Thiếu tính chuyên nghiệp

06:53 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Bảy, 2005

Cả nước chưa hết xôn xao chuyện huấn luyện viên ngoại sau vụ liểng xiểng Tiger Cup. Người chê, người bênh, người bịt mũi, người giẩu miệng, người nhún vai, người xoa tay dàn hoà. Nhưng mấy ai biết nhìn nhận như sau: dân Brazil là những nghệ sĩ đá bóng tuyệt vời của hành tinh này, nhưng ưu điểm của người cầu thủ không tất yếu biến họ thành thầy dạy nghề bóng đá. Nhìn xa hơn sẽ thấy một ông trọng tài Italia gầy gò, mắt trố, lý lịch trích ngang là chuyên viên tài chính-ngân hàng, sút bóng nhất định không bằng lũ trẻ Brazil và Italia, thế nhưng ông ta là thầy giáo trong làng bóng đá.

Cả nước cũng còn kháo nhau vụ trên màn hình một vị bộ trưởng chẳng biết có khóc không nhưng mà có rút khăn. Rồi cũng mỗi người một ý. Nhưng rất ít người có được nhận định này: ông bộ trưởng tội nghiệp phải chỉ huy một bộ máy có rất ít chuyên gia. Di sản đó do lịch sử để lại. Một cái lịch sử chưa quen đào tạo chuyên gia, song lượng chuyên gia vẫn đầy, chỉ nhìn con số đủ phát khiếp, nhưng thật khó tìm thấy trong đó những chuyên gia thực sự.

Kết quả là gì? Là có những việc tầy trời nhưng lại được thực hiện bởi những tác giả rất thiếu tư chất và năng lực chuyên gia. Mà rồi ngay cả những người thắc mắc kiểm tra hỏi han góp ý cũng thiếu chất chuyên gia nốt.

Chẳng hạn gần đây nhất hai vị tranh nhau nói cùng một ý, ấy là đòi bỏ cách gọi Tiểu học, Trung học, để trở về với cách gọi Cấp I, Cấp II, Cấp III. Cứ như thể Giáo dục cũng tầm phào như bỏ quần bó ống chuyển sang quần loe rồi ít lâu sau lại bỏ quần loe quay về quần bó ống! Nếu cũng việc đó nhưng bàn bạc theo đẳng cấp chuyên gia thì phải vạch ra được nhiệm vụ học tập và phương pháp học tập của trẻ em ở từng bậc học là gì, chứ không phải là thay tên đổi họ. Về chuyện này xã hội chưa một lần nào được nghe các chuyên gia của Bộ Giáo dục trình bày phân biệt nội dung của các bậc học, và hình như công việc vẫn tiến hành theo thói quen, sau cấp nọ là cấp kia thôi đó mà!

Không xác định được nhiệm vụ và phương pháp cho từng bậc học đã vội chữa chương trình và sách giáo khoa phổ thông, cái sự nghiệp nền tảng nhào nặn đầu óc của cả một dân tộc, thì không sao tránh khỏi khuyết điểm có tên gọi là sự thiếu tính chuyên gia.

Xin nêu một thí dụ từ bộ sách Ngữ văn mới. Cách dạy Văn truyền thống gặp khủng hoảng, nhưng các chuyên gia không tìm ra hướng đi đã vội vã đưa ra một đường lối dạy Văn đổi mới có “quan điểm cơ bản” mang tính “phương pháp luận” là đọc-hiểu. Sai lè lè từ gốc như thế, nhưng các chuyên gia đầu ngành vẫn thông qua. Sai chỗ nào? Học Văn thì phải là đọc-cảm chớ sao lại là đọc-hiểu? Chuyện đọc-hiểu thì phải nhường cho việc học ngôn ngữ thuần tuý. Có lẽ người chủ trì việc làm mới sách dạy Văn cho trẻ em cả nước đã “cầm nhầm” khái niệm đọc-hiểu (Reading-Comprehension) trong sách dạy ngoại ngữ của nước ngoài. Chưa kể là, ngoài chuyện đọc-hiểu các chuyên gia lại còn lớn tiếng yêu cầu sắm thêm “giáo cụ trực quan” phục vụ việc dạy Văn. Thật quá sức tưởng tượng, bởi vì trẻ em học Văn là học cách nhìn vào lòng mình, là học cách suy tư bằng những hình ảnh trong tưởng tượng, theo đó càng cụ thể và trực quan thì càng giết chết nghệ thuật văn. Ấy thế mà các sách Văn kiểu cỡ đó vẫn đang được giúi vào tay con em cả nước!

Chưa hết, khi đã thiếu chất lượng thì người ta lấy số lượng bù vào. Để chứng minh tính đúng đắn của cách làm sách đổi mới, người ta thanh minh rằng đội ngũ viết sách giáo khoa đó rất đông. Đông vài trăm, chứ có đông cả triệu người thì cũng không sao bằng đựoc chỉ một ông Jean Piaget ngồi soạn sách thực nghiệm tại trường Jean-Jacques Rousseau bên hồ Geneva. Phương pháp “lấy thịt đè người” rõ ràng không phải cách làm mang đẳng cấp chuyên gia.

Hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng khuyết điểm không chỉ ở sách Văn. Xã hội từng ồn ào phản ứng chuyện sách “E bờ”. Tội một nỗi, những lời lẽ phản ứng cũng chẳng có đẳng cấp chuyên gia, nên sự bảo thủ còn có cơ hội lờ tịt dư luận. Cũng chẳng khó khăn gì khi phải tìm ra những sai sót về đường lối trong các sách đổi mới khác. Chính những sai sót chiến lược này, chứ không phải những khuyết điểm nho nhỏ, đã là nguyên nhân của nạn học thêm. Vì sao? Vì cách học không đến được khái niệm khiến cho người học không bao giờ biết mình đã tới đích hay chưa. Mà các kỳ thi cứ lù lù ngoáo ộp trước mắt. Từ sự hoang mang đến việc tìm chỗ học thêm chỉ là một bước cỏn con, xin đừng đổ tội cho giáo viên thiếu giáo đức mà oan cho họ. Chưa kể còn có chuyện thấp mà cao, thừa mà thiếu khi các nhà đổi mới đưa một số nội dung Toán Đại học xuống bậc giáo dục phổ thông.

Phản ứng dây chuyền cuối cùng trút lên đầu giáo viên. Lý ra, các chuyên gia đầu ngành Giáo dục phải đi nghiên cứu đầy đủ cách học của trẻ em, sau đó đưa các thành tựu đó vào dạy tại trường sư phạm, thì người ta lại chỉ nghĩ đến phương thức chuẩn hoá theo bằng cấp. Những ý kiến mới đây nhất còn nêu ra việc nâng thời gian học Đại học sư phạm lên 5 năm. Người ta không chịu suy nghĩ vì sao bậc Đại học của nhiều giáo sư ngày nay chỉ có 2 năm nhưng vẫn tạo ra những con người có chất lượng thực thụ.

*

Khép lại một năm bàn cãi về đổi mới Giáo dục phổ thông, điều dễ kết luận duy nhất là cuộc bàn cãi chưa đến hồi kết. Vì hai nhẽ. Một là, hầu hết những bàn cãi đều thiếu đẳng cấp chuyên gia, không ai thuyết phục nổi ai. Hai là, mới chỉ nói và kiến nghị nhưng lại thiếu thực nghiệm để đủ sức trình ra trước xã hội những thực thể giáo dục tổ chức theo đòi hỏi cao nhất của một lý thuyết đúng.

Dĩ nhiên là không ai có quyền nói rằng cá nhân mình và tập thể khoa học của mình có trong tay chân lý tuyệt đối.

Trên bình diễn vĩ mô, chỉ có thể thấy điều này là họp lý: hãy để cho các nhóm chuyên gia khác nhau thi thố cách làm của mình. Lý thuyết của họ sẽ không thể là sự lải nhải sao chép nước ngoài, mà đó phải là cái lý thuyết được hiện hữu trong thực tiễn.

Xin đừng biện bạch rằng đã có quy định các cá nhân và nhóm làm sách giáo khoa và sản phẩm cuả họ sẽ được một Hội đồng thẩm định. Quy định đó vẫn còn kẽ hở cho móc ngoặc và cửa quyền. Cần quy định ngay từ cách làm chứ không chỉ quy định về sản phẩm. Cách làm của các nhóm khoa học giáo dục phải là cách làm thực nghiệm, để tự họ cũng điều chỉnh chính mình càng ngày càng đúng hơn, và để xã hội được tận mắt thấy những thành tựu lý thuyết đúng nhất đang sống hẳn hoi trong cuộc sống đời thường.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: