Phóng sinh - tội ác hay nhân bản?

09:05 CH @ Thứ Bảy - 26 Tháng Giêng, 2019

Sắp đến ngày ông Công ông Táo rồi. Sẽ có hàng tấn cá, cua, ốc, chim... được đưa về các trung tâm lớn bầy bán, đáp ứng cho thị hiếu của muôn dân đô thị. Phóng sinh là từ đang được nhắc đến ở mọi nơi như để nhắc nhở đức hiếu sinh của người đời...

Tiếng chuông cảnh tỉnh: PHÓNG SINH - TỘI ÁC HAY NHÂN BẢN???

.

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Tiết trời đã bắt đầu chớm đông, làn gió cuối thu dễ khiến lòng người rung cảm trước nhân tình thế thái. Tôi đang lần mò trên mạng tìm đọc những mẩu chuyện - “Hạt giống tâm hồn” thì được một người bạn thân cấp ba tên Nguyễn Vinh Thủy trong Sài Gòn gửi một thông điệp: - “Lần này bạn viết về chủ đề “Phóng sinh” nhé. Tôi thấy nó giả tạo và ác độc quá bạn ạ”. Tôi đồng ý sẽ viết nhưng lòng không khỏi không xót xa cho một thực trạng cực kỳ buồn hiện nay: Một nhóm người đang kinh doanh động vật một cách vô lương tâm trên sự ngu tín của những kẻ mới chập chững bước tới cổng chùa.

Bản chất của phóng sinh là một việc làm thiện tâm đáng được khích lệ bởi những người có tấm lòng từ bi vô lượng, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh. Hơn nữa, phóng sinh là một hoạt động tâm linh rất tốt để hồi hướng công đức cho gia tiên tiền tổ. Vì từ nhiều đời, nhiều kiếp, ông bà, ông vải nhà mình, do vô minh mà tạo nghiệp bao tội ác sát sinh. Nay, con cháu được học giáo lý nhà chùa, răn dạy về đức hiếu sinh, phóng sinh sẽ giúp cho các hương linh của gia tiên được mát mẻ, bồi thêm công đức, tâm sinh hỉ lạc mà được sanh về cõi giới an lành hoặc luân hồi trở lại làm người ở kiếp vị lai.

Cách đây mấy hôm, tôi đến thăm nhà văn Hoàng Quốc Hải, ở khu tập thể Phụ nữ, Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội. Trong lúc chờ bà giúp việc mở cổng, tôi ghé qua chơi thăm một bác gái tên Mai, cùng xóm, năm nay chắc cũng chừng 75 - 76 tuổi. Nhìn khuôn mặt rầu rĩ đau khổ, tôi hỏi thăm:

- Sao trông bác có vẻ đau khổ thế?

- Thương tâm quá cháu ạ. Có bà hàng xóm cách nhà bác chừng 2 nhà, có con mèo cái đang chửa sắp đẻ mà bị bà chủ đánh cho lên bờ xuống ruộng, khiến nó đẻ non, các con đều chết cả. Mắt bà rưng rưng ngấn lệ.

- Thôi bác ạ, tôi an ủi. Khi bác không thể giúp được gì cho con mèo đáng thương đó thì nên XẢ ngay, đừng vương vấn mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bác.

- Sao lại có giống người nhẫn tâm đến thế. Mèo nó biết giống gì mà đối xử tệ bạc với nó. Mấy ngày hôm nay không thấy nó về nhà, chắc là bỏ đi đâu rồi, bác cũng mất ngủ mấy đêm nay. Bà có vẻ đau đớn như người mẹ mất con vậy, nước mắt cứ lã chã.
Tâm sự với nhà văn tôi được biết, bác Mai là một tấm gương sáng điển hình của mẫu người yêu thương động vật. Chó, mèo nhà hàng xóm xung quanh toàn sang nhà bác ấy ăn cơm, xong con nào lại về nhà con ấy. Khi tôi hỏi, chắc bác ấy phải là người nhân đức, phúc hậu lắm thì được nhà văn cho biết, bà ấy chẳng khác nào một vị Bồ tát tái thế. Giá mà trong xã hội có nhiều người như bà ấy thì tốt biết mấy. Nhà văn còn nhấn mạnh: “- Bà ấy mà mất sớm thì ai ở cái khu tập thể này còn tin vào cái thiện nữa” (vì cách nay chừng vài tháng bác Mai vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh).

Quay trở lại chuyện phóng sinh ở nơi cửa Phật từ bi, chắc chẳng ai lạ lẫm gì khi ngày nay, đến hầu hết các chùa, đặc biệt là chùa ở thành phố đều thấy dân địa phương bầy bán la liệt các chậu cá cảnh, cá Koi Nhật Bản, ốc, hến, rùa, cá chép, tôm, cua, chim muông...để phục vụ cho các hoạt động phóng sinh. Người đi lễ vì theo tâm lý đám đông, xuất tâm bỏ tiền ra mua những con vật bé nhỏ đó, đem vào chùa cúng để được Phật, thánh chứng minh công đức rồi đem ra ao, hồ, sông...thả.

Khốn nạn thay! Ở đầu này, bậc thiện nam, tín nữ vừa thả những sinh linh bé nhỏ ấy về với môi trường sống của chúng, thì đầu kia, người ta lại quăng chài lưới để bắt chúng bỏ rọ và ngay ngày hôm sau, những chú cá, cua, ốc, rùa ...xấu số đó lại được đem bán ở cổng chùa.

Cách đây khoảng 5 năm, tôi đã từng làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ ở Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, số 1 phố Đông Tác, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau một tuần tu tập miên mật từ thứ 2 đến thứ 6, cứ đúng 18h chiều đến 21h tối tôi đến đó nghe kinh, giảng pháp. Sáng thứ 7, khoảng 6h đạo tràng có mặt ở chân cầu Vĩnh Tuy, sông Hồng, làm lễ “phóng sinh”cho hàng tạ cá, cua, ốc, rùa....Tôi rất lấy làm phấn khích, xung phong đi thuyền ra giữa sông thả từng xọt cá, chậu cá đang bơi và thầm cầu nguyện cho gia tiên tiền tổ sớm được siêu thoát về với cõi Phật thanh tịnh. Nhưng đâu ngờ rằng, xa xa, những con thuyền nan, thuyền sắt, những bè lưới đã được bủa vây ở hai đầu, chờ chúng tôi làm xong nghi lễ phóng sinh rồi đâu lại vào đấy, cá lại vào lưới, cua lại vào rọ. Và đúng thứ 7 tuần sau, cũng vào giờ này, các nhà tổ chức của trung tâm Liên hiệp lại bỏ một khoản tiền X khá lớn nào đó thu được từ chúng tôi - những thiện nam, tín nữ để lại bắt đầu một nghi lễ tâm linh - Phóng sinh mới.

Dần dà tôi mới ngộ ra rằng, cả người đứng ra tổ chức việc này và cả những người dân chài lưới đều là nạn nhân của cái Tham, cái Si làm cho mờ mắt. Có nhiều người vì lựa chọn nghề theo cha mẹ, ông bà, rồi đến lượt mình lại làm nghề ra khơi đánh bắt cá, tôm thì cái nghiệp sát sanh (do vô minh) đã đè nặng khôn kể xiết, chẳng biết đời nào mới thoát kiếp “trâu ngựa”. Còn những người biết đạo, hiểu rõ lý nhân - quả mà cố tình kinh doanh trên sự kém hiểu biết của tha nhân, thì thật là nhẫn tâm và là tội ác không thể tha thứ. Thực ra, đó là một cái vòng luẩn quẩn, chạy theo chủ nghĩa hình thức, cổ súy cho những hành động đánh bắt, sát sinh, bắt bớ, tàn sát một cách có chủ đích trên quy mô rộng. Chỉ có quỷ dữ mới có những hành động vô lương tâm như thế.

Vậy, chẳng lẽ hoạt động phóng sinh lại không tốt hay sao?Có cách nào để phóng sinh hiệu quả? Thực ra, có mấy cách phóng sinh đem lại lợi lạc cho cả mình và người đã khuất, như sau:

1 - Phóng sinh là một biểu hiện của tấm lòng từ bi, của đức hiếu sinh, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh và coi sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình mà dân ta vẫn truyền tụng câu nói: “Thương người như thể thương thân”; “Cứu vật thì vật trả ân”... Nên, cho dù trong hoàn cảnh nào, giầu hay nghèo, “thi ân bất cầu báo” đều được công, được đức vô lượng cả. Chẳng phải đến chùa làm việc thả chim, thả cá mới được công đức. Mà bất kỳ ở đâu, cứ hằng tâm, hằng sản, có đến đâu phát tâm đến đấy, của ít lòng nhiều thì đều được Phật, Thánh, và các vị thiện thần phù trợ và chứng minh công đức cả.

2 - Phóng sinh theo Duyên: Sẵn với tấm lòng từ bi, khi gặp duyên, gặp những cảnh ngộ trớ trêu, cảnh thương tâm cứ hiển hiện ra trước mắt là mình phát tâm cứu giúp, phóng sinh, trả lại tự do cho chúng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng nói: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi; Làm người thế ấy cũng phi anh Hùng” (nghĩa là thấy việc nghĩa, việc thiện mà không làm thì thời không phải là anh hùng). Hình ảnh thầy Đường Tăng trong bộ phim Tây Du Ký lúc còn nhỏ, trên đường về chùa gặp bác tiều phu tay xách con cá chép, nên đã xin chuộc, đem ra sông thả cũng là một tấm gương điển hình.

3 - Phóng sinh như một hình thức của sám hối, giáo dục thế hệ con cháu: Cũng vì từ vô thỉ kiếp mình vô minh mà tạo nghiệp sát sinh, nay mình sám hối, cứ gặp dịp, như rằm tháng 7 âm lịch hàng năm - dịp lễ Vu Lan báo hiếu, hay như đầu năm mới, chúng ta phóng sinh các con vật về với thế giới tự do cho mọi sự được mát mẻ, tâm mình cũng được gột rửa khỏi những tội lỗi đã gieo, học hạnh bố thí của nhà chùa, học hạnh “Từ - Bi - Hỉ - Xả” để yêu thương mọi vạn loài chúng sinh. Việc làm từ tâm này sẽ khiến gia tiên tiền tổ cảm thọ được tấm lòng hiếu thuận của con cháu mà sinh tâm hoan hỉ, buông bỏ cõi trần gian để về với cảnh giới tương ưng (cao hơn cõi ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục và atula - cõi thánh thần).

4 - Phóng sinh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa: Từ bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết những mảnh đời sống thực để kết thành những câu chuyện huyền thoại, thần tiên, như: “Cứu vật thì vật trả ân”; “Nàng tiên cá”; “Hoàng tử cóc”...nhằm truyền bá một lối sống vị tha, nhân bản, lòng yêu thương giữa con người với thế giới loài vật xung quanh, âu cũng là cách tốt để giáo dục Chân - Thiện - Mỹ.

5 - Phóng sinh là một biểu hiện của sự tôn trọng sự sống của muôn loài: Thời nhà Lý (1010 - 1225), bộ Luật hình thư được ban hành năm 1042 có nêu rõ: Cấm không được đánh bắt cá, thú rừng vào mùa động hớn, mùa cá đẻ. Cấm không được chặt phá rừng, đốn cây vào mùa xuân. Mọi người đều thấy, còn bộ luật nào nhân văn hơn thế. Ngày nay, chúng ta cũng nên lấy đó làm bài học quý báu cho việc hành xử với môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống và sự tự do của muôn loài, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên.

.

Xin hãy dừng ngay hành động phóng sinh chỉ vì tâm lý đám đông, vì sự ngu tín mà mình cứ tưởng là làm được việc phước thiện, vô tình lại tạo tội cho kẻ khác - những kẻ đánh bắt cá, bắt chim... vô lương tâm. Dù nhiều người còn chưa tin nhân quả, luân hồi và nghiệp báo, nhưng trước thực tại xã hội đang gặp đầy rẫy những cảnh người ăn thịt người, đâm chém, chiến tranh...thì không phải đó là quỷ đã luân hồi đội lốt người hay sao???

Xin mượn câu chuyện của thầy Nguyễn Tất Thịnh, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia để khép lại để tài “Phóng sinh” đầy nhân bản này:

...“Một nhóm sinh viên đang quây quần nô đùa trên bãi biển Sầm Sơn thì một chàng trai quay lại ông già xởi lởi hỏi: Này bác già ơi…mấy sáng nay bọn cháu cứ thấy bác làm cái trò gì thế ạ? À, tao nhặt những con sò con ốc nhỏ còn sống mang chúng ra Biển, khỏi bị nắng thiêu chết mà uổng cháu ạ – Ông vui vẻ trả lời, mắt vẫn nheo hướng ra Biển. Ôi giời…bác có làm mãi thế được không? Mà rồi bọn sò ốc ấy ra được Biển biết đâu lại chui vào lưới người ta đánh mang ra chợ bán rồi cho thiên hạ xào nấu ăn sống nuốt tươi đó thôi…Cả đám cười tóe lên hưởng ứng câu nói dí dủm của cậu chàng.

Này cháu – Ông ấy hỏi – Mày là sinh viên ư? Đang học gì thế? Dạ…Cậu chàng kéo dài giọng làm dáng lễ độ, nhưng cợt nhả, trả lời: Bác khí quan tâm nhẩy, cháu đang học đại học Y Hà Lội…

- Thế đời mày về sau cứu được bao nhiêu người mà phải học Y, nghe nói lâu và vất vả lắm…

- Giời ạ, bác lạ nhỉ, ở đời cứu được một người là quí, thế cứ phải là đi thi Olympic như Huỳnh Đức mới cần thể dục thể thao chắc? Mà bao nhiêu người tập tành mãi có được huân chương như Huỳnh Đức đâu nhưng vẫn cứ tiếp tục tập đấy thôi?

- Thế đấy cháu ạ! Tao cũng biết không cứu xuể bọn sò ốc vương trên bãi biển, và số phận chúng chẳng sẽ biết như thế nào. Nhưng tao vẫn làm vì đó là niềm vui sống của tao, cũng như mày đang vui học Y đó thôi. Có được một chút niềm vui ấy cũng có tác dụng giống như chúng mày đang học hay thể thao vậy…

- Ní nuận hay lắm cụ ạ…Cậu chàng thốt lên đùa cợt, nhưng rồi chững lại, giọng chùng xuống, đủ nghe thấy rõ được: Này bác ơi… nhưng thật đúng quá…Cậu ta đứng dậy tách khỏi đám bạn bước về phía Ông ấy, ngồi xuống bên cạnh, cùng quay mặt ra phía Biển, không nói gì thêm với nhau nữa…nhưng có vẻ như đôi bạn vong niên thân tình!”

Hà Nội, ngày 6/10/2014
Tâm Pháp - Khai Minh Đạo

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ Vu Lan, chữ "hiếu" không nằm ở mâm cao, cỗ đầy

    21/08/2018Theo giáo lý Phật giáo, Vu Lan là lễ thường niên để tưởng nhớ, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã khuất. Nhiều người đã thể hiện sự "hiếu thảo" của mình bằng cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng âm phủ để đốt "gửi" cho những người đã chết. Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to, cỗ nhỏ, để cầu cúng và hy vọng "người âm" sẽ được hưởng…
  • Văn hóa lễ chùa chẳng giống ai của người Việt

    02/03/2016Ngọc LêĐi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu một năm mới bình an, như ý. Nhiều người còn xem đó là một đức tin giúp họ vượt qua những chông gai, trắc trở trong cuộc sống...
  • Đốt vàng mã - Giáo lý nhà Phật không dạy thế

    23/08/2015Đốt nhiều vàng mã trong Lễ vu lan và Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục truyền đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trong giáo lý Phật giáo không có quy định đốt vàng mã...
  • Xã hội vật chất và sự gắn kết với tự nhiên

    12/10/2013Nguyễn Quốc BửuTrong một xã hội ngày càng phát triển về mặt vật chất, con người đang cảm thấy lạc lõng giữa vô vàn phương tiện mà chính mình đã tạo ra. Người ta cảm thấy đánh mất sự gắn kết với thiên nhiên, với vũ trụ, và thậm chí với chính bản thân. Sự phát triển nào cũng có sự thoái trào của nó, vật chất cũng vậy. Khi bị bủa vây giữa muôn trùng công việc, giữa những suy nghĩ bề bộn, những toan tính trong việc thăng tiến, giác quan của con người với cuộc sống gần như mất đi. Người ta có thể nhốt mình giữa bức tường kín, đọc các báo cáo kinh tế với đầy rẫy những con số, xem những video sex, bật loa hết cỡ để nghe những ca khúc đang thịnh hành. Nhưng liệu họ có thể duy trì việc đó trong bao năm?
  • Lời xông đất

    06/02/2011Lê ĐạtCuối thế kỷ XIX, Nietzsche đã làm xôn xao giới tư tưởng đương thời vì một lời tuyên bố dứt khoát và quyết liệt: Thượng Đế đã chết! Mặc dầu Nietzsche là một trong số ít những triết gia mà tôi đặc biệt kính trọng, tôi cũng buộc phải bất đồng ý kiến với ông...
  • Tết Nguyên đán

    06/02/2010Đỗ Hoàng LinhLễ tết là một bộ phận đời sống văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Lễ Tết thường tập trung vào thời điểm đầu năm, phù hợp với thời tiết và thời vụ vì thế nó ăn sâu vào ý thức dân tộc...
  • xem toàn bộ