Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng

11:32 SA @ Chủ Nhật - 12 Tháng Hai, 2006
Người tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí suy thường báo hiệu thời mạt vận sắp đến. Sự "cố thủ" của một số người sẽ triệt tiêu cơ hội cho những người tài - với nghĩa là cả đức và tài - được thể hiện mình trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.

"Đổ tội cho hệ thống, hay trước hết hãy quy lỗi cho chính mình? Suy nghĩ của tôi là đi tìm căn nguyên ở cả hệ thống và con người". Tác giả Nguyễn Trung, với những tâm huyết đáng trân trọng của mình tiếp tục đưa ra những ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng X.

Lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm tàu lớn

Tác giả viết: Để có đầu có đuôi, tôi xin kể lại một chuyện cũ. Cách đây nhiều năm, khi Thủ tướng Nhật lần đầu tiên đi thăm chính thức nước ta, trong diễn văn đáp từ tại tiệc chiêu đãi, ông ta nói đại ý: Trong Quốc tử giám có bia ghi rằng người tài là nguyên khí của quốc gia, xin chúc Việt Nam giữ được nguyên khí ấy!

Lúc ấy tôi thực sự rùng mình, hỏi đồng nghiệp, hỏi cấp trên: Thủ tướng Nhật khen chúng ta, hay Thủ tướng Nhật nhắc nhở chúng ta? Tôi liên tưởng đến nhiều điều khoản trong Bộ Luật Hồng Đức quy định trừng phạt nghiêm khắc những tội như cờ bạc, đánh cờ tướng ăn tiền, làm văn bằng giả.., địa phương nào có người tài mà giấu vua thì quan phụ trách sẽ bị trị tội…

Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng lời ông Thủ tướng Nhật vẫn canh cánh trong lòng tôi: Nếu đấy là lời nhắc nhở thì trời đất ơi, nguy hiểm quá! Lịch sử nước ta cuối thời các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã từng dạy: nguyên khí suy thường báo hiêụ thời mạt vận sắp đến… Và một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tầu đấy!

Nhiều lúc, tôi có cảm nghĩ chúng ta, những người đảng viên, nói rộng ra nữa là Đảng ta, hình như rất quan tâm đến nắm chắc lấy con tầu, làm mọi việc để giữ lấy con tầu, nhưng lại chưa làm được như thế trong việc giữ gìn hướng đi của con tầu, lại càng chưa làm được như thế trong việc chăm lo xử lý những lỗ hà lỗ hổng bám vào con tầu!

Về hướng đi của con tầu Đảng ta bây giờ có thêm được cái la bàn của công cuộc đổi mới. Câu chuyện bây giờ tùy thuộc vào bản lĩnh thao lược sử dụng la bàn – lại trước hết là vấn đề người tài với ý nghĩa là nguyên khí của quốc gia – người tài hay những người tài ở đây với nghĩa là cả đức và tài trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.

Sự "cố thủ" và những căn bệnh độc hại

Còn về con tầu?Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tầu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tầu. Nhưng sự "cố thủ" đó vẫn là chưa đủ - vì như đã nói ở trên: quan trọng không kém là còn phải giữ cho con tầu đi đúng hướng, giữ cho con tầu sạch mọi vết bám của các con hà con hổng! Quan trọng hơn nữa là còn phải giữ cho con tầu chiến thắng mọi phong ba bão táp trên đại dương!..

Sự "cố thủ" rõ nhất nằm trong cố thủ về ý thức hệ và trong tha hóa, nói cho đến cùng và thực chất thì vẫn chỉ là nằm trong tha hóa mà thôi! Rõ ràng đây vừa là chuyện của hệ thống, vừa là chuyện của từng con người.

Xin bàn thêm sự cố thủ này trong vấn đề sử dụng người tài.

Nếu phải nói vấn đề này trong một câu, thì đó là: Sự cố thủ trong quyền lực vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự cố thủ trong vấn đề phát triển và trọng dụng nhân tài, căn bệnh điển hình là bệnh cơ cấu, bệnh đảng hóa…

Bệnh cơ cấu, bệnh đảng hóa đang là những nguyên nhân chính làm nảy sinh những “văn hóa” độc hại đối với chuẩn mực và các thang giá trị trong xã hội. Bệnh bằng thật học giả, bệnh chạy ghế, bệnh quan hệ, bệnh chạy tội, bệnh phô trương hình thức, bệnh nói dối … có nguyên nhân sâu xa từ bệnh cơ cấu và bệnh đảng hóa.

Trong cơ chế thị trường, lại sinh trưởng trong các vùng chống lấn, trong các khoảng trống của hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước, virus của những bệnh hoạn này đang làm cho xã hội xuống cấp nguy hiểm trên những phương diện nhất định.

Chung cuộc, các loại bệnh này đang có nguy cơ sản sinh ra một thứ văn hóa đi ngược với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đang có nguy cơ lấn át những nỗ lực của Đảng ta trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc - điều này cũng có nghĩa là hủy hoại môi trường phát huy người tài, bởi lẽ cái nhược điểm cơ bản của người tài là không tồn tại và không phát huy được trong môi trường thiếu văn hóa.

Xin nói thêm một câu nữa: Nếu để cho những kẻ làm giầu bất chính câu kết với sự tha hóa trong hệ thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hóa” riêng của họ, thì mọi người tài đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn ngược.

Kẻ thù núp ngay sau bóng của chúng ta!

Tôi muốn nói thẳng thắn thế này: Chế độ chính trị nước ta không đố kỵ với người tài, hoàn toàn có thể là đất dụng võ của người tài, nhân dân ta luôn có truyền thống tôn vinh người tài. Chỉ xin nhớ lại thời Cách Mạng Tháng Tám, bao nhiêu người tài đã theo tiếng gọi của Bác Hồ, của đất nước đứng ra giúp nước, rồi đến vai trò của những người tài trong hai cuộc kháng chiến, những người tài trong 20 năm đổi mới vừa qua!..

Nhân đây cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chỉ có 50/50 cái hay, và có cả 50/50 cái dở. Cái dở lớn nhất là tập thể có quyền quyết nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cái dở lớn không kém là đôi khi chỉ có một ý kiến đơn lẻ trong tập thể bàn ngang, thế là ý kiến sáng suốt của đa số đành gác lại, chờ đợi hay bỏ xó - việc gia nhập ASEAN chậm, việc ký kết FTA Việt - Mỹ chậm, việc vào WTO chậm được báo chí nêu lên có những nguyên nhân như vậy!..

Một ví dụ, trong nghiên cứu, có những ý kiến bàn bạc rất xác đáng về sự cần thiết phải xây dựng nhà nước pháp quyền đích thực, phải phát triển xã hội dân sự để làm nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế… Nhưng có một ý kiến bàn ngang, thế là các ý kiến đúng tạm thời bị ngáng lại. Nếu các ý kiến đúng này sẽ bị xếp xó thì sao?..

Đây là những câu chuyện khó, liên quan mật thiết đến vấn đề nhân tài, đến vấn đề thông tin, đến vấn đề công khai minh bạch trong toàn xã hội, đến thể chế hóa bằng Hiến pháp và luật pháp vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân cũng như của từng cơ quan trong bộ máy của hệ thống…

Trong một hội thảo khoa học, một cán bộ cao cấp trình bày: Đưa vấn đề đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân vào Báo cáo chính trị của Đại hội X còn nhiều khó khăn lắm, một số cụ đảng viên lão thành đã viết thư lên Bộ Chính trị không đồng tình với chính sách mới này. Cuộc sống có những cụ lão thành cách mạng chân thành nghĩ như vậy – đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được, phải kiên trì lý giải… Nhưng đồng thời cũng phải nhận rằng lâu nay cứ thông tin tuyên truyền một chiều mãi thì việc phải trả giá cho những chuyện như thế này là không tránh khỏi – một thể loại của câu chuyện “gạy ông đập lưng ông!” hoặc “gieo gì gặt nấy!”

Sâu chuỗi trong một mối liên quan hữu cơ kinh tế – văn hóa – chính trị - xã hội, sẽ thấy mọi điều cần phải thấy, sẽ phải tự rút ra những kết luận cần rút ra. Sâu chuỗi lại như thế, có lẽ sẽ thấy “hiểm họa đen” có khả năng như thế nào trong lũng đoạn cuộc sống đất nước trên mọi phương diện. Ai có thể vô cảm, ai có thể không đau lòng? Sâu chuỗi lại như thế, tôi chắc sẽ thấy rõ kẻ thù chủ yếu của Đảng ta, của dân tộc ta ở đâu.

Nói thêm về hệ thống giáo dục, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội: Cho đến nay chúng ta mới dành mọi quan tâm lo lắng cho cải cách hệ thống giáo dục các cấp, các loại hình. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên dành sự quan tâm như thế hoặc hơn thế cho hệ thống giáo dục, đào tạo của các trường Đảng, bởi lẽ ai cũng biết vai trò hệ thống các trường Đảng quan trọng như thế nào trong hệ thống chính trị của nước ta.

Tôi không phải là người nghiên cứu các vấn đề lý luận, song những gì lúc này lúc khác tôi lỗ mỗ đọc được trên sách báo nước ngoài, tôi nảy ra kiến nghị: Xin hãy đem giáo trình giảng dạy ở các cấp trong hệ thống các trường Đảng đối chiếu với cuộc sống, so sánh với những đòi hỏi, những vấn đề, những thách thức cuộc sống và sự nghiệp phát triển của đất nước đang đặt ra!

Để dẫn chứng, tôi đã nêu suy nghĩ của tôi về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, với nhận xét: học tập như thế là học không đúng hoặc hoặc học sai, hiểu sai, làm sai tư tưởng Hồ Chí Minh! Còn nói về học tập học thuyết Marx (nói theo ngôn ngữ chính thống của trường Đảng thì phải nói là học tập chủ nghĩa Marx – Lénine) thì xin Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hãy so sánh các sách, các giáo trình của Học viện viết ra với những công trình nghiên cứu trên thế giới từ hơn một nửa thế kỷ nay, để biết học thuyết Marx được khai thác, được phát triển thêm như thế nào – tôi xin miễn bàn đến những công trình nghiên cứu chỉ nhằm chằm chằm vào mục đích duy nhất là phản bác và chống lại học thuyết Marx.

Hầu như không có học thuyết nào trên thế giới đứng im một chỗ cả. Tất cả đều ở trong trạng thái: có cái phát triển lên, có cái phải thay đổi, có cái bị tiêu vong… Ví dụ như trong thế giới macro của không gian vũ trụ thì những quan điểm của Einstein đã vượt qua Newton, mặc dù các định luật Newton vẫn đúng ở phạm vi thế giới thông thường. Trong sự phát triển ngày nay của kinh tế tri thức, trong thế giới của công nghệ thông tin, trong thế giới của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, thế giới thuộc mọi chiều cạnh khác nhau đang tương tác vô cùng phức tạp với nhau, đang đặt ra cho nhận thức và tư duy của con người nhiều vấn đề trước đây chúng ta chưa biết đến. Học thuyết Neo-Darwin đã vượt qua học thuyết Darwin ở chỗ khám phá ra những khả năng mới của thích nghi (adaptation), đào thải và phát triển thông qua sự vận động muôn hình muôn dạng của khả năng thích nghi, khả năng hợp trội…

Có hiểu những phê phán của Trần Đức Thảo về hiện tượng thông tục hóa học thuyết Marx (nghĩa là hiểu học thuyết Marx một cách thô thiển và phiến diện), có hiểu những quan điểm khác với Marx hay chống Marx của Jean-Paul Sartre thì mới hiểu rõ thêm học thuyết Marx…

Tư duy triết học trên thế giới - dù là đang rất lạc hậu so với cuộc sống đang diễn ra, nhưng hình như cũng đã tiến rất xa so với những gì chúng ta đã viết lên được trong các giáo trình và sách giáo khoa ở các trường Đảng. Trong kinh tế, hiển nhiên kinh tế tri thức - dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu như hiện nay - đã đảo lộn không ít quan niệm kinh điển, quy luật kinh điển, ví dụ như quy luật tỷ lệ lãi cận biên giảm dần đang bị thay thế bới quy luật tỷ lệ lãi cận biên tăng lên, tri thức là nguồn tài nguyên càng sử dụng càng không bị mất đi mà lại được gia tăng thêm, bên cạnh trò chơi “zero sum game” còn xuất hiện “win – win game”…

Quản lý kinh tế, quản lý xã hội thời kinh tế tri thức và thời hội nhập toàn cầu hoàn toàn khác so với các thời trước… Có rất nhiều ví dụ như thế.

Làm thế nào khắc phục bệnh “đảng hóa” để nâng cao khả lãnh đạo của Đảng với tư cách là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, để cải cách và hoàn thiện hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước cho mục đích xây dựng và bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế thắng lợi? Làm thế nào cung cấp cho hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước những cán bộ đảng viên ưu tú có phẩm chất và năng lực xứng đáng với những đòi hỏi của nhiệm vụ mới, làm thế nào để nâng cao hơn nữa chủ nghĩa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc để nắm bắt lấy thời cơ ngàn năm có một đang đến với đất nước…

Tất cả những nhiệm vụ nặng nề này đặt lên vai hệ thống trường Đảng, trước hết là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Vì những lẽ như vậy, hệ thống trường Đảng đang đứng trước trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, nhất thiết phải đổi mới. Kết thúc điểm này tôi chỉ xin nói một câu: Tự do của mỗi người là điều kiện tự do của mọi người! Xin mỗi người cộng sản hãy khai thác những thành quả mới của văn minh nhân loại, để trung thành tuyệt đối, để xả thân hết mình, làm cho lý tưởng này của Marx dẫn dắt cuộc sống của chúng ta.

Kết thúc phần trình bày suy nghĩ của mình, tôi xin thưa: Vì muốn Đảng và dân tộc ta nắm bắt lấy thời cơ vàng, tôi đã cố gắng vượt qua cái bóng của chính mình, mạnh dạn nói lên những yếu kém của Đảng, của đất nước liên quan đến vấn đề người tài ở mọi chiều cạnh, để tất cả cùng nhau làm mọi việc quyết không cho vuột mất thời cơ vàng!

Để hiểu kỹ hơn nữa thế nào là dân chủ, phải quay lại học người thầy vĩ đại của chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. TrongTuyên Ngôn Độc Lập, trong Hiến pháp 1946, trong Di chúc, trong nhiều trước tác khác của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một câu nói vô cùng đơn giản: “Dân chủ có nghĩa là để cho người dân được mở mồm ra nói!”.

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thời cơ vàng của Đảng ta

    04/11/2010Nguyễn Trung"Thời cơ vàng đang đến của dân tộc, vì vậy cũng chính là thời cơ vàng của Đảng ta! Hoặc là… Hay sẽ là…".
  • Những yếu kém cần phải thay đổi trong hệ thống

    12/02/2006Nguyễn Trung"Tha hóa và bất cập trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước có nguyên nhân nằm trong hệ thống, khắc phục những yếu kém này nhất thiết phải khắc phục những yếu kém của hệ thống".