Một bức phù điêu cho Lưu Quang Vũ

03:48 CH @ Chủ Nhật - 17 Tháng Tư, 2016

Khi còn sống, Lưu Quang Vũ phải chịu cảnh “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi / Đêm nằm mơ em quờ tay là chạm vào thùng gạo / Khung tường nhỏ treo tranh và phơi áo / Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình…” nhưng vẫn cống hiến cho cuộc đời nhiều tác phẩm vang dội.

Tác giả Trần Kỳ cho rằng: “Lưu Quang Vũ là hiện tượng hiếm có trên văn đàn Việt Nam. Người viết những dòng chữ này đã từng được đến xem Nhà hát vũ kịch do Pháp xây dựng ở Pê-trô-grat, ở Sô-phi-a. Hình thức và nội thất của nhà hát đó giống y Nhà hát lớn Hà Nội. Ở trên cao, giữa khung sàn diễn có bức phù điêu của kịch gia Mô-li-e. Nên chăng, các nhà hát của ta cũng có một bức phù điêu như thế cho Lưu Quang Vũ?”

Vở kịch đầu đời

Lưu Quang Vũ gia nhập quân đội năm tròn 18 tuổi. Vũ làm nghĩa vụ quân sự ở một đơn vị không quân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân. Chính tại đây, vở chèo “Mối tình đường băng” của Lưu Quang Vũ ra đời. Vở chèo nói về mối tình một chiến sĩ lái máy bay với một cô chiến sĩ phục vụ trong đơn vị. Đoàn nghệ thuật không chuyên của đơn vị đem vở chèo đi hội diễn Quân chủng. Vở chèo của Vũ đoạt giải nhất. Chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Phương điều động Vũ về phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân chủng chỉnh sửa, nâng cao kịch bản. Cũng thời gian này, Lưu Quang Vũ có tập thơ “Hương cây” xuất bản chung trong tập “Hương cây, bếp lửa” với Bằng Việt (1968).

Hồi còn ở đơn vị, thứ bảy, chủ nhật Vũ thường trốn trại về với “Con chim vành khuyên” (Tố Uyên). Đơn vị nhiều lần kiểm điểm, giáo dục, nhưng không chuyển. Về Hà Nội, như được thả hổ về rừng, Vũ càng có điều kiện gặp gỡ người yêu. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, từ Tư Lệnh đến người chiến sĩ đều cấm trại. Quân đội không cho phép bất cứ ai qua đêm ngoài doanh trại. “Phớt lờ” lệnh giới nghiêm, chập tối Vũ vác xe trốn trại, đạp lên khu văn công gặp Tố Uyên. Anh em trong tổ Văn nhiều lần che chắn cho Vũ nhưng không được. Lần thứ nhất Vũ kiểm điểm rất thành khẩn “vì quá yêu em!”, Vũ rất hối hận và hứa sửa chữa. Nhưng “Đánh chết cái nết không chừa” càng kiểm thảo Vũ càng “say máu”. Một buổi sáng, Vũ dắt chiếc xe đạp cọc cạch, mặt mũi phờ phạc đi ngang qua mặt trưởng phòng Tuyên huấn đang tập thể dục. Ông nheo mắt nhìn Lưu Quang Vũ. Ngay chiều hôm đó, Vũ đặt trước mặt tổ Văn bản kiểm điểm. Đỗ Chu, Nguyễn Đình Ảnh, Thế Kỹ, Lương Thế Tuân, Chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Phương “trố mắt”. Bài thơ hay quá! bài thơ lập tức được đăng nhiều kỳ trên tờ tin Phòng không – Không quân và rồi được đăng toàn văn trên báo Văn nghệ quân đội.

Kịch bản vở chèo “Mối tình đường băng” hoàn thành, Lưu Quang Vũ được Cục Chính trị trả về đơn vị cũ với bản nhận xét không lấy gì tốt đẹp. Một vị chỉ huy nào đó, trong thời kỳ này đã yêu cầu Lưu Quang Vũ viết cam kết không được làm thơ. Vì, thơ của Vũ yêu đương, lãng mạn, không phục vụ cho chiến đấu. Tất nhiên Lưu Quang Vũ bị loại ngũ, kèm theo thông báo của đơn vị, yêu cầu các báo trên toàn quốc không đăng thơ của Lưu Quang Vũ!

Những tháng ngày cơ cực

Chiến sĩ bị loại ngũ, loại khỏi xã hội trong lúc này còn khủng khiếp hơn “án chém”. Lưu Quang Vũ làm gì để sống trong thời kỳ hộ tịch, tem phiếu, sổ gạo…? Hạt muối cũng trong danh mục thực phẩm quý, hiếm. Người mẹ tần tảo trong gia đình nhà văn nghèo, vét hạt gạo cuối cùng để nuôi Vũ. Chàng trai nho nhã 20 tuổi, lần ra bến phà Đen làm phu vác nứa, rồi kéo thuyền trên sông Hồng, ngược sông Đà, sông Thao. Vác bó nứa nặng trĩu trên vai đã khốn khổ, gò lưng kéo thuyền trên hai bờ sông còn vất vả hơn nhiều. Được nước, được gió thì ngắm trời đất, trăng sao, nhìn đàn chim sải cánh về ngàn… Những lúc nước về như thác đổ, như ngựa tế, voi lồng… thì than ôi! Khoác chiếc thòng lọng lên vai, sấp mặt xuống đất, lấy hết gân sức, chiếc thuyền chỉ nhích một vài gang tất. Những lúc nắng tháng năm cháy da, cháy thịt…

Chịu hết nổi, Vũ lang thang trên hè phố Hà Nội. Anh em khuyên Vũ lên Láng Hạ đến nhà máy Dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt. Nghe nói ông giám đốc nhà máy thường dung nạp những anh em thất cơ, lỡ vận, những chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những anh em mãn hạn tù không công ăn, việc làm… Vũ được giám đốc nhà máy Dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt thu nạp. Tại đây, Lưu Quang Vũ thấy một xã hội rất lạ. Hàng trăm con người ở đây không cần các loại tem phiếu, sổ gạo! Mọi người làm việc cần mẫn, thương yêu nhau như trong một gia đình. Điều kỳ lạ hơn, nhà máy vận dụng những điều trái với quy luật kinh tế tập trung Xã hội chủ nghĩa! Khoán năng suất, khoán sản phẩm đến từng tổ, từng người, trả lương theo sản phẩm. Thực hiện tiền thưởng tháng, quý, hằng năm có lương tháng 13. Công nhân được ăn giữa ca, có xe đưa đón. Vì vậy, anh em công nhân đem hết sức lực, tài năng phục vụ nhà máy.

Sống với vị giám đốc làm ăn giỏi, hết lòng vì anh chị em công nhân, cùng những con người lao động miệt mài, không quản gian khổ trong những ngày tháng chiến tranh, Lưu Quang Vũ nhận ra mình hiểu thêm nhiều điều. Những ngày sống đầy ý nghĩa đó, ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm của Vũ sau này. Vở “Tôi và chúng ta” chính là Vũ lấy từ nguyên mẫu vị giám đốc này.

Ngày 27/11/1974 giám đốc nhà máy Dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt cùng một số cán bộ nhân viên nhà máy bị bắt giam thì ngay hôm sau Lưu Quang Vũ rời bỏ nhà máy, lang thang đi kiếm việc làm: Xếp báo cho tờ Cờ giải phóng, chấm công cho đội làm đường ở một cung đường số 5. Rồi, Vũ lang thang xuống Hải Phòng làm phu khuân vác trong nhà máy xi-măng. Tại đây bài thơ “Những bạn khuân vác” của Vũ ra đời: "Hải Phòng đón tôi bằng sừng sững khói cao / Tiếng búa, tiếng choang, tiếng goòng ken két / … Than bay, bụi bay, nắng cũng nhiều khắp nơi / Tất cả lấm đầu và nhễ nhại mồ hôi /… Người đội trưởng lầm lì / Đặt lên vai tôi bao hàng to nặng / Tôi còng lưng thở rốc vác lên xe…" Bài thơ được đăng trên trang báo Hải Phòng, trên báo Tiền Phong.

Xuân Quỳnh phụ trách trang thơ của báo Phụ Nữ (khi chưa về báo Văn Nghệ) mời Vũ về tổ thơ của tờ báo. Quỳnh hơn Vũ 6 tuổi. Khi gia nhập tổ thơ của tờ báo, Vũ coi Quỳnh là “liền chị”. Vũ gọi Quỳnh là cô, xưng mình là cháu! Vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ được các diễn viên chuyên nghiệp dàn dựng là vở kịch “Sống mãi tuổi 17”. Vở kịch nói về người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng. Vở kịch được đoàn kịch mới thành lập lưu diễn, tham dự hội diễn toàn quốc năm 1980. Sau vở diễn thành công đoàn kịch lấy tên là đoàn kịch Tuổi trẻ. Về tổ biên tập thơ với Xuân Quỳnh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, Vũ phải đi vẽ áp phích, băng rôn quảng cáo cho các vở kịch. Nét vẽ của Vũ sống động, màu sắc hài hòa được mọi người ưa chuộng. Một lần, đang vẽ áp phích cho một vở kịch ở rạp Đại Nam thì đạo diễn Đình Nghi dúi vào tay Vũ một xấp giấy – Ông cụ (Lưu Quang Thuận) viết được hai chương thì mất, nhờ Vũ xem và hoàn chỉnh.

Hai tuần sau, Vũ trao trả vở kịch đã hoàn thành cho đạo diễn. Vở “Nàng Si-ta” được công diễn, được dư luận đón nhận. Xác định được chỗ đứng trên con đường nghệ thuật, từ đó Lưu Quang Vũ chuyên tâm viết kịch bản.

Tố Uyên - Lưu Quang Vũ cưới nhau năm 1969. Trong những ngày vất vả, gian khó đó, Tố Uyên – Lưu Quang Vũ có “trục trặc” tình cảm. Khi bom B52 nổ dậy trời Hà Nội thì mối tình của Vũ – Uyên cũng tan vỡ. Mối tình đầu làm Vũ quằn quại, đau đớn. Ta hãy xem bài “Giã từ” của Vũ: “Thôi nhé em đi / Như một cánh chim bay mất… / Chim bay về những mái nhà vui…/ Anh thuở ấy lòng thơm trang giấy mới / Mối tình đầu tóc dại thuở 15…”.

Thời gian ấy, gia đình Xuân Quỳnh cũng có nhiều sứt mẻ. Quỳnh từ giã mái nhà xưa, một mình, một bóng trong căn buồng cơ quan làm việc. Hầu như số trời tiền định, diệu kỳ, hai trái tim rỉ máu tìm đến nhau, hàn gắn cho nhau và tỏa sáng.

Năm 1973, Vũ – Quỳnh chính thức thành vợ chồng. Gặp được Quỳnh như “rồng gặp mây”, Vũ vung bút viết những trang kịch bản, những trang thơ trác việt. Quỳnh đã nâng bút cho Vũ bay cao trong bầu trời văn học. Ta hãy xem bài thơ “Bàn tay em” của Xuân Quỳnh: Gia tài em chỉ có bàn tay / Em trao tặng cho anh từ ngày ấy…/ Bàn tay em gia tài nhỏ bé/ Em trao anh cùng cuộc đời em…

Giai đoạn này hàng loạt những bài thơ của Lưu Quang Vũ ra đời: Phố của ta; Lá thu; Tiễn bạn; Nơi người con của núi… Phải tới năm, bảy năm sau, qua một thời gian tích lũy, Vũ mới tung cánh, vụt bay vào khoảng trời kịch bản bao la. Đó là những năm 1978 đến 1988 khi Vũ về làm biên tập viên tạp chí Sân Khấu.

Với một tư duy nhạy cảm kỳ lạ, đọc một bài báo nói về 2000 ngày của một công dân đi đòi công lý, mấy tháng sau vở diễn “2000 ngày oan trái” của Vũ ra đời. Vũ đọc trên một trang báo nói về đứa con lai lang thang trên hè phố, ít lâu sau vở kịch “Đôi dòng sữa mẹ” được công diễn. Nghe kể chuyện, một xã ở Hà Tây tổ chức đấm bốc. Đài dựng xong, quan khách, khán giả đến đông đủ, nhưng võ sĩ chỉ có một. Chủ tịch xã đành mời một ông phó cối rất khỏe làm võ sĩ thứ hai. Đấu được nửa hiệp, ông phó cối lăn ra… chết. Hai tháng sau, vở “Bệnh sĩ” hoàn thành…

Nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam mời Vũ tới dàn dựng những kịch bản của Vũ. Bận rộn đến như vậy, mà như dòng thác lũ, hàng loạt những kịch bản của Vũ lần lượt ra đời: Hẹn ngày trở lại; Lời thề thứ 9; Ông không phải bố tôi; Tôi và chúng ta; Hồn Trương Ba – da Hàng Thịt; Khoảnh khắc vô tận; Điều không thể mất; Người tốt nhà số 5… Chưa đầy 10 năm, Vũ đã có gần 50 vở kịch nói, vở chèo “trình làng”, cùng 131 bài thơ đăng tải trên mặt báo hoặc in thành tập, cùng những bình luận, tiểu luận… Trong nước, trên thế giới, có lẽ chưa hề có một nhà thơ, nhà biên kịch nào tài năng, tốc độ, số lượng về kịch bản hấp dẫn, xuất sắc đến như vậy.

Có bao giờ, trong một đêm 8 sàn diễn 8 tỉnh, trình diễn 8 vở kịch khác nhau của Lưu Quang Vũ? Hôm nào có kịch của Lưu Quang Vũ, bà con Hà Nội kéo nhau đi xem như trẩy hội. Ngày đó còn khó khăn, có người bán cả tem phiếu, lấy mấy đồng đi xem kịch của Lưu Quang Vũ! Người ta bàn kịch Lưu Quang Vũ trước khi vào hội nghị. Người ta kể kịch Lưu Quang Vũ trong quán cà phê, trong quán nước vỉa hè, trong hàng phở…
Kịch Lưu Quang Vũ thông minh, đầy chất nhân văn, thấm đẫm tình người. Kịch Lưu Quang Vũ bênh vực những người nghèo, ca ngợi những Giám đốc xí nghiệp làm ăn giỏi, những người sống vì mọi người, cứu giúp những người cơ nhỡ, không sợ cường quyền, vượt lên số phận. Kịch Lưu Quang Vũ phê phán không khoan nhượng những sai trái của xã hội, những quan tham, những đại gia sống phè phỡn, trong lúc mọi người vất vả vì chiến tranh, những con người xanh ruột, đỏ vỏ, nói một đằng, làm một nẻo, những con khỉ làm phách, biến thành người, cuối cùng, khỉ vẫn trở lại là loài khỉ!

Người xem kịch Lưu Quang Vũ hả hê, sảng khoái, mát dạ, hài lòng bao nhiêu thì có những kẻ như bị ong châm, kiến đốt, giãy nảy trên đống lửa dư luận bấy nhiêu! Nhân dân yêu quý, trân trọng kịch bản của Lưu Quang Vũ là rất đúng, rất công bằng. Vậy mà, những ngày tung bay như thế, Quỳnh – Vũ vẫn nghèo. Kịch bản ngày đó nhuận bút được bao nhiêu? Kịch bản được thông qua, trình diễn là mừng lắm rồi!

Sống với nhau, Quỳnh – Vũ rời khu nhà tập thể cùng đứa con của Vũ, về ở căn phòng 6 mét vuông số nhà 96 phố Huế. Ta hãy nghe lời tự sự của Vũ với bài “Nhà chật”: Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi / Đêm nằm mơ em quờ tay là chạm vào thùng gạo / Khung tường nhỏ treo tranh và phơi áo / Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình…

Hội Nhà Văn Việt Nam bố trí cho Quỳnh – Vũ một căn hộ 40 mét vuông khu Thành Công. Hạnh phúc quá! Mừng quá! Quỳnh đã tới xem, dự kiến nơi đặt tủ, nơi kê giường, nơi tiếp khách… Nhà chưa kịp dọn thì Quỳnh – Vũ đã đi xa! Thật đau lòng!

Lưu Quang Vũ là hiện tượng hiếm có trên văn đàn Việt Nam. Người viết những dòng chữ này đã từng được đến xem Nhà hát vũ kịch do Pháp xây dựng ở Pê-trô-grat, ở Sô-phi-a. Hình thức và nội thất của nhà hát đó giống y Nhà hát lớn Hà Nội. Ở trên cao, giữa khung sàn diễn có bức phù điêu của kịch gia Mô-li-e. Nên chăng, các nhà hát của ta cũng có một bức phù điêu như thế cho Lưu Quang Vũ?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhớ thơ tình Lưu Quang Vũ...

    02/11/2012TS. Nguyễn Thị Minh TháiTrong sáng tạo của con người tài hoa Lưu Quang Vũ, thơ là hồn cốt thâm hậu, chứ không phải kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội họa. Thơ là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này.