Ứng xử nào cho phát triển và bảo tồn Hà Nội?

07:17 SA @ Chủ Nhật - 20 Tháng Sáu, 2010

Với đô thị lịch sử Hà Nội, ứng xử hài hoà giữa bảo tồn và phát triển phải trở thành đòi hỏi thường trực trong quá trình kiến thiết. Còn nếu vẫn giữ cách nhìn, lối hành xử như hiện nay với di sản, chúng ta còn tiếp tục lúng túng và bị động trong vấn đề làm thế nào để tiếp tục phát triển mà không đánh mất diện mạo của đô thị nghìn năm tuổi.

Mới đây, sau những bài báo như “Một đoạn Hoàng thành Thăng Long bị xúc đổ”, “Tiếp tục san ủi tại đoạn Hoàng thành Thăng Long”…, rồi các nhà khảo cổ học xuất hiện, nhà quản lý nhập cuộc, tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây cắt qua đê Hoàng Hoa Thám đã được “tạm dừng thi công” để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật. Việc nghiên cứu, lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch khảo cổ học… lại được tiến hành để rồi rất có thể một số điểm được thám sát, khảo cổ học, một số hiện vật được thu thập, tư liệu hoá, chuyển về bảo tàng và đoạn đường tiếp tục thi công.

“Quy trình chữa cháy”: xây dựng - phát hiện cổ vật - công luận lên tiếng - cơ quan chức năng vào cuộc - tạm dừng thi công - tiến hành khảo cổ - nghiên cứu đề xuất - tư liệu hoá bảo tàng, cất tủ đó đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay với một bộ phận được coi là hồn cốt của đô thị thủ đô Thăng Long-Hà Nội. Cứ mỗi lần như vậy, mối quan hệ tương sinh, tương khắc giữa bảo tồn và phát triển lại được đặt ra.

Điểm lại kết quả một số cuộc khai quật khảo cổ học ở trung tâm Hà Nội gần đây không phải để vạch ra cái “được” cái “mất” mà để thấy nhận thức và ứng xử với di sản khảo cổ học ở Hà Nội đến nay vẫn nặng về khám phá, đào cổ vật – hình thức tìm kiếm kho báu ở châu Âu thế kỷ XVIII.

Tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây cắt qua đê Hoàng Hoa Thám, Hà Nội - nơi đã phát hiện di vật, vết tích được cho là một phần của Hoàng thành Thăng Long.

Năm 2007, một bộ phận di tích Đàn Nam Giao cùng các di vật từ thế kỷ XI-XII ngược về thế kỷ VII được phát lộ tại địa điểm 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Người ta bàn tới việc bảo tồn, tư liệu hoá các hiện vật đưa vào bảo tàng và xây dựng một nhà bia để ghi nhận dấu tích này được coi là “phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích Đàn Nam Giao trong sự kết hợp hài hoà với yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại”. Nhưng ba năm trôi qua, nơi đây đã mọc lên ngạo nghễ một toà nhà 25 tầng nổi và ba tầng chìm trên mảnh đất thiêng vào bậc nhất trong lịch sử nghi lễ người Việt thời phong kiến, mang một phần hồn phách Thăng Long. Không thấy bóng dáng một nhà bia, đến một tấm biển để ghi nhớ địa điểm này cũng không có!

Các địa điểm 11 Lê Hồng Phong, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền đã từng chở che nhiều hiện vật, tầng văn hoá mang một phần của lịch sử Thăng Long-Hà Nội dưới lòng đất. Các di vật đã được mang đi nhưng tuyệt nhiên chính tại địa điểm đó không có một dòng chữ, tấm bia để khắc ghi những vết tích của lịch sử văn hoá.

Có lẽ “may mắn” hơn các địa điểm trên, di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc được lấp cát “để dành” cho thế hệ mai sau và trên đó là một đảo giao thông được đánh dấu bởi hòn non bộ, nếu nhìn kỹ từ hướng đông sẽ thấy vẻn vẹn năm dòng chữ nhỏ: “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc xếp hạng quốc gia…” Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “…Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử gắn với Kinh thành Thăng Long, có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, cần phải được bảo tồn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cụ thể của địa phương. Mặt khác, việc bảo tồn di tích này cũng cần bảo đảm việc phát triển giao thông đô thị khu vực này… Đưa công trình bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao vào danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (khi được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá Quốc gia)...” (Thông báo số 27/TB-VPCP ngày 14/2/2007). Theo tên gọi, đây là Quảng trường Đàn Xã Tắc nhưng hiện chưa được gắn biển, tạm thời tạo sự khác biệt giữa chốn đông người bằng hòn non bộ.

Khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu Hà Nội vẫn đóng cửa và ngổn ngang sau tám năm phát hiện.

Đến khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu từng vang bóng một thời, làm bao người Việt Nam và bạn bè quốc tế choáng ngợp vì quy mô, số lượng hiện vật, bề dày lịch sử tầng văn hoá, nay các cánh cổng sắt vẫn đóng im lìm, sau tám năm các tầng văn hoá được mở toang và hàng triệu hiện vật từ dưới lòng đất hiện lên. Di tích vẫn đang ở giai đoạn nhận diện và tiếp tục nhận diện, đó là hệ quả tất yếu của việc ào ạt khai quật khảo cổ học, trong thời gian khẩn trương nhất, với khối lượng tìm kiếm lớn kỷ lục, trong khi lực lượng chuyên gia và công nghệ mỏng và thô sơ. Đã nhiều hội thảo lớn nhỏ đi qua, những công bố khoa học ngày càng nhiều hơn nhưng không thể không sốt ruột khi sau gần 3.000 ngày, “giá trị nổi bật toàn cầu” ấy mới chỉ được phủ mái nhựa để chống chọi với mưa nắng, độ ẩm và vi sinh vật… có thể tấn công bất cứ lúc nào, dẫu biết rằng có những di tích khảo cổ học trên thế giới đòi hỏi thời gian nghiên cứu sau khai quật kéo dài hàng chục năm. Chúng ta cứ “mở ra” sau đó không hoàn toàn “để đấy” nhưng ứng xử như vậy liệu có trách nhiệm với chính chúng ta, với quá khứ và tương lai?

Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc, Hà Nội trở thành “Quảng trường Đàn Xã Tắc” với một hòn non bộ mọc trên thảm cỏ.

Khảo cổ học đô thị, kể cả cách làm “khảo cổ học chữa cháy” hay “khảo cổ học giải phóng mặt bằng”, không thể và không chỉ để tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó là cái gì, nó hình thành như thế nào trong lịch sử mà còn cần lường trước vấn đề ứng xử hậu khai quật. Với đô thị ngàn năm tuổi như Hà Nội, ứng xử như thế nào cho hài hoà giữa bảo tồn và phát triển cần phải trở thành câu hỏi thường trực trong công cuộc kiến thiết. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có quy hoạch khảo cổ học đô thị trong mối quan hệ tương tác đa chiều với các di sản kiến trúc, cảnh quan trên mặt đất, quy hoạch xây dựng đô thị, bối cảnh khu vực và di sản văn hoá phi vật thể; đồng thời đề cao những nghiên cứu, giải pháp có sự kết hợp đa ngành (lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật…) trong bảo tồn di tích. Ngoài ra, cần xác lập cơ chế ghi danh (khắc bia đá tại chính địa điểm để muôn đời được ghi công hoặc phán xét) cũng như biên soạn và phát hành tài liệu, bản hướng dẫn nhận biết di tích, di vật khảo cổ học dưới lòng đất để phát cho cộng đồng các khu vực được cho là có tiềm năng khảo cổ học, đặc biệt là các chủ công trình xây dựng trong khu vực.

Chúng ta sẽ còn gặp hết “bất ngờ này đến bất ngờ khác” trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội nếu vẫn duy trì cách nhìn, lối hành xử như hiện nay với quy hoạch và bảo tồn di sản của đô thị lịch sử. Mảnh đất ngàn năm ẩn chứa trong lòng một pho sử rất cần làm sáng rõ, nhưng cũng mảnh đất ấy đang đứng trước những hối thúc của sự phát triển. Bảo tồn và phát triển về bản chất không mâu thuẫn nhau, nhưng chúng đòi hỏi nhận thức và ứng xử có khoa học và văn hóa, không chỉ bởi hào quang của quá khứ, không chỉ vì lợi ích của hiện tại mà cả của các thế hệ mai sau.

Nguồn:Tia sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Di sản Hồ Chí Minh: Mười hai chữ vàng

    19/08/2016GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh“Nước độc lập mà dân chưa tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa” - Hồ Chí Minh. Hai tuần sau khi giành chính quyền, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có bản Tuyên ngôn Độc lập với thế giới, mà tác giả chính là Hồ Chí Minh...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa

    27/10/2014Phùng HiểnỞ nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định...
  • Những di sản của một cuộc giải phóng nửa vời

    13/04/2011Nguyễn Trần BạtPhong trào giải phóng dân tộc không nhất thiết phải được lãnh đạo bởi một lực lượng hoặc một xu hướng chính trị duy nhất. Mục đích cuối cùng của phong trào giải phóng dân tộc là các dân tộc được giải phóng...
  • Vẫn là vấn đề phương pháp nghiên cứu Di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh

    09/10/2009TS. Hồ Bá ThâmKhông thể để cho nhận thức về chủ nghĩa Mác và tư tưởng HCM bị hiểu sai lạc, hiểu giản đơn, tôi xin có bài trao đổi tiếp sau khi có ý kiến phản hồi của bạn đọc Dân Việt và bạn Hoa (lần thứ 2)...
  • Đừng để mất dần văn hóa làng

    20/04/2009GS. Tương LaiTrong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh mái đình, cây đa luôn ở vào cung bậc nhạy cảm nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt. Bất cứ người Việt nào cũng có và cần một vùng quê để yêu thương, để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ” ấy trong hoài niệm tuổi thơ.
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Chúng ta thừa kế di sản nào?

    05/10/2007Tuấn Đông (lược thuật)Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, việc kế thừa và phát huy những di sản truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần đưa đất nước phát triển. Vấn đề là ở chỗ, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, giá trị của di sản cũng có thể được nhìn nhận khác nhau. Việc xác định đâu là di sản cần phải phát huy, đâu là di sản cần phải cân nhắc, hạn chế hoặc loại bỏ... là một vấn đề phức tạp mang ý nghĩa cấp thiết
  • Một số vấn đề về văn hóa và phát triển

    25/05/2007Ngô Thế Phúc
  • Văn hóa sinh thái, nhân văn và hệ thống tự nhiên, con người, xã hội

    11/05/2007Vũ Minh TâmNhận thức đúng đắn mối quan hệ hữu cơgiữa con người và tự nhiên, xác định một cách có ý thức tích cực các hoạt động thực tiễn của con người phù hợp với các quy luật của tự nhiên, đó là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề sinh thái, môi trường sinh thái nhân văn (xã hội) toàn cầu đang trong thực trạng báo động, kêu cứu.
  • Giữ gìn và khai thác di sản văn hóa dân tộc

    13/03/2007GS, TS Phạm Đức Dương“Văn hóa là cái còn lại sau khi đã quên hết - ta cố giữ lấy những cái gì còn lại đó”.
  • xem toàn bộ