Mục đích của cuộc sống

09:02 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Đối với tôi thì câu hỏi quan trọng nhất trong tất cả là mục đích của cuộc sống. Chúng ta đang làm gì trên trái đất này? Số phận của chúng ta là gì? Các tư tưởng gia khác nhau giải quyết câu hỏi cấp thiết và khó hiểu nhất này như thế nào?

C.L.V.

C.L.V. thân mến,

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc truy vấn mục đích của câu hỏi về mục đích của cuộc sống. Trong đầu con người nghĩ gì khi họ hỏi câu hỏi này. Việc hỏi nó là một hiện tượng đặc biệt con người. Những sinh vật khác chỉ tồn tại và cứ tiếp tục đuổi theo những mục đích tự nhiên của chúng một cách mù quáng – tiếp tục là một cái cây hay một con chim hay một tảng đá. Chính niềm tự hào hay nỗi khốn khổ riêng biệt của con người khiến anh ta thường xuyên đưa ra câu hỏi về mục đính tồn tại của chính anh ta.

Vậy những ai nêu ra câu hỏi này đang cố khám phá điều gì? Có phải họ hỏi về số phận mà Chúa đã định cho con người phải hoàn thành qua cuộc sinh tồn của anh ta trên cõi thế không? Liệu con người có mục đích tối thượng nào xa hơn phạm vi kinh nghiệm trần thế của anh ta không? Và nếu thế, anh ta phải làm gì để đạt được nó? Học thuyết về nước Chúa của Thiên chúa giáo như là số phận tối hậu của con người là một trong những câu trả lời cho câu hỏi này.

Con người đang tự hỏi liệu đời người có thể trở nên có ý nghĩa trên trái đất này bằng cách đạt được tất cả những sự hoàn hảo mà nó có khả năng đạt được không? Theo triết lý của Aristotle, mỗi loại sinh vật đều hướng tới việc hoàn thiện bản chất của riêng nó. Vì vậy, đối với con người, mục đích của cuộc sống là đạt tới những phẩm chất tạo thành hạnh phúc.

Trái với những tư tưởng triết học và thần học về số phận con người nói trên, câu hỏi của chúng ta có thể xuất phát từ một niềm tin về tính phi chủ đích của vũ trụ vật chất này nói chung. Xem xét thế giới xung quanh, chúng ta không thấy gì ngoài một chuyển động quay tít của các nguyên tử trong một khoảng trống vô nghĩa. Cho dù chúng ta nhìn thế giới vật chất này như là một cõi hỗn mang và “bấp bênh” hoặc như một vũ trụ có trật tự, cuộc sống con người vẫn có vẻ vô nghĩa và không có giá trị. Mô hình các sự kiện vật chất đó không phải là câu trả lời cho trái tim và khối óc đang truy vấn của con người. Mọi ngành khoa học đều im lặng khi con người hỏi, “Tôi đang làm gì ở đây? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu? Mục đích cuộc sống của tôi là gì?”

Nhiều tư tưởng gia hiện đại, từng đối mặt với những câu hỏi cấp bách và rối óc này, đã không chấp nhận những quan điểm triết học và thần học truyền thống về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Họ khẳng định rằng con người có thể và phải đặt ra những mục tiêu của riêng họ, tìm ra ý nghĩa trong việc sáng tạo và biến đổi bản chất của riêng họ. Theo quan điểm này, một con người thực sự phải sống vì mục đích cao cả mà anh ta tự đặt ra cho mình. Nếu anh ta không làm điều này, anh ta phải bị vây bọc trong nỗi tuyệt vọng vô bờ trước sự vô nghĩa của cuộc sống.

Theo tôi tất cả chúng ta sẽ đồng ý rằng câu hỏi này thật cấp bách và rằng nó đòi hỏi một câu trả lời và một cuộc sống phù hợp với câu trả lời. Mặt khác việc trả lời câu hỏi này đòi hỏi chúng ta có quan điểm bao quát về Chúa, vũ trụ, và con người. Một hiểu biết về con người và bản chất của anh ta là cần thiết, nhưng chưa đủ để đưa ra một giải pháp về vấn đề ý nghĩa cuộc tồn sinh của con người. Chúng ta cũng phải hiểu vị trí của con người trong vũ trụ và trong mối quan hệ với tất cả những hữu thể hiện có trên đời. Và chúng ta phải thấy anh ta trong mối quan hệ với sức mạnh tối thượng thống trị vũ trụ và tất cả những thứ trong đó.

Con người không đơn độc trong vũ trụ, và chúng ta không thể hiểu anh ta khi tách anh ta khỏi những thứ còn lại.

Điều này có vẻ giống một chương trình dài hạn và đúng thế – cũng dài như chính cuộc sống vậy. Nó đòi hỏi việc nghiên cứu siêu hình học và thần học, cũng như đạo đức học và tâm lý học. Nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự thông thái vốn chỉ có thể có được sau khi sống và nỗ lực rất nhiều.

Đây chính là điều gây bối rối ở câu hỏi này. Nó thật cấp bách, nó đòi hỏi một câu trả lời tức thì, nhưng lại đòi hỏi sự suy gẫm một cách cẩn thận và kiên nhẫn đến hết cả đời người. Nhưng “đó là cuộc sống” như tục ngữ nói. Làm người thật chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: