Một cách làm sách của cụ Vương Hồng Sển

01:48 CH @ Chủ Nhật - 30 Tháng Mười Một, 2014

Trong các "cây đại thụ" về văn hóa Nam Bộ, nếu kể ra, dù số đó là hàng chục hay hàng trăm, thì chắc chắn phải có 3 người: Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam...


Nếu xếp loại tác phẩm, cả 3 ông đều là các chuyên gia khảo cứu hàng đầu. Nhưng đi vào nội dung cụ thể, cụ Vương Hồng Sển khai thác đậm đặc văn hóa đô thị Sài Gòn giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, cụ Sơn Nam nghiêng nhiều về văn hóa phong tục, lịch sử. Cụ Nguyễn Hiến Lê nổi bật với các công trình biên khảo văn hóa - lịch sử Trung Quốc và mảng sách dạy làm người.

Sinh thời, giữa 3 nhà văn hóa lớn này có mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Cụ Sển coi cụ Lê như bạn đồng lứa, coi Sơn Nam như học trò lớp sau. Bản thân cụ Sơn Nam cũng kính cụ Vương như bậc thầy đức cao vọng trọng.

Vài năm gần đây, Nhà xuất bản Trẻ có chủ trương xuất bản một số di cảo tùy bút của cụ Vương Hồng Sển. Mới nhất là cuốn "Tùy bút năm Giáp Tuất - 1994".

Về khâu biên tập, anh Trần Ngọc Sinh, người được giao nhiệm vụ đã chọn cách làm rất riêng, hoàn toàn khác với cách biên tập trước nay của anh. Theo đó, ngoài những công đoạn chỉnh sửa chính tả, cắt bỏ những phần không phù hợp, loại bỏ một số bài, đoạn…, anh chủ ý giữ nguyên văn phong và lối viết trong bản thảo gốc.

Cách làm này gây bối rối với nhiều người, nhất là những người không phải cư dân Nam Bộ. Thậm chí có độc giả vì chưa hiểu mà phàn nàn, hình như người biên tập đã hơi "ẩu" trong công việc.

Về ngôn ngữ, cụ Vương Hồng Sển sử dụng nhiều tiếng cổ, nhiều lối nói ví von, thành ngữ, quán ngữ, phương ngữ không phổ thông. Những yếu tố đó trở thành rào cản ban đầu với độc giả, lắm khi ngay cả với chính độc giả trẻ Sài Gòn.

Văn cụ Sển là lối văn nói, nói sao cụ viết vậy. Do đó, có những câu rất dài dòng, rườm rà. Có những chuyện đã nói ở bài trước, bài sau lại nói lại như việc lỡ nhấp trộm ly cà phê của thầy giáo cũ, chuyện nhân viên chế bản làm hỏng tên cuốn sách "Tự vị tiếng nói miền Nam" của cụ thành "Tự vị tiếng Việt miền Nam", chuyện lý do viết để có tiền...v.v…Tất cả những đặc điểm đó trong bản thảo gốc, biên tập viên đã giữ lại với dụng ý: lưu giữ một chân dung con người văn hóa Nam Bộ Vương Hồng Sển nguyên vẹn nhất cho đời sau.

Theo anh Sinh, ngay trong cách viết dùng gạch nối giữa các chữ trong danh từ riêng hay các thực từ của cụ Sển cũng là cơ sở quý giá để giới nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt tìm hiểu, đối sánh.

Anh Sinh chia sẻ, vì không muốn gây gián cách với người đọc khi phải tra cứu chú thích quá nhiều nên anh đã không đưa vào các chú thích với những tiếng cổ, thành ngữ, quán ngữ không còn phổ biến của cụ Vương. Song giá như biên tập dành riêng phần giải đáp này ở phụ trương cuối sách thì cũng giúp ích rất nhiều cho những người còn xa lạ với văn hóa và ngôn ngữ Nam Bộ. Mà số độc giả này không hề nhỏ.

Cũng theo người biên tập, đọc sách của cụ Vương Hồng Sển, người ta nên đọc theo hệ thống để hiểu hơn tư tưởng cũng như lối đặt vấn đề của cụ. Dầu vậy, nhiều người vẫn đánh giá cuốn "Hậu Giang - Ba Thắc" của cụ có nhiều câu chuyện đặc sắc.

Dù thế nào thì khi đọc lại di cảo của cụ Vương Hồng Sển, độc giả vẫn phải tự bắc nối nhịp cầu về lại không gian văn hóa và thời gian lịch sử cụ viết ra tác phẩm. Sự đứt đoạn của bối cảnh thời đại là rào cản đáng kể, khiến việc đọc và hiểu cụ không đơn giản.


Bút tích cụ Vương Hồng Sển

Được biết, lúc sinh thời, cụ Sển có thói quen ghi chép cụ thể, tỉ mỉ như một nhà biên niên. Hàng ngày ăn gì, mua gì, làm gì, cụ đều ghi lại rõ ràng. Nhờ những cuốn nhật ký đó, người ta biết giá vàng, giá sinh hoạt, giá xe đò thời cụ sống như thế nào. Vậy nên trong cảm thức của mỗi người dân Nam Bộ, các tác phẩm di cảo của cụ giống như một bảo tàng phong phú, đậm đặc các sự kiện gắn kết xâu chuỗi của văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị ở thời đại cụ sống.

Giữ lại nguyên vẹn văn phong cụ Vương Hồng Sển, anh Trần Ngọc Sinh đã chọn một cách làm không giống ai, và cũng không giống với chính anh trước đó, bởi lòng trân trọng, thành kính với người đã mất. Và cũng bởi anh biết, những ai yêu cụ Sển đều muốn "gặp lại" cụ một cách gần nhất trên những trang di cảo được giữ gìn và bảo tồn theo cách ấy.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn

    25/02/2016Anh ChiTrần Nhân Tông được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông: "... được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thế chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng... Trên vai bên trái có nốt ruồi đen cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm...
  • Nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên (16-11-1908 - 19-10-1975): Đạo lý làm đầu

    25/02/2014Trương Xuân LinhNhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên sinh ra tại Hà Nội và là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ Luận án Tiến sĩ Văn chương tại Trường Đại học Sorbonne, Paris năm 1934. Và ngay từ thời trẻ trai ấy, với hai bằng cử nhân luật và tiến sĩ văn chương, ông đã ôm ấp nguyện vọng duy nhất của mình là: “...Nhất định không làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”...
  • Nhà chính trị và nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892- 1945)

    02/12/2009GS. NGND Trần Thanh ĐạmHơn 60 năm nay, ông là một câu hỏi lớn, một mối hồ nghi trong dư luận và nhận thức của bao nhiêu người ở bên này bên kia chiến tuyến. Giằng xé đó làm cho vấn đề Phạm Quỳnh càng trở nên rắc rối, phức tạp thêm. Cách mạng khó giải thích, thanh minh, phản cách mạng muốn khai thác, lợi dụng. Nỗi đau của gia đình ngày càng lớn vì sự oan khuất của ông.
  • Lê Thánh Tông - vị vua hiền tài, nhà Văn hóa lớn của dân tộc

    09/01/2006Anh ChiLà người yêu dân yêu nước thiết tha, khi ở ngôi, Thánh Tông tỏ ra là nhà tổ chức vô cùng tài giỏi, có tinh thần cải cách táo bạo và một ý chí tự cường dân tộc hết sức mạnh mẽ.
  • Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn

    08/11/2005Nguyễn Văn ChâuNhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.