Một cơ hội để đánh giá thực trạng giáo dục THPT

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Đối với nhà quản lý xã hội, đây là một dịp để kiểm định những báo cáo lâu nay chỉ nêu dưới dạng định tính của các nhà quản lý giáo dục về chất lượng giáo dục (văn hóa) của học sinh địa phương mình, được diễn đạt là "được nâng lên rõ rệt" (hoặc một bước) kèm theo mấy con số về tỷ lệ tốt nghiệp ở các bậc học - nào là tiểu học 99,9%, trung học cơ sở là hơn 99%, THPT là hơn 90%...

Với các nhà quản lý giáo dục cấp bộ, đây là dịp đầu tiên để thẩm định lại các kết quả thi THPT của từng địa phương bằng cách dùng chung một thước đo.

Nói "chung một thước đo" bởi lâu nay tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học của từng địa phương không thể được đem so sánh với nhau vì một lý do không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là... học sinh thi tại địa phương, cuộc thi và bài thi đều được xử lý do giáo viên địa phương, bộ khó biết ai chặt tay, ai lỏng tay trong coi thi và chấm thi. Đây cũng là dịp để bộ đánh giá thực trạng quản lý chuyên môn của các sở giáo dục và đào tạo và các vụ liên quan, thực trạng thực hiện chương trình sách giáo khoa, trình độ tay nghề của giáo viên... Thiết nghĩ đối với mỗi địa phương, bộ trưởng chỉ cần đem so sánh hai dòng tỷ lệ tốt nghiệp THPT phân theo loại và tỷ lệ điểm thi vào đại học phân theo loại cũng có thể biết giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh thành nào nghiêm túc, giám đốc nào chạy theo thành tích.

Với các nhà quản lý giáo dục cấp sở và trường, nếu như Trung tâm công nghệ thông tin của Bộ chịu cung cấp kết quả điểm từng môn của thí sinh thì đó sẽ là cơ hội quý giá để biết chất lượng thực của từng trường, môn nào mạnh, môn nào yếu, từ đó mà xem xét lại cách đánh giá trường, đánh giá giáo viên và độ tin cậy của hệ thống điểm được ghi trong học bạ về những môn có thi đại học.

Đối với giáo viên, riêng đề thi năm nay đã là một mệnh lệnh có quyền uy hơn mọi mệnh lệnh hành chính về việc phải thay đổi cách dạy. Nếu được biết thêm những thông tin có phân tích về số điểm đạt cho từng câu hỏi thi thì giáo viên sẽ có những căn cứ cụ thể hơn để điều chỉnh cách soạn bài, giảng bài, đánh giá trình độ học sinh.

Đối với người dân bình thường, những thông tin về tỷ lệ học sinh đạt được các thang điểm từ 0 đến tối đa là 30 điểm đang khiến người ta phải "rùng mình" kia (bởi cao bất ngờ ở các thang điểm thấp và thấp bất ngờ ở những thang điểm cao) làm nảy sinh câu hỏi: kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia, được tổ chức "chặt chẽ, nghiêm túc" từ khâu ra đề, chuyển đề, in đề, coi thi, chấm thi, công bố điểm mà kết quả còn phản ánh xa trình độ thực của các cô cậu tú như vậy thì thử hỏi qua những kỳ thi tốt nghiệp khác, sự thật sẽ bị phản ánh méo mó đến mức nào? Thật ra người hiểu biết và trung thực ai cũng biết là những kỳ thi tốt nghiệp đã được tổ chức với mục đích kiếm cho... đủ số người có bằng cấp để địa phương đạt chuẩn phổ cập thì khó mà đáng tin được. Tiếc thay, từ nhiều năm nay không ít nhà lãnh đạo vẫn cứ muốn dựa vào kiểu báo cáo đó để tin là chỉ tiêu đã được hoàn thành, cũng như cố tin rằng công trình X đã được xây dựng đúng hoặc trước thời hạn, mặc cho sau khi nghiệm thu công trình đó lún sụp ra sao.

Xã hội chúng ta đã trải qua một thời kỳ tiêu chuẩn hóa cán bộ bằng cách ào ạt cấp bằng cho nhiều người để rồi những năm gần đây phải tổ chức kiểm tra những bằng... bất hợp pháp một cách rất tốn kém và chẳng mấy hiệu quả. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay đang mở ra một cơ hội mới bằng vàng để chúng ta tự nhìn mình, nhìn cách dạy, cách học, cách quản lý giáo dục, cách đánh giá thành tích của giáo dục một cách nghiêm khắc, khách quan, đúng thực chất, từ đó mà có những quyết sách đúng đắn. Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy tạo điều kiện cho những số liệu về kỳ thi này đến được với tất cả những ai quan tâm. Đây là tài sản chung của xã hội, xin đừng vì những lý do "tế nhị" nào đó mà để chúng chết cứng trong ổ đĩa.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: