Quyền hạn: cái gốc của "3 không"

03:23 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

“Tham nhũng càng chống càng tăng”. Nhiều người đã nhận định bi quan và không đúng với thực tế như thế, vô tình phủ nhận sự cần thiết của cuộc chiến này. Nhận định đúng phải là “càng chống càng phát hiện nhiều vụ tham nhũng”, với qui mô càng lớn, chủ thể càng cao (đã có cả quan chức cấp tỉnh, cấp bộ).

Nhận định này dựa trên cơ sở phân biệt thời điểm tham nhũng diễn ra và thời điểm phát hiện, xử lý. Nhiều vụ nay mới phát hiện được nhưng lại xảy ra từ nhiều năm trước. Mà phát hiện được là nhờ có cuộc chiến chống tham nhũng. Cho nên phát hiện được nhiều vụ tham nhũng phải coi là kết quả, dù đó chưa là kết quả cuối cùng, chứ không thể coi là hậu quả. Nhận định như vậy vừa có tác dụng động viên, vừa cho thấy tệ tham nhũng ở ta vẫn còn là phổ biến và chưa có dấu hiệu chuyển biến theo hướng thuyên giảm.

Theo dõi quá trình thảo luận dự luật phòng chống tham nhũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua có thể thấy tư duy về phòng chống tham nhũng hầu như vẫn theo đường mòn: biện pháp này không cho kết quả mong muốn lại thêm biện pháp khác chồng lên, chưa thấy kiểm điểm và phân tích sâu sắc nguyên nhân của tình trạng cuộc chiến phòng chống tham nhũng vẫn ở thế giằng co và các cơ quan chống tham nhũng hầu như vẫn ở thế thụ động.

Chúng ta đang làm Luật phòng chống tham nhũng. Việc này có thể là cần thiết, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng chưa ngăn chặn được tham nhũng là do thiếu luật. Ta đã có pháp lệnh chống tham nhũng, tuy chưa hoàn thiện theo nhận thức hôm nay, song như thế là đã có pháp luật chống tham nhũng. Vấn đề là thi hành không nghiêm. Điều này không thấy kiểm điểm và qui trách nhiệm.

Quá trình thảo luận dự luật phòng chống tham nhũng tại Quốc hội cho thấy khá nhiều điều đã được qui định trong pháp lệnh nhưng nay vẫn phải bàn thảo lại, nhất là vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, tức là chưa được thi hành. Nếu tình trạng thi hành luật, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội, vẫn như tình trạng thi hành pháp lệnh lâu nay thì khó có hi vọng chặn đứng và loại trừ được tham nhũng.

Lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng có thể là cần thiết, nhưng ta đã từng có ban chỉ đạo chống tham nhũng do một ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng và là Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Trong khi đó vẫn có cả một hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật (thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án, chưa kể các cơ quan kiểm tra của Đảng và của các đoàn thể). Và việc bố trí những người tài đức vào những cơ quan này luôn được đặt ra như đang được đặt ra với cơ quan chuyên trách chống tham nhũng dự kiến thành lập. Vậy mà kết quả chống tham nhũng vẫn chỉ như chúng ta đã thấy.

Như đã tổng kết, phần lớn các vụ tham nhũng được phát hiện là từ quần chúng nhân dân. Vậy là hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật và cả cơ chế quản lý hiện hành bất lực trong phòng chống tham nhũng. Vấn đề này cũng chưa được phân tích và kết luận. Và bởi thế mà vấn đề lập thêm một cơ quan chống tham nhũng trùm lên hệ thống bảo vệ pháp luật hiện hành chưa có sự nhất trí cao tại Quốc hội.

Tư duy về phòng chống tham nhũng vẫn theo đường mòn còn biểu hiện ở chỗ chưa đặt vấn đề phòng chống từ gốc, chỉ đích danh miếng đất phát sinh tham nhũng. Tham nhũng chỉ có thể xảy ra ở các cơ quan công quyền vì chỉ kẻ có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Vậy biện pháp phòng chống tham nhũng phải đặt ra ngay từ đấy: hạn chế quyền lực. Ngôn ngữ VN có một từ rất hay: quyền hạn.

Nghĩa chính của từ này là quyền, song quyền lại đi liền với “hạn”. Phải chăng người tạo ra từ này muốn nhắc nhở về sự cần thiết phải hạn chế quyền. Quyền mà vô hạn thì dễ nảy sinh lạm quyền, mà tham nhũng là một biểu hiện. Cho nên chỉ riêng việc hạn chế quyền lực của người có quyền đã hạn chế điều kiện nảy sinh tham nhũng. Đó chính là biện pháp phòng rất cơ bản vì phòng ngay từ gốc.

Trong quá trình thảo luận về phòng chống tham nhũng dần hình thành khái niệm cơ chế “3 không”: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, không thể tham nhũng. Hạn chế quyền lực chính là phần quan trọng nhất của cơ chế “không thể tham nhũng”. Không có quyền làm sao tham nhũng được. Ít quyền làm sao tham nhũng nhiều. Tiếc rằng vấn đề này hầu như chưa được đề cập khi thảo luận về chống tham nhũng, trong khi nó đang là một vấn đề bức xúc không chỉ để phòng chống tham nhũng, mà cả để đẩy mạnh cải cách hành chính và nếu nói rộng hơn là để đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, bảo đảm đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được tiến hành song song trong mối quan hệ tác động lẫn nhau.

Thật vậy, qua quá trình 20 năm chuyển đổi, nền kinh tế nước ta không còn là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp nữa mà đã trở thành nền kinh tế thị trường. Do đó bây giờ Nhà nước không còn bao biện làm thay dân như xưa nữa mà chỉ quản lý vĩ mô, không trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh tế của dân và doanh nghiệp. Dân và doanh nghiệp có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Còn quan chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Đó là chân lý đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng đưa vào cuộc sống còn đầy rẫy vướng mắc, khó khăn. Quyền của dân hầu như vô hạn, chỉ trừ những điều cấm.

Còn quyền của quan lại có hạn, chỉ trong những điều được phép. Làm được như vậy, các cơ quan nhà nước sẽ không còn sa vào xử lý hàng ngàn vạn sự việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, mà tập trung vào việc xây dựng pháp luật, giám sát thi hành và xử lý vi phạm pháp luật. Tóm lại là xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho theo nghĩa dân và doanh nghiệp xin và quan chức cho, phương thức quản lý điển hình của kinh tế bao cấp. Giảm quyền của quan, tăng quyền của dân, cơ hội tham nhũng tự nhiên sẽ giảm hẳn. Cũng có thể đảo vế cơ chế xin - cho theo nghĩa quan xin (quyền), dân và doanh nghiệp cho (thông qua cơ quan lập pháp).

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Pháp luật – Tài sản tinh thần của nhân dân

    21/02/2014Nguyễn Trần BạtXuất phát từ đòi hỏi xã hội phải được điều chỉnh bởi những quy tắc nhất định, pháp luật đã ra đời. Bản chất của pháp luật là các khế ước xã hội, tức là kết quả của sự thỏa thuận của mọi người. Nếu thỏa mãn điều kiện này, sự tự nguyện nhượng bớt một phần tự do cá nhân sẽ đưa đến sự hình thành của nền dân chủ ở đó, tự do không chỉ đơn thuần là tự do bản năng mà sẽ có chất lượng cao hơn, tức là tự do mang trong mình sự hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và ở mức độ cao hơn nữa, tự do như là, phát triển...
  • Tham nhũng và tham nhũng tinh thần

    29/11/2011Nguyễn Trần BạtNếu như chống tham những vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũnng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.”
  • Giải pháp góp phần tích cực phòng và chống tham nhũng

    17/08/2005Trọng DânCó thể nói, nếu luật về phòng và chống tham nhũng, lãng phí ra đời, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, một "đòn phép" tối hậu...
  • Xoá bỏ những lãnh địa riêng

    19/07/2005Luật gia Cao Bá KhoátTrước hết, cạnh tranh có ý nghĩa nhân văn vì cạnh tranh thì người tiêu dùng được lợi, doanh nghiệp phải điều tiết lợi ích, chia sẻ cho người tiêu dùng. Có cạnh tranh thì phải có biện pháp chống độc quyền. Vì độc quyền thì người tiêu dùng bị coi rẻ, cạnh tranh thì khách hàng là thượng đế, được doanh nghiệp chăm sóc tận tình.