Nam Phương Hoàng Hậu (1914-1963) - hoàng hậu Việt cuối cùng

09:36 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười Một, 2015

Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh Marie-Thérèse, sinh ngày 14 tháng 12, 1914 tại huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Bà là con gái thứ hai của Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê Thị Bính, con gái của Lê Phát Đạt ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.

Năm 1926, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, khi đó 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, bà về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi cùng chuyến tàu đó nhưng hai người không gặp nhau.

Về Việt Nam được gần một năm, khi vua Bảo Đại lên nghỉ mát tại Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace do Toàn quyền Đông Dương Pasquier và viên Đốc lý thành phố Đà Lạt Darle sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau. Bảo Đại sau đó say mê bà. Ông viết lại trong Hồi ký: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê.


Bưu ảnh Nam Phương Hoàng Hậu

Bảo Đại hỏi cưới bà và hôn lễ được tổ chức ngày 20-3-1934 ở Huế. Khi đó Bảo Đại hoàng đế đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Hoàng đế phong Hoàng Hậu tước vị Nam Phương Hoàng Hậu. Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: "Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế".

Nam Phương hoàng hậu cùng Bảo Đại hoàng đế có tất cả 5 người con:

- Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh năm 1936, tước phong Hoàng thái tử.
- Phương Mai công chúa, sinh năm 1937.
- Phương Liên công chúa, sinh năm 1938.
- Phương Dung công chúa, sinh năm 1942.
- Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh năm 1943, Nhị hoàng tử.

Khi đó công việc hàng ngày của Hoàng hậu là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng bà phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Từ Cung Hoàng thái hậu, tức mẹ của Bảo Đại Đế. Hoàng hậu còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Theo lời nữ sĩ Đạm Phương thì có lần Hoàng hậu bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo Dục đem môn nữ công gia chánh vào học đường.


Những thước phim quý hiếm lần đầu được công bố về Nam Phương Hoàng Hậu cùng vua Bảo Đại và các con.

Hoàng hậu cũng xuất hiện thường xuyên bên cạnh Bảo Đại hoàng đế trong các nghi lễ ngoại giao như đón tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong nước Lào hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Miên...

Là người Công giáo, hoàng hậu đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Công giáo ở Việt Nam với Hoàng tộc nhà Nguyễn, vốn trước đó có những quan hệ căng thẳng kéo dài.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 25 tháng 8, Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh điện cho Bảo Đại yêu cầu ông ban dụ thoái vị. Ngày 30 tháng 8 1945, Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, Huế, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu. Tháng 9 năm 1945, ông ra nhận chức "Cố vấn tối cao" trong chính phủ. Ngày 16 tháng 3 1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm viếng Trung Hoa, nhưng không trở về nước. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế. Hoàng hậu Nam Phương rời khỏi thành nội ra sống ngay tại khách sạn Morin, lúc này đây khách sạn duy nhất trong kinh đô Huế để chờ đợi thời cơ sang Pháp, cũng như tránh khỏi cuộc chiến chính trị trong Thành Nội.

Hoàng hậu Nam Phương cũng là người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ nhiệt tình với "Tuần lễ Vàng" do Việt Minh phát động tại Huế. Ngày 17- 9-1945, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ tháo hết số hàng trang sức bằng vàng đang mang trên người. Sau đó bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng.

Ngày 1 tháng 1 1947 Nam Phương hoàng hậu cùng các con sang Pháp.


Bưu ảnh Nam Phương Hoàng Hậu

Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Thư có đoạn: "... tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi"

Từ năm 1947, bà sống lưu vong tại Pháp. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách... Bảo Đại có đến thăm bà vài lần.

Một lần, sau chuyến đi chơi về, bà thấy đau cổ. Bác sĩ tới thăm bệnh, nói bà bị viêm họng nhẹ. Không ngờ sau đó, bà bị khó thở. Ông quản gia và mấy cô giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ khác ở làng bên, cách mươi cây số. Nhưng bà càng khó thở hơn và trái tim bà đã ngừng đập ở tuổi 49. Bà mất ngày 14- 9-1963. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung.

Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.

Đám tang của bà được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ, thưa thớt, vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Trong suốt thời gian tang lễ Cựu hoàng Bảo Đại cũng không có mặt.

Nấm mộ đơn sơ đặt trong nghĩa trang của nhà thờ ngay tại Chabrignac, kém cả những ngôi mộ xây đủ hình khối ở ngay bên cạnh. Tấm bia, mặt trước khắc chữ Hán và mặt sau khắc chữ Pháp, để tưởng nhớ bà. Chữ Hán (Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam). Chữ Pháp: (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu nước An Nam, nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan).

Tham khảo: Wikipedia.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tuyên bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại

    01/09/2016...nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân....
  • Bước đường lưu lạc của cặp ấn kiếm cựu Hoàng Bảo Đại trao

    31/08/2015Bùi MinhCặp ấn (ấn "Hoàng đế chi bửu") - kiếm đúc đời Minh Mạng thứ tư năm 1823 mang giá trị lịch sử lớn lao, tượng trưng cho quyền lực quốc gia của nền quân chủ phong kiến...
  • Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời

    09/05/2015Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng : Khi tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi, tức là cụ thể hóa nền độc lập, xây dựng lại đất nước, đến lúc đó, chính nhân dân sẽ chọn lấy chế độ mình muốn. Tôi không chủ trương một chế độ nào cả. Tôi chỉ tự phong một cách đơn giản là Quốc trưởng thôi...
  • Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời

    07/05/2015Trước khi Bảo Đại qua đời (1997), nhà sử học trẻ Fédéric Mitterand – cháu của Tổng thống Mitterand đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp cựu hoàng tại nhà riêng. Lần đầu tiên cựu hoàng nói về những kỷ niệm và thổ lộ ước vọng của ông về đất nước Việt Nam, trong đó có việc ông thành lập chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật và trong trường hợp nào ông đã thoái vị làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà...
  • Con số 13 bí ẩn và vua Bảo Đại

    20/03/2015Vua Bảo Đại trở thành vị vua triều Nguyễn thứ 13...