Nguyễn Tư Giản: Bui một tấm lòng trung với nước

12:13 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Mười Hai, 2008

Nhân dân Thủ đô mừng vui tự hào đón thêm một tên phố mới, phố - Nguyễn Tư Giản, tôn vinh một tri thức lớn thế kỷ XIX ở nước ta, một danh nhân văn hóa đất Thăng Long.

Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) vốn tên là Nguyễn Văn Phú, quê làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, Nguyễn Tư Giản thi đỗ Hoàng giáp (tiến sỹ) khoa Giáp Thìn nằm Triệu Trị thứ tư (1844), năm ông mới 21 tuổi.

Đem tài năng ra giúp nước từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Tư Giản từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ 7 đời vua triều Nguyễn. Thoạt đầu, ông được bổ chức Quang Lộc tự khanh, đến năm 1857, với bản "Phương lược trị thủy Nhị hà" gồm 9 điều ông được vua Tự Đức đánh giá cao bổ chức Hiệp lý Đê chính sự vụ. Tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp cho chiến hạm đánh chiếm vùng biển Đà Nẵng, Sơn Trà, đưa quân vào Sài Gòn. Đến mùa hè 1859, quân Pháp chuẩn bị chiếm Kinh thành Huế khiến vua Tự Đức và triều thần hết sức lo lắng. Có hai luồng ý kiến: Một phái chủ trương thế thủ, nghị hòa để thủ, chống giữ lâu dài, một phái chủ trương quyết đánh không nghị hòa với Pháp. Tháng 7 năm 1859, Nguyễn Tư Giản từ Bắc dâng vua Tự Đức bản “Mật sớ” “ Thiết tha không hòa với Tây Dương...” với lời văn khúc triết, cương trực, một lòng vì nước, vì dân. Vua đưa tờ sớ hỏi ý Viện cơ mật, phái nghị hòa cực lực phản đối cho là Nguyễn Tư Giản xúc phạm ý tốt của họ. Tuy nhiên, vua Tự Đức vẫn công nhận ý kiến của Nguyễn Tư Giản là “chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ lòng yêu nước".

Thời gian giữ chức “Chuyên biện quân nhu” lo việc phục dịch chiến sự dẹp giặc ở vùng biển Quảng Yên, ông vẫn kiêm nhiệm việc đê điều: Năm 1866, Nguyễn Tư Giản được vua điều về kinh tiếp tục công việc tu soạn ở Viện Hàn Lâm, được vua khen, thăng một lần hai bậc từ tùng lục phẩm lên chính ngũ phẩm, thưởng hàm Hàn Lâm viện thị độc. Hai năm sau, Nguyễn Tư Giản được thăng Hồng Lô tự thiếu khanh làm Biện lý bộ Hộ.

Tháng 6-1868 (Mậu Thìn), ông được vua chọn đi sứ nước Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm phó sứ. Mọi biểu sớ, giấy tờ quan hệ đều do ông thảo.
Sau 2 năm đi sứ về, Nguyễn Tư Giản được trao ghế Thượng thư bộ Lại của cụ Nguyễn Tri Phương và vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 27 (1874) vua chuẩn cho Nguyễn Tư Giản thăng Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện, kiêm lãnh việc trông coi Quốc Tử Giám, kiêm coi luôn bộ Lễ thay Lê Bá Thận.

Đến tháng 10, Nguyễn Tư Giản được cử kiêm sung Nha Thương bạc để lo việc tiếp xúc với các đại diện Pháp. Có thể vì thấy phải giữ quá nhiều chức và công việc ngoại giao với Pháp lúc đó rất lắt léo, ông dâng sớ từ chối nhiệm vụ ở Nha Thương bạc, nhưng vua Tự Đức hết sức tin cẩn Nguyễn Tư Giản nên vẫn giữ ý kiến, chỉ cho ông "được trả Viện Cơ mật đại thần"...

Những năm cuối đời vua Tự Đức, Nguyễn Tư Giản tiếp tục làm việc ở Viện Hàn Lâm. Sau biến cố thất thủ kinh đô (7-1885), Nguyễn Tư Giản qua giữ chức thị lang bộ Hộ. Có lẽ, lúc đó Nguyễn Tư Giản không chịu nổi việc vua Đồng Khánh đưa nhiều việt gian vào triều nên ông giả ốm xin về nghỉ. Để lấy lòng nhân sĩ Bắc Hà, tháng 8 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), ông vua tay sai thực dân Pháp này chuẩn cho Nguyễn Tư Giản “Thăng thụ tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên”, cái chức đặc ân trong xứ thuộc địa Bắc Kỳ rất to nhưng không mua chuộc được Nguyễn Tư Giản. Vì thế chỉ một năm sau (1887) Nguyễn Tư Giản “có việc bị can, phải triệt về nha kinh lược xét". Sử không cho biết rõ ông bị can vì tội gì, nhưng qua những quan chức bị can khác dưới triều Đồng Khánh chỉ có một tội phải triệt là tội tiếp tay cho các phong trào chống Pháp và chống triều đình tay sai Pháp Đồng Khánh mà thôi.

Là một người học rộng, tài cao, một đại thần nòng cốt của triều Nguyễn, khi chế độ quân chủ Việt Nam sang đời Thiệu Trị bắt đầu suy thoái, ông luôn trăn trở trước những vấn đề trọng đại của đất nước đặt ra cho thế hệ mình. Ông đã cùng một số đình thần xin vua Tự Đức mở những buổi thuyết giảng gọi là "kinh diên", tức chiếu giảng riêng dành cho nhà vua trên danh nghĩa, bởi theo ông: “... việc đặt ra chiếu giảng ý nghĩa thật không nhỏ... bồi dưỡng đức độ cho nhà vua, hiểu được nỗi sâu kín trong lòng dân, cứu xét những đắc thất trong việc trị nước...”. Qua thảo luận mà thấy chỗ dị đồng, từ hỏi han mà nắm được điều cốt yếu..."

Là một trí thức lớn, ông không khuôn suy nghĩ của mình vào những chuyện thường tình, mà dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Trong bài ứng chế viết cho Tự Đức năm 1853, ông nêu lên 6 cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi: "Nay, trong thì các nha thuộc sáu bộ, ngoài thì tỉnh, phủ, châu, huyện, cho đến dinh, vệ, bảo, suất, số viên chức lên tới hàng vạn, bệ hạ có chắc họ đều trong sạch cả không? Lương cấp cho họ liệu có đủ để trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì nuôi nấng vợ con không?... Với cảnh lương bổng ít ỏi như hiện nay mà ngày nào cũng yêu cầu quan lại phải thanh liêm, thì khác nào ngựa nuôi trong chuồng, rơm cỏ không cho ăn đủ mà đòi trở thành thiên lý mã... Trong khi đói rét bức bách, triều đình đãi ngộ nhân tài một cách vô liêm sỉ như vậy thì quan lại làm sao không tham nhũng, dân chúng làm sao không khốn khổ? Đất chỉ vừa một huyện thì bày ra thành một tỉnh, đất chỉ vừa một tổng thì bày ra thành một phủ.. . số quan lại văn, võ trong và ngoài triều đình ăn lương Nhà nước do vậy trở nên quá đông. Quan nhiều thì công việc không thể không rối rắm, mà công việc đã rối rắm thì dân không thể không oán trách. Ấy là cái nạn "nhũng viên", tức là kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan Nhà nước."

Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều, những điều ông nghĩ, những việc ông làm xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân nhất mực, giữ tấm lòng trung trinh trong sáng cho đến khi dưỡng già không một tấc đất, một ngôi nhà ngay ở quê hương mình. Ghi nhận công đức của ông, thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: Học để làm người

    28/04/2007Đinh Ngọc VânTheo cụ Huỳnh Thúc Kháng: Cái trường học để "làm người" đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. "Làm người" ở đời đã khó như trên đã nói, thì "học làm người" chắc không phải chuyện dễ"...
  • Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh

    17/07/2006PGS. PTS. Lê Sĩ ThắngĐối với các nhà nho Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ - những người đã từng bị Nho giáo bưng tai bịt mắt, đã thấy được ở một chừng mực nào đó sự lạc hậu của nhà trường Nho giáo và đang khao khát giải thích nhiều vấn đề có liên quan đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì “Tân thư" đã có sức hút mãnh liệt...