Lựa Chọn Cuộc Sống - Đối Thoại Cho Thế Kỷ XXI

06:42 CH @ Thứ Ba - 09 Tháng Năm, 2017

Gói gọn trong 584 trang sách, với 12 vấn đề chính được đưa ra và mổ xẻ. Đây như cuốn từ điển để bất kỳ ai thích đọc sách dù là dân thường, người mẹ lo lắng cho con, người cha muốn lo toan cho gia đình, chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế, các nhà nghiên cứu nói chung và nghiên cứu về các đạo nói riêng hay các vị lãnh đạo cấp cao… đều có thể tìm thấy trong cuốn sách này thứ mình muốn.

Cuốn sách “Lựa chọn cuộc sống đối thoại cho thế kỷ XXI” là kết quả của cuộc nói chuyện trực tiếp diễn ra trong vòng 10 ngày tại London của Tiến sĩ Daisaki Ikeda – học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản cũng như trên thế giới và Arnold Toynbee – sử gia hàng đầu phương Tây thế kỳ XX.

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Nhân loại thế giới trong thế kỷ XXI phải đối mặt với những vấn đề, thách thức quan trọng của cuộc sống như thiên tai, dịch bệnh toàn cầu, thảm họa ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vũ khí hủy diệt hàng loạt, tranh chấp lãnh thổ và biển đảo, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng,... Đây là những vấn đề không còn xa lạ với nhiều người, song cách tiếp cận và giải quyết hợp lý những vấn đề đó thực sự đóng vai trò quan trọng.

Cuốn sách Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI được bố cục theo hình thức cuộc đối thoại giữa Tiến sĩ Daisaku Ikeda - học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như trên thế giới và Arnold Toynbee - sử gia hàng đầu của phương Tây thế kỷ XX. Mặc dù cuộc đối thoại của hai học giả diễn ra vào thập niên 1970, song các nội dung chính của cuộc đối thoại lại đang là mối quan tâm cấp thiết; nhiều chủ để có tầm quan trọng dài lâu, đã và đang diễn ra từ quá khứ đến hiện tại và có thể còn tiếp tục là đề tài nóng hổi cho nhân loại chừng nào sự sống còn tồn tại.

Tác phẩm đối thoại này có nguồn gốc từ một cuộc nói chuyện trực tiếp. Hai người đối thoại đã gặp nhau ở London và tiến hành đối thoại trong vòng 10 ngày. Nội dung cuộc trao đổi được ghi chép, và sau đó được ông Richard L.Gage sắp xếp biên tập lại... Những đề tài được luận giải trong cuốn sách này thật đa dạng. Một số là đề tài nóng hổi của thời đại đang được quan tâm, nhưng cũng có những đề tài trong số đó đã được tổ tiên chúng ta nghĩ đến từ ngàn xưa, và đến nay con người vẫn tiếp tục bàn luận suy ngẫm. Đó là những "câu hỏi" trọng yếu, vĩnh cửu. Những "câu hỏi" mang tính vĩnh cửu này có lẽ vẫn tiếp tục được luận bàn khi nào nhân loại còn tồn tại như một thể thân tâm thống nhất trong môi trường vật chất này - tức là trong lớp sinh quyển mỏng manh bao phủ hành tinh "trái đất" này.

Tác giả Ikeda Daisku là một người Đông Á. Arnold Toynbee là một người Tây Âu. Trong lịch sử nhân loại, Tây Âu mới nắm quyền chủ đạo ở giai đoạn gần đây nhất và có vai trò chi phối. Trong cuốn sách này, Arnold Toynbee dự đoán tới giai đoạn tiếp theo của lịch sử nhân loại, Tây Âu sẽ phải nhường vai trò lãnh đạo cho Đông Á, với một số lý do được nêu lên. Trong quá khứ 500 năm vừa qua, các dân tộc Tây Âu đã mở rộng phạm vi hoạt động của họ ra toàn thế giới, và kết quả là đã đem lại sự tổng hợp về mặt kỹ thuật. Hai tác giả đều dự đoán và hy vọng rằng tới giai đoạn kế tiếp trong lịch sử, nhân loại sẽ thành công trong việc thống nhất về mặt chính trị và tinh thần. Tuy nhiên, Ikeda lạc quan hơn Toynbee ở chỗ cho rằng, sự thay đổi lớn như thế sẽ diễn ra một cách tự nguyện, trên tinh thần mọi người, mọi dân tộc cùng bình đẳng, chứ không phải một nhóm người tiếp tục chi phối toàn thể. Sự thể một nhóm người chi phối những người khác là hiện tượng ác. Trong quá khứ, những trường hợp đã đạt được bằng sự thống nhất về chính trị và tinh thần trên quy mô lớn (dù chưa đạt tới quy mô toàn cầu) thường phải trả giá đắt. Cả hai tác giả đều tin rằng điều kiện không thể thiếu để nhân loại tiếp tục tồn tại là cần phải thay đổi sâu sắc thái độ sống, mục tiêu, hành vi,...

Các chủ đề được luận bàn trong cuộc đối thoại vô cùng đa dạng, từ những vấn đề mang tính học thuật như mối quan hệ giữa môi trường và di truyền; khái niệm "y chính bất nhị" trong Phật pháp, "thực tại tinh thần tối thượng" trong Phật giáo, sự trở lại của "thuyết phiếm thần"; vai trò và ảnh hưởng của văn học trong cuộc sống; giới hạn của tư duy khoa học; cấy ghép tạng, "an lạc tử" hay vấn đề đạo đức trong y học; bản chất, ý nghĩa và giới hạn của quyền lực; dân chủ hay chế độ độc tài, dân chủ hay chế độ nhân tài;... đến những vấn đề quôc gia đại sự như các cuộc "chiến tranh ủy nhiệm"; quan hệ giữa các quốc gia tiên tiến và các quốc gia đang phát triển; vấn đề chấn hưng dân tộc và tinh thần ái quốc; quan điểm "một thế giới" và "đồng tiền quốc tế"; sự chuyển đổi không ngừng từ thế giới lưỡng cực sang thế giới đa cực;... cũng như nhiều vấn đề "rất đời thường", gần gũi với cuộc sống hàng ngày như cách giải quyết bài toán đô thị hóa và giá nhà đất gia tăng; mối quan hệ giữa chính sách phúc lợi và sức khỏe người dân; ưu - nhược điểm của việc nam sinh và nữ sinh học chung; thiên chức "làm mẹ" của phụ nữ truyền thống và hiện đại; tầm quan trọng của việc mở rộng "vùng trời yêu thương",...

Quan điểm và tầm nhìn vượt thời gian của hai học giả hàng đầu thế giới sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về một thế giới không ngừng thay đổi. Ngoài ra, nhờ cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng phong phú, linh hoạt của các học giả, độc giả có thể tiếp cận vấn đề được phân tích một cách dễ dàng và trọn vẹn, ngay cả đối với các chủ đề học thuật cần nghiên cứu sâu. Bạn đọc có thể tham khảo tại thư viện quốc gia và các thư viện tình, thành phố, trong cả nước.

Tên sách: Lựa Chọn Cuộc Sống - Đối Thoại Cho Thế Kỷ XXI
Tác giả: Arnold Toynbee và Daisaku Ikeda
NXB: Chính Trị Quốc Gia
Số trang: 584

Đăng ký mua theo mobile: 0903. 205. 306 hoặc
.

MỤC LỤC

Lời Nhà xuất bản

Lời nói đầu

PHẦN I. CUỘC SỐNG VÀ XÃ HỘI

Chương 1. Con người là tồn tại như thế nào?

  1. Khía cạnh động vật của con người
  2. Di truyền và môi trường
  3. Quan hệ giữa tinh thần và thể xác
  4. Nghiên cứu tiềm thức
  5. Lý trí và trực giác

Chương 2. Môi trường xung quanh con người

  1. Con người và thiên nhiên
  2. Thiên tai và nhân tai
  3. Những vấn đề của đô thị hiện đại
  4. Từ thành thị về nông thôn
  5. Giả thuyết ngày tận thế
  6. Phòng ngừa ô nhiễm môi trường toàn cầu

Chương 3. Trí tuệ con người

  1. Giáo dục
  2. Vai trò của văn học
  3. Trí thức và đại chúng
  4. Nhà nghệ thuật và trí thức tham gia chính trị
  5. Giới hạn của tư duy khoa học

Chương 4. Sức khỏe và phúc lợi

  1. Quan niệm đạo đức trong y học
  2. Quan niệm về ghép tạng
  3. Bác sĩ đa khoa tổng quát và bác sĩ chuyên khoa
  4. Phúc lợi cho người già
  5. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hay tổng phúc lợi quốc dân (GNW)
  6. Thiên chức “làm mẹ”
  7. Hạn chế sinh đẻ và số con

Chương 5. Con người – động vật xã hội

  1. Phong trào mới trong công đoàn
  2. Sử dụng thì giờ nhàn rỗi
  3. Tổ chức và quan niệm về tổ chức
  4. Trung thành với tổ chức
  5. Thể chế và ngăn cách thế hệ
  6. Tính trung lập của truyền thông
  7. Tự do tín ngưỡng
  8. Giới hạn của tự do xuất bản
  9. Xóa bỏ án tử hình
  10. Tự sát và an lạc tử

PHẦN II. CHÍNH TRỊ VÀ THẾ GIỚI

Chương 6. Thế giới nửa sau thế kỷ XX

  1. Quan hệ giữa quốc gia tiên tiến và quốc gia đang phát triển
  2. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
  3. Thám hiểm không gian vũ trụ
  4. Nhật Bản và nước Anh
  5. Tương lai của chế độ Hoàng gia
  6. Ngày quốc gia giải thể
  7. Chấn hưng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản
  8. Tinh thần ái quốc và tình yêu nhân loại

Chương 7. Quân bị và chiến tranh

  1. Phát triển kinh tế và chiến tranh
  2. Sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình
  3. Châu Á và chiến tranh ủy nhiệm
  4. Vấn đề tự vệ và Hiến pháp Nhật bản
  5. Lực lượng cảnh sát tương lai
  6. Bản chất của chiến tranh và chiều hướng tương lai

Chương 8. Lựa chọn chế độ chính trị

  1. Đức tính của nhà lãnh đạo
  2. Phòng ngừa chủ nghĩa phát xít
  3. Bản chất, phương tiện và mục đích của quyền lực
  4. Chế độ dân chủ hay chế độ độc tài
  5. Chế độ dân chủ và chế độ nhân tài thực dụng

Chương 9. Một thế giới

  1. Đồng tiền chung thế giới
  2. Vai trò của Đông Á
  3. Trung Quốc và thế giới
  4. Người Nhật có thể cống hiến gì cho nhân loại?
  5. Từ thế giới lưỡng cực sang thế giới đa cực
  6. Thống nhất lại thế giới

PHẦN III. TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO

Chương 10. Hiện tượng và bản chất

  1. Nguồn gốc sự sống
  2. Sinh mạng vĩnh viễn
  3. Vũ trụ
  4. Giao lưu với người hành tinh khác
  5. Tận cùng của vật chất là gì?
  6. Thời gian và không gian
  7. Hợp nhất với “thực tại tối thượng”
  8. Cách nhìn vạn vật của Phật pháp

Chương 11. Vai trò của tôn giáo

  1. Nguồn sinh khí của văn minh
  2. Ba tôn giáo ở Tây Âu
  3. Sự trở lại của thuyết phiếm thần

Chương 12. Thiện – Ác và hành động đạo đức

  1. Tinh bản thiện bản và tính bản ác
  2. Vượt lên dục vọng
  3. Vận mệnh là gì?
  4. “Tiến bộ” là gì?
  5. Yêu thương và lương tâm
  6. Luận về yêu thương và từ bi
  7. Mở rộng vùng trời yêu thương
  8. Giá trị cao nhất của con người
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan