Nghĩ về 'giấc mơ xe hơi' của người Việt

07:50 CH @ Thứ Tư - 17 Tháng Tám, 2016

Chúng ta oằn lưng cõng cái sai của nhà quản lý để cuối cùng ước mơ về chiếc xe hơi ngày một xa. Nhưng nếu cứ ở đó mà kêu mãi thì cũng chẳng làm được gì....

Dân ta nghèo đã quá lâu, nhịn ăn, nhịn mặc trong chiến tranh. Nay vừa thoát nghèo, khấm khá hơn, một bộ phận người giàu thì không nói, nhàng nhàng như mình đi xe máy bao nhiêu năm, giờ có điều kiện mua ôtô còi thì nay lên giá, ngày kia lên thuế, ngày kìa tăng phí. Cái gì cũng bất ngờ “lên gối đến hự” thì đỡ làm sao nổi, chạy sao cho hết nắng!

Kiếm ăn lương thiện như chúng ta mà vẫn oằn lưng cõng cho cái sai “quản lý quy hoạch” từ trước tới nay bằng hàng loạt chính sách thuế, phí...cực kỳ vô lý. Mở cửa sổ nhìn ra Thế giới, thấy chạnh lòng. Đành rằng đã sai từ trước nên cả nhà nước và nhân dân cùng chia vai gánh vác, mỗi người chịu thiệt đi một chút để có được môi trường sống thoải mái hơn. Nhưng cứ cái sai nọ nối tiếp cái sai kia thì chúng ta (mức thu nhập bình thường) gánh vác đến kiếp sau cũng chưa mua nổi ôtô!

Hà Nội vừa di dời mồ mả được mấy cái nhà máy gây ô nhiễm, tập trung đông công nhân thì trám ngay vào đó là cao ốc, chung cư đồ sộ đến mấy chục tầng. Nếu hoàn thành thì nhân khẩu nơi đó bằng dân cư của cả mấy phường cộng lại, làm gì mà chẳng tắc đường, làm gì mà còn điểm đỗ, môi trường sống và an sinh chẳng xuống cấp. Mà cũng kỳ thay chính sách của Nhà nước thế nào mà để Hà Nội và TP HCM dễ kiếm tiền thế! Sinh viên ra trường quyết không về nơi chôn nhau cắt rốn. Ở nhà thuê với môi trường sống rất kém nhưng quyết trụ, làm trái ngành nghề, thậm chí bằng tệ nạn cũng phải bám lại.

Dân số cơ học cứ ùa về hai trung tâm như thác lũ mà kiếm sống. Sống tốt rồi lại mua nhà, mua xe, rồi lại cùng nhau đổ ra các ngã tư đường phố với cái văn hoá đường làng ta cứ đi. Ta ở quê làm gì có văn hoá xếp hàng, chỗ nào có thể len được là ta cứ đi, ta mù màu nên không cần biết xanh hay đỏ nó thế nào. Tắc lại chửi đổng. Nghe một đại biểu HĐND thành phố chất vấn “trong thập niên qua, Hà Nội chẳng di được cái bệnh viện và trường đại học nào ra ngoài thành phố?". Phó chủ tịch lúng túng !

Nếu vị kia hỏi tôi câu đó, tôi nói luôn và ngay rằng di ra ngoài làm sao được mà di. Các giảng viên, GS, TS…còn bận với mô hình liên kết, đại học tư, trung tâm này nọ. Ra ngoại thành thì chạy sô như thế nào, làm sao di chuyển kịp thời gian giữa trường nọ với trường kia, trung tâm nọ, trung tâm kia. Mà chạy sô có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần lương thế mới chết chứ!

Ra ngoại thành thì "sống bằng niềm tin", đói à! GS, bác sĩ cũng vậy, ai mà chẳng có phòng khám tư, không có cũng phải hợp đồng, cũng phải chạy sô. 16h30 là có mặt tại phòng khám theo hẹn với một bệnh nhân A,B,C… được đưa từ bệnh viện công về, để rồi có thu nhập chân chính ngoài luồng gấp vài chục lần lương. Quyền lợi của các vị này vào loại khủng, lại đều có máu mặt tại nơi công tác, viện đủ lý do không di dời, không đặt bút ký thì Chính phủ có quyết tâm đến mấy, cũng "di vào mắt".

Mà không di dời thì còn tắc, còn chịu thuế, phí cao dài dài. Lại chửi đổng. Người dân bình thường, khi tắc đường thường hay coi cái chính sách quản lý và hạ tầng yếu kém, còn mình thì cứ bám lấy mặt đường mà buôn bán. Dừng đỗ xe lung tung, cái gì cũng muốn tiện, chỉ muốn ghé xe máy, nhấc mông móc ví và đi luôn. Trăm vạn người thấy tiện, thế là thắt cổ chai, là tắc đường. Thấy thế lại chửi chứ nhất quyết không nhận là mình cũng góp phần làm nên cái tắc, cái sai.

Hôm trước ngồi nhâm nhi café ở đường Trường Chinh (Hà Nội), một anh nhìn vẻ bề ngoài trí thức, như du học ở nước ngoài về. Đầu đội mũ “phớt”, chân đi giày tây, lưng đeo cặp da, tay xách iPad, kính trắng. Không những vượt đèn đỏ mà còn đi ngược chiều một đoạn khá dài, dựng xe, khoan thai bước vào quán: Cho "ny lâu đá" rồi bi bô rằng VN bao giờ mới khá lên được. Tây sang đây sợ cái giao thông nhốn nháo, không có luật lệ như ở VN!

Tôi nghĩ bụng, mình mà là dân phòng thì hồi nãy hắn vượt đèn đỏ và đi ngược chiều sẽ quăng cho mẻ lưới, nếu chưa dừng, cho tiếp cái dùi cui thọc vào bánh xe, nếu cãi cho ăn mấy cái đoản sắt vào lưng (dân phòng đánh người không đội mũ bảo hiểm, Bình Chánh TP HCM, 7/12 ).

Phải nói là dân mình cũng có lòng tự trọng cao. Ông hàng xóm có ôtô thì mình cũng phải có; đồng nghiệp có ôtô thì mình cũng phải có; họ hàng có người có ôtô mình cũng phải có; đối tác có ôtô mình cũng phải có. Nếu không có thì chiến lược quảng cáo hình ảnh của bản thân coi như thiếu đi một phần quan trọng. Và xã hội nhìn vào hồ sơ năng lực của mình với ánh mắt và điệu cười nhếch mép-không đáng tin cậy.

Thế là phải sắm và ôtô xuống phố chóng hết cả, hạ tầng không sao đỡ kịp. Tắc lại chửi. Hôm trước đại biểu Quốc hội chất vấn bộ trưởng Thăng, đại loại bộ trưởng chốt cho khi nào, bao giờ hết tắc? Câu hỏi nổi tiếng của vị đại biểu lúc đó sốt xình xịch trên các trang mạng và mạng xã hội. Đương nhiên câu hỏi đánh đố không nhận được câu trả lời thoả đáng.

Trong các bác ngồi đây có bác hỏi: Nếu có giấc mơ được làm bộ trưởng GT, anh(chị) sẽ làm gì để cải thiện tình trạng ách tắc này? Ngồi mà nghĩ ra lý thuyết thì qua dễ. Đầu tiên qui hoạch lại đô thị. Nơi nào nông nghiệp, nơi nào công nghiệp, nơi nào tiểu thủ công, làng nghề, xếp các ông ra một vài nơi. Nơi nào dịch vụ, đại siêu thị, bến xe, bến tàu xếp các ông ra một nơi. Trường Đại học, trung tâm nghiên cứu, công nghệ cao xếp các ông ra một nơi. Bệnh Viện, trung tâm y tế, trường phổ thông xếp các ông xen kẽ.

Khu dân cư thì quy hoạch lại, nội đô giãn ra, mật độ xây dựng thưa đi, chủ yếu cải tạo giữ gìn kiến trúc cũ, khu đô thị mới hãy xa ra, hiện đại vào, đồng bộ hạ tầng và an sinh. Trung tâm chính trị, hành chính xếp ra một góc, khu ngoại giao xếp ra một góc... Trục xuyên tâm, hướng tâm, vành đai mở rộng, đền bù thoả đáng, tái định cư ổn thoả, đào tạo mới ngành nghề phù hợp cho người dân mất đất. Cầu vượt trên cao, hầm vượt, tàu điện ngầm, xe bus, nhà ga đầu tư đồng bộ, hoành tráng, giảm xe cá nhân, đánh thuế cao…. Thế là hết tắc ngay! Nhưng tiền đâu?! Khó nhất là lấy tiền từ đâu ra, người tài lấy đâu ra. Chống tham nhũng, bảo đảm nguồn vốn thế nào?

Nhà nghèo không thể đập đi xây lại từ đầu được, phải chấp nhận chắp vá và manh mún? Nhưng chắp vá như thế nào, manh mún như thế nào để khéo ăn thì no, khéo co thì ấm? Để thằng cả, thằng hai, cô ba, cô út… được công bằng, lợi ích nhóm của chúng được đảm bảo thế nào mà không xáo trộn truyền thống gia đình? Vấn đề của cả một dân tộc, của cả một thời đại và nhiều thế hệ đấy! Vĩ mô lắm ! Dạ "em" chưa đủ tài ạ.

Nói tóm lại, các bác bớt bức xúc đi. Vấn đề mua ôtô vừa rẻ, vừa đẹp, vừa bền, vừa sang mà lại tẹt ga không sợ va (chạm), vừa được sống trong những căn hộ cao cấp tại khu đất vàng, vừa thoải mái ngắm hàng sấu già xen lẫn thảm cỏ xanh đến tận chân mây, vừa mở cửa sổ trời panorama hít căng O2 qua đường mũi và xì CO2 qua đường khác thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cả nhà nước và mỗi chúng ta đều phải chia sẻ và rất cố gắng.

Khó nhất, đau đầu nhất là nút thắt cổ chai, đó là luật pháp và cơ chế, tiền và người tài, người có tâm, đạo đức giữa lợi ích nhóm với cộng đồng, sự chia sẻ của toàn xã hội. Chửi đổng không giải quyết được vấn đề gì đâu. Bác nào bắt nhịp bài hát trong bộ phim “Bao giờ đến tháng mười" cho rộn ràng mùa giáng sinh nào.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Trẻ con bây giờ mở miệng là khoe ô tô..."?

    04/08/2018Trang Ngọc (thực hiện)Trẻ con hiện nay mở miệng khoe "nhà tao có ô tô, nhà mày không có" nghe thì rất đau lòng. Trở lại ngày xưa, tụi trẻ con chúng tôi cũng khoe nhau: "Nhà tao hôm nay ăn cơm có thịt", thì miếng thịt hồi đấy cũng tương đương như cái ô tô bây giờ. Nhưng đúng là có nhiều câu của trẻ nghe rất đau lòng. Ông bố trẻ, hoạ sĩ Trần Nhật Thăng nhìn nhận.
  • Số đếm của ô tô

    15/06/2009Nguyễn Việt HàEinstein lỗi lạc hơn một lần nói, văn minh phương Tây vĩnh viễn chịu ơn phương Đông ở con số không (zéro). Khởi thủy, cả người Ả Rập và La Mã yêu tính toán đều bắt đầu hệ số đếm của mình từ một. Tất nhiên, từ một sẽ có hai, sẽ có ba và dài dài nữa. Nhưng nếu chỉ có vậy thì số học mãi mãi sẽ không minh họa nổi tự nhiên, nó sẽ tủi thân loay hoay dưới chân đỉnh Ôlanhpơ tri thức...
  • Chuyện tiêu tiền

    08/07/2008Sưu tầmXã hội ngày càng phát triển đến chỗ duy trì bằng pháp luật và đô la. Có mức tiền định số, thì ở đời trôi chảy. Đoàn tụ chia ly, đi đi lại lại, con người giàu nghèo...chìm nổi trên đồng tiền. Nếu mỗi tờ đô la là một cuốn tiểu thuyết thì đều có một đoạn li kì...