Mới chống phần "ngọn"

03:51 CH @ Thứ Năm - 25 Tháng Mười Hai, 2003

Vụ lợi...

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) học sinh được học thêm là những học sinh học yếu kém cần được phụ đạo, học sinh giỏi cần được bồi dưỡng để thi học sinh giỏi, học sinh học cuối cấp học thêm để đi thi. Vậy tại sao học sinh trung bình không được học thêm để vươn lên học khá, học giỏi (chẳng lẽ đó không phải là nhu cầu chính đáng?).

- Gần đây Bộ GDĐT quy trách nhiệm cho hiệu trưởng: "Nơi nào để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm".  Nghe có vẻ "quyết liệt", nhưng chưa khả thi? Nguyên nhân của nạn dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực là do từ trên gieo xuống chứ đâu phải do hiệu trưởng sinh ra nó? Hiệu trưởng không thể tự viết sách, in sách nâng cao, sách bài tập, bài mẫu,... rồi đưa vào trường ép học sinh phải mua để học thêm, ép giáo viên phải dạy thêm.

Vẫn chỉ là học làm tính cộng, trừ, nhân, chia và một vài bài toán đố đơn giản, vẫn chỉ là đọc thông viết thạo tiếng Việt, thế mà con trẻ ở nhiều nơi từ lớp 1, lớp 2 mỗi cháu đã phải mua 5-7 quyển "sách ăn theo" cho mỗi môn. Thật đáng hổ thẹn cho những người vì động cơ vụ lợi đã làm sách và in sách để bòn tiền của các bậc cha mẹ (trong khi nhiều người trong số họ còn nghèo túng) để bắt trẻ em phải học nhiều mà chất lượng và hiệu quả vẫn thấp.

Chỉ hai điều nêu trên cũng cho thấy, sự tràn lan tiêu cực trong dạy thêm học thêm có nguyên nhân sâu xa từ quản lý chỉ đạo, còn ở cơ sở, nhìn chung họ chỉ là người  bị cuốn  hút vào quỹ đạo đó.

Cần có "phanh hãm"...
Thay vì những quy định hành chính, cơ quan quản  lý cần chủ động để cho việc dạy và học chính khoá cũng như  học thêm diễn ra tự nhiên, lành mạnh. Theo tôi, trước mắt cần tập trung  vào ba biện pháp sau đây:

1. Xây dựng và ban hành rộng rãi chuẩn đánh giá trình độ học tập của học sinh qua từng môn học, đối với từng lớp học, cấp học. Căn cứ vào đó học sinh có thể tự đánh giá hoặc các bậc cha mẹ có thể xem xét để biết được kết quả học tập của con em mình, giúp họ có thể yên tâm và có thể định hướng giúp đỡ con em mình xử lý việc  học thêm như thế nào cho có lợi nhất. Chuẩn đánh giá trình độ cần đạt được trong học tập đối với học sinh là  "Cái phanh hãm", là "cái máy ngắm chỉnh đường" con đường học tập của mỗi học sinh, đồng thời cần quy định rõ các sách và tài liệu được sử dụng chính thức trong nhà trường.

2. Xem xét lại việc tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để khắc phục tình trạng "thi như thế nào thì dạy như thế, dạy như thế nào thì học như thế", "có thi thì mới học"; tiến tới "thầy dạy tốt - trò học tốt", còn việc kiểm tra đánh giá và thi là công việc bình thường tự nhiên, được tiến hành theo những chuẩn mực đã xác định, đã được công bố rộng rãi. Như vậy sẽ không còn cơ hội cho một số người vì vụ lợi mà gây nhiễu, tạo ra tình trạng "đục nước béo cò".

3. Xem xét lại tiêu chuẩn và cách đánh giá thi đua để từng bước đẩy  lùi "bệnh thành tích", cần coi sự trung thực như là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá giáo viên và nhà trường. Trung thực có nghĩa là thể hiện được sự tường minh, thể hiện dân chủ, cũng là loại trừ sự nhũng nhiễu và thành tích ảo trong giáo dục.

Cùng với một số biện pháp cụ thể khác và việc thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hoá giáo dục, giáo dục phổ thông sẽ từng bước đi vào quỹ đạo lành mạnh, theo quy luật phát triển của nó. Khi đã xác định được chuẩn về trình độ học sinh từng lớp học, từng cấp học phổ thông thì giáo dục phổ thông chỉ nên thực hiện trong 11 năm, không cần phân ban và cũng không cần thiết phải học thêm tràn lan tiêu cực như hiện nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: