Nhân hậu & anh hùng

11:03 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Hai, 2015

Tôi quen anh Bùi Ngọc Tấn nhiều là từ khi đọc bản thảo Mộng du, tên ban đầu của Chuyện kể năm 2000, anh Tấn từ Hải Phòng gửi lên dự cuộc thi tiểu thuyết do nhà xuất bản Hà Nội tổ chức. Chị Hoàng Ngọc Hà , giám đốc nhà xuất bản, nhờ tôi đọc, đọc xong tôi nói với chị: “Nếu được làm trưởng ban giám khảo, tôi sẽ xin trao ngay giải nhất cuốn này không chút đắn đo…”.

Chuyện kể năm 2000 có số phận của những tác phẩm lớn, nó thuộc những cuốn sách như một danh ngôn đã nói: “Các bản thảo là thứ không cháy”. Long đong, mà không, không thể chết. Nó không được giải thưởng, sách cũng không được in, dù chị Hà biết rõ giá trị lớn của nó. Phải đợi đến mấy năm sau mới có một người làm biên tập dám đánh đổi cả sự nghiệp và điều ở ta thường được gọi là “sinh mệnh chính trị” của mình để trang trọng đưa nó ra đời, cho nhân dân, cho đất nước, cho con người: anh Bùi Văn Ngợi ở nhà xuất bản Thanh Niên. Những người là cấp trên của anh Ngợi có lẽ không hiểu/chưa hiểu/không muốn hiểu: bản thảo là thứ đốt không cháy, nghiền không nát. Và, thật là thần kỳ, bằng những cách nào đó cuốn sách đã được hàng triệu người Việt Nam đọc. Rồi nó đi vòng ra thế giới, trong bản dịch tiếng Pháp nó có tên là Conte pour les siècles à venir - Chuyện kể cho các thế kỷ mai sau. Vậy đó, không thể băm vụn cuốn sách trong không gian, cũng không thể hỏa thiêu nó trong thời gian. Rất đơn giản: vì nó chứa tư tưởng, là thứ không thể diệt trừ. Càng không thể đánh bại được vì đây là sức mạnh của tư tưởng về lòng nhân từ. Cuốn sách của anh Tấn nói về một sự kỳ lạ đến tưởng như khó tin: sức mạnh bất tử của lòng nhân từ. Tôi nói điều này mà không sợ quá sai: Bùi Ngọc Tấn có lẽ là nhà văn nhân từ nhất từng có ở ta. Hiền hậu, khiêm nhường, trữ tình, đến ngây thơ. Yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, đất trời, cây cỏ… đến ngây dại. Hóm hỉnh, nhẹ nhàng, thong dong, từ tốn đến vụng về và chậm chạp… Nhưng cũng là người dũng cảm nhất, có dũng khí phi thường nhất trong những người cầm bút chúng tôi.

Bùi Ngọc Tấn kể chuyện một người bị bắt và bị tù oan, vì những chuyện ở đâu đâu, hẳn là chuyện người ta đấu đá tranh giành nhau ở tận đâu đó trên cung đình xa tít kia chẳng dính dáng gì đến anh, anh là một con tốt vô danh trên một bàn cờ, bị tù mà chẳng hề có án gì hết, cũng tức là có thể vô tận, như đột nhiên bị rơi vào khoảng không mịt mù về cả không gian lẫn thời gian. Ở trong cái nhà tù đó, con người bị hạ nhục tận cùng, kỳ cho đến bị đánh bại mới thôi. Câu chuyện kể đó, bản thân nó là một phát hiện cảnh báo và dũng cảm.

Sự bình tĩnh, nhân hậu của ngòi bút anh cho thấy đức dũng cảm ở con người của anh cao cả biết dường nào. Để cho ta, cho mỗi chúng ta, cho con người mãi mãi mai sau hiểu và tin rằng không gì đánh bại được con người.

Câu chuyện Bùi Ngọc Tấn kể cho các thế kỷ mai sau là một câu chuyện như thế đó. Từ tốn, nhỏ nhẹ, không chút hằn học, hận thù, anh kể chuyện một con người, chuyện những con người, bị đày đọa, đã uống đến cặn đáy của khổ đau, vẫn từng ngày, từng phút, từng giây giữ chắc phẩm giá con người. Sự bình tĩnh, nhân hậu của ngòi bút anh cho thấy đức dũng cảm ở con người của anh cao cả biết dường nào. Để cho ta, cho mỗi chúng ta, cho con người mãi mãi mai sau hiểu và tin rằng không gì đánh bại được con người. Vậy đó, lạ thay, tác phẩm để đời của Bùi Ngọc Tấn, cuốn sách của khổ đau cùng cực, lại là cuốn sách của niềm tin. Niềm tin vĩ đại ở con người. Là bản tráng ca về con người bất tử. Bản anh hùng ca về phẩm giá không thể nghiền nát của con người.

Chỉ con người có lòng nhân hậu mênh mông mới có được phẩm chất anh hùng và lòng dũng cảm phi thường đó.

Ngày 4.10.2014, tôi nhận được bức thư này của anh Tấn, hóa ra là bức thư cuối cùng, đoạn cuối viết: “Cuộc đời qua thật nhanh, nghĩ cũng tiếc là mình chưa sống cho mình được bao nhiêu. Tôi sẽ cố cầm cự với khối u này một ít thời gian vì còn mấy việc lặt vặt nữa phải làm. Tết này, mong lại được đón các anh…”. Anh Tấn ạ, lỡ hẹn mất rồi, tết này không còn được gặp lại nhau.

Bùi Ngọc Tấn là một tài năng văn học lớn. Một trong những đặc điểm của tài năng nghệ thuật là nó luôn đơn nhất, không có hai, không lặp lại. “Mấy việc lặt vặt” anh Tấn bảo phải cố cầm cự với khối u để làm là những gì, không còn ai có thể biết.

Không đâu, dẫu cố an ủi nhau trước nỗi đau hôm nay, ta cũng không thể biết ta đã mất gì khi Bùi Ngọc Tấn ra đi, mãi mãi, mãi mãi…

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài học canh tân từ tiểu thuyết Hồ Quý Ly

    05/06/2014Hà Thủy NguyênGiữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh. “Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”...
  • Bài học canh tân trong tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

    02/02/2014Thái Sơn“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly-thời đại của những cách tân qua góc nhìn của chính những con người sống trong thời đại ấy…
  • "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"

    23/09/2013Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam.
  • Ba ông tám mươi hơn Mười ông trẻ

    31/01/2011Phạm Xuân NguyênBa ông sinh năm Giáp Thân (1932), đến năm Tân Mão này là 79 tuổi Tây, 80 tuổi Ta. Nhưng tôi không muốn nói đó là ba ông già vì các ông tuổi cao nhưng tâm trí còn rất trẻ. Hay nói cách khác, đó là những “lão nhi”...
  • “Giải thưởng chỉ là một phần của đời sống văn học”

    03/04/2007Lương Lê GiangNăm 2006 tình hình văn học Việt Nam có nhiều cái "nóng”, sự "bùng nổ" lẫn những "sự cố" trong việc trao giải thưởng. Dưới đây là ý kiến của nhà thơ ThanhThảo về những vấn đề này...