Quản lý tài chính từ giác độ nhà quản lý doanh nghiệp

12:00 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Giêng, 1900

Sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng trở nên khốc liệt nhất là khi hiện nay Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO. Hơn bao giờ hết, các nhà quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị kinh doanh cũng như sự am tường về tài chính.

Với tư cách chủ doanh nghiệp, người quản lý có thể thiết kế cho doanh nghiệp mình một bộ máy kế toán - tài danh tinh nhuệ, có thể hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tự mình kiềm soát được tài chính doanh nghiệp vẫn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

1) Có những kiến thức tối thiểu về tài chính

Để có thể quản lý được một đối tượng nào đó, bạn cẩn phải hiểu rõ về đối tượng. Với tài chính doanh nghiệp cũng vậy. Tất nhiên, chủ doanh nghiệp không nhất thiết phải là một chuyên gia về tài chính doanh nghiệp nhưng có lẽ nên là một doanh nhân am hiểu về tài chính doanh nghiệp. Chẳng hạn, một người quản lý doanh nghiệp không thể không biết thế nào và đâu là cách xác định điểm hòa vốn hay cách đánh giá quản lý của một dự án đầu tư, các cách thức huy động vốn và việc áp dụng các cách thức đó trong từng trường hợp cụ thể… Cũng rất nên biết một chút về hệ thống báo cáo tài chính, cách đọc những con số, những chỉ tiêu để biết được tình hình tài chính, đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mình… Những kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp rất sẵn có. Chịu khó đọc, cố gắng hiểu để vận dụng vào thực tiễn, như thế đã là thành công rồi.

2) Chú ý tới cơ cấu vốn, tài sản của doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi “tài sản óc những gì và do đâu mà có?” chính là vấn đề cốt lõi của tài chính doanh nghiệp. Có hai vấn đề người quản lý cần lưu tâm hơn trong quản trị vốn và tài sản của doanh nghiệp, đó là cơ cấu, vòng quay. Cơ cấu tài sản được phản ánh qua các chỉ số: hệ số nợ, tỉ lệ vốn cố định… Tốc độ luân chuyển vốn được thể hiện qua các vòng quay như vòng quay tổng vốn, vòng quay vốn cố định, kỳ thu tiền bình quân… Cơ cấu tài sản còn thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp với các chỉ tiêu như hệ số thanh toán nhanh, hệ số thanh toán hiện thời, hệ số thanh toán nợ dài hạn… Cơ cấu tài sản phải hợp lý và vòng quay ngày càng nhanh càng tốt.

Tính hợp lý của cơ cấu tài sản doanh nghiệp được thực hiện ở một số tuyệt đối cũng như tương đối (tỷ trọng) của từng khoản mục trong bảng tổng kết tài sản. Ví dụ dự trữ tiền mặt hay hàng tồn kho quá mức là không hiệu quả. Tỷ trọng vốn vay trong tổng vốn quá cao sẽ hàm chứa nhiều rủi ro, quá thấp sẽ làm giảm hiệu quả sinh lời của vốn chủ sở hữu… Tất nhiên sẽ không có một cơ cấu, một tỷ trọng “vàng” cho mọi doanh nghiệp. Với mỗi ngành, lĩnh vực kinh doanh và ương ứng với từng thời kỳ khác nhau, cơ cấu và tỉ lệ hợp lý là khác nhau.

Đồng tiền có một đặc điểm nỏi bật là nó sẽ không sinh lời nếu đứng im, chính quá trình vận động của đồng tiền mới làm cho nó sinh sôi, nảy nở. Các cụ vẫn thường nói “đồng tiền trong nhà là đồng tiền chửa, đồng tiền ra khỏi nhà là đồng tiền đẻ”. Do vậy, phải cố gắng để đẩy tốc độ chu chuyển của đồng vốn càng nhanh càng tốt, rút thời hạncủa kỳ thu tiền càng ngắn càng tốt.

3) Lưu ý kiểm soát công nợ, doanh thu, chi phí

Trong kinh doanh ngày nay, chiếm dụng vốn lẫn nhau là điều không tránh khỏi. DO vậy, một mặt doanh nghiệp nên tranh thủ tối đa ưu đãi tín dụng của các bạn hàng (nợ phải trả) nhưng lại cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho khách hàng (nợ phải thu. Trong kiểm soát nợ phải thu có mấy vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất, phải chấp nhận cấp tín dụng cho khách hàng là một trong các thủ pháp kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp nên xây dựng chính sách tín dụng trong từng giai đoạn. Nếu tiềm lực tài chính tốt, doanh nghiệp có thể cấp tín dụng dài hơn, nhiều hơn cho khách hàng như một công cụ cạnh tranh.

Thứ hai, phải phân loại khách hàng (theo tính chất, mức độ tín nhiệm…), xác định hạn mức tín dụng, thời hạn tín dụng cho từng nhóm khách hàng và từng khách hàng cụ thể.

Thứ ba, phải chú ý các cơ sở pháp lý cần thiết để đảm bảo thu được nợ hoặc trong những trường hợp bất đắc dĩ phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp. Các cơ sở đó là hợp đồng, thỏa thuận, chứng từ hóa đơn, xác nhận của khách hàng…

Thứ tư, luôn mềm dẻo nhưng tuyệt đối không nên cả nể. Nên tránh không để mất khách hàng nhưng cũng đừng vì khách hàng mà đánh mất mình.

Bên cạnh kiểm soát công nợ, người quản lý doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý tới việc kiểm soát nội bộ, tránh để nhân viên “qua mặt” hay chí ít thì cũng hạn chế các kẽ hở để phát sinh “lòng tham nhất thời”. Có hai yếu tố mà nhân viên của doanh nghiệp có thể gian dối để trục lợi riêng là: doanh thu và chi phí. Họ có thể giấy bớt doanh thu bằng giá bán, thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà không phản ảnh vào doanh thu của Công ty… và nhiều “manh khóe” khác. Về chi phí, họ có thể đưa thêm vào doanh nghiệp những chi phí ảo bằng cách nâng giá đầu vào, lợi dụng các ưu đãi của doanh nghiệp trong chính sách bán (hoa hồng, chiết khấu, giảm giá... ), kê khống các chi phí bán hàng và chi phí quản lý... Do vậy, phải thiết kế một hệ thống kiểm soát hết sức chặt chẽ, xây dựng các định mức chi tiêu, các quy trình quy chế... đảm bảo hạn chế tối đa thất thoát về tài chính và quan trọng hơn là để giữ nhân viên. Nếu dễ dãi, tạo "cơ hội" để nhân viên hư hỏng thì chính doanh nghiệp đang làm suy yếu đi sức mạnh nguồn nhân lực của chính mình.

4) Sử dụng lợi nhuận tạo ra một cách hợp lý

Khi đã kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền, người ta dễ tự mãn và sẵn sàng "vung tay" một cách hoang phí. Lời khuyên được đưa ra là "hãy quản lý lợi nhuận làm ra của bạn một cách khôn ngoan nhất". Những tỷ phú, những nhà kinh doanh thành đạt thường là những người tiết kiệm, thậm chí chi ly, chắt bóp. Kiếm tiền thì khó chứ tiêu tiền thì cực dễ. Để tạo ra tiềm lực phát triển lâu dài, cần tái đầu tư lợi nhuận kiếm được. Hãy biến nó thành tài sản thay vì chi tiêu vào những tiêu sản. Chúng ta lại có một cặp khái niệm mới: tài sản - tiêu sản. Hiểu đơn giản tài sản hay tích sản là những gì có thể sinh lời, còn tiêu sản là những sản phẩm dịch vụ tiêu dùng, chi là mất (tiêu). Chứng khoán, các khoản đầu tư tài chính, bất động sản, tài sản cố định phục vụ kinh doanh... là những tích sản. Những vật dụng cá nhân xa xỉ, những cuộc ăn chơi theo kiểu "đại gia", những tài sản để phô trương là chính chẳng gắn gì với hoạt động kinh doanh là những tiêu sản... Nếu doanh nghiệp cứ sa đà vào tiêu sản, thậm chí “bóc ngắn cắn dài", ăn cả vào vốn thì rồi sẽ đến lúc sản nghiệp của bạn cũng sẽ đi tiêu.

Kinh doanh là một nghệ thuật và quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản trị tài chính doanh nghiệp, là một phần của nghệ thuật ấy. Đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ, được đầu tư đúng hướng, được chi dùng đúng cách chắc chắn sẽ mang lại nhiều “đồng tiền con" cho doanh nghiệp. Hy vọng là vậy.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: