Lối thoát nào dành cho truyền hình kỷ nguyên Internet

12:31 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Giêng, 2009

Từng có một quan niệm thế này: “Truyền hình ra đời sẽ giết chết báo in, và Internet sẽ giết chết truyền hình.” Thực tế, sau bao năm, truyền hình không thể giết chết báo in, nhưng chính nó đang bị cơn bão Internet dồn đến bờ vực. Oái oăm là mối đe dọa với truyền hình còn lớn hơn cả báo in và radio.

Không ít chuyên gia cho rằng chính truyền hình mới là “nạn nhân thiệt mạng” đầu tiên trong kỷ nguyên Internet, radio còn có thể kéo dài thêm một thời gian nhưng không thoát khỏi số phận hẩm hiu tương tự, chỉ có báo in là tồn tại được nhưng báo in của ngày mai sẽ rất khác với hôm nay.

Lý do nào để có một đánh giá bi quan như thế? Nhìn vào tình hình ở Việt Nam, chắc chắn những lời phản biện còn mạnh mẽ hơn. Xét về doanh thu quảng cáo, chỉ có đài truyền hình mới lọt được vào câu lạc bộ ngàn tỷ (tất nhiên là chỉ có vài đài), nhìn vào tính phổ biến thì không phải bàn cãi thêm vì ai cũng thấy rằng lên truyền hình thì nổi tiếng hơn và… danh giá hơn. Thậm chí có không ít lãnh đạo cao cấp cứ phải chờ truyền hình đến thì mới bắt đầu chương trình. Và một thực tế hiện nay là nhà nhà làm truyền hình, người người làm truyền hình, đi đâu cũng thấy các công ty truyền thông lập kế hoạch ra kênh mới, và tất nhiên là các “đại gia” cũng suốt ruột muốn ném tiền vào phương tiện thông tin này. Truyền hình đang có sức hút lớn ở Việt Nam!

Nhưng các đài truyền hình trên thế giới, từng thống trị trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, với kinh nghiệm có thừa, chuyên môn không thiếu và vốn cũng hơn rất nhiều so với những-người-đang-làm-truyền-hình-ở-Việt-Nam, thì lại cảm nhận rõ mối đe dọa này. CNN vẫn đang là một trong những kênh truyền hình tin tức hàng đầu thế giới, nhưng nếu không nhờ sự đột phá mang tên “CNN.com” thì có lẽ đã sập từ vài năm trước rồi.

Khó khăn chất chồng

Sự xa rời truyền thông truyền thống đang diễn ra nhanh hơn khi ngày càng nhiều người quay sang Internet để tìm kiếm thông tin cũng như để giải trí. Doanh số bán báo in đang sụt giảm, quảng cáo trên radio cũng chẳng hơn gì, còn số lượng khán giả truyền hình không màng đến chiếc điều khiển từ xa đang lên tới những con số kỷ lục.

Tại Mỹ, trong mùa xuân năm 2008 này, số người xem truyền hình đã giảm 2,5 triệu so với năm 2006. Tất nhiên, con số này còn quá nhỏ so với tổng số người xem truyền hình, nhưng ngay cả những người còn tìm đến với màn hình TV thì thời lượng xem mỗi ngày cũng giảm đáng kể.

Sự sụt giảm về tỷ lệ xem truyền hình còn lớn hơn trong thanh niên. Tại châu Âu, một nghiên cứu từ năm 2005 của Hiệp hội Quảng cáo Tương tác châu Âu đã cho thấy một nửa trong nhóm trẻ từ 15 đến 24 tuổi bớt thời gian xem truyền hình để quay sang web. Một nghiên cứu từng đăng trên tờ The Guardian của Anh hồi năm 2007 nổi bật với tiêu đề “Giới trẻ tắt TV để lướt web.” Tình trạng “tắt TV” ở Mỹ thì khiến cho độ tuổi trung bình của khán giả truyền hình hiện tăng lên tới 50 tuổi. Có lẽ để cho phù hợp hơn với đối tượng của mình thì e rằng những người dẫn chương trình truyền hình phải thay đổi cách xưng hô, thay vì “chào quý vị và các bạn” thì nên “chào quý vị và… các bác, các cụ.”

Cũng có người lập luận rằng truyền hình không thể chết vì chưa có các hình thức thay thế trên Internet. Báo in là dạng văn bản nên có thể đưa lên web dễ dàng, và để nắm bắt thông tin thì nhiều khi vài dòng cũng đã đủ cho người đọc. Radio thì đã có những hình thức như Podcast, hay một ví dụ rõ nhất là Last.fm - website âm nhạc cộng đồng và Internet radio đang có 21 triệu người sử dụng ở 200 quốc gia, có thể nghe trên máy tính hay tải về để nghe bằng các thiết bị di động. Nhưng dẫu nhiều người mua sắm hoặc xem video trên mạng, xét về khía cạnh giải trí thì bấm một nút trên máy truyền hình đơn giản hơn nhiều.

Tuy nhiên, nói như vậy chẳng khác nào không đếm xỉa đến sức mạnh của công nghệ. Sự hội tụ giữa nội dung số và màn hình TV đang cho thấy sự thay đổi đã bắt đầu. Tại hội chợ điện tử CES 2007, hãng Sony đã tung ra loại máy truyền hình có khả năng kết nối Internet, và nay tính năng đó đang được tích hợp trong tất cả các máy thuộc dòng Bravia. Apple TV cũng đang dần hiện hữu và mở ra một phương thức xem truyền hình hoàn toàn mới mẻ. Và còn TiVo, thiết bị ghi video kỹ thuật số tiên phong, khởi sự tại Mỹ nhưng nay đã phổ biến ở Canada, Mexico, Australia và Đài Loan. TiVo có thể ghi lại các chương trình dựa trên thói quen của hộ gia đình. Khi thiết bị này được nối vào mạng gia đình, nó cung cấp từ phim cho đến các chương trình truyền hình được tải về, cho đến công cụ tìm kiếm, xem ảnh cá nhân, nghe nhạc và lập kế hoạch online. Ngày 19/11/2008, TiVo bắt đầu cung cấp một dịch vụ độc đáo chưa từng thấy trong ngành truyền hình - những người thuê bao có thể vừa xem phim vừa… gọi bánh của Domino's Pizza.

Khi có đủ các thiết bị cung cấp nội dung qua Internet như thế, tình trạng “tắt TV” chắc sẽ còn diễn ra nhanh hơn, việc xem truyền hình ít đi sẽ làm thay đổi thói quen của hàng tỷ người trên toàn thế giới trong vòng 10 năm tới.

Cuộc hôn phối giữa truyền hình và Internet

Hiện tại, việc đưa một bộ phim tiêu chuẩn lên Internet vẫn chưa đáp ứng được về mặt chất lượng, sự tiếp nhận phụ thuộc vào băng thông cũng như số lượng người kết nối. Số lượng hình ảnh trong một giây chậm hơn vài lần so với truyền hình thông thường, chưa kể đôi khi bị nghẽn bất ngờ. Nhưng tất cả các đài truyền hình đều hiểu rằng trong vòng một thập niên nữa sẽ có những bước ngoặt lớn với tốc độ truyền cao hơn, hình ảnh 3 chiều, cỡ hình lớn cũng như nhiều cải tiến khác.

Tiếp cận khán giả qua Internet là giải pháp khả thi. Ngay cả một số kênh truyền hình lớn cũng trông cậy vào Internet để giành lại những khán giả đã quay sang các đài truyền hình mới hoặc Internet. Các đài truyền hình lớn đang bận bịu đầu tư cho các website để hỗ trợ chứ không gây cạnh tranh cho chính chương trình truyền hình của họ. Hãng truyền hình khổng lồ ABC của Mỹ thậm chí có chương trình tin tức truyền trực tiếp “chỉ dành cho web” đầu tiên vào lúc 12h30 hằng ngày, nhắm vào đối tượng là viên chức văn phòng trong giờ nghỉ trưa.

Truyền hình tương tác đã nhen nhóm từ lâu nhưng chỉ có thể phát triển được thực sự nhờ Internet. Nhiều đài truyền hình đang phát trên Internet để đến được với nhiều khán giả hơn bằng cách thức rẻ hơn là qua đường cáp hoặc vệ tinh. Ngoài ra, do môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các đài muốn sử dụng Internet để trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ một “khán giản web” trong khi theo dõi một trận bóng đá có thể đọc ngay tiểu sử của một cầu thủ hoặc đội bóng bằng cách nhấn vào banner chạy qua màn hình. Khán giả cũng có thế đi sâu hơn vào một chủ đề trong khi theo dõi một chương trình thời sự bằng cách truy cập web để lấy thêm thông tin hoặc xem những hình video sẵn có.

Từ những bước đi đầu tiên này, có thể hình dung một tương lai không xa, khi chúng ta bật một màn hình lớn trong phòng khách để xem phim Titanic thì có thể dùng điều khiển từ xa, giống như dùng con chuột máy tính, click vào khuôn mặt Leonard DiCaprio để có ngay thông tin về nam tài tử này từ trên web hoặc để gửi email cho anh ta. Cũng có thể click vào đôi giày DiCaprio đang mang để xem có thể mua nó ở đâu, hoặc click vào xác chiếc tàu nổi tiếng để download các đoạn video về nó, với một khoản chi phí nào đó.

Truyền hình Việt Nam đang theo hướng nào?

Nhiều năm trước, người ta đã dùng thuật ngữ “phân mảnh” để nói về thói quen xem truyền hình. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, khi Internet chưa trở thành mối đe dọa hữu hình thì ở các nước tiên tiến, việc có 200, thậm chí 400 kênh truyền hình không phải là điều gì lạ lẫm. Nó mang lại cho người xem nhiều lựa chọn hơn, và đi theo hướng đáp ứng những nhu cầu cụ thể của con người – vì thế có những kênh chuyên về kể chuyện hài, kênh dành cho người thích câu cá, mê thủy sinh, bên cạnh những sở thích của số đông như bóng đá, mua sắm. Nay với sự xuất hiện của truyền hình Internet, tính “phân mảnh” còn tăng lên bội phần và các đài truyền hình buộc phải cung cấp những nội dung “chuyên biệt” hơn để thu hút từng đối tượng khán giả.

Nhưng trong lúc các đài truyền hình hùng mạnh trên thế giới đang đảo điên, thì truyền hình Việt Nam lại có một sức hút lạ kỳ, người trong cuộc vẫn bình chân như vại còn người bên ngoài thì gắng sức lao vào. Song điều đáng nói là sự mở rộng các kênh của từng đài – đang được thực hiện ồ ạt với cái tên “xã hội hóa” – dường như không cho thấy một hướng đi bền vững và an toàn. Mỗi kênh mới mở ra đều khoác cho mình một cái áo quá lớn bằng một chủ đề quá bao quát – chẳng hạn thể thao, công nghệ, y tế… – và hậu quả là đủ loại chương trình được “nhồi” vào cho đủ thời lượng, và do chuyên môn cũng như kinh phí hạn chế nên không tránh khỏi tình trạng “nhàn nhạt” hoặc dẫm chân lên nhau. Một phần nội dung đáng kể được bù đắp bằng biện pháp giản đơn là phát phim truyện hoặc lấy lại chương trình của nước ngoài – có thể có bản quyền hoặc không. Ngay như các kênh analog của Đài truyền hình quốc gia cũng thế: kênh thời sự cũng vẫn có phim truyện, kênh giáo dục vẫn có game show hoặc thậm chí… truyền trực tiếp một số trận bóng đá.

Chuyện truyền hình chết vì bị Internet đè bẹp hay buộc phải thay đổi cách thức chuyển tải nội dung bằng cách bắt tay với Internet không phải là câu chuyện chỉ của nhà hàng xóm. Các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà đầu tư trong nước cần cân nhắc kỹ vấn đề này bởi Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy của thế giới mà thôi. Chiếc bánh quảng cáo chỉ có hạn nên đừng ảo tưởng rằng cứ mở kênh mới là có được một phần chia trong cái bánh đó. Chưa kể, cái bánh còn có thể bị nhỏ đi do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái gần 80 năm trước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Viễn cảnh mới cho thế kỷ XXI

    26/01/2007Nguyễn Thị Lan HươngVào buổi bình minh của thế kỷ XXIđiều cần thiết là phải tập trung suy ngẫm đến những vấn đề nảy sinh từ sự phát triển và cấu trúc hệ thống hoá chặt chẽ của công nghệ hiện đại. Sở dĩ như vậy là vì vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sự sống còn của con người và các sinh vật khác trong những nền văn hoá người nhằm mục đích hướng đến một nền hoà bình cho những thế hệ tương lai...
  • Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông

    11/09/2006Nguyễn Hữu Giới
    Trong nửa sau của thế kỷ 20, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?
  • Cách mạng thông tin – công nghệ và nền văn minh

    12/12/2005PGS, TS. Phạm Thị Ngọc TrầmKết quả của quá trình biến đổi vật chất, năng lượng, thông tin do trí tuệ và lao động được định hướng bởi trí tuệ đó của con người đã tạo nên các cuộc cách mạng thông tin - công nghệ và cùng với chúng là sự thay đổi của nền văn minh nhân loại...