Ba ông tám mươi hơn Mười ông trẻ

10:04 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Giêng, 2011

Ba ông sinh năm Giáp Thân (1932), đến năm Tân Mão này là 79 tuổi Tây, 80 tuổi Ta. Nhưng tôi không muốn nói đó là ba ông già vì các ông tuổi cao nhưng tâm trí còn rất trẻ. Hay nói cách khác, đó là những “lão nhi”. Lão nhi là gì? Là người già mà vẫn hồn nhiên như trẻ con, sống vui, sống khỏe, vui vẻ, yêu đời. Thì đến như ông tạo xoay vần vũ trụ, sự sống còn bị/ được người đời gọi là “Hóa nhi” nữa là “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” là câu Nguyễn Gia Thiều trách ông thời như trẻ con. Còn tôi nghĩ ra từ “Lão nhi” là để viết về ba ông tuổi tám mươi, nhưng mà sức sống của họ thì đến mười ông trẻ cũng khó theo kịp…

PHẠM TOÀN: “Người cười”

Ông anh họ Phạm này thích trêu chọc thằng em cùng họ là tôi. Trêu chọc và mắng mỏ, nào mày là thằng lười, thằng lêu lổng, thằng ba vạ nhất trần đời. “Cái thằng Le-Xờ-Pát-Sờ”, ông gọi tôi thế, chẳng là tôi phát âm tiếng Pháp (mà tiếng nào cũng vậy thôi) rất tồi, nên đọc tên Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội L’Espace thành “bồi” như vậy. Tôi chống chế là cái món phát âm này em kém “nữ âm” là giỏi. Chọc đùa xong ông lại mắng: “Tao đã bảo là mày đến anh vài buổi, anh luyện phát âm cho là đọc ngon ngay, vậy mà…mày đúng là thằng lười, trông ông anh mày đây này, già thế rồi mà còn học, còn làm”. Tôi chịu điều ông nói.

Phạm Toàn nhà giáo viết sách về tâm lý học giáo dục, nhận lời của nhà xuất bản là bắt tay viết ngay, chỉ sau mấy tháng là bản thảo đã xong, rồi sách in ra, dày dặn, đọc thích. Phạm Toàn nhà giáo bức xúc giáo dục, hễ có dịp, có diễn đàn là ông nói, ông phát biểu, ông viết bài. Thế vẫn chưa đủ, ông tập hợp một nhóm các bạn trẻ có năng lực và tâm huyết, thuyết phục họ cùng ông lập ra nhóm Cánh Buồm và biên soạn một bộ sách lớp 1. Công việc này hiện đang cuốn hút hết tâm trí và thời gian tuổi già của ông. Tôi có điện thoại rủ rê gì hay hỏi han gì, ông đều bảo nhanh lên anh mày còn phải làm việc, không đi đâu được anh mày còn việc làm, tiện thể lại mắng: chứ đâu có như mày cứ chạy rông cả ngày. Mới đây, ông chuyển chổ ở từ nhà con gái tại Ciputra sang nhà con trai tại Láng Hạ, biết tin, tôi gọi điện nói ông anh bây giờ gần nhà em lắm rồi, em tiện sang chơi hơn, chưa chi ông đã đe: sang ít thôi, để tao còn làm.

Tham công tiếc việc, chạy đua với thời gian như thế, nhưng Phạm anh của tôi lại vẫn rất chăm chỉ đến những cuộc thảo luận, toạ đàm, trao đổi những vấn đề mà mình quan tâm, những cuộc ông thấy là cần phải đến, đến không chỉ một mình, còn kéo theo các em trẻ là học trò, là đồng nghiệp, là…Hi hi, tôi mà nói ra thì ông anh lại mắng. Có một chiều thu, ở quán Tre Palace trông ra sông Hồng trôi dài trong ánh ngày đang khuất dần vào tối, ông ra với tôi, ngồi nhâm nhi, nhưng cả buổi đó Phạm anh cứ bồn chồn, day dứt với một tâm trạng của chàng trai đang yêu bị người yêu hờn giận. Ông cuống quít lo nàng không gọi điện nữa, ông ôm toi hỏi làm sao bây giờ, mặc tôi vẫn dụng hết mọi kinh nghiệm cuộc đời sách vở làm “cố vân ái tình” ông vẫn không yên, không nguôi. Thương ông anh, tôi cầm điện thoại gọi cho nàng, ông lại hốt hoảng, liệu nàng nghe máy không, nghe máy thì liệu nàng có nghe anh không, có nói với anh không. Ôi dào, máy thông rồi đây, hai người nói chuyện với nhau đi, em uống đây. Tôi ngồi cầm cốc bia nhấm nháp và nhìn ông anh đứng bên vệ sông, nửa người khuất bóng tre che ánh đền, nói qua điện thoại với nàng giọng rất chi là nhẹ nhàng, tình cảm. Đúng là tình yêu không có tuổi và không chọn tuổi. Cuộc tình ấy Phạm anh tôi làm thơ nhiều lắm, chép đầy cả một sổ tat, tuyền là thơ sáu tám, mỗi bài đầu đề chỉ một chữ nói lên một tâm trạng, một cảm xúc hay một sự việc. Như đây là “Khóc” : Hai lần em khóc, biết rồi/Lăn tăn gò má, rối bời lòng ai. Như đât là “Uống” : Trẻ trung thích nghĩ xa xôi/ Già rồi chỉ nghỉ một nơi thật gần. Như đây là “Cưới” : Ra về lại hứa trước đèn/ Cùng em sống chết vọn nguyên trọn đời. Cứ thế, cả một tập nhật ký thơ được ông đặt tên là Đường về bến Lú và vừa rồi ông gộp nó vào cùng những bài thơ viết từ lâu nay soạn thành một tập thơ Lát giây. Tập nhật ký thơ này hồi còn cuộc tình, vào một lúc cao hứng ông đã trao nguyên bản chép tay cho tôi, lại còn đề hẳn là giao cho thằng Phạm em giữ và chỉ được công bố khi Phạm anh chết. Nhưng rồi một hôm anh nói là mượn lại, tôi đưa, và thế là ông anh giữ luôn. Thậ là tôi dại quá, mấy lần đã đòi mà chẳng được.

Phạm Toàn sống khoẻ sống vui còn ở tính hài hước. Ông cười rất thoải mái, tự nhiên, cười mình, cười người đều sảng khoái. Ông đã cho nhà văn Châu Diên (bút danh của ông) cái tính hài ấy đem vào truyện. Đọc truyện ông cứ là phải tủm tỉm, gật gù trên từng con chữ, câu văn, từng chi tiết, đối thoại, rồi từ đó mới ngẫm thấy và luận ra ý nghĩa. Ngẫm rồi vẫn lại phải cười với/cùng tác giả. Một dạo, hộp thư điện tử của ông đề tên là photovidai@... (“photo” là viét tắt tên ông “phờ tờ”). Sau ý chừng vẫn thấy mình vi đại nhưng biết nên che giấu đi, thế là ông đổi email thành photokhiemton@... Ông hài hước được ngay cả khi buồn đau. Bà mẹ ông là em gái Tổng đốc Lê Hoan, mới mất vài năm trước, thọ gần trăm tuổi. Hồi bà còn sống, chủ nhật nào ông cũng cưỡi xe gắn máy từ nội thành qua sông Hồng về Đông Anh thăm mẹ, nên tôi có định rủ rê ông đi đâu thì ông dặn là phải chừa chủ nhật ra. “Tao mà vắng về một tuần là cụ lại hỏi mấy bà chị tao, thằng Toàn đâu mà không thấy, hay nó lại làm gì bậy bạ rồi sợ không dám về thăm mẹ”, ông nói và cười, nhưng mắt rưng rưng. Tôi bảo anh thế là sướng quá rồi, ngoài bảy lăm còn được mẹ nhắc nhở, mắng mỏ.


DƯƠNG TƯỜNG: “Người chơi”

Dương Tường họ Trần, nhưng cái tên kép gọi quen thuộc lâu nay khiến đã có người tưởng ông họ Dương, cùng họ với hoạ sĩ Dương Bích Liên. Ông Trần cùng năm sinh với ông Phạm nhưng kém hơn một tháng. “Thế là hai ông thích chí choé nhau về cách xưng hô. Gặp nhau là họ Phạm oang oang xưng anh với họ Trần, còn họ Trần thì cứ tủm tỉm cái thằng Phạm này. Gọi nhau đùa trêu thôi, hai người là bạn thân của nhau từ lâu. Bữa Barack Obama trúng cử Tổng thống mỹ, Dương Tường thích lắm vì… ngài ấy trùng ngày sinh tháng đẻ với mình. Ha ha, thế thì ông cũng có số làm tổng thống, chỉ tội là sinh ra trước vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ 29 năm thôi. Nhưng nhìn Dương Tường cứ như là một người không tuổi, như một đứa trẻ. Tôi cứ hay lếu láo đùa ông Trần ông Phạm các anh chỉ mới đang là thiếu niên mười lăm, mười sáu, vì nếu tính một vòng đời là sáu mươi lăm thì các ông anh lãi rồi, qua một vòng rồi, đang sống tiếp vòng hai.

Chẳng hiểu Dương Tường lấy đâu ra thời gian để dịch một đống sách cao quá đầu người thấp nhỏ của ông, chứ ông cũng thuộc loại ham chơi như tôi. Vài tuần không nghe tôi ới thì ông lại ới tôi, nhất là ới đi ăn thịt chó. Khoản này thì bao giờ ông cũng bảo tôi gọi thêm nhà văn Trung Trung Đỉnh. “Chẳng hiểu sao tôi lại thích đi ăn thịt chó với hai thằng cu Đỉnh cu Nguyên thế chứ lại”, ông cười khi ai hỏi. Mấy năm trước còn khoẻ chân thì ông đi tít, đang ở Hà Nội thoắt đã Hải Phòng thăm bạn văn Bùi Ngọc Tấn, thoắt nữa lại đã lang thang ở Paris với nhà nghiên cứu Đặng Tiến. Nhìn Dương Tường dáng vẻ thong dong khác với Phạm Toàn luôn như tất bật, vội vàng. Khi cần ông lánh đi đâu đó một vài ngày hoặc một vài tuần, ngay giữa thủ đô hay lên Tam Đảo chẳng hạn, để hoàn thành một bản dịch. Rồi lại xuất hiện, lại lang thang, lại như ngu ngơ giữa đời. Chính cái ngu ngơ hồn nhiên đó mà đưa ông gần các bạn trẻ. Mấy cô nhà văn xinh tươi nhí nhảnh gặp ông là réo to anh ơi, bạn ơi, bạn Tường có đi chơi với chúng tôi một cú không, bạn Tường năm nay có chơi trình diễn thơ với bọn em nữa không. Chuyện trình diễn này có liên quan đến một sự tích.

Chả là vào một dịp ngày thơ Nguyên tiêu ở Văn Miếu, tại sân thơ trẻ ở khu Thái Học, lão thi sĩ Dương Tường đã cùng tung hứng với mấy nữ thi sĩ trẻ trong một trình diễn thơ. Ông Tường quấn kín người mình bằng cuộc giấy vệ sinh đứng giữa sân khấu. Nhà thơ Dạ Thảo Phương sau khi quần đảo với mấy bạn diễn liền tiến tới bên ông cởi dần từng vòng giấy, kéo mãi, kéo mãi cho đến khi chỉ còn Dương Tường nguyên vẹn hình hài giữa Văn Miếu, giữa đất trời. Như thơ chính thực là vậy. Giống như ở Hội An năm nào, ông Tường vào dự hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc, dám đua cùng các cô định tắm tiên ở hồ bơi khách sạn lúc nửa đêm. Trẻ trung đến thế là cùng!

Năm 2005, ở tuổi 73, Dương Tường có một cuộc thơ ở Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội (L’Espace). Thơ ông viết bằng tiếng Pháp, Le soir est tout soupirs, Chiều buông đầy những thơ dài, những câu thơ viết vào trong gần bảy ba chiếc cối đá bày dọc lối đi, lão niên thi sĩ Dương Tường xúng xính trong chiếc áo như kiểu cung đình tung tăng đi lại, vui cười với mọi bạn bè đồng nghiệp, khán giả. Tham dự cuộc thơ ấy về tôi đã viết: “Thi sĩ lão niên Dương Tường vui sướng và hồn nhiên trẻ lại như trẻ thơ, trẻ lại như thơ. Và giữa muôn vàn sự hân hoan chúc mừng chia sẻ niềm vui dành cho ông, cùng ông, có những tiếng thơ đã cấy lên, những bài thơ được dâng tặng khiến ông nghẹn ngào trong một nỗi đồng điệu thăng hoa. Ông như gốc thơ cổ thụ lại được vươn cành tiếp nhánh đâm rễ nhờ những chồi non thơ toả nhịp điệu, toả âm vận, toả tâm hồn từ ông, từ Le soir est tout soupirs… Đó là các học sinh trường Quốc tế Pháp ngữ đã biến tấu chủ đề thơ của ông thành nhiều bài thơ khác viết lên giấy, lên áo, và tất cả được các em mang tặng ông”. Được chơi và chơi được, nhất là chơi với trẻ, đó là niềm vui của Dương Tường.

NGUYÊN NGỌC: “Chính uỷ”

Hình như ông sinh giờ Ngọ. Nhắc tới ông, câu đầu tiên phải hỏi giờ ông đang ở đâu. Chúng tôi có một hội hay gặp nhau mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật cà phê cà pháo chuyện trò gọi là hội 382 vì ba người đi xe máy Honda 82, lần nào ới nhau cũng hỏi, “có Chính uỷ không”. “Chính uỷ” là từ chúng tôi gọi Nguyên Ngọc. Và câu trả lời phần nhiều là “Chính uỷ” lại không ở Hà Nội, đang trong Sài Gòn hoặc Hội An, hoặc lên Tây Nguyên. Ông đi nhiều đến mức đã được thẻ vàng của Vietnam Airlines, đến mức thấy ông ở Hà Nội lâu là mọi người lại lo lắng ông đang bị bệnh. Mà thật, đi là ông khoẻ, ở một chỗ là ông ốm. Có lần tôi đùa ông, anh tên Ngọc nhưng không toạ(ngồi) được, mà phải hành (đi) thì mới ra chuyện. Ông thật dẻo dai trên những ngả đường đất nước, lại càng dẻo dai trên những con đường tư duy, trí tuệ. Ông đi, và ông đọc, ông viết, ông dịch, ông phát biểu, ông đề xuất, ông phản biện. Nhà văn Nguyễn Khải đã có lần viết Nguyên Ngọc là nhà tư tưởng của thế hệ ông, quả đúng. Tôi lắm lúc kinh ngạc không hiểu sức lực của ông từ đâu để ông có thể đi được nhiều thế, đi dài ngày, đi kỹ lưỡng, đến nhiều vùng đất nước, để ông có thể đọc được nhiều thế, dịch được nhiều thế, để ông có thể nghĩ được sâu thế ở nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, để ông có thể viết được sắc thế về nhìêu sự kiện, nhiều chuyện từ nhân tình thế thái đến văn hoá văn nghệ. Năm 2008, cuốn tiểu thuyết Les Bienveillantes của Jonathan Littell dày 900 trang tiếng Pháp được giải thưởng Hàn Lâm viện Pháp, tôi vừa được Cao Việt Dũng cho xem, một bữa nói chuyện tính mách Nguyên Ngọc biết, thì ông đã nói cho tôi hay ông đang đọc quyển đó, hay lắm. Kỷ niệm 100 năm mất Lev Tolstoy giữa tháng 12/2010, ông bận rộn giăng mắc vậy, nhưng vẫn có một bài viết cảm động và thấu đáo kể về vi tướng Chu Huy Mân với những tác phẩm của nhà văn hào Nga giữa những ngày chiến tranh ác liệt ở mặt trận khu Năm.

“Chính uỷ” thường lên đường, nên những khi có ông ở Hà Nội là hội 382 vui hẳn lên, vì được gặp mặt, trò chuyện, được ông thông tin những chuyện dọc đường mắt thấy tai nghe, được ông chia sẻ những cảm xúc, nghĩ suy mới mẻ. Ít ai biết ông đi nhiều vậy nhưng ông lại không đi được bất cứ phương tiện giao thông nào, kể cả xe đạp. Ở Hà Nội, người hay đón đưa “Chính uỷ” đến nơi này chỗ nọ là anh Nguyễn Bá Dũng, một cán bộ VNPT. Cái lần rôi bắt đầu lái xe, ông đã không ngại ngần ngồi lên con xe cũ tôi mượn chạy đường núi lên Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi”, trên xe còn có giáo sư Phạm Duy Hiển, dịch giả Đoàn Tử Huyến và một người bạn tôi. Con xe Toyota V6 này về sau sẽ nhiều phen gây khốn khổ cho tôi trên các chặng đường khác, nhưng may sao buổi đầu ấy hắn chạy êm ru, chở năm người chúng tôi leo dốc vượt đèo tới một địa danh nổi tiếng nhờ thơ Quang Dũng, hưởng trọn một tối xòe rượu cần. Lên miền núi, dù là ở vùng cao, chừng như rất hợp với “Chính uỷ”. Ông say sưa quan sát và tận hưởng các cảm giác. Được đi Tây Nguyên và Tây Bắc với Nguyên Ngọc là một hạnh phúc vì ta được ông cuốn vào niềm say mê, phấn chấn của mình, được ông chia sẻ những hồi ức, kỷ niệm của một thời sống hết mình ở những nơi đó, được nghe ông giãi bày cả những bức xúc về nhiều điều chưa như ý hiện nay đối với bà con dân tộc thiểu số. Ông leo núi băng rừng như không biết mệt, khiến nhiều thanh niên theo ông bở cả hơi tai.

Vâng, theo được cuộc đi, cuộc chơi, cuộc sống của ba ông tám mươi Phạm Toàn, Dương Tường, Nguyên Ngọc quả là không dễ. Họ sống trẻ, bất chấp tuổi già vì họ luôn hướng đến cái mới, cái trẻ trong cuộc sống. Mùa xuân của họ vì thế mà xuân không tuổi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông nhắng & trẻ

    26/06/2019Phạm Xuân NguyênNgười ta thường quên tuổi Phạm Toàn vì tiếng cười ông còn giòn lắm, vì dáng điệu ông vẫn “nhắng” lắm, và vì sức nghĩ, sức viết của ông còn kinh lắm.
  • Chất lượng tư duy phụ thuộc vào trí tâm, chứ không phải tuổi tác

    25/07/2018Trường GiangCoócnây, một nhà văn nổi tiếng của Pháp trong tác phẩm “Lơ xít” của mình đã viết: “Tài năng không chờ đợi tuổi tác”. Chất lượng tư duy, một biểu hiện tài năng đầu tiên của con người cũng không phụ thuộc vào tuổi tác. Tâm và trí là hai yếu tố nền tảng quyết định mọi chất lượng tư duy của người...
  • Nghĩ về dưỡng chất tâm hồn cho tuổi trẻ hôm nay

    04/03/2018Nguyên CẩnVì sao tuổi trẻ hôm nay bị "suy dinh dưỡng tâm hồn"? Vì sao khi hai người cùng ngắm nhìn bầu trời đêm qua những chấn song cửa, một người chỉ thấy toàn màu đen, còn người kia lại thấy những vì sao lấp lánh?...
  • Tuổi trẻ là không ngủ yên

    30/03/2016Lê Ngọc Sơn thực hiệnĐồng bằng Nam Bộ được thời tiết khí hậu thuận lợi, nên đạt được năng suất cao. Đấy là đáng mừng, nhưng phải rất cảnh giác vì tình hình môi trường toàn cầu ngày càng xấu, nguồn nước sông Mê Kông ngày càng cạn kiệt...
  • Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?

    11/09/2015Mai Lan ghiHai mái đầu bạc, Nhà văn Nguyên Ngọc và GS-TS Lê Ngọc Trà, hai nhà văn hóa đã hàn huyên trong một buổi gặp gỡ, với những khắc khoải, suy tư về bản lĩnh thế hệ trẻ hôm nay, những người đang tiếp nối thế hệ của họ đưa đất nước tiếp tục phát triển.
  • Nguyên Ngọc (1932 - )

    04/07/2009Nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả
  • Cuộc phỏng vấn thú vị về tuổi tác và trí tuệ

    21/07/2005Trần Hồng (theo Newsweek)Tiến sĩ Robert Betles, người Mỹ, từng là Giám đốc Viện quốc gia về những vấn đề lão hóa đã trả lời phỏng vấn của tờ Newsweek tại cuộc hội thảo quy mô quốc tế mới đây về vấn đề: "Lão hóa và người cao tuổi trong thế kỷ XXI". Chúng tôi xin trích dịch một phần nội dung trả lời của tiến sĩ để bạn đọc tham khảo...
  • xem toàn bộ