“Bê tráp theo thầy” và làm khoa học “dỏm”!

12:27 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Xưa nay, chuyện học trò tự hào vì được theo học thầy giỏi, thầy tự hào vì đào tạo được học trò tài cao cũng là chuyện thường tình. Nhưng dẫu sao thì không phải học trò yêu nào cũng được thầy trao cho “ấn tín” để có thể nối nghiệp.

Những trường hợp như thế thường xảy ra với những ông thầy vốn là người có thực tài, là người khởi xướng một trường phái học thuật, là người nung nấu một (nhiều) ý tưởng khoa học nhưng quỹ thời gian ngắn ngủi của cuộc đời không cho phép họ hoàn thành, hoặc ít ra cũng là một học giả uyên thâm... Tương tự như vậy, học trò phải là người có tư chất trí thức, yêu nghề, hiểu thầy, dám xả thân cho sự nghiệp thầy hằng theo đuổi...

Hơn nửa thế kỷ qua ở Việt Nam, học trò của GS Cao Xuân Huy như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Hồng Phong; học trò của GS Trần Đình Hượu như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn, rồi học trò của GS Đặng Thai Mai, GS Nguyễn Từ Chi... quả đã không làm hổ danh những người thầy của họ. Từ sự tin cậy gửi gắm của thầy, từ sự nỗ lực của chính bản thân mình, họ đã đạt được không ít thành tựu đáng để đồng nghiệp nể trọng. Không có điều kiện quan sát thời họ theo thầy học hành, song tôi tin họ không phải là những đệ tử “bê tráp theo thầy” kiếm chút thơm lây, cầu danh cầu lợi, như không ít vị “tiến sĩ, thạc sĩ tương lai” mà tôi đã gặp.

Thời còn cặm cụi học hành mong kiếm được chiếc bằng cử nhân, tôi thật sự ngưỡng mộ những anh chàng được thầy ưu ái cưng chiều, được thầy cho xách cặp tháp tùng đi đây đi đó. Liên tưởng tới những học trò tài danh của Khổng Tử, Platon..., tôi càng ngưỡng mộ. Mỗi lần thấy họ khoa chân múa tay trò chuyện bình đẳng với thầy, tôi không khỏi chạnh lòng tủi thân vì sự kém cỏi của mình đã không đủ sức làm cho thầy để mắt.

Một lần, tới dự buổi thuyết trình của một giáo sư nổi tiếng tổ chức tại Viện Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam, tôi may mắn được ngồi cạnh một anh mà trước giờ lên lớp vị giáo sư giới thiệu là một “nghiên cứu sinh nhiều triển vọng”. Thấy anh chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời, thi thoảng lại ậm ừ hoặc ầm ĩ thốt lên đôi ba hư từ hàm chứa tinh thần thán phục rồi hí húi ghi chép, tôi đâm ngại không dám thì thào bắt chuyện làm quen. Rồi do muốn học hỏi phương pháp học tập, tôi ghé mắt nhìn sang thì thấy trang vở của anh loằng ngoằng những nét dọc nét ngang giống đồ hình một mê lộ. Tôi cố đoán xem đó là cái gì mà không đoán ra, đành tự giải thích: người tài năng có cách thức ghi chép riêng, người bình thường không thể theo được. Tới giờ giải lao, anh mới dành cho tôi chút ít thời gian, không phải để làm quen mà để giảng giải cho tôi đôi điều sâu sắc. Tôi chỉ biết tròn mắt “kính nhi viễn chi”, lòng càng củng cố niềm tin về trí tuệ hơn người của những tài năng lớn.

Năm tháng qua đi, tôi còn vinh dự được nghe vị giáo sư này giảng bài thêm vài lần nữa. Không kể mỗi lần giảng là một lần “bổn cũ soạn lại”, chỉ kể tới những “tài năng trẻ” được ông giới thiệu, tôi cũng đã được tiếp xúc với năm bảy vị. Song tiếc thay, theo dõi vài chục năm nay, tôi vẫn chưa thấy họ “phát tiết tinh hoa” như ông thầy của họ quảng bá!

Như một sự trùng hợp, những anh chàng xăng xái “bê tráp theo thầy” bao giờ cũng áo quần bảnh bao, tóc râu nhẵn nhụi, và luôn sẵn sàng nổ máy mô tô, móc điện thoại di động gọi taxi để cùng thầy vi vu. Săn đón bên thầy, họ luôn cố gắng chứng tỏ mình là người gần gũi, thân thiết.

Mà kể cũng lạ, nhiều ông thầy coi cái sự quan tâm chăm sóc này như một trách nhiệm hiển nhiên. Nghĩa là ông thầy không nỡ lòng từ chối tấm lòng hiếu thảo của các học trò. Sau mấy năm sôi kinh nấu sử, nghiền ngẫm tư duy, luận án hoàn thành, phần lớn các tiến sĩ, thạc sĩ tân khoa liền ca bài goodbye, chuyển giao sứ mạng chăm sóc ông thầy cho một học trò khác đặng giúp cho quá trình bảo dưỡng khỏi bị đứt đoạn.

Tuy nhiên, khi thấy ông thầy bị người ta phê phán thì có vị cũng muốn chứng tỏ lòng thành hăng hái ra trò. Năm 2002, để chứng minh cuốn sách của thầy là một cống hiến cho khoa học nước nhà, ông thạc sĩ HM đưa ra một tuyên bố xanh rờn rằng có thể đọc “nó” - cuốn sách, bằng nhiều cách khác nhau. Than ôi! đưa ra tuyên bố này ông HM đã bộc lộ một sự non kém không xứng đáng với tầm cỡ một thạc sĩ, đó là: người ta chỉ có thể đọc một tác phẩm văn học với nhiều cách khác nhau, chứ với một công trình khoa học thì chỉ có một cách đọc và đó cũng là một trong những sự khác nhau cơ bản giữa đánh giá một tác phẩm văn chương với đánh giá một công trình khoa học!

Đối với những tiến sĩ, thạc sĩ kiểu này, thường thì sự nghiệp khoa học của họ chỉ dừng lại ở chính cái luận án mà chỉ có cao thủ về “toán tập mờ” may ra mới có khả năng phân định đâu là kết quả nghiên cứu của tác giả, đâu là kết quả nghiên cứu của... người ta. Chẳng thế mà mấy năm trước đọc luận án về văn hoá của ông HXL, tôi ngớ người vì thấy tác giả “thuổng” nguyên văn mấy trang từ một bài tiểu luận tôi đã đăng. Nghe tôi phàn nàn, ông bạn của vị thạc sĩ không tin, liền hỏi: “Tại sao ông lại bảo người ta lấy của ông?”, tôi trả lời: “Văn tôi mùi thum thủm, ngửi là thấy ngay”!

Trong văn chương, câu chuyện cũng không kém phần lý thú nếu xem xét tính “đa hiệu quả” của một số tác phẩm lý luận - phê bình. Nhìn từ góc độ văn học, một công trình lý luận - phê bình khi được in thành sách là có đủ tư cách tác phẩm và người ta có thể nuôi khát vọng hướng nó tới một giải thưởng văn chương. Nhìn từ góc độ khoa học, vẫn công trình ấy lại có đủ tư cách xếp vào chủng loại sản phẩm thuộc khoa học xã hội và nhân văn. Nên mới có chuyện khôi hài là chỉ một công trình nhưng lại có thể nhận hai giải thưởng thuộc hai lĩnh vực khác nhau!

Nên khi một vài ông thầy với một vài cuốn sách cũng có thể xơi liền hai giải thưởng cỡ quốc gia, thì đôi ba học trò cũng nhanh chóng tận dụng ưu thế để trở thành nhà lý luận - phê bình, bằng cách: bê luận án ra in thành một cuốn sách và nghiễm nhiên đủ tiêu chuẩn nộp đơn xin vào Hội Nhà văn. Lợi cả đôi đường. Thế là bản luận án còn có khả năng biến một vị mới hôm nào còn “bê tráp theo thầy” bỗng trở thành một “học giả” vừa có học vị cao, vừa là nhà lý luận - phê bình chuyên làm sách sưu tầm, tuyển chọn, hoặc xuân thu nhị kỳ viết một bài đọc sách!

Hơn thế nữa, bên hiện tượng số luận án văn học thật sự có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là khá nhiều luận án xếp loại xuất sắc nhưng không một tiếng vang, tôi còn thấy một tỷ lệ không nhỏ số luận án tập trung nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 (chủ yếu là các tác giả Thơ mới, cùng các cụ Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao...) và hầu như không đưa ra được kiến giải gì mới mẻ. Có vị như không thoát khỏi cái bóng của Hoài Thanh, cứ nghiên cứu Nguyễn Bính là chú mục vào hai chữ “chân quê”, cứ nghiên cứu Xuân Diệu là tán tụng “say đắm, tha thiết, nồng nàn”...

Dường như người ta tìm thấy hứng thú trong khi cố gắng cày thêm một đường cày trên cái cánh đồng đã được cày bừa tan nát! Phải chăng đây là cách thức để không phải tốn công khám phá, phát hiện và cũng là cách thức để dễ bề “huy động” kết quả nghiên cứu của các bạn nghề? Phải chăng đây cũng là lý do tạo ra nghịch lý: “khoa bảng văn chương” thì nhiều nhưng thành tựu khoa học thì ít?

Xét cho cùng, nguồn cơn của tình trạng làm khoa học “nửa mùa” không hoàn toàn là lỗi của nghiên cứu sinh. Các ông thầy (không rõ là “cây đại thụ” hay “cây lưu niên”?) cũng có lỗi phần nào nếu không nói là lỗi lớn nhất. Thầy có thực tài và làm việc nghiêm cẩn thì làm sao học trò có thể qua mặt để “úm ba la”.

Như câu chuyện giáo sư QV cùng mấy “đệ tử” cho ra một cuốn giáo trình về văn hoá Việt Nam để giảng dạy trong các trường đại học chẳng hạn. Sau khi ông giáo sư cho ra mắt giáo trình rồi rầm rộ tập huấn ngoài Bắc trong Nam thì người ta phát hiện ra một hai “đệ tử” của vị giáo sư đã viết lách linh tinh và “đạo văn” vô tội vạ. Mà các vị này lại toàn là những tiến sĩ, thạc sĩ mới quả là gay go. Cực chẳng đã, thầy trò bảo nhau tu bổ lại cuốn giáo trình, sửa sang những chỗ đã trót “cầm nhầm”, thêm vài lời cảm ơn những người phê phán và nhanh chóng tái bản. Bằng động thái này, thầy trò vị giáo sư đã làm được hai việc: một là lờ tịt số phận trôi nổi của 1.000 cuốn giáo trình “đạo văn” đáng lẽ phải bị thu hồi, hai là học hàm học vị không bị sứt mẻ chút nào lại được thêm tiếng thơm là người cầu thị. Khôn thật!

Từ sự kiện này tôi đặt ra câu hỏi: viết có mấy chương giáo trình còn phải đi “đạo văn” thì liệu cái luận án tiến sĩ, thạc sĩ của mấy “đệ tử” có cùng chung cảnh ngộ hay không? Nhưng hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ câu trả lời có lẽ chỉ ông trời mới biết!

Đọc công trình, tiếp xúc với luận điểm, nghe bài giảng của một số ông thầy, đôi lúc tôi thích làm khổ mình bằng câu tự vấn “những thành tựu đó liệu có khả năng sống được với thời gian?”, chỉ vì lẽ tính phát hiện của chúng quá mờ nhạt. Đó là chưa nói việc tôi còn được thưởng thức những phát kiến có khả năng biến khoa học thành sàn diễn “đời cười”.

Không biết các ông giáo sư, tiến sĩ mà tôi dẫn lại dưới đây đã tham gia đào tạo nghiên cứu sinh nào chưa, nếu có thì thật lòng tôi rất nghi ngờ kết quả đào tạo của các ông. Chẳng là vài năm trước, ông tiến sĩ Triết học VT - Chủ nhiệm Khoa Triết của một trường đại học đã viết trên một tạp chí: “Đầu Công nguyên, tầng lớp thượng lưu, quan lại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Nho gia với việc tu thân để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nếu tiến thì vi quan, còn thoái thì vi sư”. Tiến sĩ VT quả là đã có một nhận định động trời: vào thời Bà Trưng, Bà Triệu chưa cất tiếng khóc chào đời mà nước Nam ta đã có “tầng lớp thượng lưu, quan lại”, không những thế, họ còn “chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Nho gia”! Chỉ riêng với phát hiện này, theo tôi chí ít ông tiến sĩ VT cũng xứng đáng được trao giải “Mâm xôi Vàng”.

Nghiên cứu thì như thế, còn tri thức thì ra sao, xin kể câu chuyện về PGS TS Triết học HQ - người được học trò chơi chữ gọi là “PGS thất học” vì ông giảng dạy hẳn bảy bộ môn khoa học khác nhau! Lên lớp cho nghiên cứu sinh về Kitô giáo, thấy ông nhiều lần nhắc tới tín điều “tam vị nhất thê”, học trò hơi bị lạ tai liền đề nghị ông cho biết “tam vị nhất thê” là cái món gì. Ông tỉnh queo giải thích: “Tam vị là ba người gồm Đức chúa cha, Đức chúa con và Thánh thần, nhất thê là chỉ bà Maria. Tam vị nhất thê tức là ba ông lấy chung một vợ”. Người học khiếp quá, nhưng cũng chỉ biết nhấn chìm trận cười vào trong bao tử. Dù sao thì cũng phải nghĩ tới kỳ thi hết môn nữa chứ!

Nghe tôi bàn luận về tình trạng làm khoa học “nửa mùa” của một số ông thầy và một số tiến sĩ, thạc sĩ đương thời, sau khi đồng cảm chia sẻ một anh bạn tôi lại dịu dàng khuyên nhủ: “Thời nào mà chẳng có học thật học giả, ông để ý làm gì!”. Nghe anh nói tôi cũng thấy xuôi xuôi. Nhưng vẫn cứ băn khoăn: trong số hàng vạn ông bà có học vị trên đại học kia liệu có bao nhiêu người thật sự có tài năng, có tâm huyết, và liệu có bao nhiêu người đang tồn tại một cách “hữu danh vô thực” trên chính cái mảnh đất khoa học đã khai sinh ra họ.

Ngày nay, khi tri thức đang trở thành một bộ phận của lực lượng sản xuất xã hội thì nó cần tới sự học hành và đào tạo nghiêm chỉnh. Nó không dung nạp những trí thức “nửa mùa” mà sự tồn tại chỉ gắn liền với bằng cấp, không gắn liền với năng lực. Chính vì thế, lẽ nào một xã hội muốn phát triển lại không cần nghiêm khắc với vấn đề nói trên?

Nguồn:VietnamNet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: