Nghiên cứu khoa học bị 'bỏ quên' trong các trường đại học

03:51 CH @ Thứ Bảy - 06 Tháng Chín, 2003

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia quanh vấn đề này.

Giáo sư Nguyễn Đức Chính - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội:Nếu các trường đại học chỉ chú tâm đào tạo, không gắn công tác này với nghiên cứu khoa học thì giáo dục đại học chỉ dừng lại như là một trường phổ thông cấp 4.

Một quá trình đào tạo mà không có nghiên cứu sẽ đi theo đường mòn, không thể có chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Sở dĩ các nước đào tạo được những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao là vì họ luôn gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học thành một khối thống nhất. Các thành tựu nghiên cứu mới luôn được đưa vào quá trình đào tạo, từ đó chương trình được đổi mới, cập nhật không ngừng. Điểm yếu trong việc kết hợp giữa khoa học công nghệ và đào tạo nước ta là có rất nhiều đề tài nghiên cứu, nhưng nghiệm thu xong là bỏ vào ngăn tủ, kết quả không được sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế.

Mặt khác, việc đổi mới và cập nhật chương trình dạy đại học ở Việt Nam khá chậm chạp. Đại học California trong một năm đã loại bỏ khỏi chương trình đào tạo 5.000 môn học, tất nhiên phải có số lượng môn mới tương đương đưa vào thay thế. Để làm được việc này, họ sử dụng rất nhiều kết quả của các đề tài nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau: khoa học cơ bản, thị trường lao động, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội Bằng cách tổ chức như thế, sinh viên của họ ra trường không phải học thêm bất cứ thứ gì mà vẫn thích ứng được với thị trường lao động đa dạng. Trong khi đó, chương trình đào tạo đại học ở ta rất ít khi có môn học mới, còn các môn đang giảng dạy thì nội dung đã quá cũ. Đây là hệ quả của việc đào tạo và nghiên cứu khoa học không gắn với nhau.

Giáo sư Trương Quang Học - Trưởng ban khoa học công nghệ Đại học quốc gia Hà Nội: Viện và trường tách rời nhau - điều đáng nói nhất ở Việt Nam.

Đặc thù của giáo dục đại học là gắn với nghiên cứu khoa học. Trước đây chúng ta chủ trương các trường đại học có nhiệm vụ đào tạo là chủ yếu; còn việc nghiên cứu là của hệ thống các viện nghiên cứu, mà tập trung lớn nhất là ở Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Chính quan niệm này đã khiến hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học tách rời nhau. Trong các đại học gần như không có hệ thống nghiên cứu khoa học chính thống. Hậu quả trước hết là lãng phí nguồn chất xám, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tôi nghĩ đã đến lúc trong quy chế hai Đại học quốc gia cần có quy định thật rõ ràng là phải xây dựng “tổ hợp” giữa nghiên cứu và đào tạo. Đào tạo thông qua khoa học công nghệ thì chất lượng sinh viên sẽ cao hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Chế Đình Lý - Trưởng ban khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế Đại học quốc gia TPHCM: Cần cởi trói cho cán bộ khoa học.

Theo tôi, hiện nay các đại học đang bị phân tán nguồn lực mà nguyên nhân trực tiếp là chính sách không rõ ràng về quyền lợi trong nghiên cứu khoa học. Ở nhiều trường, hoạt động nghiên cứu rất mờ nhạt, nặng về đào tạo để có thu nhập cho giảng viên. Từ đó các trường rơi vào vòng luẩn quẩn: Nhà nước đầu tư ít, không có thành tích (trong khoa học công nghệ), dẫn đến Nhà nước không đầu tư. Mặt khác số lượng sinh viên và số trường đại học liên tục tăng, khiến cho thị trường lao động giảng dạy trở nên khan hiếm, trong khi kinh phí nghiên cứu khoa học ít, thủ tục thanh toán khó khăn Do đó, hầu hết giảng viên thích đi dạy hơn là đầu tư cho các đề tài, dự án khoa học.

Ở góc độ khác, tình trạng chảy máu chất xám ra khỏi khu vực đại học đang trở thành căn bệnh “mãn tính”. Do chênh lệch lương bổng, hầu hết sinh viên giỏi đầu quân cho các công ty và doanh nghiệp nước ngoài. Đương nhiên tiềm lực chất xám trong trường đại học giảm và hụt hẫng; năng lực nội sinh về phát triển khoa học công nghệ yếu. Cũng vì mưu sinh, cán bộ khoa học sử dụng chất xám, kinh nghiệm đi "làm thuê” cho nhiều nơi dẫn đến tình trạng phân tán lực lượng.

(Theo Tuổi Trẻ)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: