Bệnh thờ ơ

08:58 CH @ Thứ Hai - 01 Tháng Tám, 2005

7h30 sáng, ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Giải Phóng đông nghẹt người, mù mịt khói bụi. Người đàn ông trong bộ quần áo bộ đội cũ kỹ, chiếc mũ cối trên đầu nát bấy như những đường hằn dọc - ngang trên khuôn mặt len lỏi giữa dòng người chật như nêm.

Cháu xin các bác ở phố ạ. Con trai cháu bị tai nạn nằm bệnh viện ạ. Cháu xin các bác cho cháu vài hào mua suất cơm trưa cho con trai cháu ạ!” - Cứ thế, với ngữ điệu khẩn cầu kiên nhẫn, người đàn ông một mình chống chọi với những âm thanh rùng rùng quanh mình.

Những ánh mắt tò mò dừng lại, những bánh xe vô cảm cứ tiếp tục vòng quay. Một vài người tranh thủ lúc chờ đèn xanh quay sang nhau “chia sẻ” kinh nghiệm: “Lại Cầu Diễn đấy mà, thu được cả đống bạc về quê xây nhà chứ chả chơi!

Két, rầm… Một người đàn ông ngã sõng soài giữa lòng đường. “Khiếp quá, lại tai nạn!” - người ta quay ra kháo nhau rồi… thản nhiên tiếp tục hành trình. Những người hiếu kì bỏ cả cửa hàng “nhiệt tình” băng qua đường xúm lại xem.

5 phút, 10 phút, người đàn ông vẫn nằm bất động trước những lời xì xầm bàn tán, những cánh tay chỉ trỏ. “Chết chưa? Chắc chết rồi, nằm im thin thít thế cơ mà!

15 phút sau, anh công an phải vất vả lắm mới chen được tới chỗ người gặp nạn. Một tiếng rên khe khẽ, ngón tay người đàn ông động đậy, anh công an tá hoả: “Trời ơi, bao nhiêu người thế này mà không ai gọi dùm xe cấp cứu, bằng giết người ta đây này!”. Những ánh mắt nhìn nhau, một chút hối hận, một chút ái ngại và cả những cái liếc xéo sắc lẹm “rõ khéo chuyện”.

Bà cụ ngồi bất động bên máy con búp bê len nhỏ thó. Không mời chào, không nài xin, ngày nào cũng vậy, cụ cứ ngồi như thế bên cạnh gốc cây cổ thụ gần trụ sở ngân hàng ANZ, lặng lẽ nhìn người qua đường.

Khách nước ngoài tò mò dừng lại, có người nhấc mấy con búp bê len ngắm nghía, tỏ ý thích thú, bỏ chút tiền vào chiếc cơi trầu rồi đi tiếp. Người “ta” thì khác hơn, chỉ ngoái lại nhìn và tiếp tục hành trình với bao nhiêu lo toan phía trước.

“Hậu” vô cảm

Một người ăn xin trên phố, một người lạ gặp nạn giữa đường - chuyện chẳng có gì mới, thậm chí ai cũng đã hơn một lần chứng kiến và… phẩy tay ném vào quên lãng. Nhưng, có một người tò mò với quyết tâm âm thầm bám theo người đàn ông ăn xin, để tê tái chứng kiến cảnh một người bố ngồi nhằn lại đống cùi dưa hấu, rồi tất tả xách cặp lồng cơm đạm bạc tới buồng bệnh cho con trai.

Con ăn cơm đi, bố tranh thủ ăn ngoài hàng rồi!

Bố lại nhường con rồi, thôi bố con mình ăn chung vậy, con cũng không đói lắm!

Vớ vẩn, bố không ăn làm sao có sức chăm con, ăn đi con, ăn đi cho nóng! Yên tâm, bố vừa được lĩnh trợ cấp thương binh rồi.

Người con trai cụp mắt giấu những giọt nước mắt đã ngân ngấn, miếng cơm nuốt hình như càng thêm khó nhọc…

Quán bên đường chiều muộn, chị bán hàng le te thông báo một tin sốt dẻo: “Nghe nói, cái ông sáng nay bị tai nạn “đi” rồi. Bác sĩ bảo, giá được cấp cứu sớm hơn thì không đến nỗi!” Những “người hiếu kì” tảng lờ như không nghe thấy…

Gốc cây cổ thụ trên khúc quanh đẹp nhất Hà Nội sáng nay vắng hoe hoắt. Không thấy bóng dáng quen thuộc của bà cụ. Mấy chị bán thuốc lá mẹt kháo nhau: “Cụ bán búp bê len vừa “tịch” hôm kia. Mấy hôm trước cụ ấy vẫn ngồi đây nhưng không thấy bày búp bê ra. Tôi cũng đoán là cụ “giở chứng chết”, thế mà trúng phóc!

Một giọng bình phẩm khác ra chiều còn “hình sự” hơn tiếp chuyện: “Lúc cụ ấy chết, mới toé toè loe ra con cái cũng đông đúc và phương trưởng lắm. Quàn tại Phùng Hưng cơ đấy, bao nhiêu ôtô con đến viếng!

Vẫn còn những tấm lòng…

Trên con đường Hoàng Quốc Việt nườm nượp người xe, một cậu bé chừng 14-15 tuổi nằm thõng thượt giữa lòng đường, máu tươi ri rỉ chảy ra từ miệng. Dòng xe cộ đang thẳng tắp bỗng chốc cong đồ thị hình sin nhưng vẫn tiếp tục chuyển động.

Không ai có ý định dừng lại, hay tại dòng người liên tục trong vòng quay hối hả không cho phép ai đó dừng lại? Thế mà, có một phụ nữ với cái bụng bầu vượt mặt đã dừng lại. Chị áp sát chiếc Spacy sang trọng (mà theo lẽ thường thì để đâu cũng phải nhìn trước ngó sau vì sợ… xước) vào lề đường, hối hả đặt tay lên ngực cậu bé, miệng không ngớt: “Cấp cứu, cấp cứu các bác ơi!

Cảnh tượng “lạ thường” ấy hình như đã lay động được những trái tim vô cảm. Nhiều người dừng lại, nhiều điện thoại được móc ra. Xe cấp cứu đến, rồi cảnh sát 113 cũng đến. “Chị bụng bầu” sau khi tường trình sự việc với lực lượng 113 còn dặn với theo: “Các anh tìm hiểu xem nhà cậu ấy ở đâu giúp em nhé!

Thế chị không phải là người thân sao?” - một cảnh sát ngạc nhiên hỏi và ngạc nhiên hơn khi nhận được câu trả lời nhẹ tênh: “Dạ không, em chỉ là người đi qua đường thôi!” Rất nhiều “người đi đường khác” chợt sững nhìn nhau, có lẽ họ giật mình…

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: