Mình nói gì khi mình nói?
Im lặng là thứ rất thiếu. Quen sống với sự thiếu thốn im lặng, riết rồi cái giá trị của im lặng cũng bị bỏ qua. Bạn đến đây và có nhu cầu chia sẻ với tôi về điều đó.
Bạn vừa đến từ một xứ sở kia, đầy những chuyện lạ lẫm, có người gọi là Xứ Sở Lạ Lùng. Ở đó, con người đầy rẫy phát ngôn. Mỗi người có một sức khỏe phi thường để nói thao thao bất tuyệt khắp mọi nơi, từ ngoài vỉa hè đến các cuộc họp. Nói, vô cùng nhiều, vô cùng bạo liệt và hùng hồn, vô cùng rỉ rả. Nói đến mức, những tiếng nói mất hết cả giá trị. Nói chỉ để mà nói.
Ở đó, con người chết chìm trong những cuộc hội họp. Và dường như việc nói như thế vẫn chưa đủ, người ta tìm cách gia tăng những dịp tập trung lại để nói. Nhu cầu hội hè và họp hành (gọi tắt là hội họp) không ngừng tăng lên. Rồi trong các cuộc đông vui hội họp ấy, ai cũng thấy mình là nạn nhân, đồng thời, là tội nhân, ai cũng là người nói và bị nghe, rồi tất cả đều sở hữu một thực tế duy nhất, đó là một thực tế không thay đổi, hoặc có thay đổi thì cũng ngược với những gì đã nói.
Ở Xứ Sở Lạ Lùng của bạn, người ta không thèm nghe tiếng nói của mình vọng lên trong đầu trước khi thốt ra trên miệng. Cho nên, cứ xem các phát biểu trên ti vi thì thấy, năm này qua năm khác, cuộc họp này qua cuộc họp khác, bối cảnh có thể thay đổi nhưng từng từ, từng chữ, phong cách ngôn ngữ, âm điệu chẳng thay đổi gì.
Nghe hoài, rồi cũng quen, chẳng ai chấp, người nói cứ nói, vì họ không nghe chính tiếng nói của mình, người nghe cứ nghe nhưng không nghĩ, vì có gì mà phải nghĩ. Mất dần ý nghĩa đối thoại.
Có lẽ điều thiệt hại lớn lao nhất trong xứ sở của bạn, đó là vì sống quá quen với tiếng ồn nên người ta đâm ra vừa sợ vừa ghiền âm thanh. Khắp nơi đều có âm thanh. Tiếng động cơ. Tiếng nhạc. Tiếng đục đẽo ở công trường. Tiếng cãi vã. Tiếng tán gẫu. Tiếng reo hò. Tiếng phát biểu. Tiếng vỗ tay…
Tất cả tạo nên những đợt sóng âm thanh hỗn độn, những bản hỗn tấu liên tu bất tận. Người ta ngủ trong tiếng ti vi luôn mở để cứ phải yên tâm bên mình luôn có tiếng người nói. Người ta túm tụm nhậu nhẹt với nhau sau những giờ tan sở vì sợ cái khoảng trống khi trở về nhà một mình, không biết phải nói gì, với ai, ai nói cho mình nghe trước lúc chìm vào giấc ngủ. Dù đa phần trong những đám nhậu nhẹt, ta lại gặp ta, lại nói những chuyện cũ với những người cũ đã gặp nhau mòn mỏi ngày này qua ngày khác ở công sở, đã chịu đựng lẫn nhau hàng giờ trong các buổi họp…
Sợ sự im lặng. Vì đã đánh mất thói quen đối thoại với nó. Cư dân Xứ Sở Lạ Lùng dùng tiếng ồn, giọng nói để kháng cự sự lầm lì thách thức của nó.
Ở xứ sở của bạn có nhiều sự vui vẻ. Vì đâu đâu cũng thấy bóng người, thắp đèn sáng, bật loa lên là người ta ở khắp nơi tụ về như thiêu thân quần tụ nơi ánh sáng. Cho nên ở đó, tạo ra không khí đông vui rộn ràng thì dễ, còn tạo ra những cuộc chuyện trò trong thinh lặng, mỗi người biết tôn trọng giọng nói của mình và của người khác là điều cực khó.
Ở xứ sở của bạn, sự im lặng bắt đầu trở thành phương thuốc lợi hại trước sức ép của tiếng nói, tiếng ồn khuếch đại mà đám đông tạo ra. Im lặng lúc này trở nên khó hiểu vô cùng. Vì nó không còn bộ mặt sáng sủa của nó. Nó là một hành vi che giấu những sự thật phũ phàng nhất, mãi mãi không được phơi bày.
Vì vậy mà bạn đến đây. Từ một xứ sở lạ kỳ. Tôi không tin rằng nơi nào đó đã có một xứ sở như thế. Nhưng vì bạn đã đến đây, đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một xứ sở nhiều lời nói, thanh âm và cũng là nơi mọi lời nói đang đứng trên bờ vực mất giá. Bạn càng muốn tìm giải pháp cứu vãn sự im lặng trước nguy cơ vẩn đục về ý nghĩa của nó.
Vậy thì, tôi cũng nhại theo cách nói của nhà văn viết truyện ngắn Raymond Carver (tác giả tập truyện nổi tiếng “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình”) mà rất lấy làm băn khoăn, hỏi bạn và cũng tự hỏi mình trước khi đi vào câu chuyện: “Mình nói chuyện gì khi mình nói ?”.
Nội dung khác
Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Xuân Quỳnh xin đi với Lưu Quang Vũ vào vùng chiến sự biên giới 1979
20/02/2019PGS.TS. Lưu Khánh ThơNhà thơ Dương Soái và câu chuyện 'Gửi em ở cuối sông Hồng'
05/02/2019Hoa ChanhTết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)Bạn đang "Sống" hay đang "tồn tại"?
28/09/2016Khả AnhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnBài 1: Hiểu sai khái niệm "Con Người" khiến luận án "Nghĩa vụ con người..." sai theo
03/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn
12/07/2014PGS. TS. Huỳnh Văn SơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânHư học hư làm, hư tài
16/04/2014"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh VũKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý