Phỏng vấn một thầy giáo
PV: Thưa anh, theo anh thì biện pháp nào là có ý nghĩa nhất của các vị quản lý giáo dục trong thời gian vừa qua?
Thầy giáo: Biện pháp cân cặp học sinh.
PV: Vậy kết quả sau khi cân là thế nào?
Thầy giáo: Là thấy cặp quá nặng.
PV: Vậy trong ấy chủ yếu là cái gì, thưa thầy? Bánh mì, cơm nắm, bi ve súng cao su hay truyện tranh Nhật Bản?
Thầy giáo: Ồ, chủ yếu là sách giáo khoa.
PV: À, sách giáo khoa là sách phổ biến kiến thức, cần cho học sinh lắm.
Thầy giáo: Chưa chắc. Đôi khi nó cần cho người biên soạn nhiều hơn.
PV: Xin thầy nói rõ ý này?
Thầy giáo: Ý tôi là sự quá phụ thuộc vào sách giáo khoa, có thể là mặt trái của nền giáo dục.
PV: Tại sao?
Thầy giáo: Thứ nhất, những sách ấy, tuy do các vị khả kính biên soạn nhưng, cũng chỉ thể hiện quan điểm của các vị đó mà thôi, trong khi biển kiến thức, như ta đã biết, là mênh mông. Thứ hai, sách giáo khoa không bao giờ tránh khỏi một đặc tính rất cần đề phòng, tính khuôn mẫu sẵn.
PV: Mà trong văn hoá...
Thầy giáo: Có những môn mà sự khuôn mẫu cần phải tránh xa. Ví dụ như môn văn chẳng hạn.
PV: A, chất lượng môn văn hiện nay là một vấn đề nhức nhối, rất đáng được bàn sâu. Theo thầy, tại sao học sinh của chúng ta, một đất nước "nghìn năm văn hiến" lại học văn kém thế?
Thầy giáo: Đầu tiên phải xác định thật rõ, học văn là học cái gì? Tôi cho đó là học 2 thứ: Biết nhận thức cảm xúc của người khác và biết miêu tả cảm xúc của mình.
PV: Mà cảm xúc, như ta đã hiểu...
Thấy giáo: ... Chỉ hình thành khi có những rung động bản thân. Nhà báo biết rằng tại sao phần lớn các nhà văn, đặc biệt là các nhà đại văn hào, đều không tốt nghiệp các trường viết văn chứ? Tại vì những rung động của họ phải đến một cách không thụ động.
PV: Khi ta đưa cho học sinh một tập sách giáo khoa...
Thầy giáo: ... Là ta đã đưa ra một mớ tiêu chuẩn. Mà không phải học sinh thôi đâu, ngay cả các thầy giáo nữa, do lười hoặc kém suy nghĩ, họ có thể không làm gì khác là chỉ "vận dụng" các tiêu chuẩn này. Hậu quả là văn học trở nên khô như ngói...
PV: Bảo tàng !
Thầy giáo: Đâu phải bảo tàng. Ngói chuồng chim. Hãy quan sát một thực tế lạ lùng: trẻ con đọc chuyện thì thích thú nhưng học văn thì nhàm chán. Mặc dù hai thứ đó rất gắn với nhau. Rõ ràng là trong sách, văn học đã bị cắt ra từng miếng và đưa vào đầu lũ trẻ dưới dạng thức ăn khô.
PV: Cái nguyên tắc giáo dục là dạy cách khám phá chứ không phải dạy cách thuộc lòng...
Thầy giáo: Là cực kỳ sâu sắc trong việc giảng dạy môn văn. Ví dụ như có một tiết giảng về Hàn Mặc Tử. Thay vì chỉ có thơ trong sách, ta hãy giao cho học sinh mỗi em tìm lấy một bài, hay chí ít, một đoạn của riêng mình và đọc to lên. Ta trao cho chúng cái "quyền" khám phá.
PV: Trời ơi, như thế có thể làm các nguyên tắc đổ nhào.
Thầy giáo: Chưa chắc. Rất nhiều môn khoa học và nghệ thuật có một đặc tính: chúng toả sáng khi được chạm vào. Nếu các đứa trẻ cảm thấy quá trình học văn là một quá trình tự do tìm hiểu vô bờ thì dần dần chúng sẽ có phản xạ và tiếp thu được một cách thích thú những phản xạ từ các áng văn chương.
PV: Còn nếu như ngược lại...
Thầy giáo: Niềm ham thích văn học trong chúng sẽ trở nên tàn lụi, nó chỉ còn là những quan niệm được "quy định" nên theo.
PV: Anh có thể đưa ra một ví dụ không?
Thầy giáo: Tôi có thể đưa ra ngàn cái. Cách đây ít lâu, trường của con gái tôi, có một buổi thảo luận về nhà văn Anh Charles Dickens. Nó hăm hở tới dự vì có đọc nhiều sách của ông ta, nhưng các thầy cô hôm đó lại mở đầu buổi sinh hoạt bằng cách tuyên bố chỉ thảo luận về những đoạn văn nào đã được in trong SGK. Kết quả là nó ra về mà không nói một câu, mặt lầm lì.
PV: Tại sao lại khôi hài như vậy?
Thầy giáo: Tại vì các giáo viên muốn "bảo vệ" những đứa bé thuộc bài, vốn luôn luôn là số đông. Họ quên béng một điều là nghệ thuật thường đề cao số ít. Rồi sau đó, giáo viên muốn bảo vệ chính mình vì bản thân họ cũng có khả năng không đọc Dickens hơn những gì được trích ra trong sách.
PV: Kinh khủng quá!
Thầy giáo: Thế đấy. Hậu quả là môn văn, môn học theo tôi có khả năng gây thích thú nhất của tuổi thơ, đang biến thành một môn xơ cứng, ngồi trong lớp cho xong. Trong khi các vị đang cãi nhau về từ nọ từ kia trong sách vở thì hàng triệu học sinh hoàn toàn im lặng. Chúng không quan tâm tới những cuộc tranh luận đó, vì "học thuật" của chúng không phải là "học thuật" của các giáo sư. Tính hồn nhiên, tính chủ động đã bị đè bẹp bởi tính thuộc lòng.
PV: Nếu anh là thầy giáo dạy môn văn?
Thầy giáo: Tôi sẽ vào lớp với 2 tay đút túi, rồi từ đó rút ra 2 cuốn truyện tranh. Tôi hỏi học sinh xem có em nào mang cuốn khác không, rồi tôi tổ chức tranh luận xem cuốn của ai vui nhất. Trong quá trình tranh luận ấy, tôi mới giải quyết những vấn đề lý luận.
PV: Nếu anh là giáo viên như thế, ban giám hiệu sẽ có ý kiến ngay.
Thầy giáo: Nhân dân trả lương cho tôi không phải để làm vừa lòng ban giám hiệu, mà để cho con em họ có cảm xúc văn chương. Tôi sẽ thực hiện các tiết của mình phần lớn không phải trong trường mà trong hiệu sách, nơi tôi nêu ra một chủ đề và các em có nhiệm vụ tìm ra những cuốn có liên quan. Tóm lại, tôi biến học thành chơi và biến chơi thành học.
PV: Khi một đứa trẻ tìm ra một cuốn sách hay?
Thầy giáo: Tôi sẽ đọc to lên, rồi tôi khóc. Tôi cho điểm 10 những em khóc to hơn hoặc là khóc một kiểu hoàn toàn mới...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn