Ngoại cảm của một trường hợp điển hình

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
04:01 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Như đã trình bày ở hai kỳ trước, việc tiếp xúc với “vong” hay nói chuyện với “linh hồn” liệt sĩ hoàn toàn chỉ là cuộc tự nói chuyện do giới đồng cốt bịa đặt, như một thủ thuật tạo niềm tin, qua đó họ có thể thu lượm được một số thông tin có ích từ thân nhân người chết. Báo chí có lần nói tới khả năng dùng cảm xạ để phát hiện hài cốt dưới lòng đất?

Cảm xạ là gì?

Thuật ngữ cảm xạ (dowsing) được dùng lần đầu tiên vào năm 1540 trong tác phẩm về khai mỏ mang tên De re Metallica của Georgius Agricola, được ấn hành tại Basel, Thụy Sĩ, như một kỹ thuật tìm khoáng sản hay đồ vật bị chôn giấu.

Trong khi đó cuốn Phục hồi Pluton của Nam tước phu nhân Beausoleil năm 1640 khuyến khích cách dùng gậy để “cảm xạ” các nguồn nước ngầm; kỹ thuật này phổ biến khắp châu Âu. Ngược với cái tên nghe lạ tai, kỹ thuật cảm xạ thực ra rất đơn giản. Muốn tìm nguồn nước, đồ vật chôn giấu... nhà cảm xạ cầm một đoạn cây nhỏ hình chữ Y hay một con lắc trên hai tay và đi lại trên vùng đất nghi ngờ. Bình thường cây gậy nằm ngang ở vị trí cân bằng, còn con lắc dao động bình thường theo chiều ngang. Khi cây gậy mất thăng bằng hay con lắc dao động bất thường, nhà cảm xạ dừng lại và đánh dấu trên mặt đất. Theo họ, dưới vị trí đánh dấu có nguồn nước ngầm hay hài cốt người chết, và chúng tác dụng lên cây gậy hay con lắc qua một tương tác bí ẩn nào đó.

Cần nói thêm là giới khoa học chính thống nghi ngờ khả năng thực tế của cảm xạ, vì họ chưa tìm được lời giải thích hợp lý. Một trong nhiều giả thuyết được nêu ra là, đồ vật chôn dưới đất làm biến động từ trường trái đất, và một số người có khả năng đo được sự thay đổi đó.

Cảm xạ trong tìm mộ?

Như đã trình bày, khi lên đồng, cô Năm nhập vai một “đức ông” có khả năng vẽ sơ đồ nơi chôn cất mộ. Bằng cách tung đồng xu, “ông” sẽ xác định hài cốt đang nằm tại khu vực được đánh số nào đó, chẳng hạn khu vực số 2. Nhưng khu vực số 2 là khu vực nào? Khi người đi tìm mộ hỏi như vậy, “ông” trả lời ngay: “Phải đi hỏi chứ. Đi hỏi đồng đội, hỏi chính quyền, hỏi huyện đội, tỉnh đội xem hài cốt nằm ở đâu. Và khi đã hỏi được thì về báo ngay để cô Năm đến tìm”.


Học cảm xạ (Ảnh: camxahoc.vn)

Tóm lại, ở trường hợp cô Năm, quá trình tìm mộ chỉ thực sự bắt đầu khi người nhà đến báo cho cô vị trí nơi chôn cất, chẳng hạn tại một ruộng ngô hay nương sắn nào đó. Toàn bộ chuỗi lên đồng, vẽ sơ đồ, nói chuyện với người chết, xác định vị trí hài cốt trên sơ đồ... chỉ là động tác giả. Quá trình tìm mộ thật chỉ bắt đầu khi cô Năm theo chân người nhà đến tận nơi từng chôn cất người đã khuất. Vì khu vực có thể rộng, địa hình biến đổi theo tháng năm, nên người nhà và đồng đội có thể đã đào nhiều nơi nhưng chưa thấy hài cốt. Cô Năm nói có thể giúp họ tìm lời giải, bằng cách đi lại nhiều lần trên khu đất đó.

Một câu hỏi mang tính quyết định cần trả lời là, khả năng cảm xạ của cô Năm có đáng tin cậy hay không? Người viết cho rằng thật khó trả lời khi chưa được tận mắt theo dõi quá trình cảm xạ trên thực địa. Liệu lời kể khi nào thấy bỏng rát bàn chân thì dừng lại của cô có đáng tin hay không, khi trước đó cô đã dùng hàng loạt thủ thuật “lừa gạt vô thức” (thuật ngữ chuyên môn chỉ hành động lừa gạt không chủ ý ở trạng thái vô thức) để gặt hái niềm tin của mọi người? Hay lúc đó cô không thấy bàn chân bỏng rát, mà chỉ thấy một số dấu hiệu gợi ý rằng ở dưới mặt đất có thể có hài cốt?

Chỉ cô Năm mới trả lời được câu hỏi này, mà cô thì nhất định không chịu tiết lộ. Đây chính là khó khăn cơ bản của việc nghiên cứu khả năng tìm mộ nói riêng, các khả năng dị thường khác nói chung.

Kinh nghiệm khảo sát khả năng cảm xạ tìm nước ngầm trên thế giới cho thấy, khi được thử nghiệm tại hiện trường (như trường hợp cô Năm tìm mộ), các nhà cảm xạ đạt tỷ lệ thành công rất cao, nhưng khi các ám hiệu địa chất được loại trừ, tỷ lệ đó giảm xuống đáng kể. Cần nói thêm là tỷ lệ thành công của cảm xạ tuy cao nhưng không hơn khả năng của một nhà địa chất có kinh nghiệm. Điều đó cho thấy dường như giới cảm xạ chỉ dùng các dấu hiệu địa chất để tìm nước ngầm (như vị trí các mô đất, khe lạch; cây cối xanh tốt hơn...).

Ở trường hợp cô Năm, không loại trừ các dấu hiệu mang tính chỉ dẫn như vậy. Chẳng hạn trên vùng đất khô cằn mà lại thấy bụi cây tươi tốt hơn thì nhiều khả năng bên dưới có điều khác thường, chẳng hạn một hài cốt. Đào lên thấy hài cốt thì tốt, nếu không thì một chút đất đen mủn cũng được xem là dấu hiệu của hài cốt! Vai trò quyết định ở đây thuộc về gia đình, bạn bè và chính quyền. Vì thế lúc tỉnh lại sau khi lên đồng, cô Năm nói với nữ phóng viên đi cùng tôi (đại ý): Công của cô Năm chỉ 1% thôi, còn 99% thuộc về gia đình, đồng đội và chính quyền. Về điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với cô: 1% đó thuộc về công khuyến khích mọi người cố gắng; càng cố gắng thì khả năng tìm thấy hài cốt càng cao.

Và như thế con số hàng ngàn bộ hài cốt đã được cô Năm tìm thấy chỉ là một con số chưa được kiểm chứng và không đáng tin cậy mà thôi. Đó cũng là tình trạng chung bất cứ một nhà ngoại cảm tìm mộ nào khác.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...