Quan niệm của người VN về kinh doanh

03:51 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Giêng, 2004

Muốn thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, có hai điều kiện quan trọng. Một là môi trường định chế pháp lý và chính sách của Nhà nước phải minh bạch và nhất quán; Và hai là môi trường văn hóa-xã hội phải thuận lợi, nhất là trong tâm thức và ứng xứ của các tầng lớp dân cư. Nhằm khảo sát về thứ hai này, một cuộc điều tra về nhận thức và thái độ xã hội đối với kinh doanh và doanh nhân đã được tiến hành vào tháng 5-2003 tại TP.HCM trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu xã hội học mang tên "Hoàn thiện và nêu cao hệ giá trị Việt Nam trong văn hóa kinh doanh như một lợi thế của cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế" do Trung tâm khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chủ trì (đề tài do ông Nguyễn Quang Vinh, nghiên cứu viên cao cấp xã hội học, làm chủ nhiệm) cùng với sự phối hợp của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Dưới đây là một số nhận định và phân tích rút ra từ cuộc điều tra này.

Nghề kinh doanh được nhìn nhận và người giàu không còn bị đố kỵ

Kết quả cuộc điều tra cho phép xác nhận rằng tâm lý nhìn nhận vai trò cần thiết và chính đáng của hoạt động kinh doanh đã được khẳng định mạnh mẽ trong ý thức người dân hiện nay, khác hẳn so với thời kỳ chưa đổi mới. Đại đa số những người được hỏi đều cho rằng "kinh doanh là một nghề có ích cho xã hội" (94%), và "kinh doanh cũng là một thứ lao động" (97%). Tâm lý đố kỵ đối với người giàu, vốn phổ biến trong xã hội Việt Nam cổ truyền lẫn trong thời bao cấp trước đây cũng đã bị đẩy lùi rõ rệt: 74% trả lời đồng ý với mệnh đề cho rằng "người biết làm giàu là người đáng quý trọng", và 77% phản đối ý kiến cho rằng "người giàu chẳng bao giờ tốt với người khác".

Cái nhìn đối với doanh nhân: vẫn còn thành kiến

Tuy nhiên, mặc dù đại đa số đã công nhận vai trò của nghề kinh doanh, nhưng một bộ phận dân cư (chiếm khoảng hai phần năm mẫu điều tra) vẫn còn cái nhìn tiêu cực về nhà kinh doanh tư nhân. Chỉ có 59% nhận xét rằng nhà kinh doanh tư nhân hiện nay "nói chung được nhiều người tôn trọng". Vẫn còn 42% cho rằng công ty tư nhân là nơi thường buôn lậu, đút lót, trốn thuế... 35% cho rằng "đa số những người làm ăn bây giờ không biết trọng chữ tín". Vậy nguyên nhân của tâm lý thành kiến này đối với nhà kinh doanh là do đâu? Không phải do quan niệm "sĩ nông công thương". Cho đến nay, nhiều người thường lý giải rằng một trong những cản trở của kinh doanh trong xã hội Việt Nam là do quan niệm "sĩ nông công thương" cổ truyền. Chúng tôi nghĩ rằng không đơn giản như thế.

Nói đến trật tự nông công thương thì mặc dù mặc nhiên bao hàm ý tưởng đưa "sĩ" lên hàng đầu và coi "thương" là ở hạng chót, nhưng trong xã hội Việt Nam cổ truyền, cái trật tự này không mang tính chất đẳng cấp nặng nề như trong các xã hội Â'n Độ hay Nhật chẳng hạn cũng vào thời ấy. Do đó người ta thường nói "trọng nông, ức thương", chứ không nghe ai nói là "trọng sĩ, ức thương" bao giờ! Cũng chính vì thế mà chúng ta mới có những câu nói tương tự như "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông... nhất nông nhì sĩ". Một hệ thống đẳng cấp xã hội chặt chẽ không bao giờ cho phép xuất hiện những câu như thế. Người Việt vốn coi trọng kẻ sĩ, điều này đúng. Nhưng coi trọng kẻ sĩ, coi trọng học vấn, không có nghĩa là đương nhiên coi khinh công thương. Kết quả điều tra cho biết những người muốn cho con cái đi theo những nghề lao động trí óc không hề có tỉ lệ đánh giá tiêu cực về doanh nhân nhiều hơn so với những người có học vấn thấp (các hệ số tương quan gamma đều không đạt mức ý nghĩa thống kê). Như vậy, quan niệm trọng kẻ sĩ không phải là nguồn gốc của thành kiến miệt thị kinh doanh.

Hậu quả của thời bao cấp

Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành kiến đối với nhà kinh doanh tư nhân chính là di sản tâm lý xã hội của thời kỳ quan liêu bao cấp. Xét về mặt kinh tế, một trong những đặc điểm của thời kỳ này là hạn chế các quan hệ tiền tệ. Trên thực tế, người ta đã chuyển từ phương thức trao đổi bằng tiền tệ trở lại phương thức trở lại phương phức trao đổi bằng hiện vật. Ba cuộc đổi tiền trong vòng 10 năm (1975, 1978 và 1985) là một trong những biện pháp điển hình theo hướng đó, gây chấn động về tâm lý và đời sống của người dân vốn đã quen với kinh tế thị trường. Thương nghiệp hồi đó chủ yếu chỉ bao gồm hợp tác xã và thương nghiệp quốc doanh, không có chỗ cho tư nhân. Chức năng của thương nghiệp là "phân phối", và trong kinh doanh, phải lấy phục vụ là chính, chứ không thể "chạy theo lợi nhuận đơn thuần". Nguyên tắc "tiền đẻ ra tiền" bị kết án gay gắt.

Người làm ăn buôn bán tư nhân lúc ấy trở thành đối tượng của những đợt cải tạo. Và kinh doanh không còn được coi là một nghề chính đáng. Hệ quả là triệt tiêu động cơ sinh lời trong xã hội, vì không ai dám nghĩ đến việc sử dụng đồng tiền như một phương tiện sinh lợi, và lại càng không dám làm giàu.

Quan niệm về đồng tiền

Ngoài nguyên nhân vừa nêu, cuộc điều tra đã khám phá ra một nguyên nhân nhận thức dẫn tới thành kiến nói trên, đó là quan niệm khinh miệt đồng tiền. Phần lớn những người còn thành kiến với nhà kinh doanh tư nhân đều cho rằng "người kinh doanh là người chỉ biết chạy theo đồng tiền", và "sống theo nhân nghĩa thì khó mà làm giàu được". Có đến 51% trong mẫu điều tra cho rằng "đồng tiền là nguồn gốc sinh ra tội lỗi". Thực ra, suy nghĩ này không có nghĩa là coi khinh bản thân đồng tiền, mà là e sợ và khinh miệt những hậu quả xấu về mặt xã hội mà quan hệ tiền tệ có thể gây ra.

Trong cuộc sống hàng ngày, nói chung người Việt Nam vốn có một đặc điểm là thường ngại nói chuyện tiền bạc, tất nhiên trừ những lúc giao dịch mua bán. Quan hệ trong gia đình thân thuộc hoặc bạn hữu thân thiết được coi là những quan hệ tình nghĩa, và vì thế ở đây không có chỗ cho chuyện tiền bạc. Khi nói ai làm điều gì đó vì tiền, là nói người đó chẳng màng gì tới tình nghĩa hay đạo lý. Người ta thường coi chuyện tính toán tiền bạc là phàm tục, có cái gì đó thực dụng, không cao quý, đến mức nó có thể đi đôi với tội lỗi. Xét về mặt nhận thức, thái độ khinh miệt đồng tiền xuất phát từ quan niệm đề cao chữ "nhân", chữ "nghĩa", và coi khinh chữ "lợi" trong tư tưởng đạo đức Nho giáo. Mạnh tử từng nói rằng "Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân", nghĩa là muốn giữ đức nhân thì đừng ham giàu, mà hễ làm giàu thì coi như bỏ đức nhân. Thái độ này trong chừng mực nào đó cũng tồn tại trong cả tư tưởng Lão giáo và Phật giáo, cũng như một số tôn giáo khác.

Thực ra, quan niệm khinh miệt đồng tiền cũng có cơ sở lịch sử kinh tế xã hội của nó. Đó là bối cảnh của một xã hội cổ truyền tự cấp tự túc trong qúa trình bị xâm chiếm và từng bước bị giải thể bởi sự tác động của các quan hệ tiền tệ của nền kinh tế thị trường mà Karl Marx và nhà xã hội học Georg Simmel đã phân tích. Trong qúa trình tiền tệ hoá này, người ta cảm thấy các giá trị bị đảo lộn, quan hệ xã hội bị thay đổi, kể cả những quan hệ thân thuộc như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa xóm giềng với nhau... không còn như trước. Vì không hiểu và không thích ứng kịp với quá trình chuyển động xã hội này, nên người ta dễ đi đến chỗ coi đồng tiền chính là thủ phạm của tình trạng rối ren và đảo lộn này. Trong khi đó, đại biểu đầu tiên dễ thấy nhất của quá trình này lại chính là nhà thương buôn. Do đó, cái nhìn về đồng tiền đi đôi với tội lỗi và đối lập với nhân nghĩa đã tất yếu dẫn tới thái độ miệt thị người thương buôn, cũng như thái độ nghi kỵ nghề kinh doanh và doanh lợi phát sinh từ kinh doanh.

Nguyên nhân trực tiếp

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở những nguyên nhân trên đây thì vẫn chưa đủ để giải thích vì sao một mẫu điều tra dân cư ở ngay chính một thủ phủ kinh tế như TP.HCM gần 20 năm sau khi đổi mới vẫn còn một bộ phận mang thành kiến đối với kinh doanh và doanh nhân. Chúng tôi cho rằng còn phải đề cập đến một nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này, đó là điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Môi trường và thể chế pháp lý hiện thời ở Việt Nam chưa phải đã dễ dàng cho hoạt động kinh doanh. Hai phần ba mẫu điều tra cho rằng những người kinh doanh tư nhân hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, và loại khó khăn mà nhiều người đề cập nhất không phải là vốn liếng, kỹ thuật hay kinh nghiệm, mà là chính sách và cách quản lý của Nhà nước.

Môi trường kinh doanh hiện nay không thực sự thuận lợi cho những người có tài, có khả năng, mà chỉ khuyến khích những người "quan hệ" giỏi. Có 57% cho rằng "trong kinh doanh, quen biết rộng nhiều khi quan trọng hơn là năng lực", và 41% cho rằng "không biết nhờ vả, chạy chọt thì chẳng làm được gì hết". Điều không bình thường và cũng không lành mạnh là sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế - xã hội này đang phụ thuộc nặng nề vào khả năng nhờ vả, chạy chọt, chứ không phải vào tài năng của nhà kinh doanh và nội lực của doanh nghiệp. Xoay xở vất vả nhất đối với doanh nghiệp không phải là trong quan hệ giao dịch trên thương trường, mà lại là trong quan hệ với chính các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng vì môi trường khách quan còn nhiều bất trắc do chính sách không ổn định, không minh bạch, gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh tư nhân, nên phần lớn những người được hỏi trong cuộc điều tra vẫn còn tâm lý muốn cho con cái đi làm cho khu vực nhà nước hơn là tư nhân, và mong cho chúng đi theo những nghề lao động trí óc hơn là những nghề kinh doanh, buôn bán. Chính môi trường ấy là cơ sở kinh tế - xã hội tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố thành kiến của người dân đối với kinh doanh.

Vì thế, theo chúng tôi, không phải là nhận thức của người dân, mà chính là các định chế và chính sách của Nhà nước mới đóng vai trò quyết định đối với ứng xử kinh tế và tinh thần khởi nghiệp của người dân, cũng như đối với công cuộc canh tân và khuếch trương kinh tế.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: