và thừa nhận một tiêu chuẩn chung, nhưng hiện nay chúng ta không có chuyện ấy. Cái tiêu chuẩn mà chúng ta cố định hiện nay có thể là quan điểm rất đúng của cá nhân ai đó, nhưng nó không phải là quan điểm phổ biến, vì nếu nó phổ biến thì tại sao thế hệ trẻ người ta không dùng? Và anh thấy rằng người ta chán cái cũ đến mức phải cố tình nói lạc đi, nói sai đi, nói trại đi, nói không chính xác như cái cũ để tránh sự nhàm chán của cái cũ. Cho nên giữa việc chúng ta dị ứng với cái mới và sự nhàm chán với cái cũ, cái nào gây ra hiệu quả tiêu cực hơn cho đời sống tinh thần của con người thì đấy là vấn đề cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Ở đây chúng ta không kết luận được, vì chúng ta không đủ điều kiện để kết luận.
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tạo ra sự phong phú của tiếng Việt. Sự phong phú của tiếng Việt là thể hiện toát ra bên ngoài của tự do. Nếu không có tự do, chúng ta không có sự phong phú. Nếu chỉ có dăm bảy thứ thôi thì mài giũa mãi nó cũng đến thế mà thôi. Chúng ta có những người mài giũa, tu từ chuyên nghiệp như Nguyễn Tuân, đến bây giờ không ai chê và không ai nghi ngờ về giá trị nghệ thuật của ông ấy, nhưng không ai bắt chước ông ấy nữa cho dù nó hay đến thế. Bởi vì con người muốn đi tìm cái mới, đi tìm những trạng thái mới, cảm giác mới, tìm tự do mới và con người có quyền sử dụng một cách vụng về những ngôn ngữ đầu tiên để thể hiện cái trạng thái mới ấy. Chúng ta phải trân trọng điều ấy. Nếu không trân trọng điều ấy thì chúng ta có thể được một sự chuẩn mực về tiếng Việt, nhưng lại làm mất đi sự phong phú của nó. Ngôn ngữ là một công cụ, nó không đơn thuần là một món đặc sản giúp người ta thưởng thức hương vị mà người ta thích. Ngôn ngữ là một công cụ nhận thức, nó phải đủ phong phú để giúp người ta thâm nhập vào các lĩnh vực rất khác nhau. Có thời kỳ rất dài chúng ta xem triết học Mác và chủ nghĩa Mác - Lê nin như một trào lưu tư tưởng duy nhất nên trong lĩnh vực triết học chúng ta không có sự phong phú ngôn ngữ, đến mức dù anh có nói khác nhưng anh viết bằng ngôn ngữ ấy thì người đọc không muốn đọc nữa. Cho nên, không đủ sự phong phú về ngôn ngữ thì anh không có công cụ tối thiểu để thâm nhập vào những lĩnh vực mà thực ra người Việt cần hơn là thưởng thức sự tinh tế của chữ và của tiếng.
Chúng ta tham gia vào giai đoạn hậu hiện đại của văn học, nhưng chúng ta không có ngôn ngữ tương thích, cho nên chúng ta vẫn phải dùng lại cái cũ. Có những người rất táo tợn trong việc dùng chữ Việt như Phạm Thị Hoài chẳng hạn, nhưng chỉ có một Phạm Thị Hoài thôi thì nó thành ra một thứ tiếng Việt cong cớn. Đọc "Marie Sến", đọc "Thiên sứ", anh sẽ thấy rằng đấy là một người viết có một loại ngôn ngữ rất cong cớn. Nhưng cong cớn không phải là đặc trưng duy nhất của tiếng Việt. Tiếng Việt còn có nhân hậu, có rỉ rả, có nhiều thứ lắm. Trong con người Việt hàm chứa rất nhiều phong cách, nhưng nó không có những dòng tư duy cũng như dòng ngôn ngữ để mô tả một cách đầy đủ, toàn diện tất cả những tính cách của người Việt. Cho nên tôi luôn cho rằng cần để cho con người tự do thể nghiệm các phong cách ngôn ngữ của mình để dần dần, cùng với thời gian, nó hoàn chỉnh và chảy thành dòng của các phong cách ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải là những hạt cát, hạt sỏi hoặc những viên gạch rời rạc. Ngôn ngữ buộc phải đi qua nghệ thuật, qua thơ ca, qua tư tưởng, qua chính trị và nhiều thứ nữa để trở thành các dòng tạo nên bó cáp ngôn ngữ. Không có bó cáp nào chỉ có một sợi cả, bó cáp ngôn ngữ ấy phải được cấu tạo bởi nhiều sợi xoắn vào mới tạo ra những thành tựu về ngôn ngữ và nhờ đó chúng ta mới có thể có các tác phẩm lớn, tác gia lớn.
Tôi muốn nói với các anh chị rằng sự phong phú của tiếng Việt là yêu cầu số một chứ không phải sự trong sáng của nó. Chúng ta làm quen với các yếu tố ngôn ngữ mới và anh thấy rằng sự quen đi ấy rất quan trọng. Dần dần nó được khen hoặc bị chê và tác giả của các chữ mới, các cách mới ấy có điều kiện tham khảo và đưa dần ngôn ngữ của mình về trạng thái phải chăng hơn. Trạng thái phải chăng ấy là do sự uốn nắn của xã hội, do phản ứng của xã hội đối với một phong cách ngôn ngữ. Vậy nhà nước đóng vai trò gì trong chuyện này?
Nhà nước phải gương mẫu, các phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước phải gương mẫu, và trong điều kiện có một đảng lãnh đạo thì Đảng cũng phải gương mẫu, gương mẫu về sự chuẩn mực, chính xác và nghiêm cẩn. Phải có một dòng như vậy làm chuẩn. Đối với các nhà văn đã thành danh rồi thì phải tự giác về giá trị mỹ học trong quá trình truyền bá cái đẹp của ngôn ngữ. Còn các bạn trẻ mới vào đời, chưa nói chuyện mới vào nghề, nếu họ sáng tác mà sợ phạm huý giống như đi thi thì không có tác phẩm. Ví dụ Nguyễn Thị Ngọc Tư chẳng hạn, nhiều người khen nhưng tôi thì phân vân. Chúng ta phải xem xem cùng với thời gian thì tác phẩm của cô ấy có còn giữ được vẻ đẹp bền vững không. Vẻ đẹp của ngôn ngữ là kết quả của sự chấp nhận một cách rộng lớn của xã hội đối với từng thành tố cấu tạo ra tác phẩm chứ không phải chỉ là tác phẩm. Với cái đó chúng ta phải kiên nhẫn. Khi nào anh không thấy bực dọc về chuyện xuất hiện một cách viết cẩu thả, một loại ngôn ngữ cẩu thả, một sự cong cớn nào đó mà ở tuổi anh anh không thích nữa, thì lúc đó anh thành công với tư cách là một người đọc bình thản. Tức là chúng ta bình thản trước sự xuất hiện của cái mới và với một thái độ kiên nhẫn để chờ đợi nó chín.
Bất kỳ ai chúng ta cũng chờ đợi và cả cuộc đời của con người phải chờ đợi để hưởng thụ những sản phẩm có tính chất xã hội học là ngôn ngữ. Chờ đợi bao nhiêu lâu chúng ta mới có Nguyễn Tuân chứ có phải có ngay từ đầu đâu.
Thậm chí chúng ta còn quan sát được cả cái chết của Nguyễn Tuân về phương diện ngôn ngữ chứ không chỉ có sự khởi sắc của ông ấy. Tôi nghĩ rằng trông thấy, khen chê, bình phẩm, thưởng thức cái quá trình đang lên cũng như đau xót về quá trình chết đi của một phong cách ngôn ngữ chính là thân phận của những người đọc chuyên nghiệp.
Hỏi: Hiện nay có một tình trạng phổ biến là người Việt viết sai chính tả rất nhiều, mà không phải vì họ thiếu trình độ, rất nhiều người học đại học, cao học, tiến sĩ, nhiều người ở những vị trí không thể sai được như nhà văn nhà báo, giáo viên mà họ vẫn sai đến mức đáng kinh ngạc. Theo anh, tiếng Việt có khó đến mức những người có trình độ cao mà vẫn không làm chủ được nó?
Trả lời: Tiếng Việt có khía cạnh khó, nhưng không phải khó về ngữ pháp. Ngữ pháp tiếng Việt là ngữ pháp đơn giản. Có lẽ chính cái ý thức tổ chức kỷ luật của người Việt đã tạo ra tình trạng sai chính tả. Lao động không đến đầu đến đũa, nghĩ ngợi không đến đầu đến đũa, thi nói nhanh và nói to, cho nên chúng ta có một tình trạng vô giáo dục về phương diện tiếng Việt. Cái đấy không bênh vực được. Xét về mặt ngôn ngữ, chúng ta có thể để nó tự do để nó tha hồ thể hiện các phong cách ngôn ngữ, nhưng chính tả thì không thế được. Chính tả là qui tắc, cho nên sai chính tả là sai qui tắc, là phạm luật. Sự sai chính tả thể hiện ý thức về pháp luật của người Việt rất non kém. Nhiều người nói một câu mà không biết đâu là chủ ngữ, vị ngữ, các định ngữ hoặc mệnh đề định ngữ kèm theo. Cái sai lầm trong việc cấu trúc ra một câu nói hoàn chỉnh chính là một trong những nhược điểm quan trọng nhất của người Việt. Cái đấy thì không thể nhân nhượng.
Hỏi:Phải chăng hiện tượng dùng tiếng Việt tuỳ tiện là do ý thức ngôn ngữ kém?
Trả lời: Không phải ý thức ngôn ngữ mà là ý thức trách nhiệm. Một câu nói hoàn chỉnh và đúng ngữ pháp là một sản phẩm. Sản phẩm ấy có thể hay hay dở, có thể độc đáo hay tầm thường, nhưng nó phải đúng. Sai chính tả là việc không tạo ra được một sản phẩm đúng. Đó là thái độ trách nhiệm chứ không phải phong cách. Hoặc nói một cách đầy đủ hơn, đó là trạng thái thiếu giáo dục.
Hỏi: Khi chúng ta dùng ngôn ngữ thì nó thường kèm theo cả những cảm xúc nữa. Các bạn trẻ bây giờ hay nói với nhau "chúng mình đi shopping đi", có lẽ nói như thế nó gây cho họ cái hào hứng, nhưng tại sao họ không thể nói với nhau "chúng mình đi mua sắm đi"?
Trả lời: Việt Nam vốn không có cái văn hoá mua sắm. Phải nói rằng văn hoá mua sắm ở Việt Nam bắt đầu từ chữ shopping. Đấy là một thực tế. Ở thế hệ anh và một chừng mực nào đó ở thế hệ tôi không có văn hoá mua sắm, vì thế chúng ta không có cảm hứng khi mua sắm. Mua sắm là một việc bắt buộc theo đòi hỏi của những kẻ chiếm đóng gia đình mình là vợ con mình, nên chúng ta không có cảm hứng. Còn bọn trẻ hoặc các bà mệnh phụ hoặc các ông rửng mỡ đi mua sắm với bạn gái thì họ có cảm hứng của họ. Và tôi nghĩ rằng không phải bất kỳ từ ngoại lai nào cũng cần phải lên án. "Chúng ta đi shopping đi" không phải là một câu nói dở lắm, thậm chí trong một chừng mực nào đấy nó còn có tác dụng kích cầu nữa.
Phê phán những đối tượng ngoại lai là một việc rất khó và có thể gọi đấy là một bản lĩnh. Phê phán và chọn lựa để kết nạp vào cộng đồng văn hoá Việt Nam những yếu tố ngoại lai là một bản lĩnh. Nếu không có bản lĩnh thì chúng ta sẽ loại bỏ tất cả, cả những thứ có ích xâm nhập vào nền văn hoá Việt Nam. Phê phán tất thì đương nhiên là không đúng, nhưng không phê phán gì cũng không đúng. Chúng ta chỉ phê phán cái lố bịch thôi, ví dụ sự khoe khoang, sự phô trương thái quá. Có những từ như "hoành tráng" chẳng hạn, đấy là một từ xấu, Việt hoá xong rồi nó vẫn tiếp tục là một từ xấu. Nhưng cùng với thời gian, tất cả những từ như thế sẽ biến mất. Tôi nghĩ đối với ngôn ngữ hay đối với các yếu tố văn hoá, chúng ta buộc phải kiên nhẫn, buộc phải lấy nhu trị cương, không thể tiến công vào các sai sót văn hoá được.
Hỏi:Bây giờ trong nhiều cuộc họp, nhiều nhà lãnh đạo đứng lên nói "chúng ta phải phối kết…" Ngay cả ở nhà tôi, đứa cháu mới học lớp hai xem tivi cũng thốt lên "ông ơi hot quá"…
Trả lời: Nó là như thế, không làm cách gì để tiêu diệt nó được đâu. Bởi vì trước khi anh sửa chữa được sai lầm của nó thì anh đã trở thành kẻ thù của nó. Cái quan hệ cha con trong đời sống văn hoá là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải xử lý cái mối quan hệ ấy như thế nào để sửa được cái sai cho nó mà không trở thành kẻ thù của nó. Khi sửa chữa các lỗi lầm có chất lượng văn hoá, người ta không thể nóng vội. Để làm trong sáng tiếng Việt hay làm phong phú tiếng Việt đều không nóng vội được. Bởi vì khi nhận thấy một hiện tượng giống cái kiến thức mình học bên ngoài thì người ta thường tìm cách diễn đạt theo kinh nghiệm ngôn ngữ mà người ta đã học được, nhưng cùng với thời gian, người ta sẽ Việt hoá nó. Việt hoá các yếu tố bên ngoài là một quá trình, chúng ta không thể nóng vội. Thống kê những chê trách của anh thì việc đầu tiên là bọn trẻ sẽ không yêu mến anh nữa. Anh có thể có được cảm tình của một vài người thuộc thế hệ của anh, nhưng anh sẽ đối lập với một lực lượng lớn hơn nhiều, mà cái lực lượng ấy lại tạo ra tương lai của anh. Cho nên, chúng ta phải nâng niu tương lai bằng một thái độ kiên nhẫn, chờ đợi để nó đàn hồi trở về trạng thái phải chăng về ngôn ngữ, không có cách gì tác động một cách thô lỗ vào nó được.
Hỏi: Đúng là không nên bài trừ những yếu tố ngoại lai, ngay cả tiếng Anh là một thứ tiếng quốc tế vẫn có những từ ngoại lai như "rander vous".
Trả lời: Tất cả các dân tộc đều dùng từ của nhau hết. Chúng ta đôi lúc cảm thấy việc ấy vô duyên là bởi vì chúng ta dùng ở mọi tình huống, mọi ngữ cảnh một cách tùy tiện. Những từ ngoại lai từ Pháp sang Anh hoặc từ Anh sang Pháp thường được dùng rất đúng tình huống, cho nên nó không vô duyên. Toàn bộ tính có duyên của việc sử dụng ngôn ngữ chính là tính thích hợp của nó với ngữ cảnh. Bây giờ để tìm một chữ thay thế "rander vous" là người Anh không bõ tìm. Tôi lấy một ví dụ, tại sao người ta không rủ nhau "chúng mình đi nhảy đi" mà người ta lại nói là "chúng mình đi dancing đi"? Lý do rất đơn giản là cái từ "nhảy" đã được người Việt sử dụng một cách bừa bãi đến mức mất cả giá trị xã hội của nó. Và người ta không thể cúi xuống nhúng cái hoạt động mà người ta cảm thấy rất lãng mạn ấy vào cái môi trường mà người ta biết chắc nó đã bẩn. Cho nên làm trong sáng tiếng Việt là hãy rửa sạch tiếng Việt, giải phóng tiếng Việt ra khỏi những cách dùng sai lầm trước đây để làm tinh khôi lại các giá trị nhân hậu mà mỗi một từ tiếng Việt có. Ví dụ "yêu" là một từ rất đẹp, nhưng bởi vì đạo đức xã hội tha hoá mà có quá nhiều người sử dụng từ ấy cho những thứ không thể đẹp được, cho nên kể cả hai người yêu nhau nhiều khi người ta cũng không dùng chữ yêu nữa. Và cũng không phải không có những nhà văn đã tránh dùng từ ấy. Ví dụ Nguyễn Bính chẳng hạn:
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Đến cả Nguyễn Bính cũng không dùng cái chữ "yêu" được, buộc phải né bằng "chúng mình với nhau". Người ta cố gắng né chữ ấy vì nó đã bị xã hội hoá theo xu hướng hư hỏng. Không phải chỉ tiếng Việt mới như thế mà tiếng nào người ta cũng có cách dùng để né tránh một từ đã bị làm bẩn. Vì thế cho nên nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra một môi trường để cho tiếng Việt phong phú, để cho nó có hàng trăm, hàng nghìn cách mô tả một trạng thái tình cảm hoặc một trạng thái nhận thức và đấy là con đường duy nhất đúng cho tất cả các ngôn ngữ chứ không phải chỉ có tiếng Việt.
Hỏi: Quay trở lại với vấn đề chính tả, có rất nhiều tác phẩm văn học và bài báo có lỗi chính tả. Các nhà biên tập cũng sai chính tả nên không phát hiện ra và đôi khi người ta cũng không có đủ thời gian để đọc kỹ. Theo ông có thể làm gì để khắc phục tình trạng này và chúng ta có cần phải nghiêm khắc hơn trong việc chuẩn hoá tiếng Việt không?
Trả lời: Trước đây nhà thơ Chế Lan Viên có một mục rất hay là mục "dọn vườn". Tôi là người đọc một cách say sưa, mê mải và liên tục trong nhiều năm cái mục ấy. Tôi nghĩ nếu có ý thức thì chúng ta có hàng trăm, hàng nghìn cách để chuẩn hoá những chuyện ấy. Nhưng cần khẳng định rằng, sai chính tả là phải chỉ trích, sự không chính xác về mặt sử liệu cũng phải chỉ trích. Một bài viết đáng tin cậy là phải chính xác, đúng đắn. Lâu nay chúng ta chưa bao giờ lên án chuyện viết sai chính tả mà chúng ta chỉ tập trung phê phán thục mạng về chuyện sai chủ trương, đường lối. Sự chú ý của cả xã hội trong nửa thế kỷ là tìm cách vạch vòi sự sai sót về chủ trương, đường lối mà quên đi sự chú ý về chính tả, quên đi sự chính xác về mặt sử liệu. Độ chính xác về mặt sử liệu, độ chính xác về chính tả là đòi hỏi bắt buộc đối với người viết. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp lên ti vi vẫn nói ngọng và nói tiếng thổ ngữ. Tất cả các dân tộc thể hiện sự thống nhất của mình bằng sự thể hiện tính phổ thông của ngôn ngữ, nhưng chúng ta lại vô tình để cho thế lực chính trị nào đủ mạnh thì khống chế, dùng thổ ngữ của họ để diễn đạt, cái đó là vô cùng sai. Tôi không nói với ý phân biệt vùng miền. Ví dụ cô Hoài Anh, phát thanh viên của VTV1 nói rất đúng chính tả và cô ấy không dùng một thổ ngữ nào khi nói bằng tiếng miền Nam trong quá trình đọc những văn kiện hoặc tin tức chính thức. Ở đây tôi không nói đến chuyện Nam-Bắc, Đông-Tây gì cả mà tôi muốn nói rằng, thừa nhận tiêu chuẩn phổ thông của tiếng Việt trong khi trình bày các văn kiện, các phát biểu, các bài nói là đòi hỏi bắt buộc đối với tất cả những người xuất hiện một cách chính thống trên truyền thông, trừ những vai quần chúng được phỏng vấn giữa đường, giữa chợ.
Có nhiều người có cương vị cao hẳn hoi, nhưng cứ về quê là bắt đầu dùng thổ ngữ, đàn hồi trở về trạng thái thổ ngữ mà không biết rằng ở Hà Nội mười mấy năm, nói một thứ tiếng phổ thông chính xác như thế là một thành tựu văn hoá của bản thân anh ta. Biểu dương chất lượng phổ thông của tiếng Việt, của ngôn ngữ Việt là nhiệm vụ của nhà nước. Nhà nước phải truyền bá và phải bắt buộc có một tiêu chuẩn thừa nhận chất lượng phổ thông của tiếng Việt. Bởi vì việc sử dụng tiếng Việt phổ thông như là một ví dụ, một thông điệp để thể hiện tính thống nhất về mặt văn hoá của dân tộc, thậm chí cả thống nhất chính trị.
Chính tả là bắt buộc, nhưng không có nghĩa là mang cảnh sát ra phạt vi cảnh người nói ngọng, nói thổ ngữ. Chúng ta phải đưa ra các tiêu chuẩn, truyền bá các tiêu chuẩn và nhà nước gương mẫu trong việc thực thi các tiêu chuẩn về ngôn ngữ như vậy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra khẩu hiệu làm trong sáng tiếng Việt, nhưng khẩu hiệu ấy mới là một mảng đòi hỏi đối với tiếng Việt, còn những đòi hỏi khác quan trọng hơn. Sự đa dạng, sự phong phú của tiếng Việt, sự phát triển chất lượng các thuật ngữ của tiếng Việt trong các hoạt động khoa học là chưa được làm rõ.
Phải nói rằng, riêng về việc làm phong phú tiếng Việt thì tôi rất biết ơn những đối tượng sau: Trước hết là các nhà văn chuẩn mực như Nguyễn Tuân chẳng hạn. Có người thì lục bát theo kiểu Nguyễn Bính, có người thì nhảy cóc kiểu Chế Lan Viên, có người thì đô thị và hiện đại theo kiểu Nguyễn Đình Thi…, tất cả những người ấy phát triển phong cách theo khuynh hướng của thời đại, nhưng đồng thời họ đưa ra và sử dụng một thứ tiếng Việt tương đối chuẩn. Họ là những người gương mẫu trong việc dùng nghệ thuật để truyền bá một chất lượng tiếng Việt rất đáng ca ngợi. Đối tượng thứ hai là các dịch giả lớn của chúng ta, trong đó có những người phải kể đến như anh Cao Xuân Hạo, người dịch tác phẩm "Chiến tranh và hoà bình" của Lev Tolstoy, "Tội ác và sự trừng phạt" của Dostoyevsky; anh Phạm Mạnh Hùng, người dịch một số tác phẩm của Maxim Gorky, "Anh em nhà Karamazov" của Dostoievsky hoặc anh Dương Tường dịch các tác phẩm văn học Pháp; anh Trương Chính và anh Đặng Thai Mai dịch AQ chính truyện của Lỗ Tấn... Các anh ấy đã rèn luyện tiếng Việt trong việc chuyển một đối tượng văn hoá từ bên ngoài vào Việt Nam. Phải nói rằng các anh ấy là những người rất đáng ngưỡng mộ và kính trọng. Chúng ta cũng phải tưởng nhớ và biết ơn những học giả quan trọng, những nhà khoa học của chúng ta, ví dụ những người đã dịch tác phẩm của Mác. Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những người dịch các tác phẩm của Mác và ông ấy là một trong những người làm phong phú ngôn ngữ hàn lâm của tiếng Việt. Những người như dịch giả Bùi Văn Nam Sơn chẳng hạn, đáng ra nhà nước phải thưởng họ với tư cách là người truyền bá văn hoá vĩ đại. Bởi vì triết học Kant là một loại ngôn ngữ vô cùng khó dịch. Anh Phan Ngọc khi dịch "Mỹ học" của Hegel bị chỉ trích lên xuống, có người hỏi tôi quan điểm của anh thế nào, tôi trả lời rằng thà là dịch chưa chuẩn còn hơn không có để mà đọc. Anh Phạm Toàn cũng có một vài vấn đề chính trị này khác, nhưng cái đó là việc của anh ấy với nhà nước, còn với tư cách một dịch giả thì anh ấy đã dịch quyển "Nền dân trị Mỹ" của Tocqueville, một trong những tác phẩm khoa học vĩ đại nhất về xây dựng nhà nước, đến mức chưa người Việt nào có thể dịch hay hơn được. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chúng ta cũng phải kể đến những người như giáo sư Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Tuỳ, Lê Tâm, Phạm Đồng Điện, Lê Văn Thiêm…, những người đã chuyển tải những tác phẩm có tính chất giáo trình trong lĩnh vực khoa học công nghệ của nước ngoài sang tiếng Việt trong buổi khai sinh của nền đại học Việt Nam, làm phong phú mảng tiếng Việt liên quan đến khoa học công nghệ. Có thể nói, những nhà khoa học như vậy đã chuyển những giá trị ở đỉnh cao nhất của nền văn hoá nhân loại vào Việt Nam và thể hiện bằng tiếng Việt. Để làm phong phú tiếng Việt thì chúng ta phải biết biểu dương những đối tượng đã làm phong phú nó. Các nhà văn, các dịch giả văn học và dịch giả khoa học, đấy là những người có công lao rất lớn trong việc làm phong phú tiếng Việt. Trừ tất cả những chuyện chính trị ra thì đấy là những nhân vật phải được khen tặng như những người chuyển tải khối lượng khổng lồ vào nền văn hoá Việt Nam, những người đóng góp không nhỏ vào tương lai phát triển của Việt Nam.
Hỏi:Chuyển sang chuyên môn văn học, ví dụ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được đánh giá cao trong nước và quốc tế. Có nhà xuất bản Thụy Điển tuyên bố sẽ dịch tác phẩm của cô ấy, nhưng sau đó họ không dịch được. Theo anh, việc phát huy tính thổ ngữ trong văn học có nên không? Như tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thì sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ là chủ yếu, khi dịch mà bỏ những cái đó đi thì tác phẩm mất đi một nửa.
Trả lời: Tôi nghĩ rằng một dân tộc muốn đi ra xa lộ thì không thể dùng thổ ngữ được. Một nền văn học muốn phát triển một cách qui mô để tìm những giải thưởng lớn để biểu dương, để làm đẹp hình ảnh dân tộc chúng ta trong cộng đồng văn hoá quốc tế thì không dùng thổ ngữ được. Bản thân người Việt đọc những tác phẩm như thế không phải ai cũng thấy thích thì làm sao người nước ngoài thích được. Con trai tôi nghiên cứu văn học Anh một cách rất công phu, nó sống 12 năm ở Anh. Khi nói về Franz Kafka, nó bảo có người làm ra bài thơ hoàn chỉnh nhất, có người làm ra bức tranh đẹp nhất, có người viết được quyển tiểu thuyết hay nhất nhưng Franz Kafka thì làm nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh nhất. Muốn có một tác phẩm hoàn chỉnh về mặt nghệ thuật thì chúng ta không thể dùng thổ ngữ được, vì không phổ biến được. Ngay cả Homer cũng không dùng thổ ngữ. Khi viết "Thần khúc", Dante cũng không dùng thổ ngữ, và do đó chúng ta mới dịch "Thần khúc" sang tiếng Việt được, mới dịch "Iliad và Odyssey" sang tiếng Việt được. Và không phải là khi dịch thì các tác phẩm ấy bị mất đi giá trị nguyên bản đâu, nó vẫn còn thừa sức để làm cảm động một người đọc như tôi. Khi chúng ta có một lượng thông tin đủ để tạo sự cảm động của một người khác chủng tộc thì như vậy sự truyền tải ấy đã thành công rồi. Nếu dùng thổ ngữ thì chúng ta không thể giới thiệu Nguyễn Du như một văn hào nhân loại được. Cái đấy cho thấy viết hay là một chuyện, năng lực văn hoá là một chuyện khác.
Khi viết một tác phẩm, có những nhà văn phải cân đối xem viết bằng tiếng Anh tốt hơn hay tiếng Pháp tốt hơn, vì có những người biết mấy ngôn ngữ và người ta buộc phải chọn. Cái gì tiện hơn, cái gì phổ quát hơn và đem lại cho người ta nhiều lợi ích hơn, mỗi một tác giả tỉnh táo đều phải cân nhắc như vậy và tỉnh táo theo chiều hướng: khi chúng ta đã mất ngần ấy sức lao động thì chúng ta phải biểu dương được dân tộc của mình, văn hoá của mình. Thổ ngữ không phải là công cụ tốt nhất để biểu dương nền văn hoá Việt. Chúng ta có ít nhà văn đến mức chúng ta phải tiết kiệm họ cho việc biểu dương nền văn hoá Việt Nam. Tôi không chê hay dị ứng với thổ ngữ, nhưng tôi cho rằng với những tài năng như Nguyễn Thị Ngọc Tư mà sử dụng một ngôn ngữ phổ thông hơn thì Nguyễn Thị Ngọc Tư sẽ lớn hơn và có ích hơn đối với xã hội của chúng ta. Đấy là quan điểm của tôi. Đúng hay sai chưa biết, nhưng tôi phát biểu quan điểm của tôi là như vậy.
Hỏi:Nhưng nếu Nguyễn Ngọc Tư dùng tiếng miền Bắc, tiếng Hà Nội thì không thể hiện được đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời: Cái giá trị của nền văn hoá Nam Bộ không nằm ở thổ ngữ của nó. Nếu anh tiếp xúc với người Nam Bộ thật, anh sẽ thấy là chất lượng văn hoá, chất lượng trong con người họ lớn đến mức thổ ngữ chỉ là một yếu tố phụ. Sự vô tư không cần nhà cao cửa rộng, sống lồng lộng giữa trời đất, lúc nào cũng sẵn sàng rên rỉ một câu hát, đấy là người Nam Bộ và vẻ đẹp của họ không nằm ở thổ ngữ. Nếu anh nhắm mắt hát lại bài hát của Trần Kiết Tường, anh sẽ thấy không có thổ ngữ nào cả, nhưng viết về Hồ Chí Minh thì đấy là bài hát hay nhất trong tất cả các bài hát.
Hỏi: Lấy ví dụ, trong một lời thoại mà người ta nói "sao mà mày quá trời đất vậy", đấy là thổ ngữ người miền Nam hay dùng, nếu bây giờ dùng từ miền Bắc để thay thế thì trong tình huống đó không thể thay thế được. Vậy giải quyết ra sao?
Trả lời: Lời thoại cũng là văn và do đó không nên dùng thổ ngữ trong lời thoại. Chẳng hạn thay từ "chu cha" bằng "trời ơi" thì tôi nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Tư vẫn không hề giảm giá trị. Có thể nói đấy là một tác phẩm được khen vì dùng thổ ngữ chứ không phải là một tác phẩm văn học chuẩn. Ngôn ngữ là công cụ cơ bản để sáng tạo cả khoa học, triết học lẫn văn học, kể cả kinh thánh nữa. Cho nên, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng ta là làm cho tiếng Việt phát triển đến mức thích ứng với các trạng thái đòi hỏi của những hoạt động đặc biệt như vậy, chứ không phải những hoạt động đặc biệt ấy phải cúi xuống cho phù hợp với tiếng Việt.
Cũng có thể cùng với thời gian, từ "chu cha" trở nên phổ biến, nhiều người thích và nó không còn là thổ ngữ nữa. Có những yếu tố thổ ngữ được đại chúng hoá nếu nó không quá đặc biệt. Từ ngôn ngữ địa phương cụ thể cho đến một nền văn học phổ thông có sự đi đến với nhau bằng hai chiều chứ không phải một chiều. Tức là từ quê anh phải lặn lội ra phố để thích ứng với ngôn ngữ đô thị và từ đô thị người ta cũng phải lặn lội ngược trở lại để có thể thưởng thức được ngôn ngữ địa phương. Đấy là quá trình đến gần nhau, nhưng không phải hai trình độ ngôn ngữ đến gặp nhau mà hai cộng đồng con người đến với nhau và tạo ra sự thừa nhận lẫn nhau của các hệ thống ngôn ngữ địa phương và phổ thông
Tôi xin nói lại rằng tôi rất kính trọng bác Phạm Văn Đồng, không chỉ vì những thành tích chính trị của ông cụ mà trước hết là vì sự quan tâm của ông cụ đến việc làm trong sáng ngôn ngữ của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ làm trong sáng mà không làm phong phú thì tức là chúng ta vô tình làm đơn giản hoá tiếng Việt. Với tư cách là kẻ hậu sinh, tôi muốn bổ sung vào sự chú ý văn hoá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với ngôn ngữ là "làm phong phú và trong sáng tiếng Việt". Đấy là một sự góp vào của tôi đối với di sản tinh thần của bác Phạm Văn Đồng.
Hỏi:Nhưng làm phong phú là rất khó. Làm sao để người ta có thể chấp nhận được?
Trả lời: Nếu tất cả các hiện tượng cuộc sống mà anh đều chấp nhận được hết thì hoặc là cuộc sống chết, hoặc là anh chết. Toàn bộ bản lĩnh của con người là sống trong một môi trường mà có những cái mình chấp nhận được và có những cái mình không chấp nhận được. Bởi nếu tất cả mọi cái mình chấp nhận được mà mình lại là một cá thể thì cuộc sống không còn phong phú nữa. Mà cuộc sống thì phải phong phú. Tất cả cái quý giá mà cuộc sống có là sự khác nhau của nó chứ không phải sự giống nhau. Cho nên không nên đặt ra vấn đề chấp nhận được hay không, bởi vì chúng ta là đối tượng bị động, chúng ta phải chấp nhận cuộc sống chứ không phải cuộc sống chấp nhận chúng ta. Tất cả các lỗi lầm sẽ được cuộc sống sửa chữa chứ không phải sự chỉ trích của chúng ta sửa chữa nó. Rất nhiều người tưởng rằng con người làm được tất, tự sửa chữa được khuyết điểm của mình bằng phê bình và tự phê bình. Nhưng tôi hỏi anh: bây giờ tham nhũng ai cũng bảo là xấu, nhưng chúng ta có hạn chế được nó đâu? Vi phạm luật lệ giao thông làm chết người, ai cũng bảo là xấu, nhưng cuộc sống nó vẫn tiếp diễn như vậy. Chúng ta chỉ có thể đưa ra các qui tắc hạn chế nó, chúng ta không có quyền và không có năng lực để làm cho cuộc sống phải theo ý mình. Và tất cả những ai có ý đồ làm cho cuộc sống phải chấp nhận mình đều thất bại hết, kể cả những người có súng đại bác trong tay.
Hỏi:Tôi vẫn có một băn khoăn rằng tất cả những lễ hội, đình đám hiện nay để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long nó có phải văn hoá hay không?
Trả lời: Tất cả những gì người ta làm hiện nay thì anh cứ kệ nó, anh không dùng quạt để mà thổi gió ngược lại được đâu. Đấy có phải văn hoá không? Đấy là sự sử dụng văn hoá chứ không phải văn hoá. Đấy có phải tâm linh không? Đấy là kinh doanh tâm linh chứ không phải tâm linh. Trong trường hợp ấy thì tốt nhất là chúng ta làm việc của mình, họ làm việc của họ. Rất nhiều trí thức của chúng ta chủ quan, tưởng rằng mình là trí thức thì mình nắm giữ lẽ phải mà lẽ phải thì có sức thuyết phục. "Nói phải củ cải cũng nghe". Củ cải có thể nghe lẽ phải nhưng quyền lực thì không nghe ai hết.
Hỏi:Mấy hôm nay báo chí đưa tin về chuyện người ta làm chai rượu mấy nghìn lít, cao hơn năm mét để dâng tiến vua Hùng, những chuyện đó không biết có phải là sai lầm văn hoá không?
Trả lời: Người ta còn định xây mỗi tỉnh một đền thờ vua Hùng thì anh biết rồi. Việc đó phản ánh đây là đàn con không tụ họp lại nổi, buộc phải chia linh hồn ông tổ ra mỗi người một mẩu. Nhưng sự không thống nhất bên ngoài cũng chẳng có giá trị gì cả, nó chỉ có giá trị như những sự kinh doanh có tính chất tâm linh đối với đời sống chính trị, còn dân tộc chúng ta vẫn thống nhất bằng vua Hùng. Vua Hùng thật không cần đến chai rượu mấy nghìn lít mà cần "voi chín ngà, gà chín cựa", nhưng bây giờ chưa có và không ai kiếm được những thứ ấy để chiều thì người ta đành mang đặc sản của thời đại với tất cả sự kiêu ngạo, hoành tráng và hoảng loạn của thời đại để dâng. Đấy cũng là một nhận thức sai, nhưng hãy để cho cuộc sống có quyền sai. Tôi cho rằng sai lầm là một quyền, nếu quyền ấy không làm hỏng việc của người khác. Người ta sẽ nhận ra giá của các sai lầm của mình, và nếu không đi qua những chặng như thế thì không ai tỉnh ngộ một cách thực sự được. Cho nên việc người ta sai kệ người ta, tôi không tham gia chỉ trích những chuyện ấy. Mỗi một người đều phải tự trả giá cho sự ngu ngốc hoặc sự huênh hoang của mình.
Cám ơn anh!
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá