Quyền tự do với hai ngày không tin nhắn

10:00 SA @ Thứ Ba - 04 Tháng Năm, 2010

Chủ Nhật vừa qua không có tin nhắn hóa ra lại vô cùng dễ chịu. Các em đã hết sức ngạc nhiên khi làm bài tập rất nhanh, không bị phân tâm bởi những màn hình vi tính với ô cửa sổ chát luôn mở, kiểm tra Facebook liên tục, hay trả lời hàng trăm tin nhắn vẫn nhận hàng ngày.

Julia Sokoloff, 14 tuổi, thức dậy vào một buổi sáng Chủ nhật và đưa tay với chiếc điện thoại theo kiểu những tay nghiện thuốc lá nặng với bao thuốc, trước cả khi hoàn toàn tỉnh táo. Cô bé gửi đi một tin nhắn về buổi tập kịch, và đúng lúc đó mới chợt nhớ ra.

"Khôôông!" cô hét lên, chạy vào phòng em trai Gabriel của mình và ném chiếc điện thoại về phía cậu: "Cầm lấy!"

Đó là giờ đầu tiên trong ngày đầu tiên của một thử nghiệm kéo dài trong 2 ngày tại trường trung học Riverdale Country: một cuộc sống không có tin nhắn. Julia - nữ sinh lớp 8, đã vi phạm điều kiện của thí nghiệm, chỉ vì quên!

Nếu những người lớn được coi là có trách nhiệm mà vẫn vừa lái xe vừa nhắn tin ngay cả khi có một cậu bé 11 tuổi ngồi sau, thì Gabriel, vốn ấp ủ mong ước được đòi hỏi người khác từ lâu mà chưa được, thì bây giờ không đời nào chịu rời nhiệm vụ giữ điện thoại cho chị. (Vài giờ sau, khi Julia nài nỉ lại chiếc điện thoai, cậu bé đã quả quyết: Không, không được.)

Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Maryland đưa ra báo cáo rằng những sinh viên đại học lúc mới cắt đứt với mạng xã hội cũng có biểu hiện giống như những con nghiện ma túy khi cắt thuốc đột ngột. Vậy thì làm sao các em học sinh trung học vẫn có thể học tốt được khi chúng ở vào hoàn cảnh tương tự? Đó là chưa kể việc tư duy của các em còn chưa phát triển hoàn chỉnh, ở tuổi mới lớn, em nào cũng khao khát khẳng định mình.

Đến giữa ngày thứ Hai, sau ba phần tư thời gian cuộc thí nghiệm tại Riverdale, nhiều học sinh tụ tập lại để thảo luận xem họ cảm thấy thế nào. Không ai trông nhợt nhạt hay xanh xám cả; cũng không ai có biểu hiện co giật.

Cố vấn của trường, K C Cohen, đã phát cho mỗi người một bảng hỏi để trả lời. Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Khi cảm thấy muốn nhắn tin hay chát chít, đó có phải vì em cần nói chuyện với ai đó ngay lập tức không? Hay chỉ là để giữ liên lạc thông thường?

"EM MUỐN THẾ!" Zachary Riopelle, một cậu bé 13 tuổi học lớp 7 trả lời. Cậu bé còn gạch chân câu trả lời của mình.

Thí nghiệm của trường Riverdale yêu cầu các học sinh tự nguyện tham gia không được gửi tin nhắn, chat chít, hay dùng Facebook cho đến hết buổi tối thứ Hai. Đây là ý tưởng của Cohen, cô viết trong một bức thư giải thích mà hiệu trưởng trường đã gửi cho các bậc phụ huynh:" Chúng ta hãy xem liệu các em ấy có tìm ra những cách dễ dàng để tự giải quyết các thử thách thông thường về mặt xã hội đối với lứa tuổi mới lớn hay không?"

Cô Cohen nói trong một cuộc phỏng vấn: Việc trao đổi tin nhắn tức thời giữa trẻ em và cha mẹ đã tạo nên nhiều kỳ tích trong giao tiếp, nhưng ở một số khía cạnh khác nó cũng gây ra những hậu quả không tốt.

"Khi bọn trẻ không làm được làm bài kiểm tra ở trường, chúng thường lập tức trốn vào nhà vệ sinh để nhắn tin cho bố mẹ. Chẳng có lý do gì khiến bọn trẻ phải trải qua những cảm nhận đó cả. Việc này giống như dùng một miếng băng gạc tạm thời."

Thí nghiệm lần này đã giúp Kayla Waterman, một cô bé 12 tuổi học lớp 6, nhận ra ưu điểm khi nhắn tin so với gọi điện. Vào buổi sáng thứ Hai, thay vì nhắn tin, Kayla gọi cho mẹ mình để nói rằng có "rất nhiều xe cứu hỏa ở trường học." Nhưng rồi cô bé lại gọi ngay lần nữa: "báo động nhầm - chỉ là tập dượt cứu hỏa. "Em có thể thấy là mẹ đã hơi khó chịu vì em cứ gọi quá nhiều," Kayla nói.

Khi được hỏi mỗi ngày cô bé thường nhắn tin cho mẹ bao nhiêu lần trong lúc ở trường? - Khoảng 10 lần, Kayla trả lời. Một người bạn của cô bé cũng gật đầu đồng tình.

Những ranh giới giữa công việc và gia đình đã bị loại bỏ từ lâu, thế nên có lẽ chẳng có gì quá ngạc nhiên khi điều đó cũng xảy ra với trường học và gia đình. Tuy vậy, chúng ta có thể chắc là 20 năm trước thì chẳng có học sinh trung học nào lại phải cầu viện mẹ mình đến 10 lần chỉ trong khoảng thời gian 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Có một điều rất rõ là, nó tạo ra không gian riêng cần thiết để một đứa trẻ ở tuổi mới lớn có thể tự do vui chơi hoặc cố gắng hòa đồng cùng bạn bè - một nới mà ở đó, đứa trẻ có thể tìm ra mình là ai, và tìm thấy con đường mà nó muốn theo đuổi trong tương lai.

Các học sinh của trường Riverdale đều thừa nhận ngày Chủ Nhật không có tin nhắn vừa qua hóa ra lại vô cùng dễ chịu. Các em đã hết sức ngạc nhiên khi thấy mình làm xong bài tập về nhà rất nhanh, không bị phân tâm vì những màn hình vi tính với ô cửa sổ chát luôn mở, kiểm tra Facebook liên tục, hay trả lời hàng trăm tin nhắn vẫn nhận được hàng ngày.

Kayla và mẹ cùng đi tản bộ ở SoHo, một chuyến dã ngoại hiếm hoi mà cả hai mẹ con cùng không động vào máy tính. Zachary nói:" Em đã phải kiếm việc gì đó để làm," và cuối cùng thì ngồi xem một bộ phim với mẹ.

Không đến một nửa trong số 250 học sinh trung học ở Riverdale tham gia vào thí nghiệm này, nhưng bản thân Julia thì thấy nó rất giá trị. Trong số những điều em nhận ra sau 2 ngày thí nghiệm có cả ánh mắt đầy ghen tỵ của bố khi chỉ vào chiếc điện thoại BlackBerry. Ông nói:" Bố sẽ từ bỏ mọi thứ để có thể bỏ cái của nợ này đi."

Julia nhận ra rằng, may mắn hơn ông bố, em có được thứ tốt nhất của thời niên thiếu. Đó là TỰ DO.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: