Lên Hồ Tây xem người ta... yêu nhau

12:40 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Giêng, 2004

Đó là con đường đẹp và mộng mơ nhất Hà Nội với dập dìu tài tử giai nhân, người người sánh đôi rủ rỉ lời yêu đương suốt đêm ngày. Và có lẽ hiếm đôi nhân tình nào ở thủ đô lại chưa từng dạo bước nơi đây. Con đường có tên Thanh Niên mềm mại như dải lụa đào vắt ngang hồ Tây và hồ Trúc Bạch bảng lảng khói sương được ví là “đại lộ tình nhân” giữa Hà thành.

Vọng từ ngàn xưa

Con đường xưa nguyên là một dải đê nhỏ do dân chài ba làng Yên Phụ, Yên Quang và Trúc Yên đắp lên để giữ cá trong hồ Trúc Bạch. Con đê này mang tên Cố Ngự (ông già coi giữ, trông nom). Lúc này hồ Tây còn là một nhánh của sông Hồng, ăn sâu vào tận chân đê Cố Ngự.

Trải dần theo năm tháng, lòng sông chuyển mình, đất phù sa bồi đắp và một phần do con người ngăn lại, nhánh sông Hồng đoạn này được “khoanh” thành hồ Tây, nằm bên kia đê Cố Ngự là hồ Trúc Bạch. Đến thời Pháp thuộc, do nhu cầu đi lại nhiều, đê Cố Ngự được sửa sang lại thành con đường nhỏ mang tên của thống chế Lyautey. Sau cách mạng, con đường được đổi tên thành Cổ Ngư, đọc chệch từ “Cố Ngự”.

Sang những năm 1958 - 1959, thanh niên học sinh Hà Nội được động viên tham gia lao động công ích đắp đường, tôn tạo Cổ Ngư. Để ghi nhận công sức này, đến năm 1960, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội quyết định đặt tên chính thức cho con đường là Thanh Niên (cho đến tận ngày nay).

Những nụ hôn thời công nghệ

Tại sao và từ khi nào người ta thích lên đây để hôn nhau thì không ai rõ; bởi vì Hà thành còn có hồ Gươm, hồ Hale, hồ Giảng Võ, hồ Ngọc Khánh tuy nhỏ hơn hồ Tây, hồ Trúc Bạch nhưng cũng không kém phần lãng mạn!

Về mặt “địa lý” có thể hình dung: nối lên đầu đường Thanh Niên đoạn cắt trục Quán Thánh - Thụy Khuê đều là những ngả đường lớn, phố “sành điệu”, người dạo xe qua không gì khác là để rong chơi. Đó là lý do quan trọng nhất làm cho Thanh Niên luôn đông người; bởi nó là điểm đến cuối cùng trên cung đường dạo chơi từ trong nội thành, đôi khi người ta dạo quá lên Thanh Niên không phải để hôn nhau, để xem người ta yêu nhau, mà để ngắm cảnh hồ, để ngắm người đẹp lại qua như trẩy hội.

Một lý do nữa khó thể phủ nhận: Thanh Niên là con đường đẹp nhất nối lên Phủ Tây Hồ; trong khi tín ngưỡng dân Hà Nội, nhất là với giới trẻ đang độ tuổi yêu, thì “lên Phủ” được đẩy thành một thứ mốt; kể cả không phải ngày rằm, mồng một, thích là hẹn hò, rủ nhau lên bái vọng, cầu duyên.

Hồi tôi học lớp 9, đa số thầy cô giáo mới có xe đạp để đi dạy thì tôi cũng được mua xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc để đi học. Thứ năm thường bỏ học thêm để “cân ba” (đèo ba người) lên hồ Tây bơi trộm và mò hến đem bán.

Hồi ấy chưa thấy người ta đứng ở đường Thanh Niên hôn nhau mà toàn thấy đua xe đạp, rồi trải chiếu nằm la liệt trên thảm cỏ ven đường, “máu” hơn mới kéo nhau ra vườn Hồng đối diện lăng Bác ngồi tỏ tình. Đến những năm 1995 - 1996, đường Thanh Niên bắt đầu được biết đến như một “xa lộ” dành cho những “hung thần” tuổi học trò quần xanh áo trắng đua xe máy. Chuyện gãy tay, mất một hai cái răng hay khâu vài chục mũi lên mặt, lên đầu ở đường này là thỉnh thoảng.

Sang đầu năm 1998, phong trào “dạo hồ” khoe xe đẹp được đẩy lên đỉnh điểm khi “tình ca Titanic” bắt đầu công chiếu ở một loạt rạp chiếu phim Hà Nội. Hình ảnh chàng Jack lãng tử giang tay nàng Rose lộng lẫy, hôn nhau đắm đuối ở đầu tàu lập tức “ám thị” những đôi tình nhân.

Họ đổ xô lên đường Thanh Niên, dựng xe bên lan can hồ Tây để đắm đuối hôn nhau, lãng mạn nhìn nhau, nhìn ra hồ tưởng tượng mình đang ở đại dương, cảm giác “bồng bềnh” như trên tàu. Đây là thời kỳ ”hưng thịnh” của “đại lộ tình nhân”. Hai bên đường Thanh Niên dài ngót 2km bỗng trở nên chật chội.

Xe máy nối đuôi nhau dựa lan can hồ, khoảng cách giữa hai xe lọt không nổi một xe khác; bởi nếu hở được chỗ như vậy lập tức có ngay xe gí vào. Lên đường Thanh Niên không mất tiền mua chỗ nhưng phải xếp hàng như mua gạo thời bao cấp. Không còn “chỗ đẹp”, tình nhân phải ngồi lên thảm cỏ, phải dắt bộ tìm gốc cây, vừa đứng hôn nhau vừa nhìn đôi khác bỏ đi để chạy lại... xí chỗ.

Một loạt dịch vụ “phục vụ” chỗ ngồi ra đời: cho thuê chiếu, cho thuê ghế, trông xe, xí chỗ ghế đá bắt phải mua hàng xong mới nhường. Đến bây giờ thì lên đường Thanh Niên ngắm hồ hôn nhau không còn là “hiện tượng” mà đã đi vào cuộc sống, chạm khắc sâu trong tâm tình của những cặp đã và đang là tình nhân. Kể cả khi “dạo hồ” đã là “đề mốt” và những tụ điểm ăn chơi khác mọc lên nhiều làm thu hẹp “thị phần” thì đưa bạn gái đi chơi vẫn không nơi nào bằng nơi đây: đẹp, lãng mạn và có nhiều người hôn nhau!

Ngàn lẻ kiểu kinh doanh

“Đại lộ tình nhân” chiều tháng chạp nắng hoe vàng, gió đông thổi nghiêng nghiêng cành dương liễu. Một tiếng câu quăng xé gió, làm rung rinh mặt hồ. Đợi chờ... Chàng trai mím môi nâng cần câu thép. Cô gái hồi hộp má đào run run. Chiếc phao phập phồng “Cắn rồi!” - chàng trai thảng thốt. “Kéo đi anh!” - cô gái hét lên. Con cá trắm nặng trên 1kg được lôi vào bờ. Chàng trai móc họng cá vứt vào vợt treo lên xe máy. Hôn môi, họ trả cần thuê ở CLB gần đó rồi rủ nhau vào quán “Ông Già” hấp cá uống rượu.

Ở góc bên kia hồ Tây, có lẽ tám cô cậu học sinh bỏ học tiết ba, vừa đỗ xịch xe máy trước câu lạc bộ cho thuê thuyền. “Em (!) thích đạp nước!” - một cô nói. “Anh (!) cũng thế, thuê thiên nga nhé?” - một cậu trả lời. Cả hội con trai hì hục đếm tiền, 20.000 đồng/giờ cho một thuyền đạp đôi. Họ khoác tay, hôn nhau trước khi xuống thuyền. Đội thuyền phóng vụt ra giữa hồ rồi tách ra bốn phía, những đôi chân không đạp nữa, thuyền lênh đênh

Tôi ngồi nhâm nhi ly bia ở Highland coffee. Quán ngoài trời nhô ra lòng hồ. Kinh doanh nhờ “đại lộ tình nhân” ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Nhà hàng nổi ngay trên hồ. Du thuyền lớn cũng sẵn sàng ra khơi phục vụ thực khách. Từ một đôi trở lên cho đến hàng trăm người, có yêu nhau hay không không quan trọng, miễn là có tiền.

Tôi hơi buồn. Không phải vì thấy người người có đôi còn riêng mình đơn lẻ, mà buồn vì đường Thanh Niên nên thơ là thế mà... người bán hàng rong, rồi người ăn xin, lang thang nghiện ngập Công an đuổi không xuể. Rác rưởi vứt lại trên thảm cỏ xanh mượt. Nạn bán hàng giả, ép tiền tình nhân, ép tiền khách du lịch vẫn còn. Một số người Hà Nội có ý thức qua đây thở dài, thỉnh thoảng gom rác vứt vào thùng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: