Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

09:10 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Mười Hai, 2005

Sáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...

Đây là 3 tác phẩm có giá trị học thuật cao nằm trong hệ thống 500-1.000 tác phẩm sẽ được dịch và xuất bản trong Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới. Các tác phẩm này góp phần phổ biến tri thức khoa học và công nghệ được đông đảo giới tri thức trong và ngoài nước quan tâm.

Cuốn Thế giới như tôi thấy tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của một trong những con người vĩ đại nhất thế kỷ XX- Albert Einstein. Tất cả những bài viết trong cuốn sách này đều là nguyên bản, trong đó có những bài viết rất công phu, dày dặn nhưng cũng có những bài viết rất ngắn hoặc đôi khi chỉ là những lời bông đùa, ngẫu hứng được viết bởi một con người dành cả đời mình để cống hiến cho chân lý trong khoa học, cho cái thiện và cái đẹp trong cuộc sống. Việt Nam có nhiều sách viết về Albert Einstein nhưng cuốn sách do chính tay nhà khoa học viết thì vẫn thiếu. Cuốn sách ra đời đúng dịp kỷ niệm 100 năm thuyết tương đối và 50 năm ngày mất của Albert Einstein.

Cuốn Bàn về tự do đề cập đến vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và xã hội. Tác phẩm toát lên quan điểm của tác giả John Stuart Mill, rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân. John Stuart Mill bảo vệ quyền của các cá nhân để họ được ''sống hạnh phúc theo ý của họ hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh''. Lý tưởng của tác giả là đem lại sự tự do cho từng người để có được sự phồn vinh của tất cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội.

Cuốn Những cuộc đời song hành của Plutarque là tác phẩm đồ sộ nhất về nền văn minh Hy Lạp- La Mã cổ đại. Ý tưởng của Plutarque là xây dựng các cặp nhân vật song song, có phân tích đối chiếu với nhau bằng một bài so sánh đặt ở sau mỗi cặp nhân vật với mục đích chủ yếu đưa ra các bài học vì tác giả không chỉ là một nhà văn, nhà sử học mà còn là nhà đạo đức học. Qua cuốn sách, ngoài việc hiểu biết về nên văn mình Hy Lạp- La Mã, độc giả sẽ hiểu thêm về cội nguồn chủ nghĩa duy lý của phương Tây.

Mỗi năm, với sự hỗ trợ của Quỹ dịch thuật Việt Nam, NXB Tri thức sẽ xuất bản 50-70 tác phẩm. Các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, việc dịch và xuất bản các tác phẩm có giá trị của thế giới là một trong những cách thức hữu hiệu để truyền tải tư tưởng văn minh nhân loại nhanh chóng và chính xác đến giới tri thức và đông đảo bạn đọc, phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa đất nước trong quá trình hội nhập.

Trong thời gian tới, dự kiến triển khai và xuất bản các tác phẩm như: Nhà nước lý tưởng của Platon; Bàn về chính trị của Aristotle; Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học của Thomas S. Kuhn; Các quy tắc của phương pháp xã hội học của Emile Durkheim; Bách khoa thư các khoa học triết học của Hegel; Các bài viết ngắn của Kant về chính trị của Immanuel Kant; Hai khảo luận về chính quyền của John Locke; Súng, vi trùng, thép: định mệnh của các xã hội loài người của Jared Diamond; Các đại triết gia của Karl Jaspers; Nguồn gốc các loài của Darwin...

GS. TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch Liện hiệp các hội KHKT Việt Nam cho biết, hiện nay Quỹ Dịch thuật Việt Nam và Ban Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới đang rất cần những đóng góp về ý tưởng, nội dung, kế hoạch và các họa động của dự án; những đề xuất các sách cần dịch hoặc gửi bản thảo để xem xét, xuất bản; trực tiếp đăng ký dịch hoặc hiệu đính và tài trợ cho quỹ.


1.000 đầu sách khoa học kinh điển trong 10 năm(theo Nhân Dân online)

Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới là sáng kiến của Nhà xuất bản Tri thức nhằm giới thiệu những kiến thức cơ bản nhất của kho tàng trí tuệ nhân loại. Mục tiêu của dự án là dịch và xuất bản 500-1.000 tác phẩm có giá trị trong hệ thống tư tưởng thế giới.

Danh mục các tác phẩm thuộc tủ sách đang được xây dựng và sẽ công bố rộng rãi. Thời gian dự định triển khai dự án là 5-10 năm, trong đó 5 năm đầu tiên sẽ hoàn tất việc dịch và xuất bản các tác phẩm cơ bản nhất. Dự kiến chi phí cho toàn bộ dự án là khoảng 35 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ của nhà nước chỉ chiếm một phần mười.

Sau ba tháng triển khai, tại buổi ra mắt, Nhà xuất bản Tri thức đã công bố ba cuốn sách đầu tiên của tủ sách này, đó là: “Những cuộc đời song hành” của Plutarque, “Bàn về tự do” của John Stuart Mill và “Thế giới như tôi thấy” của Albert Einstein.

Trong đó, cuốn “Thế giới như tôi thấy” được xuất bản với sự giúp đỡ của Viện Goeth – Hà Nội. Cuốn sách tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein. Ở Việt Nam đã có nhiều cuốn sách viết về Albert Einstein, nhưng đây là cuốn đầu tiên do chính nhà khoa học viết ra.

Ông Augustin, Viện trưởng Viện Goeth nói: Lần đầu tiên gặp TS vật lý Chu Hảo và được nghe kể về việc thành lập Nhà xuất bản Tri thức nhằm giới thiệu các tinh hoa thế giới vào Việt Nam, tôi đã rất hoan nghênh và sẵn sàng ủng hộ ý định tốt đẹp đó. Về cuốn “Thế giới như tôi thấy”, ông cho biết đối với Viện Goeth, đây thực sự là một niềm vui và vinh hạnh khi một trong những cuốn sách xuất bản đầu tiên của Nhà xuất bản Tri thức là tác phẩm rất nổi tiếng của văn hóa Đức.

Giám đốc Chu Hảo cho biết nhà xuất bản sẽ in 6-7 cuốn trong năm nay. Từ năm 2006, dự kiến mỗi năm sẽ xuất bản 50-70 đầu sách cho tủ sách này.

Sẽ công bố website “Bản đồ tri thức thế giới”
Nhà xuất bản Tri thức dự định sẽ lập Bản đồ những cuốn sách quan trọng nhất của kho tri thức nhân loại để công bố trên internet.
Bản đồ này nhằm cung cấp cho các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh và người đọc Việt Nam về một kho tri thức cơ bản của nhân loại. Bản đồ sẽ đánh dấu những mốc tri thức người Việt Nam đã tiếp thu được giúp người xem có thể hình dung một cách tổng thể. Đồng thời, bản đồ sẽ giúp các dịch giả trong việc tránh dịch trùng lặp các cuốn sách và tham khảo những bản dịch cũ nếu có ý định dịch mới.
TS Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ VH-TT cho rằng, mục tiêu 1.000 cuốn sách khoa học kinh điển trong 10 năm, cùng với nhiệm vụ xuất bản nhiều loại sách khoa học khác là một ý tưởng táo bạo nhưng hứa hẹn sẽ thành công.

Khuyến khích khả năng sáng tạo bằng Quỹ dịch thuật

Ông Chu Hảo cho biết, hiện nay nhuận bút dịch ở Việt Nam quá thấp, không khuyến khích khả năng sáng tạo của người dịch. Vì thế, Nhà xuất bản đã thành lập Quỹ dịch thuật Việt Nam để tài trợ cho việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị lớn trong tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới. Những người được quỹ tài trợ sẽ được trả 5 triệu đồng/người/tháng để chuyên tâm vào việc dịch thuật.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, quỹ tìm kiếm sự tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và lợi nhuận từ việc kinh doanh sách đã được quỹ tài trợ dịch.

Quỹ đã gửi thư ngỏ đến các cá nhân và tổ chức quan tâm đến việc dịch thuật kêu gọi sự đóng góp về ý tưởng, nội dung, kế hoạch và các hoạt động của tủ sách; đề xuất các sách cần dịch hoặc gửi bản thảo để xem xét xuất bản; trực tiếp đăng ký dịch, hiệu đính; tài trợ cho một cuốn sách, một bộ sách hoặc đóng góp cho quỹ.

Ông Hảo cho biết quỹ khuyến khích tất cả trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước có vốn ngoại ngữ và am hiểu về khoa học tham gia dịch thuật.

Quỹ ưu tiên những dịch giả đăng ký dịch những tác phẩm đã có trong danh mục các tác phẩm thuộc Chương trình dịch thuật hàng năm do Ban dự án Tủ sách Tinh hoa hoa tri thức thế giới phê duyệt. Trường hợp sách không có trong chương trình dịch thuật, quỹ sẽ tham khảo ý kiến đánh giá của các nhà khoa học về giá trị của tác phẩm và có quyết định về hình thức hỗ trợ nếu tác phẩm phù hợp với mục đích của dự án.

Cần có hướng đi riêng cho sách khoa học

TS Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ VH-TT cho biết, Việt Nam hiện đã có rất nhiều NXB trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, nhưng đây là NXB đầu tiên thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nhã, mảng sách về khoa học kỹ thuật đã được rất nhiều NXB khai thác. Vì thế, NXB Tri thức sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn, nên sách phải có đặc trưng riêng. Ngoài sách khoa học thế giới mang tính hàn lâm, NXB Tri thức cũng nên quan tâm đến sách phổ biến khoa học kỹ thuật phổ thông.

Ông Nhã góp ý, NXB cần tuyển chọn một đội ngũ biên tập viên giỏi. Sách dịch phải có chất lượng cao. Cần thu hút nhiều hơn nữa nguồn chất xám của giới trí thức và học thuật trong và ngoài nước. Và quan trọng hơn cả là gây được sự chú ý với người đọc để có một chỗ đứng ổn định trong thị trường sách.

Ông Nhã cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có 52 nhà xuất bản, trong đó có 4 nhà xuất bản mới ra đời sau khi Luật Xuất bản có hiệu lực. Tri thức là nhà xuất bản mới nhất trong số đó.

Hằng năm, thị trường sách Việt Nam cho ra mắt 200.000 đầu sách với 300 triệu bản. So với thế giới, số lượng đầu sách ở Việt Nam không phải là ít, nhưng số bản in trên mỗi đầu sách thì còn thấp.

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 800Mb thông tin cho mỗi người/năm

    22/05/2015Phan Khương (theo BBC, InfoTech)Sự phát triển của Internet, máy tính và điện thoại đã khiến lượng thông tin mà con người tạo ra và sử dụng tăng với tốc độ chóng mặt. Công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) cho thấy thế giới hiện đại đang "chìm" trong một biển dữ liệu...
  • Sách là thức ăn không thể thiếu của trí tuệ

    24/08/2005Hiền ChươngĐó là lời mở đầu của Tiến Sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội với tạp chí Sách & Đời sống xung quanh đề tài sách và cuộc sống hôm nay...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • Làm giàu nhờ làm sách

    09/07/2005Nguyễn ChươngMột lần khi hay tin một người quen phải nằm bệnh viện, Nguyễn Văn Phước vào thăm và món quà đem theo là cuốn sách Hạt giống tâm hồn. Những trang sách ấy khiến người bạn nguôi ngoai nỗi phiền muộn, rồi lại tươi cười, một thời gian sau xuất viện.
  • Văn hoá đọc trong thời đại thông tin

    13/01/2004TS. Phạm Văn TìnhSách vẫn là một kho tàng tri thức không thể thiếu được trong cuộc sống, mặc dù thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện nghe - nhìn và mạng Internet đã làm giảm phần nào sự hứng thú đọc sách như trước. Bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Tình thêm một lần lý giải về vấn đề này...

Nội dung khác