Người Việt hời hợt (phần 7)

03:28 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Mười Một, 2019

Xem phần khác:

VII. Người Việt hời hợt (phần 7)
.
Những yếu tố lịch sử khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến tính cách của người Việt Nam.
.
Chúng ta hay nhắc tới khái niệm “dân tộc tính”, một khái niệm nói về tập hợp những tính cách nổi bật và đặc trưng của một dân tộc. Những tính cách đặc trưng của một dân tộc phụ thuộc vào những điều kiện ngoại cảnh của môi trường sống ví dụ như địa lý, khí hậu, lịch sử, chính trị, hệ tư tưởng, văn hóa…Rất khó có thể tách rời một yếu tố ra để xem xét đơn lẻ vì mỗi yếu tố đều có những ảnh hưởng nhất định tới tính cách của dân tộc đó. Chúng có thể bổ sung cho nhau để hình thành nên một số tính cách nhưng cũng có thể khắc chế lẫn nhau. Nếu những yếu tố như địa lý, khí hậu là những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của con người thì ngược lại những yếu tố như hệ tư tưởng, kinh tế và chính trị lại do con người tạo ra và có thể thay đổi được. Điều này giải thích tại sao có những quốc gia có vị trí địa lý, địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu tương đối giống nhau nhưng có những tính cách khác nhau hoặc cùng một quốc gia nhưng khi có sự thay đổi về hệ tư tưởng, tôn giáo và chính trị thì tính cách của dân tộc đó cũng thay đổi. Hôm nay tôi muốn phân tích sơ lược những yếu tố này để xem chúng đã ảnh hưởng tới tính cách của người Việt Nam ta như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử.
.
.
Sự thiếu vắng của nền thương nghiệp và hàng hải là một thiếu sót quan trọng:
.
Chúng ta chắc ai cũng biết những điều cơ bản về địa lý, địa hình và khí hậu Việt Nam nên tôi chỉ nhắc lại sơ lược mà đi quá chi tiết về chúng. Điều tôi muốn nói ở đây là Việt Nam mặc dù có một đường bờ biển dài 3260 km từ Bắc xuống Nam nhưng điều kì lạ là Việt Nam chưa hề phát triển ngành hàng hải và ngoại thương trong suốt lịch sử phát triển của đất nước. Ngay cả những cư dân sống dọc vùng duyên hải cũng chỉ chọn nghề chài lưới kiếm ăn chứ chưa bao giờ có khái niệm về hàng hải. Lịch sử Việt Nam không có những ghi chép về những hạm đội, những đội thương thuyền, hải tặc hay những nhà thám hiểm của người Việt. Ngay cả ngoại thương của người Việt trong lịch sử cũng chỉ hạn chế ở việc các thuyền buôn nước ngoài cập cảng ở Việt Nam để buôn bán và trao đổi chứ không có thuyền buôn của người Việt ra nước ngoài để lấy hàng hoặc buôn bán. Nếu xét trong lịch sử thế giới, những quốc gia ở Châu Âu có địa hình là đảo hoặc quần đảo hoặc có lợi thế đường bờ biển đều rất phát triển về hàng hải và ngoại thương. Người Hi Lạp từ thời cổ đại đã dong buồm đi khắp khu vực Địa Trung Hải để giao thương với Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), Ý, Ai Cập và Babylon. Hải tặc Viking ở Bắc Âu là những nhà hàng hải kiệt xuất thời Trung Cổ. Đến thời Cận Đại, những quốc gia như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã lợi dụng địa hình có nhiều bờ biển của mình để phát triển ngành hàng hải với khát vọng chinh phục thế giới để mở rộng lộ trình giao thương trên biển và tìm ra những lục địa mới để biến chúng thành thuộc địa của mình.
.
Và nếu xét những sản phẩm trong nước để trao đổi với các thương nhân nước ngoài ở Hội An thế kỷ XVI- XVIII, ta thấy những mặt hàng chúng ta bán phần lớn đều là ở dạng nguyên liệu thô khai thác từ thiên nhiên như trầm hương, kỳ nam, gỗ quý, sừng tê, ngà voi, đồi mồi… hoặc những sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, hồ tiêu, tơ tằm… Chỉ có hai mặt hàng thủ công mang tính chất thành phẩm được thương nhân nước ngoài ưa chuộng ở Việt Nam là các loại vải vóc được dệt từ tơ tằm và đồ gốm sứ (nhưng hai sản phẩm này vẫn không được ưa chuộng bằng đồ Trung Quốc và Nhật Bản vì không tinh xảo bằng). Ngược lại, những tàu buôn nước ngoài mang vào bán ở Hội An những sản phẩm được chế tác hoàn hảo. Một giáo sĩ Bồ Đào Nha thuộc dòng Jésuite là Valentin Corvalho, ghi lại: “Còn thuyền buôn đến từ Trung Quốc mang các thứ hàng hóa là “ sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giầy tốt, nhung, đơ ra, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực, kim, cốc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ đồ sành; đồ ăn uống thì các loại như lá chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh, miến, bột mì, tram muối, đầu thái, trứng muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, rau kim châm, mộc nhĩ, nấm hương…” bán rất chạy, thu được nhiều lợi nhuận, không hề bị ế đọng.Ví như các tàu buôn của thương nhân Hà Lan đến từ Surate và Coromandel đã đem theo vải vóc, chì, hỏa tiêu, …[11] Thuyền buôn đến từ nước Pháp thì bán khí giới, sắt, đồng, vải vóc, và mua trở về đường, lụa thô[12]. Thuyền đến từ Bồ Đào Nha mang theo các mặt hàng như: bàn chải, kim khâu, vòng tay, hoa tai bằng thủy tinh, mũ nón, mũ bonnet, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả các loại áo…" Đọc những dòng ghi chép trên, không biết các bạn có suy nghĩ giống tôi rằng người Việt Nam hầu như rất kém trong việc chế tạo ra những sản phẩm. Không chỉ có những sản phẩm có trình độ khoa học kỹ thuật cao mới có thể sản xuất được như pha lê, khí giới, súng ống…, những thứ gần như rất thông dụng như bàn chải, kim khâu, trứng muối mà “cũng bán rất chạy thu được nhiều lợi nhuận, không bị ế đọng” thì lạ quá. Câu hỏi tôi muốn đặt ra là tại sao người Việt Nam lại phải nhập khẩu những thứ đó qua nhiều thế kỷ mà không tự bản thân mình học cách sản xuất ra chúng. Và tại sao những gì chúng ta bán đi cho nước ngoài là những nguyên liệu thô chứ không phải là những sản phẩm được chế tác tinh xảo từ những nguyên liệu thô đó với giá cao hơn?
.
Kinh tế truyền thống của Việt Nam từ bao đời vẫn không hề thoát khỏi nền nông nghiệp lúa nước thô sơ lạc hậu. Với những lợi thế về địa hình như đồng bằng, sông ngòi và khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp cho việc trồng lúa nước, người Việt Nam dường như không nghĩ tới việc khai thác những lợi thế của đường bờ biển mà chỉ tập trung ở những vùng đồng bằng châu thổ để trồng lúa và xem đó như là nền kinh tế chủ đạo. Một đặc điểm nữa là người Việt Nam rất coi trọng văn hóa làng xã và gần như rất sợ phải đi xa khỏi quê nhà của mình. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của người Việt là nỗi sợ phải đi “tha phương cầu thực” (đi kiếm ăn ở xứ khác), nhiều khi “xứ khác” này cũng chẳng phải xa xôi gì mà chỉ là làng kế bên hoặc tỉnh kế bên mà thôi. Trong tất cả các cuộc chiến ngoại xâm của Việt Nam cũng như những cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình phong kiến, điều khiến cho người dân nổi dậy chống giặc là khi làng mạc bị cướp bóc, đất đai bị chiếm, người dân không còn nhà để ở và không còn đất để cày. Tuyệt đối không có bóng dáng của một động cơ chính trị nào quan trọng hơn là mất đất mất làng, không có lý tưởng hay tư tưởng gì ở đây cả.
.
Văn Minh Tân Học Sách năm 1908 có viết: “Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, đi thám hiểm Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy. Nước ta có thế không? Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng! Ở lữ thứ vài năm đã than thở quan hà đầu bạc! Nói gì đến Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Cao Miên không ai chịu đặt chân tới; ngay đến Trung Hoa đối với ta cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh kỳ đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa một ai đặt chân đến thành Ngũ Dương (tên gọi cũ của Quảng Châu) cả.Quốc dân độc bảnnăm 1907 cũng nói: “(người Việt) không nghĩ gì ngoài bát gạo hạt muối, chân không hề bước đi đâu một bước. Xa gia đình làng xóm trăm dặm là nước mắt đã ướt áo, ra khỏi ngõ mười ngày đã sốt ruột muốn về.” Cái tư tưởng “xa quê hương, nhớ mẹ hiền” rất tiêu biểu trong đời sống văn hóa người Việt ngay trong cả đời sống ngày nay khi con người đã bay lên tới Mặt Trăng. Bạn nào tinh ý sẽ thấy những bài viết thương quê, nhớ mẹ, nhớ khói bếp nhớ lũy tre làng xuất hiện rất nhiều trong văn chương hiện đại Việt Nam, nhất là trong những tác phẩm thơ văn in trong báo Xuân hoặc trong âm nhạc và sân khấu.
.
Dĩ nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Gắn bó với quê cha đất tổ không có gì là xấu nếu như điều này không kìm hãm tư duy và chí tiến thủ của người Việt sau lũy tre làng và trói buộc nó xung quanh cây đa giếng nước. Với nền kinh tế tự cung tự cấp miễn sao là không phải sợ thiếu ngày hai bữa, những người dân sống ở nông thôn sẽ không phát triển được tư duy cầu tiến chịu học học một cách sâu sắc. Những sản phẩm thủ công được làm ra lúc nhàn rỗi cũng chỉ để bán hoặc trao đổi cho những người trong làng xóm hoặc cùng lắm là làng bên nên miễn sử dụng được là xong, không cần sự cầu kỳ tinh xảo. Do không có nhu cầu thương mại với bên ngoài, những nông cụ thô sơ cứ tồn tại như thế đời này qua đời khác mà không cần cải tiến vì có thừa nông sản cũng chẳng để làm gì. Và cứ mỗi xóm mỗi làng có được một ông thầy đồ hay một cậu tú tài biết được mấy chữ trong sách Thánh Hiền thì làng ấy đã có thể tự hào sung sướng rồi, cần gì phải tìm hiểu học hỏi thêm những thứ mà Khổng Mạnh không dạy.
.
Cứ suy nghĩ một cách khách quan và nghiêm túc rằng giữa những dân tộc chịu đi đây đi đó, giao thương khắp nơi trên thế giới, chịu tiếp thu những luồng tư tưởng và văn hóa khác biệt, tận mắt thấy tai nghe những điều kỳ lạ và những dân tộc suốt đời chỉ quanh quẩn trong làng xóm của mình, ngoài quanh năm suốt tháng cày cấy ngoài đồng, đến khi rảnh rỗi thì lo ăn chơi cờ bạc rượu chè cùng với hội hè đình đám mà không bao giờ tiếp thu cái hay cái mới bên ngoài, dân tộc nào có tư duy phong phú và sâu sắc còn dân tộc nào có tư duy đơn giản hời hợt? Châu Âu có sự thay đổi lớn về mặt tư tưởng triết học qua các thời Phục Hưng, Khám Phá, Khai Sáng và các cuộc cách mạng công nghiệp phần lớn nhờ người Châu Âu không vừa lòng với việc ở yên một chỗ và chấp nhận những gì đang có. Từ thế kỷ XVI, Châu Âu đã có những trường đại học để dạy những môn khoa học và triết học thì các ông đồ Nho râu tóc bạc phơ của đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam vẫn chen chúc nhau tham dự kì thi mà cơ bản là không có gì thay đổi từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên cách đây 1000 năm với những “Tứ Thư Ngũ Kinh” của Khổng Mạnh để cầu chút vinh hoa hão để về bái tổ vinh quy. Đối với họ việc “thượng kinh ứng thí” thì coi như là vĩ đại và ghê gớm lắm rồi. Và những vị khoa bảng này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ của dân số Việt Nam, còn lại tuyệt đại đa số là mù chữ và chưa hề bước ra khỏi làng mình nửa bước.
.
Bài tiếp theo tôi sẽ phân tích Tam Giáo (Nho, Lão và Phật) đã kiềm hãm sự phát triển tư duy của con người Việt Nam như thế nào.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chỉ văn minh phần xác

    26/01/2021Lâm ViệtNhững vật vô tình đã dần làm chúng ta mất đi nhân tính. Chúng ta nâng niu chúng nhưng lại quay lưng vô cảm với đồng loại. Đó là mặt trái của công nghệ, hay đó là một câu trả lời thật đơn giản: Nếu không lấy văn hóa làm nền tảng, con người sẽ sống ngày càng man rợ!
  • Người Việt hời hợt (phần 3, 4, 5, 6)

    12/03/2020Barry Huỳnh Chí ViễnKhi tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính chất giao tiếp quốc tế và người Việt Nam trên lý thuyết bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh cả trong chương trình chính quy và ngoại khóa mà kết quả vẫn rất tệ, đó là một sự lãng phí rất lớn...
  • Người Việt hời hợt (phần 1, 2)

    26/12/2019Barry Huỳnh Chí ViễnNếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa hoặc quốc tịch khác nhau, bạn sẽ thấy được rằng đa phần người Việt Nam có lối tư duy khá hời hợt, thiếu chiều sâu...
  • Tự do học thuật: Sinh lộ của một nền văn minh

    26/01/2019Bùi Văn Nam Sơn"Tư cách người trí thức" theo nghĩa rộng, chỉ những ai được thụ hưởng nền giáo dục đại học và "có năng lực diễn đạt ý kiến dưới hình thức văn bản". Vì thế, môi trường đại học là nơi thể hiện quyền tự do này một cách tập trung và đậm đặc nhất...
  • "Văn minh tân học sách" – Bước chuyển có ý thức sang nền văn minh mới

    10/07/2017Phạm Khiêm Ích"Nay đã từng ngẩng đầu trông lên, cúi đầu nhìn xuống, trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn”. Từ sự suy nghĩ sáng suốt, các cụ đã đề ra 6 biện pháp: 1/Dùng văn tự nước nhà; 2/Hiệu đính sách vở; 3/Sửa đổi phép thi; 4/Cổ võ nhân tài; 5/Chấn hưng công nghệ; 6/Mở tòa báo...
  • Việt Nam là cái nôi của nền văn minh nhân loại?

    14/07/2016Xuân LanMặc dù giới khảo cổ học thế giới chỉ ra dấu vết của người cổ xưa nhất được xác định ở châu Phi, Trung Cận Đông nhưng với phát hiện tại Gia Lai, các nhà khoa học Việt - Nga có bằng chứng cho thấy, tổ tiên trực tiếp của người hiện đại có thời gian tồn tại và cư trú tại Việt Nam...
  • GS Chu Hảo: Một nửa văn minh là... không văn hóa!

    05/07/2016Hoàng Hạnh (thực hiện)Người ta thường hay nói, một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, còn một nửa sự thật có khi là sự giả dối,. “Một nửa văn minh” ở đây chắc là cái gì đó còn tệ hại hơn. Đó là thói ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu văn hóa. – GS Chu Hảo thẳng thắn.
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • xem toàn bộ