Nguyễn Trọng Tạo - một đời 'phóng túng, lang bang'

07:49 CH @ Thứ Ba - 08 Tháng Giêng, 2019

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở tuổi 72 đã qua đời lúc 19h50 ngày 7/1/2019 tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Ông sinh ngày 25/8/1947, là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn Nghệ (2003-2004) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.
Xin vĩnh biệt Ông - một nghệ sĩ tài hoa, và cầu nguyện linh hồn Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng trong muôn vàn thương tiếc của những người ở lại.

Tác giả "Khúc hát sông quê" sống phiêu lãng, tự do tự tại, làm việc và cống hiến hết mình đến cuối đời...

Trước đó một tuần, nhạc sĩ hôn mê sâu. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhiều người thân với ông như nhà văn Ngô Thảo, nhạc sĩ Giáng Son... không khỏi bàng hoàng khi hay tin. Sinh thời, ông được đồng nghiệp, bạn bè yêu quý bởi tính cách hào sảng, hài hước, tốt bụng.

Nhà văn Ngô Thảo kể ông quen biết Nguyễn Trọng Tạo từ năm 1972, khi hai người cùng khoác áo lính. "Tổng thống thứ 21 của Pháp - ông Francois Mitterrand từng nói: 'Phóng túng và lang bang là phẩm chất của người nghệ sĩ'. Nguyễn Trọng Tạo có cả hai tính cách ấy", Ngô Thảo nhận xét về người bạn thân thiết. Khi còn sống, ông yêu tự do, thích đi du lịch, kết giao, gặp gỡ bạn bè.

Tùng Dương - người thể hiện thành công ca khúc Cỏ và mưa phổ từ thơ Nguyễn Trọng Tạo - kể anh quen biết ông từ nhỏ, do ông kết giao với bố anh. Thế nhưng Tùng Dương không có nhiều dịp gặp gỡ ông vì nhạc sĩ "nay đây mai đó". "Thỉnh thoảng, tôi gọi điện cho chú, lúc thấy chú ở Tây Nguyên, vài hôm sau đã ở TP HCM, rồi dăm bữa ngược lên miền núi phía Bắc. Tôi cảm nhận con người nhạc sĩ tràn ngập chất 'phủi', phóng khoáng. Đó là trái tim thích lãng du", ca sĩ nhớ lại.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hồi tháng 7 năm ngoái.

Nguyễn Trọng Tạo là tâm điểm của mỗi cuộc gặp gỡ, cà kê của giới văn sĩ. Bạn bè nhận xét ông hóm hỉnh, ăn nói có duyên, không cầu kỳ, kiểu cách. "Bạn chí cốt của Nguyễn Trọng Tạo ở khắp tứ hải. Ai cũng mến tính cách giản dị, thuần phác của ông. Đi đến đâu, ông cũng tựa như một thỏi nam châm, hút lấy mọi người", nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ.

Nguyễn Trọng Tạo từng xây hẳn một căn nhà sàn ở bãi giữa sông Hồng để cùng bạn bè đàm đạo. Ông không nghiện rượu nhưng thích ngồi nhâm nhi với anh em. Từ những cuộc nhậu, nhiều tác phẩm của ông được bạn bè "đưa ra ánh sáng". Nhạc sĩ vốn không khoa trương, ông viết nhiều bài từ vài chục năm trước nhưng không chịu ra mắt. "Bạn nhậu" phải giục lên giục xuống, ông mới tính đến chuyện thu âm.

Trong mắt nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo tốt bụng, nhiệt tình, hào phóng: "Cậu ấy cũng rất tình cảm, quan tâm đến mọi người. Tạo coi gia đình bạn bè như người thân của mình". Không chỉ đối xử tốt với anh em cùng thời, nhạc sĩ được nhiều đàn em ngưỡng mộ. Nhà văn Ngô Thảo kể ông không ngại khó khăn, dành nhiều thời gian dìu dắt các nhà thơ trẻ, giúp họ chỉnh trang câu chữ, liên hệ nhà xuất bản, rồi thiết kế bìa, viết lời đề từ. Nguyễn Trọng Tạo làm tất cả những việc ấy từ tâm, không màng danh lợi. Ông cũng dành nhiều công sức, thời gian chấm thi, tham gia nhiều hoạt động ở các trường đại học vì muốn tiếp xúc với những tài năng chớm nở.


Bản nhạc "Khúc hát sông quê" - một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Vnguitar.

Clip Nguyễn Trọng Tạo hát bài "Khúc hát sông quê":

.
Tính tình hào sảng, phóng khoáng nhưng khi bắt tay vào công việc, ông nghiêm túc, khó tính.Nhà thơ Bình Nguyên Trang có dịp hợp tác với nhạc sĩ khi ông thực hiện liveshow Khúc hát sông quê hồi tháng 9/2017. "Nhiều người tưởng Nguyễn Trọng Tạo là người à uôm, xuề xoà, thực ra không phải. Động đến công việc, ông như biến thành người khác. Ông kỹ tính, cầu toàn, luôn muốn mọi việc chỉn chu, theo đúng ý mình. Khi ông quyết định điều gì, khó ai lay chuyển được", nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ.

.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Thụy Kha (phải).

Làm bạn với nhau hơn 40 năm, từng cùng làm Tạp chí Âm nhạc, Tạp chí Thơ, nhà thơ Thuỵ Kha và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo không tránh khỏi những lúc xích mích: "Thế nhưng Tạo chẳng bao giờ để bụng, giận hờn ai lâu. Trong công việc, cậu ấy quyết liệt, không dễ dàng thoả hiệp", Nguyễn Thụy Kha nói.

Ông cũng là người ôm đồm, đa mang. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn làm đủ thứ việc, từ biên tập, thiết kế bìa sách, dạy học, chấm thi âm nhạc, sáng tác thơ... Trước khi bị tai biến cuối năm 2017, hầu như đêm nào ông cũng thức đêm, thậm chí đến sáng để hoàn thành "tỷ thứ việc" như vậy. Sau cơn bạo bệnh, khi hồi phục, ông vẫn dành thời gian tập thể dục, làm thơ, soạn bài phê bình, viết nhạc. "Con người tôi là vậy. Sau khi lâm bệnh, nếu không đọc sách báo hoặc làm điều gì có ích, tôi sẽ thấy buồn và trống trải", ông tâm sự khi chuẩn bị liveshow ở quê nhà Nghệ An hồi năm ngoái.

Clip Trọng Tấn hát bài "Làng quan họ quê tôi":

.

Sống một mình nhiều năm nay trong căn chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, nhiều người nghĩ Nguyễn Trọng Tạo cô đơn lúc cuối đời. Thế nhưng ông hạnh phúc, hài lòng vì mình có được sự tự do. Trải qua hai lần đổ vỡ, tài sản lớn nhất ông giữ lại là ba người con hiểu chuyện, trưởng thành. Con gái lớn đã lập gia đình, sống ở tòa nhà cạnh bố nên thường xuyên thăm nom ông. Con trai thứ đã tốt nghiệp Tiến sĩ Kiến trúc ở Italy và đang làm việc ở Huế, con gái út học Tiến sĩ Kinh tế ở Italy. Cả ba đều coi bố là thần tượng nhưng không theo nghiệp ông vì sợ "con không bằng được cha". Nhà thơ Thuỵ Kha tiết lộ ngoài gia đình, bạn bè, không ít phụ nữ thầm thương trộm nhớ, ngưỡng mộ ông. Tuy nhiên, ông luôn ý tứ, chừng mực trong các mối quan hệ.

Nguyễn Thuỵ Kha hồi tưởng: "Khi Trọng Tạo còn sống, hai chúng tôi tâm đắc câu thơ của thi hào Nga - Boris Leonidovich Pasternak: 'Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng'. Vậy nên cậu ấy rong ruổi khắp nơi, kết giao với nhiều người, làm đủ việc mình thích. Tôi vẫn nói với bạn: 'Mày sống như thế là bằng ba cuộc đời của người khác rồi, chẳng có gì phải tiếc cả'. Bạn ra đi, tôi đau buồn nhưng không suy sụp, bi luỵ".

TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG

1.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến
Nhưng cái thời tôi sống
hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi, và súng

Anh yêu em anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con
Đất yêu người đất nhận làm lá chắn
Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường

Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!

2.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác
Xe đến công trường bay mù bụi cát
Màu hoa thường lấm bụi suốt mùa khô

Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ
Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch
Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc
Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình quanh cột mốc đêm đêm

Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tàu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…

Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình

Có bao người bạc bẽo với quê hương
Thả số phận bập bềnh vào biển tối
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

3.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo
Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới
Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn

Tôi sống thời không thể đứng quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao

Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu
Đập thuỷ điện sông Đà đang xây móng
Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sáng dòng tin ngắn:
“Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên”

Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên
Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố
Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ
Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui…

Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau
Những điệu múa ba-lê hồng hào thêm sân khấu
Cái mới đến ngỡ ngàng rồi nhập cuộc
Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình

Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

4.
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Sau cái bắt tay xoè một lưỡi da giao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...

Như con chiên sung đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thuỳ…

5.
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.

Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!...

(Nguyễn Trọng Tạo, Hà Nội, tháng 6.1981)

.

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

Có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

Có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

Có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

(Nguyễn Trọng Tạo, 1992)


Lễ nhập quan diễn ra lúc 8h30 ngày 9/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng diễn ra từ 12h đến 13h30 cùng ngày. Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội lúc 14h. Tro hài nhạc sĩ sẽ được đưa về quê ở Nghệ An sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm.

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ

    20/06/2018Đinh Quang TốnNhớ và quên là hai trạng thái tâm lý tình cảm bình thường của con người. Nhớ hay quên do rất nhiều yếu tố tự nhiên hợp thành, thường rất khó tác động. Không thể cố gắng mà nhớ, cũng không thể cố mà quên được, mà đôi khi còn ngược lại. Văn chương cổ kim Đông Tây đã biểu đạt hai trạng thái tình cảm này của con người rất sâu sắc...
  • Bài phát biểu của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhân dịp tôn vinh Danh nhân văn hóa Phạm Quỳnh

    03/04/2018Nhạc sĩ Phạm TuyênMột dấu hiệu chỉ rõ sự cởi mở hơn của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là ngoài những tác phẩm của Phạm Quỳnh được tái bản hoặc xuất bản lần đầu và những bài viết về ông đánh giá con người và sự nghiệp của ông công bằng hơn trước, còn có việc xuất hiện cả những sách viết về ông...
  • Vì sao các văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?

    25/05/2016Hữu Việt (thực hiện)Một tự vấn của nhà văn Văn Chinh về thái độ, tiếng nói của văn nghệ sĩ trước những vấn đề trọng đại của đất nước, tham gia vào diễn đàn ‘Vì sao “văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng”?’.
  • Người nghệ sĩ với biểu tượng Việt Nam

    06/05/2010Vũ Quang ViệtĐã đến lúc ta cần kêu gọi sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ như nhà tạo dáng Cát Tường trong thời hiện đại, làm sao lấy lại được cái vẻ đẹp đơn sơ, thanh thoát, duyên dáng của ngày xưa, không chỉ phản ánh ở cái thích của cá nhân người nghệ sĩ, mà cần tạo sự yêu thích giữa đông đảo quần chúng, đóng góp vào việc nâng tầm thẩm mỹ của người Việt nói chung.
  • Lê Phổ: nghệ sĩ bậc thầy trường phái hậu ấn tượng

    16/09/2009Lan Chi lược dịchLê Phổ sinh tại Hà Ðông trong gia đình thế tộc, cha là kinh lược xứ Bắc kỳ Lê Hoan. Tuổi thơ của ông không hạnh phúc, khi lên ba thì mồ côi mẹ, lên tám thì mồ côi cha. Sống với chị dâu và anh trai, ông luôn phải chịu trách nhiệm về mọi rắc rối do những đứa cháu gây ra. Bà Vaux cho biết: “Ông không kể với con cái về tuổi thơ của mình, ông trầm lặng và sống nội tâm. Ông không nhớ gì về cha mình ngoại trừ việc biết cha mình hút thuốc phiện”.
  • Vẻ đẹp người phụ nữ trong mắt các nghệ sĩ

    17/06/2009Chương trình triển lãm mỹ thuật, hội họa và thủ pháp nghệ thuật với chủ đề “Hòa quyện” đã nhận được sự ủng hộ và góp sức của những nghệ sĩ tên tuổi như: họa sĩ Nguyễn Thân, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Trần Huy Hoan, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Huỳnh Ngọc Dân, họa sĩ Văn Y, nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Thái Uyên…
  • “Siêu nghệ sĩ” hãy coi chừng!

    01/01/2008Nguyễn Quang AXưa kia đôi khi người ta đã dựng lại các sự kiện lịch sử để quay phim chụp ảnh. Nếu ghi rõ là dựng lại để mô tả sự kiện thì A còn có thể chấp nhận được nhưng nếu để cho hậu thế tưởng lầm là tư liệu lịch sử thì quả là tai họa.
  • Nhạc sĩ hay chủ nợ?

    07/01/2007Trí DũngNhững ồn ào quanh chuyện thu tiền "tuỳ tiện" của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cộng với sự sôi sục khi những "Công ước" về tác quyền ào vào Việt Nam đã đưa chuyện tác quyền thỉnh thoảng lại nóng lên trên mặt báo dù không tác động được bao nhiêu đến những nóng lạnh của đời sống ca nhạc. Tại sao chuyện rất văn minh như tác quyền âm nhạc lại chỉ đem lại tiếng xấu cho giới nhạc sĩ và không giành được sự ủng hộ của xã hội?
  • xem toàn bộ