Bàn về sự phân biệt phải trái

03:30 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Mười Hai, 2008

Tôi nghĩ, trong bất cứ việc gì, sự phân biệt phải trái cũng là điều quan trọng. Sống không có chính kiến mà để cuộc sống trôi đi mờ nhạt thì với cả thể xác lẫn tinh thần đều không tốt. Thân thể thiếu sinh khí, khi lại ốm đau, bệnh tật hay lúc lại gặp sự cố gì đó.

Chính là khi vừa ý

Từ kinh nghiệm của tôi mà nói, để công việc kinh doanh phát đạt, quả thực rất cần có chính kiến rõ ràng. Chẳng hạn, khi kinh doanh, có một mặt hàng nào đó được đặt với số lượng lớn. Nếu chúng ta không nhận đơn đặt hàng thật nhiều thì sau đó có thể sẽ không nhận được đơn đặt hàng nữa. Thế nhưng, khi ấy về chất lượng của sản phẩm lại có một điểm chúng ta không vừa ý. Vấn đề đặt ra là lúc đó sẽ phải làm thế nào? Rất có thể sau đó không nhận được đơn đặt hàng nữa, nên chúng ta thường dễ dàng thỏa hiệp. Đó chính là điểm yếu của con người, là việc mà đôi khi phải làm miễn cưỡng. Nhưng, chính những lúc đó thường sẽ phạm phải sai lầm.

Tôi nghĩ, phải thường xuyên mang trong mình suy nghĩ: Nếu bản thân mình chưa vừa lòng, thì tuyệt nhiên không được bán hàng ra. Bởi vậy, dù đối thủ cạnh tranh có vượt lên trước bao nhiêu đi chăng nữa, nếu biết nhìn xa trông rộng thì việc được các đối tác khác tin cậy sẽ có lợi hơn. Nghĩa là trong tâm con người cần phải biết phân biệt rõ ràng điều nên và không nên làm.

Kinh doanh là việc công

Gần đây có nhiều công ty và cửa hàng phải đóng cửa. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là do không cẩn thận trong kinh doanh. Nghĩa là, họ không cẩn thận trong việc tính toán các khoản chi và thu, mà chỉ nghĩ cứ bán được là được. Không biết từ lúc nào họ đã đánh mất cảm giác giữa thu và chi. Chỉ khi quyết toán nảy sinh vấn đề thì mới cuống cuồng vì lo lắng.

Chuyện tiền bạc mà lỏng lẻo thì tất cả mọi thứ cũng sẽ lỏng lẻo theo. Bởi vậy, những nơi kinh doanh vững vàng là những nơi khá nhạy cảm với vấn đề tiền bạc. Việc thu hay chi cũng được quản lý chặt chẽ. Tất cả các thương vụ đều được thực hiện trung thực và chính xác.

Từ khi công ty chúng tôi tuyển dụng được khoảng mười nhân viên, tôi đã chia riêng khoản tiền dùng cho cửa hàng với khoản tiền mình chi dùng. Hơn nữa, mỗi tháng còn quyết toán xem tháng này đã bán được bao nhiêu, lãi bao nhiêu và công khai trước các nhân viên. Khởi đầu họ còn bán tín bán nghi, có thể đã nghĩ; ông ấy nói thế, chứ biết đâu chẳng phải là do chính ông ấy tự bịa ra! Hồi đó chưa có cửa hàng nào làm như vậy. Trước hết là vì ở hầu hết các cửa hàng ngay bản thân người chủ cũng không biết đã bán được bao nhiêu và lãi ngần nào. Mặc dù vậy, nhưng hàng tháng tôi vẫn quyết toán rõ ràng. Các nhân viên cũng dần dần hiểu rằng nhờ có sức lao động của chúng tôi mà cửa hàng đã lãi được như vậy. Nhờ vậy, họ đã hiểu được ý nghĩa công việc mình làm. Và đó chính là là động lực phát triển của công ty chúng tôi.

Người ta thường hỏi tại sao tôi cố gắng làm việc đến như vậy? Tôi nghĩ, kinh doanh không phải là việc tư mà là việc công. Bất kể công ty có mấy chục nghìn công nhân hay là làm riêng một mình, một khi đã sử dụng tiền bạc, vật chất hay con người của xã hội thì tất cả đó đều coi là việc công. Bởi tôi nghĩ, cần phải cống hiến cho sự phát triền của xã hội cũng cần phải phân biệt rõ ràng giữa công và tư.

Về việc đi muộn giờ của tôi

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng năm Showa thứ 21 (Chiêu-hòa, tức năm 1946) xảy ra một chuyện thế này. Tôi đã quyết tâm: Để có thể vượt qua thời đoạn khó khăn này, mình phải không bao giờ được đi muộn! Thế nhưng ngay từ ngày mùng bốn Tết, tôi đi từ nhà ở Nishinomiya (Tây-Cung) đến ga Osaka và lẽ ra có xe của công ty đến đón ở đó, nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Đến lúc tôi không đợi nữa và định lên tàu thì xe mới đến, nhưng lúc ấy đã muộn hẳn. Hỏi ra mới biết không phải vì sự cố gì, mà là do người lái xe không để ý giờ. Tôi nghĩ như thế là không được nên trước hết trừ lương của người lái xe, cấp trên anh ta, tiếp đến là cấp trên của cấp trên đó nữa, cả thảy là tám người ít nhiều có trách nhiệm đến việc đó. Tất nhiên, cấp trên có trách nhiệm cao nhất là tôi cũng bị xử phạt bằng cách trả lương, tính ra là phần của một tháng.

Bây giờ nghĩ lại thì thấy đó là cách xử phạt có phần hơi nghiêm khắc. Nhưng thời đó xã hội đảo lộn, ý thức có trách nhiệm với nhau trong mỗi người hầu như không có. Bởi vậy, nếu không suy nghĩ nghiêm nhặt, không chú ý mà cứ cho qua, thì dần đần sẽ trở thành quán tính, làm cho tinh thần của các nhân viên rệu rã. Mà như vậy thì có thể chúng tôi đã không vượt qua được thời kỳ đầy ngổn ngang đó.

Vấn đề chính ở đây, là sự ý thức rõ ràng về việc cần phải làm. Nếu cẩn thận trong tất cả những việc cần làm, thì đó là kinh doanh hay bất kỳ một việc gì khác cũng sẽ thành công. Tôi nghĩ như vậy đấy!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghĩ lại về chính… sự nghĩ

    09/06/2014Vương Trí NhànCổ nhân có câu "chớ có tham bát mà bỏ cả mâm". Dịch câu nói ấy ra ngôn ngữ hiện đại, tức là trong khi giải quyết mọi việc, ta phải từ bỏ lối nghĩ thực dụng chật hẹp, lối chạy theo thành tích "mì ăn liền”, để hướng tới một cách nghĩ bao quát và sâu sắc hơn...
  • Suy ngẫm mỗi ngày

    05/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTrong bài ngắn này tôi đưa ra suy nghĩ, quan sát từ thực tiễn tư vấn của mình trong 5 năm gần đây. Ngõ hầu sửa chữa tư duy của rất nhiều nhà quản lí chưa có thói quen hay nhận thức đầy đủ, và tính được mức độ tác động của yếu tố vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời trợ giúp các nhà quản lí tổ chức vĩ mô hay vĩ mô tham khảo định hình bài toán hoạch định tương lai của tổ chức mình...
  • Đừng để bị “ nhân bản vô tính” về tư duy

    20/09/2008Kiều Hải thực hiệnNgười ta vẫn thường hay chê sinh viên thụ động, học hành thì như “ học sinh cấp 4” . Nhưng làm thế nào để có được những lớp sinh viên chủ động, sáng tạo, có bản sắc và chính kiến?Liệu rằng cùng với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, đã có thể mong đợi sự “ lột xác hoàn toàn” khi một thế hệ SV mới toanh bắt đầu bước chân vào giảng đường ĐH?
  • Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

    01/09/2008Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nghị quyết TƯ 7 sau một tháng ban hành đang dần đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Đây được coi là một cơ hội để từ đó, có thể hình thành một tầng lớp trí thức với đầy đủ tính năng, phẩm chất của nó...
  • Đừng bắt chước và nhại lại người khác

    15/11/2006Vũ HuyếnTrên một tin, một bài báo, trên một bức ảnh hay một phóng sự, chỉ nên nói một điều, nhấn mạnh một chủ đề. Nếu không các bài báo sẽ trở thành một thứ “lẩu thập cẩm” ăn nhiều là chán. Vấn đề nêu ra không sai nhưng không rõ, không nổi bật. Đó là thứ hạng của các bài viết ẩu hoặc của các tay viết thường “chỉ sợ độc giả không hiểu mình".