Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 8)

12:48 CH @ Thứ Tư - 11 Tháng Mười, 2006
Với ý nghĩa xã hội và con người của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

- PV:Có thể đưa ra một định nghĩa rằng: Mode là sự thay đổi, là nhu cầu khách quan chính đáng, là biểu hiện của sự tìm tòi làm đẹp mình và môi trường sống của mình, là khát vọng vươn tới cái mới của mọi người, đặc biệt là trong lớp trẻ?


- NH: Về bản chất, có thể định nghĩa như vậy và với việc khẳng định về tính khách quan của mode, nó đòi hỏi chúng ta cần cẩn trọng trước khi đưa ra các đánh giá chủ quan.

Phạm vi biểu hiện của mode là cực kỳ rộng rãi, cập nhật trên đa số phương diện, lĩnh vực hoạt động của xã hội - con người, thậm chí chi tiết đến cả việc để móng chân, móng tay, khẩu ngữ hàng ngày.

Ngẫm ra thấy người Việt mình cũng hóm hỉnh thật, vì cứ vài năm thì trong sinh hoạt xã hội lại xuất hiện một khẩu ngữ nào đó được nhiều người thích thú sử dụng, như hết ý, hết xảy, như điên, cực kỳ, lăn tăn, hoành tráng, hơi bị… chẳng hạn. Buồn cười là ở chỗ các khẩu ngữ loại này được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh mà chỉ cần phân tích sơ sơ cũng đã thấy vô nghĩa, nhưng oái oăm là người nói và người nghe lại đều thấy có nghĩa, kiểu như: “Váy hôm nay hơi bị hoành tráng!”, “Con bé nhìn hơi bị đẹp!” chẳng hạn.

Một hai năm nay xuất hiện mode sử dụng tên một người, một địa danh nào đó để vận vào nội dung muốn đề cập. Thấy có cảnh sát giao thông kiểm tra thì thông báo: “Triệu Quang Phục đấy!”, hai người có tư tình với nhau thì bình luận: “Vừ A Dính rồi”, nhắc người khác rót rượu thì nói: “Phan Đình Giót đi chứ!”, muốn uống rượu bình đẳng thì yêu cầu: “phải Cao Bằng!”.

Một lần ở bản Ten trên Điện Biên, ngồi cạnh mâm cơm toàn Thái với cá trê nướng, nộm rau má… mà cô gái người Thái mời rượu tôi lại ỏn ẻn: “Hôm nay anh phải Bắc Cạn với bọn em rồi mới được về!”…

mode gắn với đời sống hàng ngày nên khẩu ngữ loại này ra đời nhanh, rồi bị thay thế cũng nhanh. Có trường hợp khi sử dụng, người ta chủ ý nghịch ngợm bằng cách đặt nó vào sự mập mờ giữa thanh và tục, nhưng ít thấy ai cố tình đẩy sang nghĩa tục. Nếu không nắm được tính khách quan, lịch sử của mode trong khẩu ngữ, người máy móc và xét nét thường dễ bắt bẻ. Song thật ra đó là lối nói “phản ngữ pháp” cho vui của dân gian, nói đấy rồi quên đấy. Tuy nhiên, tôi rất dị ứng với lối nói cố tình ngọng để tỏ ra sành điệu, kiểu như: “Cho hai lóng nhé!” khi gọi café, hoặc: “Tao lói cho mà biết…!” khi muốn nhấn mạnh điều gì.

- PV:Nhưng ý nghĩa quan trọng của mode là sự tìm tòi làm đẹp mình và môi trường sống của mình, là khát vọng vươn tới cái mới, anh hiểu điều đó ra sao?

- NH: Tính từ thời mà Ph.Ănghen cho rằng người nguyên thủy bắt đầu biết trau chuốt làm đẹp công cụ lao động của mình thì hàng vạn năm đã trôi qua. Một trong các thành tựu có tính nhân văn do con người đạt được sau hàng vạn năm ấy là năng lực biết tự làm đẹp một cách có ý thức, nói cách khác là chỉ con người mới biết làm đẹp mình và làm đẹp môi trường sống của mình một cách lành mạnh.

Tuy nhiên cần phân biệt giữa cái đẹp - trong tính cách là một phạm trù thẩm mỹ có tầm vóc và ý nghĩa nhân loại… với vẻ đẹp - trong tư cách là quan niệm về hình thức thể hiện bên ngoài.

Thực tế cho thấy, quan niệm vẻ đẹp như thế nào chủ yếu phụ thuộc vào quan niệm thẩm mỹ của từng cộng đồng, nên mới có hiện tượng ở cộng đồng này người ta xác nhận vẻ đẹp qua việc “cà răng, căng tai”, ở cộng đồng kia lại coi cô gái có cổ vừa cao vừa dài như “hươu cao cổ” là đẹp, ở cộng đồng nọ thì vẻ đẹp lại được khẳng định bởi phải kéo môi dưới sao cho thật rộng thật dài và họ coi đó là đẹp…

Ở Việt Nam, răng “hạt na” từng là tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ một thời. Khi so sánh văn hoá các cộng đồng, trước hết phải thừa nhận sự khác nhau. Có thừa nhận sự khác nhau mới biết tôn trọng các văn hoá khác mình. Đừng nhạo báng khi cha ông người khác “cà răng, căng tai”, vì ngược lại, sẽ nghĩ sao khi người khác nhạo báng cha ông chúng ta để răng đen và nhai trầu bỏm bẻm?

Văn minh phát triển, các thành tựu của văn minh như máy tính điện tử và phương tiện đi lại, mỹ phẩm và thời trang cao cấp, phương tiện nghe nhìn và kiểu sống hiện đại… đang có khả năng vượt qua mọi biên giới địa lý, đồng hoá mọi bản sắc. Vì thế các vẻ đẹp ít nhiều “dị biệt” đang dần dần bị thu hẹp ảnh hưởng ngay cả trong chính cộng đồng văn hoá đã khai sinh ra chúng. Cho nên các dân tộc đã ý thức được điều đó đều cố gắng đi tìm một “hoà sắc” mới về vẻ đẹp giữa các giá trị nội sinh và các giá trị ngoại sinh. Ngay cả khi comple đã trở thành lễ phục có phạm vi thế giới thì không phải lúc nào các nguyên thủ quốc gia cũng mặc, có lúc họ khoác quốc phục như một lời khẳng định. Cũng tức là việc làm đẹp bản thân ngày càng có liên hệ chặt chẽ với sự tự ý thức.

Cụ thể hơn, khi coi mode như một phương tiện làm đẹp mình thì đồng thời cũng luôn phải đặt nó trong tương quan với vẻ đẹp của xã hội. Dẫu biết các mode lố lăng, dị hợm là nhất thời, song nếu không có chúng thì vẫn hay hơn!

- PV:Còn “cái mới”, thưa anh?

- NH: “Cái mới” là một đề tài vừa trừu tượng vừa cụ thể, rất dễ đẩy tới tranh luận nếu không xây dựng một số tiêu chí chung để định tính. Không lạm bàn trên phạm vi rộng, tôi chỉ thử đưa ra một quan niệm về “cái mới” trong mode. Nguồn gốc ra đời của mode là rất phức tạp, từ nhu cầu nói chung đến nhu cầu thẩm mỹ, điều kiện kinh tế, đặc điểm tâm lý, truyền thống văn hoá, lớp tuổi, nghề nghiệp xã hội…

Trong nhiều trường hợp, qua mode, có thể đánh giá được phẩm giá của con người. Như vậy về xã hội học, một mode nào đó ra đời thường chỉ đáp ứng nhu cầu của một nhóm xã hội, không nhất thiết là đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Mode mới chỉ trở nên phổ biến khi các nhóm xã hội đồng thuận, và sử dụng nó. Do đó hiện tượng nhóm này thì “đua theo mode” còn nhóm kia lại thờ ơ, hoặc nhóm này đánh giá nhóm kia theo tiêu chí riêng… là luôn luôn có thể xảy ra.

Vấn đề còn lại là những tiêu chí chung, và theo tôi để đánh giá “cái mới” của một mode vừa ra đời và thịnh hành là soi chiếu với các “giá trị người”, xem mode ấy có góp phần làm con người đẹp hơn, tốt hơn, có phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của cá nhân - xã hội, có phù hợp với bản sắc văn hoá cộng đồng… hay không. Thoạt nghe thì ý kiến của tôi có vẻ chung chung, nhưng với mode cụ thể là hoàn toàn có thể, với điều kiện trước khi soi chiếu phải xác định thái độ khách quan và xác lập tiêu chí.

- PV:Anh có thể cho thí dụ?

- NH: Như mấy năm nay ở các cơ quan thuộc Nhà nước có modesắm vi tính chẳng hạn. Xét về xu hướng là cần thiết, vì vi tính là công hữu hiệu và cụ quan trọng của thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Song từ thực tế, tôi có thể khẳng định hiện tại nó đang trở thành một modecó tính hình thức, nhiều khi người ta trang bị như để khoe khoang nhiều hơn là sử dụng một cách hữu ích. Tôi từng đến nhiều cơ quan có phòng vi tính được trang bị hiện đại có nhôm kính sáng choang, thảm trải ngang dọc, điều hoà chạy êm ru… và nhân viên chủ yếu đang ngồi chơi điện tử hoặc… chat!

Lại thấy có cán bộ đi đâu cũng kè kè laptop, về đến phòng thì bật vi tính nhoay nhoáy để xem tin tức, còn khi cần gõ văn bản thì… gọi thư ký, hay nhờ anh em dưới quyền! Tôi đã lên tiếng cảnh báo về mode này nhưng chẳng ai buồn nghe, và người ta vẫn chi cả đống tiền để làm mấy việc là thay thế cái máy chữ Olimpia gõ lóc cóc, chạy xoèn xoẹt ngày xưa bằng máy vi tính, biến nhân viên “đả tự cơ” thành nhân viên vi tính, và cán bộ Nhà nước được trang bị thêm một thứ đồ trang sức cho trí tuệ… để rồi vấn nạn văn bản giấy tờ ngày càng thêm nặng nề!

PV:Mode như vậy thì đáng phải phê phán thật. Cảm ơn anh!
Nguồn:Nhân dân
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 7)

    01/10/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode trong trang trí nhà cửa...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 6)

    29/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về modetrong kiến trúc...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 5)

    22/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về áo dài...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 4)

    16/09/2006Hà Yên (thực hiện)Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode.

  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 3)

    13/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tòa soạn với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà về mode...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ (phần 2)

    11/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Trong số này, chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà...
  • Mode và sự hoàn thiện thẩm mỹ

    07/09/2006Hà Yên thực hiện
    Với ý nghĩa con người và xã hội của nó, có thể coi mode là một sinh hoạt văn hoá thường nhật, sinh động của xã hội hiện đại, nên có thể tiếp cận mode từ những phương diện văn hoá khác nhau. Và cuộc trò chuyện giữa phóng viên với cây bút lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hoà dưới đây là một trong nhiều phương diện tiếp cận đó...
  • xem toàn bộ